Đọc thơ các bạn trẻ Cần Thơ

Thứ sáu - 01/02/2013 02:13 10.555 0
Trại sáng tác trẻ của Hội Nhà văn TP. Cần Thơ khai mạc ngày 8.12.2012 và kết thúc vào chiều ngày 19.01.2013 với 15 cây viết đầy triển vọng. Được sự tín nhiệm của BTC, tác giả Huỳnh Thúy Kiều đã đến trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các bạn trẻ. Và đây là bài nhận xét tổng quát về thơ ở trại sáng tác mà Huỳnh Thúy Kiều đã trình bày trong buổi lễ tổng kết. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Lê Chí và nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều
Nhà thơ Lê Chí và nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều
>> Hội Nhà văn Thành phố Cần Thơ mở trại sáng tác văn học trẻ

Không có đứa trẻ nào ra đời lại không có bàn tay bà đỡ. Hội Nhà Văn thành phố Cần Thơ đã làm một việc giống như bà đỡ ấy. Đỡ những bài thơ đầu tiên, đỡ những người viết trẻ đầu tiên. Mở ra một không gian cho sự gặp gỡ, trao đổi của những người viết trẻ với nhau, với cả những người viết đã có danh. Cuộc gặp gỡ ấy không thể không sinh ra những tác động tạo cú hích nhất định cho người sáng tác trẻ. Bà mụ không tạo ra các em bé mà chính những bà mẹ mới tạo ra. Thơ cũng vậy, không phải người khác tạo ra thơ cho mình mà chính mình mới tạo ra thơ. Đó là cuộc tự đi tìm mình trong thế giới đầy tình yêu với muôn vàn màu sắc, âm thanh và nhạc điệu. Đứa trẻ xinh đẹp và sắc sảo, thông minh được người đời yêu mến và quý trọng không phụ thuộc vào bà đỡ mà phụ thuộc vào người mẹ. Người mẹ thơ có phẩm chất để sinh ra những đứa con tinh thần như trên hay không, chủ yếu phụ thuộc vào tài năng của chính mình. Phẩm chất đó biểu hiện thành nội sinh chứa trong trái tim người mẹ và khi đứng giữa cuộc đời biết tích tụ những gì tốt đẹp nhất đến độ chảy tràn ra trang viết. Đứa trẻ xinh đẹp và sắc sảo, thông minh đều được tỏa sáng từ nội dung đến nghệ thuật thể hiện.

Tôi đã may mắn được đọc 97 bài thơ của 9 tác giả trẻ: Lê Thị Nhiên, Thu Ân, Nguyễn Hoàng Viện, Phan Duy, Nguyễn Thị Thu Hà, Huy Tùng, Tam Giang, Hoa Trúc và Mai Đức Trung. Nhìn tổng thể, qua thơ của 9 tác giả, đã đưa tôi lạc vào một vườn ươm xanh non nhiều hứa hẹn. Chất trẻ ở từng bài thơ tạo nên cái xôn xao giàu âm hưởng. Những đề tài các bạn quan tâm khá rộng, cuộc sống thu nhỏ lại mà âm vang. Không hoàn toàn đúng nhưng hình như mỗi nhà thơ, mỗi người viết khi viết những câu thơ đầu tiên thường là thơ tình yêu. Thơ tình yêu trong thơ Việt Nam có dung lượng lớn và nhiều khả năng được khai thác, bồi đắp tiếp từ những nhà thơ trẻ. Ý nghĩ đó xuất hiện khi tôi đọc 97 bài thơ của các bạn. Nhiều cung bậc, nhiều sắc thái đã hiện hình lên. Không phải chỉ có tình yêu trọn vẹn mới đẹp mà ngay cả khi không trọn vẹn để lại một nỗi buồn sâu nhưng không bi lụy. Đó vẫn là tình yêu đẹp:

"một người đi như khói thốc
để bến mong chờ hát khúc rêu phong…"

            (Ngày hôm qua - Nguyễn Thị Thu Hà)

Hướng về thực tiễn đời sống, bằng tình yêu của mình mà viết. Viết những gì khi cảm xúc dâng lên, không thể không viết. Tôi thích những bài thơ như thế. Khi các bạn hướng về đời sống với nhiều đề tài phản ánh nỗi buồn vui bằng tấm lòng sâu nặng, nhân văn, tôi hình dung những chàng thiếu niên đã bắt đầu cởi khăn quàng đỏ nhận ra chính mình và được sự công nhận của đời sống là mình đã trưởng thành. Lúc đó tình yêu sẽ bao trùm lên tất cả các bài thơ. Có nhà thơ đã viết: "Không có tình yêu, thơ chết ngạt". Thơ các bạn sẽ phong phú hơn về đề tài. Nhưng với thơ, đề tài không quá quan trọng. Cái chính là sự rung động và sự cảm nhận sâu sắc của tâm hồn. Nội dung chở được khát vọng con người và nghệ thuật biểu hiện phải thật sự mới và điêu luyện. Thơ rất cần những chi tiết đời sống mang tính đại diện tích đầy thơ, có khả năng bùng nổ. Thơ cần có tứ, có tứ sẽ gây nên sự bất ngờ và bất ngờ làm ta thú vị. Sứ mệnh của người cầm bút sẽ thôi thúc các bạn lao vào đời sống thực tế để có nhiều trải nghiệm. Giữ được cảm xúc là giữ được cho thơ cái gốc sinh thành. Cảm xúc tạo ra tần số nào đó trùng với tần số đề tài bạn quan tâm, khi ấy sẽ có thơ. Thơ rất cần cái mới, cái lạ và cao hơn nữa, đó là cái đẹp. Tôn trọng và tìm tòi cái mới, cái lạ, thật đáng hoan nghênh. Nhưng cái mới, cái lạ vẫn thử thách người viết: Cái mới, cái lạ phải là do chính cuộc sống mới lạ sinh ra và chỉ nhà thơ nhìn thấy. Ngoài ra những cái mới, cái lạ đó phải được thể hiện ra bằng ngôn ngữ cao sang, giàu tính ẩn dụ, đẹp mà bình dị. Nhiều bài thơ của các bạn, tôi đọc, ngôn ngữ chưa mới, hình ảnh chưa thật long lanh và ít tính ẩn dụ. Nguyễn Thị Thu Hà có bài thơ "Sự chết từ nơi anh" khá hay nhưng lại có câu tôi chưa thích lắm. Câu đó là: "Sự sống được sinh ra từ khe háng đàn bà", còn cái gì đó vẫn thô. Thơ là thực nhưng là thực đã thăng hoa trong nhận thức, tức là thực - ảo. Thơ kiểu "Mây hành kinh" gợi cái gì chưa đẹp, thực tế bị đời sống bỏ qua. Huy Tùng có bài "Bỏ quên" cũng khá nhưng khi anh viết: "Mồ hôi của cha cõng trên lưng vạt rừng tràm nắng cháy" không thể không làm cho vùng bạn đọc của tôi liên tưởng đến câu: "Mồ hôi cha cõng cánh đồng làng chạy lũ" (Theo em về vùng cổ tích). Đọc thơ các bạn, tôi thấy cái "tôi" nhiều hơn cái "đời". Lẽ ra cái "tôi" và cái "đời" cộng hưởng để không còn "tôi" và cũng không còn "đời" trần trụi. Người đọc phải mở tấm khăn voan để chiêm ngưỡng khuôn mặt dịu hiền, tuyệt đẹp của cô dâu. Thật khó cho người làm thơ, bạn đọc ngày càng đòi hỏi cao, ngày càng khó tính. Hiện nay thơ trẻ đang đầy sự trở trăn, tìm tiếng nói riêng. Giữa bao nhiêu âm thanh hỗn tạp, nếu người thơ không có giọng điệu với tần số riêng thì rất khó cho người đọc nhận biết. Thơ là giọng sô lô trong dàn đại hợp xướng của đời sống. Những tìm tòi cái mới lạ của các bạn thật đáng trân trọng. Nhưng nhiều bạn đôi khi lặp lại hoặc bị ảnh hưởng của thơ người đi trước. Khi đó thơ các bạn bị hạn chế đi nhiều. Nhà thơ Hoàng Cầm đã rất nổi tiếng với bài thơ "Lá diêu bông" và ai đi tìm lá dù không phải diêu bông thì cũng gặp phải thách thức. Thơ không sợ trùng đề tài nhưng đòi hỏi sự khác lạ. Nhiều bạn đã vượt qua thơ tình yêu hay lấy tình yêu làm duyên cớ để đến với những đề tài khác như Nguyễn Thị Thu Hà, Tam Giang, Huy Tùng, Phan Duy, Mai Đức Trung… là những ví dụ.

Rất mừng các bạn đã thể hiện không cứng nhắc về thể loại và vần điệu. Thể loại bao giờ cũng hạn hẹp hơn thơ. Vần điệu bao giờ cũng cần thiết cho thơ, nếu không, nó là văn xuôi giàu hình ảnh. Vần điệu không gò bó như những thể loại được khái quát. Tiếng gió va vào vách đá khác với tiếng gió giữa mênh mông ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Một số bài thơ lục bát, tôi có thể nói thêm thế này, đã là lục bát thì phải tuân thủ đúng vần điệu. Lục bát lạc vần gây ra sự mất hứng nhất định khi đọc. Thơ đòi hỏi mới và sáng tạo, nên viết cứng nhắc theo thể loại thật khó có thơ hay. Một trong những loại thơ khó viết hay, chính là lục bát. Người viết trẻ thường phá thể, phá cách nhưng muốn phá gì thì thơ vẫn là thơ và bản chất thơ là tự do, phóng khoáng của gió trời. Tất cả chúng ta làm thơ, cốt yếu để lay động người khác, hướng tới sự sẻ chia và cảm thông. Người viết và người đọc có chung một đời sống thực tế nơi tạo ra các cung bậc tình cảm, người thơ nào viết chạm phải nỗi lòng bạn đọc, thường được bạn đọc quý mến. Theo tôi, sở dĩ thơ nhiều người trẻ chưa được bạn đọc đồng tình bởi trong sâu xa thiếu đi hồn cốt dân tộc Việt Nam. Hồn cốt đó được bồi đắp bởi tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích, thần thoại hay truyện Kiều, thơ mới hay thơ kháng chiến… và ai thiếu điều đó, chắc chắn viết ra khó lay động lòng người. Thơ như những bài ca hay nhất tồn tại với thời gian, cái hồn sâu xa chính là điệu hồn dân tộc. Thơ có hồn cốt dân tộc thường lụa là, êm dịu hồ thu nên dễ vào lòng người. Chừng mực nào đó, ở trại sáng tác trẻ này, thơ các bạn chưa thật đầy hồn cốt dân tộc.

Trong 97 bài thơ tôi được đọc, không có bài thơ nào thật trọn vẹn nhưng cũng không có bài thơ nào dở. Thơ các bạn đã tránh được vết xe đổ của những nhà thơ trẻ mải mê tìm tòi chủ yếu là cách thể hiện, dùng ngôn ngữ nhiều khi đánh đố người đọc. Thơ các bạn chưa đạt tới cái duy nhất của sự thể hiện. Đường thơ dài thăm thẳm và bất chợt, nên vẫn cho tôi niềm hi vọng ở nhiều bạn trẻ làm thơ ở Cần Thơ. Và tôi thấy các bạn đã đi đúng hướng trên con đường lắm chông gai và nhiều ngộ nhận này. Tuy mỗi bạn có cách thể hiện riêng, nhưng tôi thấy yêu hơn một số bài thơ của Mai Đức Trung, Huy Tùng, Nguyễn Hoàng Viện… Nhưng nếu phải chọn một tác giả, một việc thật khó khăn, trong mặt bằng thơ ở trại sáng tác này, tôi nghiêng một chút về thơ của Nguyễn Thị Thu Hà. Nguyễn Thị Thu Hà có những câu thơ giàu hình tượng, giàu sức gợi, khi đọc thơ Hà, tôi có nhiều hứng thú và thật sự xúc động.

Trại sáng tác trẻ Cần Thơ vừa khép lại. Một lần nữa phải nhìn nhận rằng Liên hiệp Hội VHNT Cần Thơ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hội Nhà Văn Cần Thơ làm nên một "cú hích lớn" mà không phải Hội VHNT nào cũng làm được. Một sẻ chia nhỏ cuối cùng đầy tâm huyết mà tôi muốn gởi đến các bạn viết ở trại sáng tác trẻ Cần Thơ: HÃY LẶNG LẼ SỐNG VÀ VIẾT, THƠ BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ NHẤT QUANH TA TRONG CUỘC SỐNG NÀY.

Tác giả: Huỳnh Thúy Kiều

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây