Tai ách di truyền của dòng họ Hemingway

Chủ nhật - 06/03/2011 04:48 6.195 0

Tai ách di truyền của dòng họ Hemingway

Margaux Hemingway, cháu nội của nhà văn lớn Ernest Hemingway, đã từng là một ngôi sao khá nổi ở Hollywood. Cũng như không ít minh tinh, cô từng có thời gian bị chìm vào nghiện ngập và cũng đã cố vượt lên để tìm về nẻo thiện. Thậm chí cô còn xuất hiện trong một chương trình truyền hình nói về những người ở trong cảnh ngộ tương tự như cô.

Nhìn thẳng vào ống kính máy quay, Margaux đã nói mấy câu phải đạo rồi bỗng im bặt đi và khóc nức nở. Sau đó cô mới nói tiếp: "Tôi đã từng sa chân xuống địa ngục và giờ tôi đang  trên đường quay trở về. Và nếu tôi không thể trở lại, thì tôi lúc nào cũng có một phương án  dự trữ, đó là tự sát. Đôi khi tôi có cảm giác rằng, đó không phải là lối thoát tồi tệ nhất...". Những câu nói như thế vang lên từ một người mà cụ nội, ông nội, ông trẻ từng tự sát, không phải là điềm lành.

Cụ nội

Clarence Edmodns Hemingway (sinh ngày 4/9/1871) vốn là một bác sĩ ở thị trấn Oak Park thuộc Illinois, một vùng ngoại ô của Chicago. Một con người trăm phần trăm lương thiện, đại diện điển hình của thời đại mình sống.

Oak Park là nơi mà các cư dân bài xích tệ nạn gangster quyết liệt hơn bất cứ ở đâu, thậm chí vì thế mà đã chối từ sự gần gụi của mình về mặt địa lý đối với thành phố. "Bạn muốn biết đâu là ranh giới giữa Oak Park vớiChicago không? - Cư dân địa phương đùa với nhau. - Rất dễ! Đó là nơi kết thúc của các tửu điếm và bắt đầu có nhà thờ!".

Hơn thế nữa, gia đình ông Clarence Hemingway lại sống trên con phố lành nhất tại thị trấn lương thiện này. Cũng trên con phố đó có gia đình hôn thê tương lai của ông, bà Grace Hall. Và cuộc hôn nhân của họ có thể được coi như hoàn mỹ trên mọi phương diện mà trong đó, người vợ và người chồng đã được xác định sẵn những vai trò rất đỗi quen thuộc: dịu dàng yêu nhau, sinh con đẻ cái, chăm sóc cháu chắt...

Ông Clarence Hemingway đặt cho người con thứ hai và cũng là cậu con trai đầu tiên của mình cái tên Ernest, trùng với tên của bố vợ ông. Một điều oái oăm là về sau, nhà văn Ernest Hemingway (21/7/1899 – 21/7/1961) lại lưu giữ trong lòng đối với người mẹ sùng đạo và độc đoán của mình một nỗi ác cảm mơ hồ nhưng dai dẳng vì cho rằng, mẹ ông đã chế ngự bố ông quá nên rốt cuộc đã làm hỏng bố ông.

Quả thực, mặc dù là một bác sĩ giỏi, rất thành công nhưng bác sĩ Clarence Hemingway, khi biết mình mắc trọng bệnh vô phương chạy chữa, lại rất khó chịu với sự lo lắng thái quá của vợ, đã tự sát ngày 6/12/1928. Khi đó nhà văn Ernest Hemingway đang cùng cậu con trai 5 tuổi Jack ở trên xe lửa trên đường đi từ Key West tới New York. Nhận được bức điện tín "Cha đã tự sát. Hãy trở về ngay...", Ernest Hemingway đã nói với Jack rằng, ông nội ốm nặng rồi giao cậu bé cho người quản lý toa tàu da đen nhờ trông hộ và  chuyển sang con tầu đi theo hướng về Chicago.

Đám tang của ông Clarence Hemingway diễn ra linh đình với nhiều lời lẽ tốt đẹp về việc người đã khuất từng giúp cho bao nhiêu bệnh nhân đỡ đau đớn. Dìu mẹ đi theo quan tài, Ernest Hemingway cứ suy nghĩ lao lung về việc, cha ông đã không thể giúp cho bản thân mình bớt đau đớn vì bệnh tật, hay nói đúng hơn, đã chọn một lối thoát để khỏi phải đau đớn nữa.

Về sau, nhà văn cũng ít khi trò chuyện với bạn bè về chủ đề này và không bao giờ đụng tới nó trong các lần trả lời phỏng vấn báo chí. Chỉ có duy nhất một lần giữa những người bạn thân cận nhất, Ernest Hemingway mới buột miệng than thở: "Có lẽ cha tôi đã sợ sống tiếp. Thân mang trọng bệnh. Lại thêm những món nợ nần. Và cũng sợ bà vợ chuyện gì cũng đòi mình làm chỉ huy!"

Riêng về chuyện tự sát thì nhà văn lại rất hay đề cập tới. Và thường từ góc độ phê phán kịch liệt, như thể vẫn tiếp tục phê phán sự không phải của cha mình khi ông cụ đã chọn cách đó để thoát khỏi trần ai. Chỉ hai mươi năm sau đó, khi chuẩn bị cho tái bản tiểu thuyết "Vĩnh biệt vũ khí!", Ernest Hemingway mới viết trong lời nói đầu: "Tôi đã luôn luôn có cảm giác rằng cha tôi đã quá vội vã, nhưng có thể vì ông không thể chịu  đựng hơn được nữa. Tôi rất yêu cha mình và tôi không muốn nói bất cứ một lý lẽ nào về việc này".

Ông nội

Là một nhà văn ngùn ngụt năng lượng sống, lại sớm thành công và thành công vang dội, Ernest Hemingway sau khi cha mất vẫn tiếp tục sống ồn ã và sảng khoái. Ông viết nhiều về đấu bò tót ở Tây Ban Nha, về chiến tranh ở Tây Ban Nha, về những lần đi săn sư tử...

Ông đã 5 lần gặp phải tai nạn và 7 lần gặp phải tại họa nhưng vẫn sống sót, đôi khi chỉ nhờ may mắn tình cờ. Ông đặt cho mọi phụ nữ và những người con yêu quý những biệt danh dịu dàng. Mọi người cũng gọi ông một cách thân mật và thành kính: "Bố!".

Quan hệ của Ernest Hemingway với phụ nữ thường phát triển theo một kịch bản lặp đi lặp lại tới nhàm: ông ít khi bày trò gì phức tạp mà thấy ưa là phải lòng ngay và phải lòng rồi thì cảm thấy mình có nghĩa vụ phải cưới đối tượng. Khi quyết định như thế thì việc đã có vợ rồi chỉ duy nhất khiến ông cảm thấy hơi khó xử một chút, đó là khi ông li dị người vợ đầu Elizabeth Hadley Richardson, để cưới người vợ thứ hai, Pauline Pfeiffer.

Khi đó "Bố" thực sự cảm thấy mình có lỗi với "Mèo nhanh" (biệt danh mà ông đặt cho người vợ đầu) và Bambi (biệt danh mà ông đặt cho cậu con trai cả Jack). Ông cảm thấy rất bế tắc, thậm chí còn nghĩ tới chuyện tự sát mặc dù lúc đó nhà văn mới ngoài 20 tuổi.

Nói cho cùng, Hadley là một người vợ cực chuẩn: lặng lẽ chịu đựng sự say mê văn học thái quá của chồng ngay từ khi ngòi bút chưa mang về cho gia đình một "xu gỉ" nào và cũng lặng lẽ mặc những bộ váy áo đã hết mốt từ hai chục năm (đấy là ở tuổi 20, lại sống giữa Paris hoa lệ!), ăn độc một món khoai tây cả trong bữa sáng lẫn bữa trưa và lắm lúc, sẵn sàng nhịn bữa tối vì nhà hết tiền...

Vậy mà ông lại đi phải lòng cô nàng Pauline, người không bao giờ mặc những y phục của mùa thời trang năm qua, vì là con gái nhà giàu và vì còn là người mẫu cho tạp chí Vogue. Ernest Hemingway cũng cảm thấy mình "hơi" quá đáng khi đã buộc Hedley trong một khoảng thời gian nào đó phải chịu đựng cảnh "hình tam giác muôn đời" và tự rút lui khi không còn chịu đựng được nữa...

Những kẻ ác cảm với Ernest Hemingway nói rằng, mọi trò phù hoa, ồn ã mà nhà văn đã dựng lên trong đời mình chỉ là tấm mành che đi nỗi sợ hãi cái chết ẩn sâu trong bản năng dòng họ. Còn lời lẽ của ông về việc ông cần nghiên cứu kỹ càng về cái chết để mô tả nó trong tiểu thuyết có lẽ chỉ là những lời hoa mỹ.

Ernest Hemingway thực sự suốt cả đời mình chỉ làm độc một việc: đó là thử thách sự dũng cảm của mình (hay diệt trừ sự sợ sống của cha mình?) ở mọi nơi có cơ hội để làm việc này. Và nếu tự nhiên không cơ hội đó thì ông sẽ cố tình kiếm tìm nó cho ra bằng được. Ngay cả trong tình yêu, những người phụ nữ mà ông lựa chọn cũng đều thuộc loại "rạch giời rơi xuống", rất ưa mạo hiểm... Và ông yêu họ cũng với tinh thần như một nhà thơ đã viết: "Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù...".

Tuy nhiên, là một đấng nam nhi chân chính, Ernest Hemingway không chết vì phụ nữ. Ông đã tình nguyện ra đi khỏi cõi thế khi đã già và đã mắc bệnh trọng. Huyết áp cao, những vết thương cũ vì chiến tranh và săn bắn đã hành hạ ông quá đau đớn. Và ông cảm thấy sợ sống... Ngày 2/7/1961, Ernest Hemingway đã tự sát bằng súng, không để lại bất cứ một dòng trăng trối nào...

Ông trẻ

Leicester Hemingway (sinh ngày 1/4/1915) ngay từ nhỏ đã rất thần tượng người anh trai lớn hơn mình 16 tuổi. Chẳng gì thì Ernest Hemingway cũng là người mạnh mẽ, tài năng, niềm tự hào văn học của cả nước Mỹ. Leicester Hemingway luôn cố gắng noi gương anh mình: cũng say mê thể thao, cũng thích đi săn và câu cá, cũng mê báo chí và thậm chí cũng say mê tham gia chiến tranh...

Năm 1944 ở London, Leicester Hemingway phục vụ trong nhóm quay phim thời sự quân sự Mỹ đã gặp anh trai cùng cô bạn gái mới Mary Welsh của nhà văn.  Và người em trai cảm thấy rất thích sự lựa chọn mới của người anh. Nói chung, Leicester thích mọi phụ nữ mà Errnest đã và đang thích. Cũng như thích mọi tác phẩm của anh trai. 

Còn riêng với ông, các tác phẩm mà ông viết ra thì chính ông cũng ít thích, nói chi tới mọi người. Có lẽ cuốn sách có giá trị nhất của Leicester Hemingway chỉ là tập hồi ký "Anh trai tôi, Ernest Hemingway", xuất bản năm 1962, một năm sau khi nhà văn Ernest Hemingway tự sát. Tập hồi ký này trong một thời gian dài đã là nguồn thông tin chính cho những ai viết về tác giả của "Ông già và biển cả".

Ngày 13/9/1982, Leicester Hemingway cũng giã biệt cõi đời bằng... tự sát. Chính khi ấy, báo chí phương Tây đã xới lên chủ đề: có chăng một tai ách nặng nề nào đeo đuổi dòng họ Hemingway? Phải chăng tự sát đã là một thói quen khó cưỡng trong dòng họ này?

Cháu gái

Giả thuyết đó không phải là không có lý vì 14 năm sau đó, vào năm 1996, nữ diễn viên Margaux Hemingway cũng đã tự sát. Margaux là một trong hai người con gái của Jack Hemingway. Chị sinh ngày 16/2/1955. Em gái của chị, Mariel Hemingway cũng là một ngôi sao nổi tiếng ở Hollywod, thậm chí còn được đánh giá cao hơn chị.

Ngay từ nhỏ, Margaux đã bộc lộ một năng khiếu nghệ thuật lớn nhưng cũng lại sớm bị nghiện rượu. Chính vì thế cha mẹ chị đã phải gửi chị cho ông nội nuôi dưỡng. Margaux đã lớn lên ở trang trại của Ernest Hemingway. Chính ông nội đã truyền cho cháu gái tình yêu đối với thiên nhiên...

Tuy nhiên, khi Margaux Hemingway dấn thân vào Hollywood, những bản năng cũ lại trỗi dậy và càng ngày càng kéo chị xuống vực thẳm tinh thần. Các cuộc hôn nhân không thành đạt cũng làm cho chị cảm thấy bế tắc hơn. Chị lại lao vào rượu, đến mức mọi cố gắng của các bác sĩ đều trở thành công dã tràng. Và thế là Margaux Hemingway đã tự sát ngày 1/7/1996.

Một kết cục buồn trong một dòng họ có nhiều vinh quang.

Tác giả: Tú Khanh

Nguồn tin: VNCA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây