Cảm nhận khi đọc bài thơ “Thày học cũ”

Thứ sáu - 22/11/2013 00:10 9.018 0
Bài thơ theo thể lục bát truyền thống, hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, ý thơ hàm xúc mà không phô, mở và kết chặt chẽ. Những biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, tương phản... được sử dụng hợp lý làm cho bài thơ giàu sức gợi, dư ba trong lòng người, những kỷ niệm trong sáng, cao đẹp giữa thày với trò, với mái trường thân thiết nơi ươm những mầm non cho những mùa xanh.

THÀY HỌC CŨ

Kính tặng những người thày đã dạy chúng ta

Vòng tay làm thước com pa
Vung đường phấn trắng mở ra địa cầu
Lớp trò đi khắp năm châu
Riêng thày đứng lại bến dâu quê làng

Nghiệp đời như chở đò ngang
Nổi chìm con sóng, mênh mang bến bờ
Lặng thầm làm một tứ thơ
Buồn vui khuất nấp giấc mơ cánh buồm

Tôi như giọt nước xa nguồn
Òa vào biển cả vui buồn thế nhân
Mải đời cơm áo phù vân
Quên người nối nhịp bước chân cầu kiều

Ngày đi bóng nắng xế chiều
Mới lần về sợi dây diều tuổi trăng
Trước thày mái tóc sương giăng
Tôi thành bụi phấn vung văng nhạt mờ

Ước chi về thuở học trò
Để tôi xuống lại con đò bến dâu
Để thương yêu lại lần đầu
Mái trường, thày bạn… tình sâu, nghĩa dày
Ơn người gieo hạt ươm cây
Tôi là ai, vẫn trò thày năm xưa.

Nguyễn Thị Mai


Thày trò (ảnh Internet)


Đôi lời cảm nhận của Trần Vân Hạc:

Đọc bài “Thày học cũ” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, tôi chợt nhớ lời ông bà ta dạy: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều...”. Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta tự ngàn xưa được diễn tả một cách dung dị, sâu lắng. Những kỷ niệm sâu sắc cứ ùa về trên mỗi câu thơ như một sự tri ân trong mạch nguồn ngọt mát nuôi xanh tâm hồn người.

Hình ảnh người thày: “Vòng tay làm thước com pa/ Vung đường phấn trắng mở ra địa cầu” vừa chân thực, cụ thể, từ một người thày dạy toán, hình học hoặc địa lý... nhà thơ đã nắm bắt được và thi vị hóa thành tứ thơ thật lãng mạn và cảm động. Đó là quĩ đạo cuộc đời của những học trò được người thày chỉ lối cho những bước đầu tiên vững chắc, mở ra một chân trời tri thức rộng lớn. Bao lớp học trò trưởng thành “đi khắp năm châu”, chỉ: “Riêng thày đứng lại bến dâu quê làng”. Người thày cùng quê hương yêu kính như một điểm tựa vững vàng cho bao lứa học trò. Ý thơ: “Lặng thầm làm một tứ thơ/ Buồn vui khuất nấp giấc mơ cánh buồm” sao mà sâu sắc và đẹp đến thế, ngườithày đẹp như một tứ thơ lặng thầm, thày giấu kín ước mơ bay xa, giấu kín niềm vui nỗi buồn vì học trò...“Chèo đò” là cái nghiệp chăng nhưng thày tự nguyện làm người chèo lái, hết mình giảng dạy các thế hệ để rồi bản thân mình khiêm nhường“đứng lại” như một điểm tựa cho những học sinh thân yêu, những học trò đi đi mãi nhưng con thuyền tải đạo vẫn bền lòng nơi bến sông quê! Khi hiểu ngọn nguồn cuộc đời, hiểu sự hy sinh của “thày học cũ” tác giả trải lòng trong dòng tự sự: “Tôi như giọt nước xa nguồn/ Òa vào biển cả vui buồn thế nhân/ Mải đời cơm áo phù vân/ Quên người nối nhịp bước chân cầu kiều”. Không riêng tác giả, cuộc sống bao lo toan bộn bề, thậm chí có lúc ta mải mê chạy theo những khát vọng như ảo ảnh, không phải lúc nào ta cũng nhớ về người “thày học cũ”. Ẩn sau câu thơ là cả một nỗi niềm day dứt, ân hận, trăn trở. Đời người thoáng trôi nhanh, khi: “Ngày đi bóng nắng xế chiều” người học trò năm xưa nhớ về tuổi thơ với bao kỷ niệm, hình ảnh: “lần về sợi dây diều tuổi trăng” nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, sự “lần về” ấy như mang cả nỗi niềm, như đang lẫm chẫm trên đường đời để rồi thành tâm thốt lên: “Trước thày mái tóc sương giăng/ Tôi thành bụi phấn vung văng nhạt mờ”. Thủ pháp nghệ thuật tinh tế chân thực chuyên chở cái đạo làm người. Cái “tôi” của tác giả và hình ảnh “bụi phấn vung văng” mang nặng nỗi niềm của tất cả người học trò trước công lao vô bờ bến của người “thày học cũ”. Người thày có thể già đi theo qui luật của tạo hóa, người thày cũng có những ước mơ, có lúc buồn đau nhưng trước học trò vẫn phải nén lòng để truyền cho học trò những tri thức và đạo đức, những điều thày dạy luôn mới và đồng hành trong suốt cuộc đời mỗi con người trước sự hy sinh thầm lặng, vô tư và trong sáng ấy, trước thày mỗi học trò luôn thấy mình luôn bé nhỏ.

Khổ thơ cuối không chỉ là điều ước của riêng nhà thơ mà của tất cả những người học trò chân chính trước “thày học cũ”. Khi đã trải nghiệm cuộc sống, khi thấm hơn cái đạo làm người mà thuở xưa người thày đã dạy, nhà thơ nói giúp chúng ta ước được trở lại tuổi học trò để lại bước lên con đò tình nghĩa do người thày chèo lái. Và thật xúc động khi nhà thơ thốt lên tự đáy lòng lời tri ân chân thành: “Ơn người gieo hạt ươm cây/ Tôi là ai, vẫn trò thày năm xưa”. Câu thơ không còn bó hẹp trong tình nghĩa thày trò mà lớn hơn, đó là cái đạo làm người. Ấy là ta được như hôm nay là nhờ những người thày đã chèo lái con thuyền tri thức, đạo đức đưa ta qua từng bến sông đời, dù ta ở cương vị nào trong xã hội và nổi tiếng đến đâu cũng không bao giờ quên ơn những “thày học cũ”.

Bài thơ theo thể lục bát truyền thống, hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, ý thơ hàm xúc mà không phô, mở và kết chặt chẽ. Những biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, tương phản... được sử dụng hợp lý làm cho bài thơ giàu sức gợi, dư ba trong lòng người, những kỷ niệm trong sáng, cao đẹp giữa thày với trò, với mái trường thân thiết nơi ươm những mầm non cho những mùa xanh. Nhưng nếu như ý thơ ý nhị hơn, sâu lắng hơn có lẽ sẽ truyền tải được những thông điệp sâu sắc, đa chiều và đa nghĩa hơn công lao vô bờ bến của những người thày.

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây