“Tám” với tác giả "Con gái tuổi Dần"

Thứ bảy - 03/04/2010 21:19 2.517 0

Văn Thành Lê - tác giả "Con gái tuổi Dần" - Ảnh: Mễ Thuận

Văn Thành Lê - tác giả "Con gái tuổi Dần" - Ảnh: Mễ Thuận
Con gái tuổi Dần” là tập truyện của Văn Thành Lê, in năm 2009 (NXB Trẻ). Anh sinh năm 1986, hiện là giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Viết văn, làm thơ là một “cuộc dạo chơi” nhưng rồi nó đã cuốn anh vào như một cái nghiệp. Những giải thưởng về văn học đã chứng minh điều đó và anh cũng là cây bút trẻ thường xuất hiện trên tập san Áo Trắng.

Gặp gỡ anh trong những truyện ngắn và đặc biệt là tập truyện “Con gái tuổi Dần” để rồi quẩn quanh với câu hỏi “Tình yêu giống như một món ăn?”. Để giải mã điều đó mời các bạn trẻ nghe anh tâm sự:

* “Tình yêu, với tôi, đơn giản cũng giống như một món ăn... Phàm phu thì tham lam muốn thử nhiều, ăn dở rồi bỏ đi kiếm miếng khác. Người chân thành thì ăn rồi giữ mãi một dư vị ấy, không tìm kiếm đâu nữa, vậy thôi”.

Cuối cùng cô cũng đã “chạm vào món ăn mà cả thế giới bao đời nay vẫn mãi lăn theo”, anh có thể chia sẻ thêm về quan điểm của mình về tình yêu qua nhân vật trong “Con gái tuổi Dần”?

- Quả thực tới giờ, khi viết một tác phẩm bất kì, tôi không nghĩ là mình sẽ hoặc phải đưa tới cho bạn đọc một quan điểm nào đó, dù là be bé. Tôi viết văn như một nhu cầu tự thân, trước hết là cho mình. Tiếng lòng tự nhiên của mình. Nhưng khi tác phẩm công bố thì tác phẩm đã thuộc về độc giả.

Chữ nghĩa là vô cùng, cách cảm nhận, đánh giá của mỗi người là khác nhau, vô cùng hơn. Chẳng thể biết thế nào mà đưa ra quan điểm cả. Tất nhiên tôi rất vui nếu nhận được đôi chút đồng cảm từ một vài bạn đọc nào đó.

“Con gái tuổi Dần” cũng không là ngoại lệ, tôi không nghĩ là mình đã đưa ra một quan điểm về tình yêu. Nhưng nếu nói về tình yêu, cá nhân tôi nghĩ, dù ở thời nào, tình yêu đích thực phải là tình yêu được xây dựng bằng niềm tin và sự sẻ chia. Tin mới yêu. Và yêu thì phải tin. Tình yêu ấy có khả năng miễn dịch với tất cả các tác nhân bên ngoài (tiền tài, địa vị, danh vọng, tuổi tác…). Có thể bạn đang nghĩ tôi nói chuyện cổ tích. Nhưng tôi vẫn tin có cổ tích ở thời hiện đại.

* Một câu hỏi vui nhé, anh nghĩ con gái tuổi Dần “cao số”?

- Con gái tuổi Dần có “cao số”. Các cụ nhà ta nói vậy. Thời xưa tôi không sống nên không biết, nhưng theo tôi, “cao số” hay “thấp số” là do bản thân mỗi người tự quyết định. Không có tuổi nào “ám” được vào đời mình cả.

Thời nay con gái rất “cao tay” (tất nhiên cả con gái tuổi Dần), họ có thể tham gia và làm tốt hầu như tất cả các lĩnh vực giành cho nam giới. Vậy nên chuyện con gái tuổi Dần lấy chồng cũng đơn giản như con trai… lấy vợ.

* Bên cạnh nghiệp văn anh còn là một thầy giáo, tiếp xúc với học trò mỗi ngày, vậy anh thấy học trò hiện nay sống và yêu như thế nào?

- Tôi nghĩ lứa tuổi học trò chưa có khái niệm tình yêu theo đúng nghĩa, ở tuổi này mới chỉ là sự cảm mến hay thích người khác giới, xuất phát từ một điểm nổi trội nào đó như vẻ đẹp bề ngoài, thành tích học tập, độ ga lăng… Nhưng độ tuổi biết biểu lộ sự cảm mến và cách biểu lộ sự cảm mến hay thích của học trò bây giờ “khủng khiếp” và “tiến hóa” hơn rất nhiều so với trước đây. Cái này đài báo đã đề cập và báo động từ lâu.

Phim ảnh và internet đã san bằng “văn hóa yêu” truyền thống của học sinh. Các em thua ngay trên chính sân nhà. Tình yêu học trò đang mất dần sự lãng mạn. Tất nhiên không phải là tất cả. Nhưng có vẻ ngày một nhiều hơn. Đây là những “con sâu” làm rầu “nồi canh tình yêu học đường”.

* Nếu có một chia sẻ, anh sẽ nói gì với các bạn tuổi teen?

- Tôi không biết phải chia sẻ gì. Mà chín người thì mười ý. Có cái theo mình là tốt thì người khác là không, và ngược lại. Riêng tôi, tôi luôn sống hết mình, yêu thương hết dạ. Nhưng cố gắng không đánh mất mình. Tôi tin luật nhân - quả. Cuộc sống không "ăn quỵt" ai điều gì cả.

* Có nhiều bạn tuổi teen rất muốn được viết văn để gửi cho Áo Trắng hoặc trang Nhịp sống teen, vậy để viết được theo anh cần có những yếu tố nào?

- Tôi nghĩ văn chương là thứ không ai dạy ai được. Riêng tôi, tôi bắt đầu bằng tình yêu với văn chương. Văn chương với tôi cũng như hôn nhân. Hôn nhân không có tình yêu thì sớm muộn gì cũng có kết cục li hôn. Hoặc có cố sống thì đó không phải là một gia đình theo nguyên nghĩa. Văn chương không được viết bằng tình yêu với con chữ, tâm trạng… thì sớm muộn gì cũng “ly văn”. Hoặc có viết thì nó cũng ra những chữ không thật.

Tiếp theo là kiên trì. Nếu có tài thiên bẩm thì viết là ra văn. Còn không, đi nhiều chắc chắn cũng thành đường, dù đường lớn hay đường bé. Rồi nữa là tập thói quen đọc, quan sát xung quanh, tích lũy cho trang viết. Và bắt đầu, tôi nghĩ nên viết những gì gần gụi với mình nhất, mình đã cảm và hiểu nó nhất. Dần dần khi đã “quen tay” có thể đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn.

Tác giả: Tấn Khôi

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây