Hương vị bánh quê

Thứ sáu - 26/11/2010 10:49 2.609 0

Bánh lá

Bánh lá
Ngày còn bé ở quê, hàng quán bán quà bánh không nhiều nên mỗi khi nghe má hay bà ngoại gợi ý làm bánh thì bọn trẻ chúng tôi rất mừng. Bánh làm ở nhà vừa ít tốn kém mà tha hồ ăn bao nhiêu cũng được, hỏi làm sao không thích?

Loại bánh dễ làm thường là bánh lá. Ngâm gạo với nước nóng cho mềm rồi đổ vào cối xay nhuyễn thành bột, lọc bột càng kỹ bánh càng ngon. Cho vào vải bồng, dằn ráo nước. Lúc pha bột, nếu muốn bánh có màu xanh đẹp, thơm thì pha nước lá dứa. Để tráng bánh, dùng lá dừa nước cắt lấy đoạn giữa dài chừng 20 cm, rửa sạch. Chuẩn bị một nồi hấp lớn, bên trong gài vỉ tre cách mặt nước sao cho khi sôi không trào ướt bánh. Người làm quen tay thao tác sẽ thật gọn gàng, khéo léo. Một tay cầm bẹ lá hờ trên thau bột, tay kia dùng vá múc bột tráng lên mặt lá rồi đặt nhanh trên vỉ cho tới khi đầy. Đậy vung chừng vài phút là bánh chín, gắp từng lá bánh ra rồi tráng bánh hấp tiếp tục. Cần có người giúp tay gỡ bánh cho nhanh, xếp thành từng lớp đều đặn. Vắt nước cốt dừa cho lên bếp, khi sôi bùng thêm ít muối, đường, hành lá vào, nhắc xuống. Những con bánh lá  sắp ra dĩa, chan nước cốt dừa, thong thả ăn để cảm nhận được cái dẻo của bột hấp, mùi thơm của lá dứa, hành, vị béo ngọt lẫn vị mằn mặn; no bụng lúc nào chẳng hay. Còn muốn ăn khô thì nạo dừa rắc lên bánh lá, thêm muỗng muối mè, đậu phộng đập dập, trộn đều, ngon không kém. Cả nhà quây quần, cùng làm cùng ăn, thú vị vô cùng!

Bánh dừa là loại bánh đặc trưng miền Nam. Trộn lẫn với nếp bằng đậu đen hay đậu xanh hấp nguyên hột với dừa xác nạo hoặc chuối xiêm. Dùng lá dừa tươi non gói bánh chặt chẽ, cho vào nồi nấu vài ba giờ đồng hồ thì chín. Bánh còn nóng hôi hổi ăn mới thật ngon. Đi ruộng, cầm theo vài cặp bánh phòng lúc đói ăn cũng đỡ dạ. Thường làm vừa đủ ăn vì bánh dừa không để được lâu. Nhưng cái không khí xúm xít, bận rộn lúc gói bánh, chờ bánh chín thì khó mà quên được. Điều bình thường là cùng tên bánh, nhưng cách chế biến nhân bánh, lá gói... mỗi địa phương có khác.

Thời bà ngoại tôi còn sống, ưa bày đổ bánh khọt, loại bánh làm khá công phu mà bây giờ giới trẻ ít biết đến. Bột gạo phải thật "tới", nêm muối, đường, vài trứng gà, chút nước cốt dừa, hành lá xắt nhuyễn, bột nghệ cho bánh có màu vàng tươi, trộn tất cả thật đều. Chuẩn bị nhân bánh là thịt nạc heo xắt nhỏ, tôm hoặc tép, củ sắn, củ hành bằm, nêm gia vị xào chín. Khuôn bánh khọt bằng đất nung, thường có 8 tới 10 lỗ trũng đường kính cỡ cái bánh bèo, dùng lâu ngày lên màu đen bóng. Đặt khuôn lên bếp cho nóng, thoa mỡ hay dầu ăn vào khuôn cho bánh không dính. Múc bột cho vào các khuôn, rắc nhân bên trên rồi đậy vung lại, đôi phút là bánh chín. Dùng muỗng lấy bánh ra rất dễ dàng. Cứ tiếp tục đổ bánh cho tới khi hết bột, nhân; thường làm quen tay thì không thừa, không thiếu. Ăn kèm với rau sống chấm nước mắm chanh tỏi giống như ăn bánh xèo, có điều cái bánh gọn và đậm đà hơn. Mỗi lần bà ngoại làm bánh khọt thì buổi đó nhà nấu ít cơm mà có khi không ai ăn vì còn no...bánh. Nhiều năm nay, tôi chưa thấy lại "mặt mày" cái bánh khọt, trong nỗi nhớ ấy có cả hình bóng những người thân yêu đã khuất!

Ký ức tuổi thơ miền quê, ngoài đồng lúa, dòng sông, cánh diều...in đậm dấu ấn, còn có những món quà quê, bánh quê dân dã, mộc mạc gợi lên cảm xúc chân thành...

Tác giả: Nguyễn Kim

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Cùng một tác giả

Xem tiếp 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây