Đồng Đức Bốn: Chuyện phố, chuyện quê

Thứ bảy - 24/09/2011 09:47 4.931 0

Nhà thơ Đồng Đức Bốn

Nhà thơ Đồng Đức Bốn
Với Đồng Đức Bốn, ra đi và trở về là hai trạng thái song hành và giao thoa, tiên chiến và đồng thuận. Dường như những câu thơ của anh cũng được sinh ra trong thế giằng co đó.

Nếu như trong Thơ mới là sự phân định rõ ràng không gian nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn thì với chàng thi sĩ Đồng Đức Bốn, lại là hai cảnh ngộ, một số phận. Làng quê chưa theo kịp thành thị, tuy không bị mất đi tất cả cảnh vật, quan niệm, tập tục để đô thị hoá triệt để nhưng đã bị cuộc sống đô thị thâm nhập và xâm lấn. Ở phía ngược lại, đô thị trong thời điểm này cũng không còn tồn tại như những ốc đảo trong sự bao bọc của làng mạc mà đã gần lại với làng quê bằng những "khúc đệm". Những “khúc đệm” ấy là cái tâm tình của trai quê ra thành phố, tự tin và háo hức: Nhà quê khí huyết tràn trề / Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân (Phạm Công Trứ). “Khúc đệm” ấy là những cô gái với giấc mơ trưa về thành thị khi mà bụi kinh thành đang tràn tới: Bụi bay vào mắt bụi len vào hồn (Phạm Công Trứ). Là "vêu vao" khuôn mặt vốn đầy đặn của thôn nữ: Lề đường bên những chiếc lều / Có cô hàng xén ngồi vêu cả ngày (Đồng Đức Bốn). Khúc đệm ấy cũng là cuộc tình duyên dang dở làng - phố, phố - làng.  

Cũng vì nguyên cơ ấy mà cuộc "dan díu với kinh thành" của Đồng Đức Bốn cũng bị động trong sự câu thúc của thành thị. Điều đó thể hiện qua những nỗi lo: lo làng quê vẫn trong cảnh nghèo đói: Khói nhà ai cứ mọc ngang / Con nhà ai cứ lang thang chợ chiều ; Nhà bạn cũng giống nhà tôi / Mái gianh vách đất nhìn trời qua vung ; Nhà quê chân lấm tay bùn / Mẹ đi cấy lúa rét run thân già. Thế nhưng lại đã lâm vào cảnh: Ngả nghiêng mấy lão thợ cầy / Rượu say vác cả cối chày nện nhau; Nhà quê có mấy trai tơ / Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi. Chẳng biết là hay, hay là dở, nhưng cứ nháo nhác lên như thế: từ già đến trẻ, từ vui đến buồn, từ bật cười đến rơi nước mắt.

Đằng sau tất thảy những cái lo kia lại là cái lo lớn nhất: lo không ai biết đến mình, không ai nghe thấy tiếng mình: Một mình tôi đứng với tôi / Bàn chân giẫm lụt cả trời heo may. Đến với thành thị, con người nhà quê tất phải va vấp, hẫng hụt. Nhưng, gã thi sĩ quen làm thơ lục bát đến với đô thị không mong được hội nhập mà cốt để ứng chiếu: Tôi thì xe đạp lang thang / Nhìn dọc đã chán nhìn ngang lại buồn; Chiều mưa phố Huế một mình / Biết ai là chỗ ân tình đến chơi (Chiều mưa trên phố Huế). Nhưng cuộc ra đi không phải "nhất khứ bất phục phản" mà là sự đi - về liên tục trong sự ngắm nghía đối sánh một cách ngây thơ và cần mẫn. Đồng Đức Bốn ra với thành thị vì ám ảnh, chạm nọc, hay dị ứng cái chất "phố" ở quê? Chỉ biết rằng ra đến nơi, té ra lại bắt gặp cái chất "quê" ở phố: Người thì áo rách đã lâu / Người thì xe cúp đua nhau từng hàng. Thế mới biết tình quê ở phố của con người này còn tha thiết lắm! Nếu quê là xanh, phố là hồng thì quả thật nếu như không có cái xanh mướt của quê thì khó có thể làm rực lên sắc hồng của phố: Nhà cao dẫu đến lưng trời / Nếu không có cỏ cũng vơi sắc hồng.

Sau mỗi lần từ phố trở về, Đồng Đức Bốn cứ hồn nhiên đem cái hồn đô thị thổi vào nhà quê mà không hề hay biết. Bởi có như thế mới nhìn làng quê chua chát thế này: Trâu bò thất thểu long đong / Trên bè tre rối bòng bong xoong nồi. Làng trong mảnh hồn của Đồng Đức Bốn vẫn còn những nét nguyên sơ, thuần hậu nhưng đã bị đóng khung, đã và đang bị những luồng ánh sáng hiện đại chiếu tướng vào những cây đa, con đò, luỹ tre... Bức tranh ấy đã nhuốm một mầu sắc tâm trạng, “Sân khấu làng quê" trong thơ ông đã bị soi chiếu bởi ánh mắt của khán giả thị thành nên các "diễn viên" đã chịu một sức ép, làm thay đổi phần nào tâm trạng. Hơi thở của thời đại như đã ngấm vào đường gân thớ thịt của họ: Từ ông lái đò xưa cũ: Bờ sông có một con đò / Gác chèo ông lái nằm lo trăng buồn; Đến thần, Phật: Miếu thờ phật tượng ngồi đau / Cửa thiền rêu đã lên mầu cổ xưa.Nhưng cũng phải thầm cảm ơn số phận. Bởi lẽ, từ những trải nghiệm bụi bặm với cuộc sống ấy mà Đồng Đức Bốn có được một cái nhìn đầy phát hiện mới về cuộc sống. Anh nhìn thấy cái đẹp le lói trong sự gai góc, ngọt ngào e ấp trong những đắng cay: Đất nâu tưởng đã cũ càng / Tiếng chim trong bụi gai làng cứ non ; Thập thò trong bụi tre gai / Hoa dong riềng của nhà ai nở hồng / Nhà ai có gái chưa chồng / Nhìn mầu hoa để ngóng trông người về ; ở trong những bụi gai tre / Vẫn hay những tiếng chích choè gọi mưa.

Trong những lần cảm thấy bơ vơ, mất chỗ dựa ở phố, nhà thơ không hẳn đã tìm được ngay con đường để trở về quê mà anh lại lâm vào một bi kịch mới. Ông không còn là con người tiểu nông cổ xưa với bản tính ngại phiêu lưu, mạo hiểm, mà đã có phần nào bản lĩnh, can đảm dám xấp ngửa, được thua... dù chỉ là trong từng tình huống. Thế nên, trước khi bước qua đường ranh giới từ phố về lại với quê, người thơ ấy đã cảm nhận được mình cần phải bắt rễ được chút gì ở đây chứ không thể lúc nào cũng trắng tay trở về. Đồng Đức Bốn đã tạo cho mình một cõi riêng. Cõi vu vơ nằm ngoài sự hiểu biết, trí tưởng tượng của thôn dân, thị dân: Xong rồi chả biết đi đâu / Xích lô Bà Triệu qua cầu Chương Dương; Chiều mưa phố Huế một mình / Biết ai là chỗ thân tình đến chơi; thậm chí ở cõi vu vơ ấy còn nhen nhóm cả những mối ràng buộc sâu sắc hơn nữa: Bây giờ đã hết mùa sen / Hương còn ở lại là em với đầm (Mùa xuân đi phủ Tây Hồ).

Đồng Đức Bốn là thế, phiêu lưu và phiêu bạt nhưng không mất đi chất quê đằm thắm trong mình. Bởi ở đâu ông cũng khát khao tìm kiếm hạnh phúc, tìm cách bắt rễ cho những câu thơ của mình.

Tác giả: Bùi Việt Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây