"Kể xong rồi đi" - Tiểu thuyết thách đố các nhà phê bình thời đại mới

Chủ nhật - 15/10/2017 23:05 4.789 0
“Chiêm nghiệm về cái chết” là tên cuộc tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết Kể xong rồi đi của nhà văn Nguyễn Bình Phương, diễn ra vào tối ngày 3/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Các diễn giả của chương trình gồm: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa và Biên tập viên cuốn sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy.
Bìa tiểu thuyết Kể xong rồi đi
Bìa tiểu thuyết Kể xong rồi đi

Tiểu thuyết Kể xong rồi đi viết về tuổi già của một đại tá về hưu, qua lời kể của một cậu cháu “bồ côi bồ cút mắt lác” của đại tá. Câu chuyện bắt đầu bằng sự việc ông đại tá bị đột quỵ, nằm viện, được đưa trở về nhà và đi tới cái chết. Quá trình kể về tuổi già của ông đại tá, cậu cháu nuôi liên tục được liên hệ, mở rộng câu chuyện về những cái chết. Ở đó, các nhân vật chết theo nhiều cách khác nhau: vì chiến tranh, vì thù hận, tai nạn, chết bất đắc kì tử... Và không chỉ có người, mà cái chết của các con vật cũng xuất hiện rải rác trong tác phẩm.

Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, người đầu tiên được tiếp cận với cuốn sách trong vai trò biên tập chia sẻ, chị phải chờ rất lâu mới được tiếp nhận bản thảo cuốn sách. Có được bản thảo của nhà văn Nguyễn Bình Phương là điều may mắn với bất kì biên tập viên nào. Chị đã đọc bản thảo ít nhất hai lần, sau đó đọc thêm trong nhiều hoàn cảnh khác nữa. Điều ấn tượng đầu tiên của chị với tác phẩm này nằm ở lối viết, đó là lối viết tối giản, gọt giũa, cắt hết đi những phần lắm lời của ngôn từ. Giống như bước vào một căn nhà không có gì, ta thấy chống chếnh không biết neo vào đâu. Nhưng dần quen, với cảm nhận, cảm xúc cá nhân, ta bắt đầu thấy không gian đó quen thuộc. Lối viết này được nhà văn đẩy tới mức cực đoan, trong Mình và họ vẫn còn có cái gì đó “hổn hển” khoe kiến thì ở đây không còn. Và như nhà văn Ý, Italo Cavino cho rằng, thời đại này chúng ta lạm dụng ngôn từ, cái cần là phải tiết chế sự lắm lời lại. Cùng với đó tiểu thuyết trình ra cho người đọc thấy về cái chết chậm rãi, khiến chúng ta có thời gian suy ngẫm.
 

Không hoàn toàn đồng tình với tiêu đề được chọn đặt cho buổi tọa đàm, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng những cái chết xuất hiện dày đặc trong tác phẩm Kể xong rồi đi kích gợi người đọc cùng tác giả chiêm nghiệm về cái sống, về cõi nhân sinh nhàu nát, về tính chất vớ vẩn, vô nghĩa lí của cuộc đời này.

Lí do đưa ra là từ những tác phẩm đầu tiên như Bả giời Nguyễn Bình Phương đã kiến tạo cõi văn chương của riêng mình, một khí hậu tiểu thuyết đặc biệt ma mị, hấp dụ. Mở rộng ra từ văn, thơ, đến phê bình đều có “vân chữ” khó bắt chước, không trộn lẫn được. Cách đây bốn năm bản thảo mang nhan đề Xuôi tay (chính là Kể xong rồi đi bây giờ) viết xong, nhưng nhà văn nói vẫn còn phải sửa chữa lại. Giờ đây, đọc Kể xong rồi đi thấy rõ ràng Nguyễn Bình Phương đã viết lại hoàn toàn tác phẩm này, các chi tiết ở cuốn trước gần như biến mất. Điều này chứng tỏ nhà văn là người cầu toàn, nắn nót, tẩy xóa để cho ra một bản thảo vừa ý nhất. Và đây không phải là cuốn xuất sắc nhất trong đời văn Nguyễn Bình Phương, nhưng nếu ta bỏ lỡ nó thì thật đáng tiếc.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cũng đề xuất lối đọc văn của Nguyễn Bình Phương đó là đọc để cảm hơn đọc để hiểu. Bỏ qua các mối liên hệ nhân vật, kể lại câu chuyện, đọc để trải nghiệm cùng nhà văn trong hành trình phiêu lưu chữ của mình.

Cùng chung ý kiến với nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm cho rằng cuốn tiểu thuyết sử dụng cái chết như một chiêu nghi binh, một lớp nguỵ trang để từ đó những câu chuyện khác của đời sống được kể ra. Không có nhiều dữ kiện để người đọc liên tưởng đến cái chết, mặc dù, lần trở lại toàn bộ câu chuyện, trước khi “Về”, cái chết dường như ám ảnh, giăng mắc, bao trùm không gian truyện kể. Kể xong rồi đi là trạng thái ở giữa của “Thỉnh thời đến, Triệu thời về”. Khoảng giữa ấy, có thể là gì khác nếu không phải cõi nhân sinh. Thế nên, “Kể” đã đặt mình vào vai trò của một ám dụ về sự sống. Sống, tức là kể câu chuyện của riêng mình - Kể xong rồi đi. Tiểu thuyết này, như thế xoay quanh cấu trúc tự sự: Đến - Ở (sống/kể) - Về (đi) với trục lõi là “Sống”.

Có thể nói tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương luôn luôn có nhiều cách đọc và cách hiểu khác nhau. Tuy chọn lối sống lặng lẽ, hiếm khi xuất hiện trên truyền thông, nhưng nhà văn luôn có một lượng độc giả yêu thích nhất định, luôn dõi theo và chờ đón tác phẩm mới. Như chính nhà văn Bảo Ninh tự nhận “khả năng trình bày ra lời nói không khúc chiết” cũng đã nói rất nhiều và khúc chiết về nhà văn Nguyễn Bình Phương và cuốn tiểu thuyết Kể xong rồi đi trong cuộc tọa đàm. Thú thực tôi đọc cuốn này không hiểu lắm, nhưng tôi thích, vì nó đưa tôi vào vô thức. Tôi cho rằng Mình và họ dễ hiểu. Cuốn này lại khó, có thể nó là cái chết, hoặc bàn về cuộc sống từ điểm nhìn của cái chết. Chính thế, nó như một sự thách đố nhà phê bình thời đại mới. Phê bình kiểu chúng tôi, đúng và sai rất phi văn học. Bản thân là người viết nên tôi thích văn phong cuốn này. Nhà văn Việt Nam hiếm người có văn phong, trước có Nguyễn Huy Thiệp, giờ có Nguyễn Bình Phương. Thêm nữa, nhà văn Việt Nam viết một, hai cuốn được, sau đó không viết được nữa, hoặc càng viết càng dở. Nhưng Nguyễn Bình Phương lại khác, ông càng viết càng hay, và cái đó là sự may mắn cho văn học.

Để có được sự càng viết càng hay này phải có một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, miệt mài. Như nhà văn Uông Triều chia sẻ: Anh Phương lao động nghệ thuật, chữ nghĩa khá vật vã. Về chữ nghĩa anh rất tỉ mỉ. Khi in ra một bản thảo, sửa bằng bút xanh lần đầu. Sau đó vứt đi ngay thì tiếc, nên anh tiếp tục sửa bằng bút đỏ. Nhìn bản thảo nhoe nhoét đến tức mắt. Lao động nghệ thuật của anh Phương khiến người viết như chúng tôi học hỏi được rất nhiều. Chỉ một câu, một từ, tác giả suy nghĩ, đắn đo mãi mới hạ bút, không hề có sự dễ dãi. Nguyễn Bình Phương giữ được phẩm chất đó trong tất cả các cuốn sách của mình. Mỗi lần đọc một câu văn ẩu anh khó chịu. Riêng tôi, trong chín cuốn tiểu thuyết của anh tôi thích nhất hai cuốn Mình và họ và Người đi vắng. Cuốn Kể xong rồi đi này tôi cảm giác hơi mệt mỏi một chút. Chính cái sự “hổn hển” ở những cuốn trước khiến người đọc khoái cảm hơn”.

Qua Kể xong rồi đi có thể tìm thấy trong đó nhiều chuyến đi của những con người và số phận khác nhau, thấp hèn hay vinh quang, nhẹ nhàng hay khốc liệt, ngẫu nhiên hay tất nhiên, nhưng tất cả đều cùng một điểm đến. Chúng làm sáng rõ lên dáng hình của cái chết: vừa giản dị, vừa quyền lực, vừa kinh dị và lại vừa mang vẻ đẹp siêu phàm toát lên từ chính cái sống.

Sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, nhà văn Nguyễn Bình Phương tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trưởng ban Công tác Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyễn Bình Phương là một nhà văn đa dạng về thể loại. Anh vừa viết văn xuôi, vừa làm thơ. Các tác phẩm chính về thể loại tiểu thuyết có: Bả giời, Vào cõi, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Mình và họ, Kể xong rồi đi. Các tác phẩm chính về thể loại thơ có: Lam chướng, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa...

Tác giả: Phương Phương

Nguồn tin: TC Văn nghệ Quân đội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây