Trầm lắng Thơ năm 2010

Thứ bảy - 04/12/2010 02:05 2.597 0

Nhà thơ Trần Quang Quý

Nhà thơ Trần Quang Quý
Năm 2010 là một năm có nhiều sự kiện văn hoá lớn của đất nước. Nhìn lại thơ ca trong dòng chảy với nhiều mạch ngầm, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với nhà thơ Trần Quang Quý - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8.
PV: Anh nghĩ sao về lời nhận xét rằng, người theo dõi sát sao tình hình văn học đôi khi chưa chắc là những nhà lý luận phê bình mà chính là những nhà văn, nhà thơ làm công tác biên tập ở những nhà xuất bản, đặc biệt là NXB Hội Nhà văn?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Điều này cũng tự nhiên thôi. Vì các nhà xuất bản phải đọc, biên tập để xuất bản. Một năm phải đọc đến cả ngàn tác phẩm. Như tôi, với chức năng và trách nhiệm phải đọc duyệt hầu hết những tác phẩm để cấp phép của Nhà xuất bản sau khi biên tập viên đã biên tập; nhờ vậy tôi cũng biết những nét cơ bản về diện mạo văn học hiện nay. Ngoài ra, là nhà thơ, có 5 năm hoạt động trong Ban nhà văn trẻ của khoá trước nên tôi cũng quan tâm đến tình hình sáng tác trẻ, thơ trẻ, sự vận động của thơ trong giai đoạn hiện nay thế nào.

PV: Vừa làm công tác ở nhà xuất bản lại vừa là nhà thơ, anh có hay đọc tác phẩm từ khâu bản thảo của đồng nghiệp không?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Bản thảo ban đầu, chủ yếu là các biên tập viên đọc. Tôi chỉ đọc của một số bạn bè hoặc ai nhờ thì đọc. Đó là những người vì nghề, có ý thức về nghề rõ rệt. Họ cần nghe ý kiến thẩm định, kể cả biên tập trực tiếp của mình, giúp tác phẩm “sáng” hơn.

PV: Vậy có những trường hợp nào không nhờ nhưng nghe tên tuổi mà anh tò mò đọc không?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Tất nhiên rồi. Nhưng hiện nay những trường hợp đó thì hơi hiếm. Cả năm vừa rồi không có sự xuất hiện nào làm tôi phải “tò mò” cả.

PV: Anh có so sánh giữa thơ in thành tập riêng với thơ trên web, blog hay báo, có gì giống và khác nhau?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Khâu làm sách dường như là khâu lựa chọn cuối cùng của các tác giả. Các phương tiện công bố kia mang tính báo chí, có thể khi in ra có người góp ý, người ta còn sửa chữa. In thành cuốn sách nó mang tính lâu dài, sự công bố “chính thức” hơn.

PV: Anh cho biết số lượng những tập thơ của Hội viên so với những tập thơ không phải hội viên Hội Nhà văn in ở NXB Hội Nhà văn?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Mặc dù chưa tính một cách chính xác nhưng số thơ không phải của Hội viên, thậm chí thơ phong trào, thơ câu lạc bộ chiếm khoảng 70-80%. Từ tháng 10/2010, những tập thơ tầm “Câu lạc bộ” như vậy được dán mác “Tủ sách Người yêu thơ” và “ Tủ sách Người yêu văn” (với văn xuôi). Những tác giả này cũng có nhu cầu chính đáng là được in sách, chủ yếu để lưu giữ kỷ niệm trong gia đình, người thân, chứ không phải muốn thành “nhà”.

PV: Được tiếp cận với những tập thơ, theo đánh giá của nhà thơ Trần Quang Quý thì năm 2010 tập nào đáng chú ý?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Sự nổi bật thì không có, nhưng có những cuốn có thể ghi nhận sự trội lên so với mặt bằng thơ thì có các tập: Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai, Khúc vĩ cầm chiều của Hà Linh, đó là một người làm thơ có giọng. Mấy tập thơ của Mai Văn Phấn, Ngôi Nhà cỏ của Hoàng Vũ Thuật…

PV: Nhận xét theo chủ quan của anh về thơ năm 2010, có những đặc điểm gì nổi bật và khác với những năm trước?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Một cái gì rõ rệt thì không có. Nói chung thì rất khó so sánh sự khác nhau giữa thơ năm nay với thơ năm ngoái nếu như chưa có sự nổi trội và dấu ấn rõ rệt.

PV: Còn sự vận động của thơ trẻ năm 2010?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Năm 2010 có vẻ các tác giả trẻ ít xuất hiện so với những năm trước. Thời kỳ những năm 90 đến đầu năm 2000, một loạt những cái tên như Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Văn Cầm Hải… tạo được không khí và giọng điệu mới. Còn giờ thì các tập thơ cứ đều đều, có lẽ phải trông chờ ở lớp trẻ.

PV: Thơ các vùng miền có khác nhau không?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Thơ ở TP. Hồ Chí Minh có vẻ xu hướng hậu hiện đại trở thành trào lưu mạnh hơn phía Bắc. Thế hệ trước như Inrasara đến lớp sau như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Lê Hưng Tiến, rồi nhóm Ngựa trời, nhóm Mở miệng cũng theo lối sáng tác hậu hiện đại. Cuộc sống hậu hiện đại được đưa vào thơ tạo thành một phong trào rõ rệt. Còn ở phía Bắc thì lại có tất cả giọng điệu. Nguyễn Phan Quế Mai là người trẻ nhưng giọng điệu rất truyền thống. Cô cũng muốn đổi mới nhưng vẫn bám vào hồn cốt truyền thống. Có những người viết hiện đại, nhưng dần dần họ bình tĩnh hơn, sau một thời gian rầm rộ tung ra những bài thơ, những ngôn từ, những ngữ nghĩa muốn đập phá truyền thống. Rồi họ nhận ra dường như chính họ rất khó phá cái sợi dây truyền thống ấy, bởi từ trong tiềm thức, từ trong dòng chảy thi ca, dù cố khuất lấp thì cái huyết mạch truyền thống đó vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu, có thể dưới một dạng thức khác của cảm xúc. Tôi cho rằng, xã hội hiện đại là xã hội chung sống và chấp nhận đa phong cách. Thi pháp truyền thống hay vẫn có nhiều độc giả. Hậu hiện đại hay gì gì đó mà chỉ thấy xủng xoảng câu chữ thì thật khó đi vào đời sống.

Nhìn chung thơ 2010 là trầm lắng.

PV: Năm 2010 có sự kiện nổi bật là đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Thơ ca cũng có cuộc thi nhân sự kiện này? Xin được hỏi anh, khi văn học bị giới hạn ở những đề tài, những dịp lễ lạt thì có tìm được những đỉnh cao hay những bứt phá không?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Tôi nói luôn cuộc thi thơ về Hà Nội vừa qua là không có thơ hay. Còn khi văn chương hướng về đề tài trong cuộc thi, có thể vẫn tìm được tác phẩm đỉnh cao trong trường hợp, vào thời điểm ấy, việc viết một đề tài nào đấy thực ra nó đã có từ rất lâu, có sẵn trong máu, và đến lúc ấy nó phải ra đời, chứ không phải vì cuộc thi đó nó mới xuất hiện.

Nhìn chung, những thể loại mang tính đề tài gấp gáp trong văn chương để vì một cái gì đó thì khó có cái hay. Cái hay là cái mà người ta ấp ủ, tâm huyết, với những đớn đau, dằn vặt từ rất lâu rồi thì nó mới sinh ra tác phẩm máu thịt.

PV: Trần Quang Quý có dự cảm gì cho thơ 2011?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Năm 2010 thơ khá trầm và không hiểu sự trầm tĩnh này nó sẽ kéo dài trong bao lâu. Sang năm có gì khởi sắc không là một câu hỏi khó trả lời. Vì thơ là một quá trình, nó phải nhiều năm, nó không phải báo chí đi theo sự kiện. Ví dụ như năm 2010 với sự kiện 1.000 năm Thăng Long Hà Nội thì nó không tác động nhiều đến quá trình sáng tác của nhà văn.

PV: Trước một thực tế như Trần Quang Quý nhận định là trầm lắng như năm 2010, thì trên cương vị là Uỷ viên Hội đồng Thơ nhiệm kỳ 2010-2015, anh có đề xuất gì để thơ bớt “trầm lắng”?

Nhà thơ Trần Quang Quý: Không hội đồng nào cứu được sự trầm lắng, nếu nó không có sự chuyển động từ nội tại và động lực của thi ca, từ nhu cầu xã hội. Nhiệm vụ chính của Hội đồng thơ vẫn là giúp Ban chấp hành trong việc kết nạp hội viên, đề xuất giải thưởng thơ hàng năm, một số hoạt động lớn về thơ, về xuất bản, hội thảo… Để làm tốt những việc đó, trước hết Hội đồng mới phải xây dựng quy chế hoạt động “chuyên nghiệp” hơn, xây dựng kế hoạch công tác cho từng năm và cho cả nhiệm kỳ.

Dấu ấn thơ là của riêng mỗi tác giả, nó phụ thuộc vào tài năng, nhiệt huyết, trải nghiệm của cá thể sáng tạo, nằm ngoài khả năng của Hội đồng. Công tác Hội là gắn kết và “động viên” các nhà thơ, nếu làm tốt chức năng. Vì vậy, chúng ta cũng phải chờ đợi và hy vọng. Cuộc sống tự điều chỉnh và tìm bước đi hợp lý của nó.

* Xin cảm ơn nhà thơ!

Hiền Nguyễn(thực hiện)
Nguồn: Văn học quê nhà 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây