"Có gì xanh đau đáu dưới cỏ non"

Thứ bảy - 21/12/2013 01:56 10.902 0
Bài thơ tự nhiên với những ẩn dụ sâu sắc, tinh tế nhẹ nhàng với những ngôn từ gần gũi nhưng rất hiện đại. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà thơ chuyển đến chúng ta đã vượt ra khỏi không gian của một vùng quê Thanh Hóa cụ thể, mang tầm đất nước và thời đại.

CỎ NON

 
Có gì xanh đau đáu dưới cỏ non
Xanh nhoi nhói rờn rợn bàn chân bước
Xanh mươn mướt như là màu tóc
Xanh như là ánh mắt bạn bè tôi
 
Xanh nụ cười của tuổi hai mươi
Từ lòng đất hiện về tươi roi rói
Lúc hy sinh bao điều chưa kịp nói
Gởi vào trong màu cỏ đợi tôi về
 
Trao màu trăng dào dạt bến sông quê
Trao ngọn gió trời Hàm Rồng- Nam Ngạn
Trao khúc hát qua mưa bom bão đạn
Hương lúa lên thơm da diết cây cầu
 
Dưới màu cỏ non là trận địa, chiến hào
Là đường cứu thương, hầm chỉ huy, bệ pháo
Mỗi tấc đất bao nhiêu lần thấm máu
Bao nhiêu lần da thịt hoá phù sa!
 
Mấy chục năm rồi, từ màu cỏ mở ra
Những gương mặt như còi tàu hú gọi
Mỗi bước đi sợ chạm vào đồng đội
Xin một lần cúi lạy cỏ non ơi!

07-5-2009

Nguyễn Minh Khiêm

 

Tản mạn sau khi đọc bài thơ “Cỏ non” của Nguyễn Minh Khiêm:

Bài thơ này nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm viết khi chiến tranh đã lùi xa, cỏ non đã lên xanh trên những dấu tích của chiến tranh. “Cỏ non” có thể che phủ những trận địa, chiến hào, những hố bom bên Hàm Rồng - Nam Ngạn... nhưng dẫu non xanh đến đâu cũng không xóa nhòa bao đau thương, mất mát của chiến tranh tàn khốc để lại những di chứng cho bao thế hệ và như một thông điệp xanh gửi đến muôn đời.

Phải có một sự đồng cảm và tinh tế lắm, nhà thơ mới thấy được: “Có gì xanh đau đáu dưới cỏ non/ Xanh nhoi nhói rờn rợn bàn chân bước”. Từ “đau đáu”, “nhoi nhói” “rờn rợn” khiến người đọc gai người, phải nương nhẹ từng bước chân, bởi dưới lớp cỏ non xanh kia là “mươn mướt như là màu tóc”, “như là ánh mắt bạn bè tôi”. Ta như thấy được mối giao hòa hai cõi âm dương, giữa những người bạn năm xưa tạm biệt mái trường, tạm biệt quê hương tình nguyện ra chiến trường đánh giặc cứu nước. Điệp từ “xanh” được nhà thơ nhắc lại nhiều lần như một dụng ý nghệ thuật. Đấy là màu “xanh” của tuổi trẻ với bao hoài bão, là màu xanh của tương lai và hy vọng, “nụ cười của tuổi hai mươi” mãi hiện hữu trong “cỏ non” như một thông điệp gửi cho những người còn sống: “Lúc hy sinh bao điều chưa kịp nói/ Gởi vào trong màu cỏ đợi tôi về”. Phải chăng từ “gởi”“đợi” kia như một sự ủy thác tin cậy cho thế hệ sau. Không chỉ “đợi”“gởi”, các anh còn trang trọng, tin cẩn “trao” cho những người còn sống “màu trăng”,“khúc hát”, “ngọn gió trời Hàm Rồng- Nam Ngạn”, “hương lúa”... những gì thân yêu, gần gũi và bình dị, có được là do sự hy sinh anh dũng của bao người.

Những điều ẩn sau lớp có non kia đã nuôi dưỡng màu xanh non tơ đầy sức sống: “Mỗi tấc đất bao nhiêu lần thấm máu/ Bao nhiêu lần da thịt hoá phù sa!” của bao người con đất Việt cần cù và dũng cảm. Đất nước ta bốn nghìn năm lịch sử, trải bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, mỗi tấc đất, mỗi mùa vàng đều thấm bao xương thịt của những người con đất Việt. Câu thơ giàu tính triết luận mà không hề khô cứng cùng điệp ngữ: “Bao nhiêu lần”, thấm vào lòng người đọc như những hạt phù sa thầm lặng.

Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cầu Cầu Hàm Rồng bắc qua Sông Mã có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông Bắc - Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc (1965-1973), đế quốc Mỹ đã tổ chức hơn 1.000 trận tập kích bằng không quân, ném xuống 70.600 tấn bom, bắn hàng nghìn quả tên lửa, rốc két... nhưng cầu Hàm Rồng vẫn trụ vững. Cầu Hàm Rồng như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết quân dân, mảnh đất, con người nơi đây đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, một biểu tượng cao đẹp của khí phách anh hùng. Khẩu hiệu: “Thà gục trên mâm pháo quyết không để cầu gục” từ đại đội 4 (đại đội anh hùng) thành câu khẩu hiệu truyền thống của người Hàm Rồng. Những địa danh như: Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực, núi Ngọc, núi Rồng, tập thể Nhà máy Điện Hàm Rồng, Nhà máy phân lân lò cao, Đội cầu 19/5...; những tên người như Ngô Thị Tuyển, Ngô Thị Dung, Nguyễn Thị Hằng... đã đi vào lịch sử như một huyền thoại.Ông M.Da-ga-ren, Ủy viên Bộ Chính trị Ðảng Cộng Sản Mỹ đánh giá:“Cầu Hàm Rồng là tượng đài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân và thanh niên Việt Nam; một biểu tượng trước toàn thế giới về sự thất bại của chính sách xâm lược và hiếu chiến của đế quốc Mỹ”. Những điều lớn lao ấy được nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm diễn đạt thật dung dị và sâu lắng.

Khổ thơ cuối mở ra một biên độ không giới hạn tiếng gọi của hòa bình cất lên từ “cỏ non”, khi: “Mấy chục năm rồi, từ màu cỏ mở ra/ Những gương mặt như còi tàu hú gọi/ Mỗi bước đi sợ chạm vào đồng đội/ Xin một lần cúi lạy cỏ non ơi!”.Cứ ngỡ màu cỏ non kia sẽ khép lại, xóa nhòa tất cả nhưng không, “từ màu cỏ mở ra” để rồi từ đó ta thấy: “Những gương mặt như còi tàu hú gọi” đầy day dứt và ám ảnh, như một lời nhắc nhở đến những thế hệ sau và thức tỉnh lương tri, trên con tàu lịch sử luôn băng về phía trước. Hình ảnh: “Xin một lần cúi lạy cỏ non ơi!” như một nén tâm nhang thơm ngát dâng lên hương hồn bao người con đất Việt đã anh dũng hy sinh vì quê hương đất nước. Hình tượng “cỏ non” xuyên suốt bài thơ như cầu nối âm dương, như tiếng vọng của ngàn xưa xanh mãi chuyên chở khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc của muôn đời.

Bài thơ tự nhiên với những ẩn dụ sâu sắc, tinh tế nhẹ nhàng với những ngôn từ gần gũi nhưng rất hiện đại. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà thơ chuyển đến chúng ta đã vượt ra khỏi không gian của một vùng quê Thanh Hóa cụ thể, mang tầm đất nước và thời đại. “Cỏ non” như biểu tượng của hòa bình, sức sống mãnh liệt của dân tộc, sau mỗi mắt lá non tơ “nhoi nhói” một lời nhắn nhủ, nếu ta không biết trân trọng, giữ gìn thì chính chúng ta sẽ làm cho “cỏ non” kia tàn lụi và kẻ thù có thể chà đạp lên bất cứ lúc nào, dẫu có lúc lại bật lên những mầm xanh thì cũng phải trả giá bằng biết bao hy sinh, mất mát. Không phải ngẫu nhiên mà bài thơđược trao giải B - (không có giải A) cuộc thi thơ phạm vi toàn quốc của do báo Thanh Hóa và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng, 2010.

Hà Nội 12.2013
Trần Vân Hạc

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây