Đời và thơ Phùng Khắc Khoan

Chủ nhật - 03/04/2011 04:26 7.714 0

Đời và thơ Phùng Khắc Khoan

Phùng Khắc Khoan (1528-1613), tự Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham Tử, thường gọi Trạng Bùng. Quê ở làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Phùng Khắc Khoan từng theo học bậc phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

Bấy giờ nhà Lê chính thống bị nhà Mạc đánh đuổi nên ông không chịu ra làm quan với triều Mạc. Năm 1553, ông vào Thanh Hóa tham gia cuộc Trung hưng của nhà Lê - Trịnh và được tin dùng. Năm 1580, ông thi đỗ Tiến sĩ. Năm 1592, nhà Lê đánh tan ngụy Mạc, trở về kinh đô Thăng Long, Phùng Khắc Khoan được xếp loại công thần, làm quan to trong triều. Năm 1597, được sung làm Chánh sứ sang nhà Minh. Tại đây ông có tập thơ Vạn thọ ngợi ca vua Minh nên được khắc in, được sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang (Yi Su - gwang) viết lời tựa. Trở về, được thăng Tả thị lang Bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu; sau thăng Thượng thư Bộ Công, Bộ Hộ, tước Mai Quận công, rồi mấy năm sau xin trí sĩ. Ông mất tại quê nhà, được nhân dân tôn thờ làm phúc thần.

Phùng Khắc Khoan có số lượng tác phẩm lớn, đa dạng về thể loại, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm. Các tác phẩm chữ Hán được biên soạn theo chủ đề gồm Ngôn chí thi tập (Tập thơ nói chí), Huấn đồng thi tập (Tập thơ dạy trẻ), Đa thức tập (Tập thơ biết nhiều), Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập (Tập thơ đi sứ Trung Hoa của quan Mai Lĩnh)…; tác phẩm chữ Nôm có Lâm tuyền vãn (Bài vãn ca về cảnh sống nơi rừng suối)… Ngoài ra, ông có viết bi ký, soạn các loại sách bàn về quân sự, chiêm tinh, lý số, bói toán và tương truyền còn diễn nghĩa Kinh dịch ra quốc âm nhưng đã thất truyền.

Thơ Phùng Khắc Khoan in đậm phong cách cung đình, biểu thị nhân cách một bề tôi trung thời loạn, niềm tin vào con người và đất nước đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn phục hưng. Với các chủ đề “tải đạo”, “ngôn chí”, “thuật hoài”, “tự thuật”, tác giả thể hiện rõ vị thế con người chức năng, phận vị. Tác phẩm Ngôn chí thi tập bao quát thời gian suốt cuộc đời tác giả, trải rộng diện đề tài từ ghi chép các chuyến đi, thăm thú non nước, đề vịnh cảnh chùa Phật Tích (Chùa Thầy), chùa Phát Am, Tây Đô, Lan Lăng, Lam Sơn, động đá Tráp Sơn... Ông làm nhiều thơ miêu tả sự việc, xướng họa với bạn bè, đề vịnh danh nhân lịch sử, cảnh vật, thiên nhiên và bộc lộ tâm tình thương đời loạn, nhấn mạnh niềm tin vào lẽ phải và nhân cách con người:

Vạn tử gian hùng vô địa táng,

Nhất sinh trung hiếu hữu thiên tri.

(Thương loạn, kỳ nhị)

(Kẻ gian hùng tội ngàn lần đáng chết, không miếng đất chôn,

Người suốt đời trung hiếu, đã có trời biết)

(Thương đời loạn, bài 2)

Tham Tuyền dịch thơ:

Muôn mạng gian hùng không đất táng,

Một niềm trung hiếu có trời soi(1).

Tác phẩm Huấn đồng thi tập hiện còn vài chục bài, chép rải rác trong các tuyển tập thơ văn đời sau, nội dung chủ yếu đề vịnh cảnh bốn mùa, mô tả vẻ đẹp gió trăng và các thứ côn trùng, cây cỏ… Ở đây có thể coi Phùng Khắc Khoan là một trong những nhà lý luận thời trung đại qua bài Tựa bàn về phép làm thơ và nhấn mạnh đặc điểm quá trình sáng tác: “Về phép làm thơ: phải dùng chữ điêu luyện cân đối với nhau, trước hết phải nghĩ chữ đối nhau, rồi sau sẽ sáng tác cả câu, không nên nghĩ từng câu một”(2).

Tác phẩm Đa thức tập hiện còn khoảng 100 bài là lối thơ nhân đọc tập thơ ca dân gian Kinh thi (Trung Quốc) mà mở rộng đề vịnh, bình phẩm các loại cỏ cây, chim muông, cua cá, côn trùng, rau răm, chim câu, con chuột. Tập thơ có ý nghĩa nhập môn giáo dục cho trẻ em, chủ ý mở rộng kiến văn về thế giới tự nhiên bằng lối thơ vần vè, có tính phổ cập và giá trị phổ cập tri thức, đặc biệt phù hợp với đất nước nông nghiệp…

Tác phẩm Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập gồm hàng trăm bài, viết trong thời gian đi sứ, đề tài chủ yếu là vịnh người, vịnh cảnh, vịnh vật và tặng đáp vua quan Trung Quốc, sứ thần Triều Tiên. Đặc biệt ở đây có chùm thơ xướng họa của Phùng Khắc Khoan với sứ thần Triều Tiên Lý Toái Quang. Nhà Việt học người Nga, Giáo sư Tiến sĩ N. I. Niculin xác định: “Các cuộc gặp gỡ được xem là có ý nghĩa lịch sử quan hệ văn hóa Việt Nam - Triều Tiên đã diễn ra ở Bắc Kinh từ năm 1597, trong thời kỳ gian khổ của nhân dân Triều Tiên tiến hành cuộc chiến tranh Im-đin chống quân xâm lược Nhật. Vị đại thần danh tiếng, sứ thần Việt Nam Phùng Khắc Khoan […] đã làm quen và kết bạn với nhà thơ Triều Tiên Lý Toái Quang (Li Xuevan, 1563-1628)” và họ Lý đã hết lời ngợi ca đất Việt (qua lời kể - bút đàm của Phùng Khắc Khoan) và chính tập thơ của họ Phùng: “Tôi nghe nói Giao Châu ở về phía nam có nhiều của lạ châu báu, vàng ngọc, đồi mồi, ngà voi, tê giác. Đó là cái chí tinh anh thành thục mà có. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, nhất định sẽ có dị nhân xuất thế… Tập thơ Vạn thọ thánh tiết khánh hạ của ông Phùng lời du dương, ý tứ sâu rộng, đủ để thấy phun châu báu, nhả vàng ngọc, há không nói được là dị nhân đó sao”(3)… Bên cạnh nội dung thù tạc, phục vụ quan hệ bang giao, thể hiện tinh thần hữu nghị với các nước, nhiều bài thơ còn tỏ bày tâm sự nhớ nước thương nhà, hoài cảm lịch sử, ý thức dân tộc, ý chí bảo vệ quân mệnh và quốc uy Đại Việt:

Công thành sự nghiệp bằng trung nghĩa,

Ức vạn duy sinh hoạt Bắc Nam.

(Tự xướng tự họa)

(Sự nghiệp thành công đều nhờ vào trung nghĩa,

Ức vạn sinh linh được sống yên ổn ở Bắc và Nam)

Bùi Duy Tân dịch thơ:

                        Thành công sự nghiệp nhờ trung nghĩa,

                        Nam Bắc yên bình, trọng mệnh trao.       

Bên cạnh bộ phận thơ chữ Hán, Phùng Khắc Khoan còn có thi phẩm chữ Nôm với nhan đề Lâm tuyền vãn gồm 185 câu lục bát. Bài vãn ca tập trung giới thiệu, miêu tả cách vun trồng và công dụng của các loại hoa (lan, huệ, cúc…), rau quả (dưa, cà, cải, bí…), gia súc gia cầm (trâu, bò, lợn, gà…) được nuôi trồng phổ biến ở vùng nông thôn Tương Dương (Nghệ An), nơi tác giả từng bị lưu đày. Bài vãn ca sử dụng câu chữ nôm na, bình dị, phác vẽ niềm tâm sự của một trọng thần từng trải trong giới quan trường, đang sống cuộc đời nhàn tản như một đạo sĩ giữa chốn rừng suối:

Vô sự là tiểu thần tiên,

Gẫm xem ngoại thú lâm tuyền cực vui...

Lâm tuyền vãn được coi như một trong những thi phẩm trường thiên đầu tiên trong dòng văn học chữ Nôm, mở đường cho các thể loại ngâm khúc, truyện thơ phát triển mạnh mẽ ngay vào thế kỷ sau.

Có thể khẳng định Phùng Khắc Khoan là nhân vật lịch sử của giai đoạn có ý nghĩa phục hưng, cụ thể với vương triều Lê ở thế kỷ XVI và những năm đầu thế kỷ XVII. Ông là nhà khoa bảng, nhà ngoại giao và tác gia văn học tài danh. Thơ văn Phùng Khắc Khoan là tiếng nói tích cực, lạc quan của tầng lớp trí thức quan lại chính thống muốn đem sức mình khuông phò vương triều, đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an, đem lại nền thái bình thịnh trị cho đất nước. Tác phẩm của ông hướng đến khẳng định chí khí nam nhi, thể hiện một quan niệm sống tích cực, một tấm lòng ưu ái chân thành. Về hình thức thể loại, ông có đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc khơi nguồn dòng thơ Nôm trường thiên, vận dụng thể thơ lục bát và bước đầu thể hiện khá sinh động cuộc sống hiện thực nơi làng quê thôn dã.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Nguồn: Văn học quê nhà

----------------------
(1) Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, tác gia - tác phẩm (Bùi Duy Tân chủ biên). Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây xuất bản, 2000, tr.167-168. Các trích dẫn thơ trong bài đều theo sách này.
(2) Phùng khắc Khoan: Huấn đồng thi tập tự (Bài tự tập thơ Huấn đồng), trong sách Lê Quý Đôn toàn tập, Tập II (Viện Sử học dịch), Tập II- Kiến văn tiểu lục. Nxb KHXH, H., 1977, tr.212.
(3) N. I. Niculin: Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVIII (Lưu Liên dịch). Tạp chí Văn học, số 2-1987; In lại trong sách Văn học Việt Nam giao lưu quốc tế(Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). Nxb Giáo dục, H., 2000, tr.352-353.
- Xem thêm Trần Lê Sáng: Thử tìm hiểu quan niệm “thi ngôn chí” của nhà nho. Tạp chí Văn học, số 1-1973, tr.103…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây