>> Kết quả cuộc thi thơ ĐBSCL lần IV-2009
TRĂNG NGHẸN
(Giải Nhất)
Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.
Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẻn lẻn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.
Hoài Tường Phong (Cần Thơ)
SƯƠNG HỒ
(Giải Nhì)
Lá mỏng như sương
Mang cả mùa đông trên áo
Chiếc xuồng nhỏ đầy khoang mộng ảo
Hảo hán, hề…bó gối, khoanh tay
Trời lặng mà lòng lá lay
Ai thả sợi thời gian, câu nửa đời tay trắng?
Nụ cười vỡ toang
Mà búng Bình Thiên vẫn lặng
Vai giang hồ - túi rỗng - mộng đầy trăng…
Sương của ngàn năm
Vẫn lạnh như băng
Bàn tay ấy
Em!
Một lần làm ta viễn vọng
Xua những mùa xưa trĩu nặng
Ta mang hồn đi rong.
Lê Thanh My (An Giang)
ĐÔI BỜ
(Giải nhì)
Anh trách em:
“Ở làm chi bên kia bờ sông Tiền” *
Cho nỗi nhớ dài như con sóng
Anh nắng hạ mưa đông nại đò giang cách trở
Em ngày giêng hai ngồi đợi bến sông chiều
Đo thử sóng dài bao nhiêu
Để ước chừng nỗi nhớ
Ước chừng giữa muôn trùng sóng vỗ
Có ngọn sóng nào xô ta vào nhau
Đôi bờ khuất sau một dãy cù lao
Con sóng gãy làm đôi, con sóng dài không hết
Nên anh cứ trách
Nỗi đò giang
Khi những sợi dây văng
ngạo nghễ đưa tay níu trời về với nước
Em bồi hồi không biết
giấu nỗi lòng vào đâu
Tháng bảy mưa ngâu
Em ra ngồi đếm sóng
Đếm những chuyến phà, ước lượng tháng năm
Cầu xây xong, anh, không thấy về thăm
Em mới biết
Đôi bờ cách nhau tám ngàn ba trăm ba mốt mét
Bằng chiều dài con sóng
Và
Xa quá một tầm tay
------------------
* Lời thơ Thanh Vũ
Ngô Thị Thu Vân (Bến Tre)
THƯƠNG NHỚ ĐỒNG BẰNG
(Giải Ba)
Có đi đâu?
Vẫn thương nhớ đồng bằng!
Nơi mà câu vọng cổ là cội nguồn vùng đất
Lắm ngã bảy ngã ba quanh co ngúc ngắc
Nơi có những con người dạ thẳng ngay như cây đước trên rừng
Chặt sấu dưới sông
Đuổi cọp trên ngàn
Dựng xóm, dựng làng
Dựng những cù lao cư dân đông đúc
“Bẹo” của cải làm ra giữa thanh thiên bạch nhật
Chợ nổi nhóm trên sông
Người mua - bán rộn ràng
Uống rượu bằng tô! Khí phách người đồng bằng,
Vác phảng chém Tây,
Rượt thằng “cọp rằn” hống hách
Ra Côn Đảo đấm vỡ mặt thằng cai ngục
Người đồng bằng ghét kẻ ác kẻ gian
Đi bằng xuồng, tam bản, ghe mui
Đến với nhau bằng trái tim rộng mở
Hạt muối chia đôi, nắm cơm bẻ nửa
Một tiếng đờn kìm xót kiếp ly hương
Nhớ một cành đào phương Bắc ửng xuân
Thương sắc vàng hoa mai ấm lòng xa xứ
Nụ cười bể trời thật thà chân chất
Giong xuồng ngao du hát lý long đong
Ông nội một đời quảy nóp trên lưng
Cha mẹ lang thang kiếp tá điền nghèo khổ
Câu hát ru con bềnh bồng cùng lũ
Hạt lúa cựa mình tách vỏ để thành thơ
Thơ của người đồng bằng - thơ Lục Vân Tiên
Đạo lý nghĩa nhân sáng ngời con chữ
Lung linh cánh lục bình tím trời châu thổ
Ghe thương hồ chèo vụn vỡ vầng trăng
Đùm bọc bạn bè không nói chuyện nghĩa ơn
Trải hết lòng cùng nhau cạn chai rượu đế
Đêm Thăng Long, một câu Kiều rơi lệ
Đất Rồng xưa canh cánh nỗi niềm!
Người đồng bằng đâu cũng gọi anh em
Điệu tài tử mênh mang sông nước
Chín dòng sông chống chèo xuôi ngược
Khúc hát phương Nam gọi nắng đi về
Cửu Long, Cửu Long ngọt đỏ phù sa
Con cá con tôm làm nên kỳ tích
Người nông dân biết mở cho mình trang web
Đưa thương hiệu Đồng Bằng đi khắp năm châu
Người đồng bằng đứng thẳng mình vươn tới tầm cao
Sừng sững giữa biển Đông định danh vùng đất
Với chiếc áo bà ba, đôi mái chèo khua sóng
Trong chèo câu hò chở gió cho trăng
Lồng lộng cánh cò chở gió bâng khuâng
Nón lá che nghiêng chở chiều cho nắng
Chở lúa cho đồng,
Chở nước cho sông.
Chở tiếng trống cúng đình lễ hội kỳ yên.
Ngửa mặt với trăng sao ôm cả đất trời thấy chật
Chở tình yêu gái trai điệu huê tình dịu ngọt
Gió mang câu hát đi.
Đàn sếu bay về,
Đêm đồng bằng gió lộng chín cửa sông.
Thạch Thị Liễu (Hậu Giang)
VỀ NHÀ XƯA UỐNG RƯỢU
(Giải Ba)
Tưởng chừng như lâu lắm
Mới gặp lại anh mình
Mời nhau chung rượu nhạt
Sẻ chia một chút tình
Anh một đời lận đận
Vợ quê đàn con thơ
Chữ nghĩa xưa trôi cả
Theo con nước tràn bờ
Có mấy con cá bự
Đem về biếu cha già
Cọc cạch xe đạp cũ
Nắng cháy đường xa xa
Ta mòn tay thơ phú
Nắng không tới lưng trần
Về thăm cha tay trắng
Nhìn anh mà rưng rưng
Vẫn cái cười hào sảng
Anh khen thơ em mình
Nhà ta nhờ có chú
Con cháu phần hiển vinh
Tay nâng chung rượu nhạt
Nghe đắng cả tim mình
Anh biết đâu thơ phú
Chợ đời giờ rẻ khinh
Bao năm hao giấy mực
Vợ con vẫn nhọc nhằn
Thơ nào nói hết được
Cái nghĩa tình trăm năm
Chiều nay ngồi uống rượu
Mái nhà xưa năm nào
Anh em đường phiêu bạt
Hội ngộ nào biết đâu
Tiễn anh về nơi ấy
Ta nhìn theo ngậm ngùi
Chiều ngã vàng trang giấy
Bóng một mình ta trôi.
Nguyễn Trung Nguyên (Cần Thơ)
HÌNH NHƯ
(Giải Ba)
Hình như phố phường che phía lưng tôi
Phía hoang rậm hóa chằn tinh trong cổ tích
Đầu bị chém văng mọc trăm đầu khác
Ba tôi làm cây phảng cùn tới sống lưng
Nhìn ruộng mình thuốc thang ngữa sấp
Dựng đốm lửa trong bựng khói thuốc giồng um khét
Lật chiều đứng lên võng vấp vào chân…
Có mùa trời thấp đất gần
Mây ướt nặng màu chì xô dài tiếng sấm
Mưa nhảy lụt nhận cánh đồng bất tận
Nửa khuya giật mình bỏ ngủ nước táp lưng
Ba má tôi bên ngọn đèn phật gió đợi hết đêm
Ôm bình minh lặn mò mùa màng bồng bênh trong chân sóng
Mang chiều lạnh về nhà bằng mái dầm bơi quẩn
Đầm đìa xuồng lúa nhú mộng nước ngâm
Có năm đất nẻ chân chim
Sâu rầy bay vào giấc mơ làm ác mộng
Cây nhang đỏ nơi ông bà độ lượng
Ba tôi vẫn áo quần cho những hình rơm
Giận cánh tay gân nổi bùa không nổi phép linh
Lúa rối mình lép bông dưới chân rừng cỏ dại
Quên trời nắng đổ sao
Má tôi làm chiếc liềm cong chúi nơi khô nức
Tuổi thơ tôi long lanh trong mồ hôi mẹ cha không kịp vuốt
Má dạy vỡ lòng lúa gạo ngọc trời cho
Biết cúi lượm từng hạt cơm lỡ rớt
Cánh đồng cho tôi tung tăng xách đầy thùng mơ ước
Chụp bắt lấm lem vũng cá cạn chạy bùn
Đĩa vấp với cắn no tôi lúc nào tự rớt
Chỗ máu tuôn thành dấu ấn nhớ đời
Gan dạ rớt lại cánh đồng vào nhà òa khóc !
Tôi nhoi nhói về nơi xa khuất
Lúc con dế lạc trong bồn hoa trước nhà nức nở đói cỏ non
Tôi xỏ chân vào giày theo phố xá điệu đàng
Không còn gặp chút phèn xả đất trôi ghé nằm khóe móng
Con trâu đất nung đứng buồn bên góc tường bong vôi trắng
Bụi ngập lưng dành sáo đậu véo von
Bữa ăn chê cá chê cơm
Người thân tôi nhìn đâu đâu bên ngoài gõ đũa !
Hình như không ai còn chờ tôi đâu đó nữa
Nơi cánh đồng vắt sức nuôi tôi
Nơi mẹ cha tận lực tận đời
Vuột tu?i tho đẫm mùi bùn mùi đất
Vuột mộc mạc người quê quanh năm chân quên dép guốc
Tôi là cây phảng chiếc liềm không giống mẹ cha
Tự triển lãm mình giữa chốn phù hoa
Phố phường lạnh lùng vây tôi ùa vào mục sét !
Phạm Nguyên Thạch (An Giang)
ĐIỀU CÒN LẠI TRÊN CÁNH ĐỒNG
(Giải KK)
Có phải là con trâu trong bài vỡ lòng mở đất
Là nắm cơm khô trưa nắng xé đỉnh đầu
Là tiếng mùa vói vọng lại đêm sâu
Con nước lớn cá trườn vào ruộng hạn
Lạch nông nhỏ bất ngờ thành mương lớn
Mưa tràn về chới với một vầng trăng…
Có phải chiếc khăn rằn cổ tích cứ băn khoăn
Không cơn gió quày về lưng áo mẹ
Không cơn gió đẩy diều dâng mắt trẻ
Đàn chim bay đi lâu chưa thấy quay về
Lật đất cày nghe mặn rát con ngươi
Rơi xuống đó tháng năm dài. Rơi xuống đó…
Có phải ven đê là những nấm mồ xanh cỏ
Từ bao năm yên ả khuất ven rừng
Từ bao mùa quên lãng bước dân quân
Chen máu lửa cùng màu cờ xông tới…
Có khi đó cũng là mả mồ ngoại , nội
Người đang đi trong xiêm áo oai hùng !
Có phải nén hương về ẩn dưới hiên nhà
Giông sét phạt lả ngọn dừa canh đất
Lời nguyền yêu đương bỗng hóa thành sự thật
Đám rước dâu đi bộ mấy giang đò
Già với già nhắc chuyện sắp phôi pha
Ai khắc hết cuộcđời lên tảng đá ?
Có phải bài vọng cổ còn về nương mái rạ
Lẻn vào hương lúa chín rộ cánh đồng
Mùa hoa tràm xõa trắng mặt dòng kênh
Nghe tan tác tiếng thở dài ray rứt
Đêm lá reo rặng trâm bầu thao thức
Đi giữa quê hương yêu trăm mối vô hình !
Những chuyến xe từ giã cánh đồng
Trên tháp phố nhìn dòng người lao tới
Trông đám phù vân huyền hư biến đổi
Đôi mắt bới lên lặng ngắt tia nhìn
Nơi- đây- còn- lại- cánh- đồng
Là ký ức dắt nhau đi truyền kiếp…
Đông Triều (An Giang)
NẮNG ĐÃ KÊU CHIỀU
(Giải KK)
Về thôi,
Nắng đã kêu chiều
Lay phay tóc trắng
Liêu xiêu bóng hình .
Về thôi,
Soi dấu phù sinh
Quẩn quanh cũng một chút tình
Lạ quen.
Mơ hồ, đất Mẹ gọi tên
Đồng xanh ngút ngát
Sóng duềnh bãi nâu.
Nghe tim nhói một dầm đau
Hình như hạt bụi
Rơi vào vô thanh .
Ừ, thì về với cõi mình
Bao dung bùn đất lặng thinh khóc cười.
Quỳ bên gối Mẹ ngậm ngùi…
Lê Minh Tân (Vĩnh Long)
QUÊ CŨ BÂNG KHUÂNG
(Giải KK)
Chiều nay có kẻ xa quê
về thăm làng cũ
đứng cặm chân bên hàng lu mái vú
bâng khuâng…
***
Bầy vịt trời lông tía chở tuổi thơ bay đi
trang cổ tích buồn thiu nằm im trong góc tủ
thằng Bí, thằng Bầu, con Hường, con Thương, Bé Gai, Bé Nhỏ…
bỏ lại giấc mơ công nương, hoàng tử
có chồng, có vợ
đùm đề con, đùm đề nợ
ly hương về phố lâu rồi.
Chạy rong một mình trên cánh đồng mồ côi
thành kẻ lạ giữa mùi rơm rạ cũ
con dế than cũng bỏ làng lên phố
gáy te te bài ca đặc sản
quê mùa lạc điệu cống…xự…xang…
đồng vẫn rộng mênh mông
sao không còn chỗ cho lung hoang, đìa cạn
con Ví, con Thá thôi không còn ghẹ sừng, nhơi cỏ
cho rặng trâm bầu thương nhớ khúc ca dao…
***
À…ơi,
gió đưa cọng cải về đâu
chiều nay bấc lạnh lao xao một mình
tôi hứa với em điệu lý chung tình
sao em bỏ lại mái đình làng ta
À…ơi,
đình ta có một cây da
sắc phong công đức tới ba ông Thần
mỗi năm mở hội hai lần
em năm bảy bận hẹn gần, hẹn xa
giờ đình còn có cây da
À…ơi,
và thêm một gã phương xa mới về.
***
Chiều nay có kẻ xa quê
về thăm làng cũ
đứng cặm chân bên hàng lu mái vú
bâng khuâng…
Thèm ngụm nước trong veo cơn mưa đầu mùa ẩm mục mùi mái lá
ngai ngái thơm đồng đất quê nhà.
***
Chiều nay
có kẻ
lại đi xa…
Hà Ngọc Trảng (Vĩnh Long)
Ý kiến bạn đọc