Khi nhà văn ‘kiểm duyệt’ chính mình

Thứ ba - 17/04/2012 05:24 4.348 0

Những tiểu thuyết nổi tiếng của Franz Kafka như “Vụ án” hay “Biến dạng” đã được người bạn thân Max Brod “cứu sống” nhờ không thực hiện yêu cầu trong di chúc của nhà văn. Ảnh: Telegraph.

Những tiểu thuyết nổi tiếng của Franz Kafka như “Vụ án” hay “Biến dạng” đã được người bạn thân Max Brod “cứu sống” nhờ không thực hiện yêu cầu trong di chúc của nhà văn. Ảnh: Telegraph.
Gerard Hopkins ném bản thảo vào lửa, Franz Kafka di chúc yêu cầu bạn hủy mọi bản thảo của mình, Mark Twain từ chối tác phẩm vì xấu hổ… Công việc “kiểm duyệt” nhiều khi không cần đến các cơ quan chức năng.

Ở phương Tây, người ta thường chứng kiến nhiều nhà văn đứng lên chống lại các quyết định cấm đoán, tịch thu sách của nhà cầm quyền. Nhưng trái lại, có những nhà văn tự ngăn chặn sự nghiệp sáng tác của chính bản thân mình.

Hình thức đơn giản nhất của việc nhà văn tự kiểm duyệt là không viết ra những ý tưởng trong đầu, không tạo nên tác phẩm và vì thế không cần mất công phải hủy tác phẩm về sau. Thực tế, cũng có những tác giả mà công chúng rất hy vọng họ thực hiện “tự kiểm duyệt” theo kiểu này.

Khi ý tưởng được cụ thể hóa bằng tác phẩm, xuất bản hay chưa xuất bản, tình hình trở nên phức tạp hơn. Thường, chúng ta không thể biết về những trường hợp tự hủy sách thành công, vì hiện vật đã bị hủy rồi còn đâu?

Có vài trường hợp tác phẩm may mắn được lưu giữ, nằm ngoài ý muốn của tác giả. Virgil, một nhà thơ lớn của La Mã cổ đại, đã qua đời trong thời gian biên tập tác phẩm “Aeneid” vào năm 19 trước Công nguyên. Ông viết tác phẩm này trong 10 năm cuối đời. Trước khi chết, Virgil yêu cầu thiêu hủy mọi bản thảo chưa hoàn thành của mình. Nhưng Hoàng đế Augustus đã bác bỏ yêu cầu này, và đây cũng là một trường hợp hiếm trong lịch sử khi một nhà vua ủng hộ chứ không đàn áp văn học.

Khoảng hai thiên niên kỷ sau đó, Franz Kafka yêu cầu người thực thi di chúc Max Brod hủy mọi bản thảo của ông. Brod đã không làm theo, và nhờ đó văn học thế giới có cơ hội ghi danh một nhà văn vĩ đại.

Điều gì khiến nhà văn đòi hủy bản thảo để đổ cả sự nghiệp sáng tác của mình xuống sông xuống biển? Thất vọng trong việc tìm kiếm sự hoàn hảo siêu việt? Mong muốn “được” lãng quên? Đồng thời, chúng ta có thể đặt câu hỏi, nhà văn đòi hủy tác phẩm, nhưng họ có thực sự muốn như vậy không? Kafka đã nhiều lần định tự ném bản thảo vào lửa, nhưng rồi lại không làm, sau đó ông di chúc cho người khác làm.

Câu trả lời là có với trường hợp Gerard Manley Hopkins, nhà thơ Anh thế kỷ 19. Sinh năm 1844, ông sớm thể hiện tài năng thơ ca, nhưng sau khi trở thành thầy tu dòng Tên vào năm 1868, ông đã không thể lấy lại niềm tin và cảm hứng sáng tác, cuối cùng bỏ cuộc và ném toàn bộ bản thảo vào lửa. Năm 1872, ông lấy lại tinh thần, nhưng về sau sáng tác rất ít và hầu hết được xuất bản sau khi ông chết.

Mark Twain thời trẻ từng viết một tác phẩm khiến Mark Twain lừng danh sau này phải hổ thẹn và chối bỏ. Ảnh: LATimes.

Tôn giáo lại là động lực trong một trường hợp khác. Văn hào Nga Nikolai Gogol nổi tiếng với kiệt tác “Những linh hồn chết”. Cuốn sách là một thành công lớn về thương mại và nghệ thuật, nhưng điều đó vẫn chưa đủ đối với nhà văn. Ông dự định viết thêm hai tập khác, tạo thành bộ ba tiểu thuyết “Những linh hồn chết”, và qua bộ tác phẩm này, Gogol - người bị kìm kẹp bởi niềm tin tôn giáo - hy vọng mình sẽ cứu rỗi nước Nga. Sau đó, một linh mục thân thiết với Gogol đã nói với ông rằng bất cứ thứ gì không liên hệ trực tiếp đến Giáo Hội Chính Thống Nga đều là tội lỗi và khuyên nhà văn thiêu hủy bản thảo tập hai của “Những linh hồn chết”. Gogol đã làm theo, vào 3h sáng ngày 24/2/1852 ở Moscow. Sau việc này, nhà văn tuyệt thực và qua đời.

Nhà văn có thể hủy tác phẩm vì lòng tự tôn, niềm tin tôn giáo hoặc chứng rối loạn thần kinh (thứ mà nhiều thiên tài mắc phải). Nhưng cũng rất thường xuyên, lý do đơn giản chỉ là họ viết ra thứ gì đó đáng xấu hổ. Nhà thơ Anh Philip Larkin đã yêu cầu hủy nhật ký của mình sau khi chết, và may mắn được như ý. Đó là với trường hợp viết tay. Chuyện trở nên phức tạp hơn với văn bản in. Mark Twain đã dành nhiều thập kỷ tránh né nói về một cuốn tiểu thuyết dâm dục do ông viết nhưng không ký tên vào năm 1880. Sau một phần tư thế kỷ trốn tránh, cuối cùng ông đã thừa nhận “đứa con rơi” vào năm 1906.

Không nghi ngờ gì cả, có rất nhiều nhà văn đã “kiểm duyệt” chính mình. Trong thời đại công nghệ, sẽ khó hơn cho một tác giả khi muốn che giấu tác phẩm của mình, bởi với bản thảo số, việc truyền bá sẽ dễ dàng hơn nhiều và, cũng thật khó để đốt một bản thảo số.

Tác giả: Pham Mi Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây