Thị thành chẳng thuộc về hắn. Hẳn là như vậy. Hắn quê Hưng Yên, cũng là vùng đất văn hiến, văn vật chẳng kém cạnh kinh kỳ. Hắn lại trọ học chuyên văn trên tỉnh từ bé. Mấy năm mài dũa ở Học viện Báo chí, ra trường, hắn đi làm ở Hà Nội. Vậy, thời gian hắn “dan díu với thị thành” kể cũng không ít. Nhưng, thị thành không biến cải được hắn. Đúng hơn, dấu vết thôn ổ, một di chỉ Chử Đồng Tử vẫn không gội gột được. Hắn cứ mãi là một gã tỉnh lẻ giữa thị thành hoa lệ. Có nhiều thứ giữ lại hắn trong vùng ký ức thôn quê, hắt lên hình hài, dáng vẻ và cả văn chương. Này nhé: lửa ngọt chiều đông, căn nhà của mẹ, khung cửa sổ ấu thơ, quê hương yên bình, bóng cha đợi dưới hiên nhà, quả mít, cây chuối, chú bọ ngựa, trò chơi trốn tìm tuổi nhỏ… (Về nhà đi). Ừ thì, ai chẳng có quê hương, mà phần lớn là gắn với nông thôn. Một dạo, tôi thú lắm với cách lập luận của thầy tôi (thầy Chu Văn Sơn, nhân việc thầy trò nói về Nguyễn Bính), rằng, mỗi chúng ta, ai cũng là kẻ tha hương. Thiếu thời, ta sống ở quê, lớn lên, phiêu dạt, quê sống trong ta. Lương Đình Khoa cũng chẳng thoát khỏi định mệnh ấy. Quê hương ở trong hắn suốt những ngày tha hương: Người đi qua khắp thế gian/ Riêng tôi một cõi khâu ngàn thuỷ chung (Cỏ may).
Bi kịch của kẻ quê nơi thị thành có thể xem như một bi kịch phổ quát. Ít nhất, ở khía cạnh những dằn vặt, nhớ nhung, những kỷ niệm ắp đầy luôn trở về vẫy gọi. Cùng với đó, những bươn trải, đua chen, mưu sinh chốn thị thành cũng khiến trái tim mang gốc gác quê mùa rỉ máu: Thị thành là cơm áo/ Thị thành là đua chen/ Thị thành tìm hơi ấm/ Mãi… chỉ gặp trong mơ (Về nhà đi). Thật kỳ lạ, người ta cứ mãi đi tìm cái mà người ta đã rời xa, đã bỏ lại. Nhưng, đó mới là bi kịch. Bi kịch không được lựa chọn. Bi kịch chỉ sinh ra từ độ vênh của khát vọng, ước mơ với thực tế, cái cần và cái có thể. Càng những kẻ cả nghĩ, hay nhớ, lại càng thấy bi kịch bao trùm. Đấy là khi, có mà không giữ được, mong gần mà buộc phải rời xa, tìm mà không thấy, không gặp. Ý thức về một bi kịch, hay sự đổ vỡ của giá trị càng lớn khi kẻ quê bắt gặp sự lạnh nhạt, hờ hững, phũ phàng, tệ bạc của thị thành: Ánh trăng khóc trong đèn vàng cám dỗ/ Người với ng