Phê bình văn học: Liệu có “tuyệt chủng”?

Chủ nhật - 16/12/2012 21:20 4.669 0
Tuyệt chủng - từ vựng này vẫn thường dành cho giới sinh vật, loài động vật hay thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Vậy mà có người lại bảo: "Cứ đà này, xem ra phê bình văn học (PBVH) nước ta tuyệt chủng đến nơi rồi!". Cách dùng từ như vậy có thể không ổn, song nếu ta nhìn nhận lại một hiện tượng có thật, rằng lâu nay, trên văn đàn ngày càng vắng bóng các nhà lý luận phê bình và hầu như không có tác phẩm PBVH nào đáng giá thì cho dù có nói quá đi là "tuyệt chủng" cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn hiện hữu thời gian dài trong đời sống văn học nước ta.

Trước hết, trở lại định nghĩa về PBVH, đó là "Bộ môn nghiên cứu chuyên phân tích các tác phẩm văn học nhằm mục đích đánh giá và hướng dẫn việc sáng tác" (Từ điển Tiếng Việt của Vĩnh Tịnh, NXB Lao động 2007). Như vậy, việc sáng tác và PBVH phải luôn song hành, hỗ trợ cùng phát triển. Và giờ nói rằng nó "tuyệt chủng" thì hẳn là trước đây có thời kỳ "mắn đẻ".

Nếu nhìn vào chặng đường phát triển văn học hiện đại nước ta quãng ngót một thế kỷ, lấy cái mốc ra đời cuốn tiểu thuyết biền ngẫu đầu tiên Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách năm 1925 thì giữa sáng tác và PBVH từng là "đôi bạn" khá tâm đắc suốt một quãng đường dài. Thời kỳ Thơ Mới nở rộ những năm trước Cách mạng Tháng 8/1945, lập tức xuất hiện nhà PBVH xuất sắc Hoài Thanh với tác phẩm Văn chương và hành động (1936), đặc biệt là Thi nhân Việt Nam (1941).

Thực ra Thi nhân Việt Nam chỉ là một tuyển thơ với bài đề dẫn Một thời đại trong văn chương chừng hơn một chục trang in, còn lại tác giả giới thiệu mấy chục nhà thơ mới tiêu biểu với các tác phẩm tiêu biểu. Song đến giờ, nhiều người trong giới vẫn coi đây là một tác phẩm PBVH mẫu mực, bởi nhãn quan sáng suốt, khen chê đâu ra đấy, không "nhầm" một ai. Về văn xuôi, nhà PBVH Vũ Ngọc Phan cũng được thừa nhận là có "con mắt xanh" với những tác phẩm Trên đường nghệ thuật (1940), Nhà văn hiện đại (4 tập, ra mắt bạn đọc các năm 1942-1945).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn học nước ta có nhiều tác phẩm phản ánh được hiện thực một cách sinh động, giàu tính văn chương thì cũng đồng thời có những tác giả phê bình đã có đóng góp đáng kể cho việc đánh giá và hướng dẫn sáng tác. Ngoài hai nhà văn trên còn có các nhà phê bình: Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Đình Kỵ, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh, Vương Trí Nhàn, Ngô Thảo, Phương Lựu, Phong Lê…

Thế rồi đến thời bình, nhất là những năm đổi mới, thực thi cơ chế thị trường vừa qua, nhà PBVH nước ta bị "già hóa" nhanh chóng. Tre già mà măng chưa mọc, lớp trẻ kế cận ngày càng ít. Chỉ cần nhìn vào số lượng hội viên kết nạp hàng năm cũng thấy rõ. Trong các ban của Hội Nhà văn Việt Nam, số người "nộp quyển" đông nhất vẫn là thơ, rồi đến văn, dịch thuật, cuối cùng mới là lý luận phê bình. Vào Hội rồi, nhà phê bình trẻ hình như không còn cái nhuệ khí như khi chưa vào Hội, ít thấy ai trình làng tác phẩm mới của mình, trong khi nhà phê bình lớp đàn anh cũng quá nhiều người đã yên trí "rửa tay gác kiếm".

Phải nói là những năm qua, thị trường sách trong nước ảm đạm. Tác giả muốn "đứa con tinh thần" của mình ra đời thì hầu hết phải bỏ tiền túi ra in. Thơ in được nhiều hơn cả vì chi phí không lớn lắm (khoảng chục triệu đồng trở lại cho cuốn trên dưới 100 trang). Kế đến là văn xuôi. Sách phê bình ít độc giả, lực lượng mỏng nên lại càng hiếm tác phẩm được ra mắt bạn đọc. Có tác giả trên danh nghĩa là "nhà lý luận phê bình" nhưng đăng ký tác phẩm trao Giải thưởng Nhà nước lại bằng… thơ. Cũng có vài cuốn phê bình được trợ giá, thậm chí được trao thưởng hàng năm của Hội Nhà văn thì vẫn không gây được tiếng vang nào.


Văn đàn hôm nay thiếu vắng những tác phẩm phê bình nổi tiếng.

Còn trên mặt báo, kể cả Văn nghệ hay Văn nghệ Quân đội được coi là "chính thống văn học" cũng phần nhiều là các bài điểm sách, giới thiệu tác phẩm khen tí, chê tí, nông cạn, nhạt nhẽo. Có người biện luận: lâu nay, trên văn đàn có sáng tác nào gây "chấn động" đâu mà nhà phê bình phải "nhảy vào". Tác phẩm dở cũng rất cần nhà phê bình lên tiếng phê phán để hướng dẫn dư luận. Song, tâm lý ngại va chạm, nể nang chính là một nguyên nhân khiến nhà phê bình tự làm cùn ngòi bút của mình, tác phẩm có viết ra cũng ít giá trị. Thực ra nhà văn Hoài Thanh toàn khen thôi mà tác phẩm của ông vẫn được đánh giá cao, bởi cái tâm ông ngày ấy trong sáng, cộng với một khả năng thẩm thơ chính xác tuyệt vời.

Tóm lại, có hai nguyên nhân đã dẫn tới nguy cơ PBVH bị "tuyệt chủng": nhà phê bình bất tài, không nhìn thấy cái hay cái dở để phân tích, luận bàn; nhà phê bình biết đấy nhưng nói ra sợ… "nó thù"!

Nói cho cùng, ở lĩnh vực nào, thể loại nào trong văn học cũng cần cái tâm và cái tài. Có lẽ ở nhà PBVH còn cần thêm cái dũng khí nữa, cái dũng khí của người "cầm roi quất cho con ngựa văn học lồng lên" (Ý câu của nhà PBVH văn học Nga Belinxki).

Tác giả: Phạm Quang Đẩu

Nguồn tin: Sức khỏe đời sống

 Từ khóa: phê bình văn học

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây