Vào những năm sáu mươi chúng tôi thường gặp chị Anh Thơ ở Hà Nội. Những năm đó thơ đang có nhiều khởi sắc. Các nhà thơ trước Cách mạng, sau một chặng dài thể nghiệm đổi mới, đã có những thành công đáng ghi nhận, thật sự trở thành các nhà thơ cách mạng. Một loạt các nhà thơ trẻ xuất hiện, giọng điệu mới mẻ, cảm xúc nồng ấm, rất đoàn viên thanh niên. Chị Anh Thơ với tập Theo cánh chim câu coi như đã kết thúc thời kỳ tìm đường kết hợp với chất thơ và nhiệm vụ cách mạng. Tác giả Bức tranh quê đã tỏ ra nhuần nhuyễn khi xử lý các đề tài cách mạng. Trong số các nữ thi sĩ của lớp trước, Anh Thơ là cây bút sung sức nhất. Chị đi nhiều và viết đều. Mỗi lần gặp là một lần chị kể chuyện một chuyến đi mới nhất: khu gang thép, đập Bắc Hưng Hải, nhà máy dệt Nam Định và sau này là các chuyến đi tuyến lửa khu Tư. Tôi ít thấy có ai kể chuyện thực tế say mê như chị: “Mình vừa đi Thanh Hoá về, này ở Nam Ngạn có cô bé tự vệ…”.
Cứ thế chị kể lại những con người chị gặp, sự tích anh hùng chiến đấu và những chuyện tâm tình của họ. Hầu như chị chỉ quan tâm đến các nhân vật cùng giới. Có lẽ những năm làm cán bộ phụ nữ trong kháng chiến chống Pháp đã tạo cho chị thói quen ấy. Nghe chị Anh Thơ kể, sau đó đọc các bài thơ chị viết thấy chị rất trung thành với hiện thực, đôi lúc tưởng như từ đời đến thơ, với chị, chỉ là một bước ngắn. Cái say mê hào hứng của chị khi đến được những nơi tiên tiến, gặp những người tiên tiến gây cho tôi ấn tượng rằng chị rất coi trọng đề tài và hình như còn cái lôgíc này nữa: đề tài lớn là thơ lớn, đề tài hay là thơ hay. Chị Anh Thơ vốn không phải là người sính lí luận văn chương. Chị đến với thơ bằng năng khiếu, sau này thơ chị cũng phát triển trên sự nhạy cảm và kinh nghiệm. Trong kinh nghiệm của chị đã hàm chứa nhiều hạt nhân lý luận, có lúc còn đơn giản, nhưng nhiều khi sâu sắc. Chị nói: “Mình cứ phải đi với viêt được, gặp được nhân vật rồi thấy viết dễ lắm”. Bài thơ Kể chuyện Vũ Lăng (1947) được coi là bài thơ mở đầu cho thơ hiện thực cách mạng của Anh Thơ, cũng được viết liền hơi trong một đêm ngay tại căn nhà sàn của nhân vật ở Vũ Lăng. Thói quen ấy tạo cho thơ chị một nội dung chắc thật, gần với đời sống. Nếu lấy tiêu chuẩn thực tế làm cứu cánh của thơ thì Anh Thơ đã rất thành công. Và nếu phê bình thơ theo kiểu kiểm điểm đề tài thì có thể nói Anh Thơ là một trong số mấy người luôn có mặt kịp thời trong các mặt hoạt động của đời sống.
Phẩm chất lớn nhất trong tác phẩm (cả thơ lẫn văn) của Anh Thơ là tính chân thật. Ở các tập truyện trước Cách mạng là chuyện gia đình bè bạn chị. Ở tập thơ đầu tay Bức tranh quê, đó là sự quan sát tinh và sắc cảnh vật nơi sống. Chị tách ra vài chi tiết và chỉ vài chi tiết ấy thôi, cảnh trí trở nên sống động, đầy ấn tượng. Có thể chọn ngẫu nhiên, ở bất cứ bài thơ nào:
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời
(Chiều xuân)
Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói
Bước gậy lần như những bước chiêm bao
(Họp chợ)
Trong đồng lúa cũng bắt đầu khát nước
Lũ gái tơ uể oải kéo gầu dai
(Vào hè)
Cái nhìn sắc nên chọn được chi tiết đắt, đắt trong tình huống, đắt trong tính cách. Cái nhìn tinh nên không chỉ thấy cảnh mà còn thấy được cái hồn của cảnh. Câu thơ trở nên khêu gợi, phóng liên tưởng đi rất xa. Tả cái ông thầy bói với chi tiết “Bước gậy lần như những bước chiêm bao”, hàm chứa trong sức quan sát cả năng lực tưởng tượng, cái sức tưởng tượng đủ biến thật thành ảo nhưng không đi quá xa sự thật. Những chi tiết ấy đã tạo cho Bức tranh quê những thần thái đặc biệt của cảnh vật, những thần thái ấy không thể nhìn mà thấy mà phải sống với nó đến am hiểu. Chị Anh Thơ am hiểu nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng từ cây cỏ, thời tiết, phong tục cho đến cái cách ngưng đọng buồn tẻ của nó. Ở lứa tuổi chúng tôi đọc Bức tranh quê đã có cảm giác như đi vào một bảo tàng xứ sở. Chắc các bạn trẻ hơn còn thấy nhiều kỳ lạ cả ở cảnh vật lẫn hồn người.
Sau này, trong thơ cách mạng, chị Anh Thơ đã phát huy được ưu thế thoáng một chút ảo ấy, trong nhiều bài thơ miêu tả ngoại giới:
Cừu ăn mây trắng đầy khe bãi
Cô chạy bên cừu tóc xoã vai
(Cô kỹ sư chăn cừu)
Em không nói, anh đi yên lặng
Đường xuyên sơn mây toả chân chùa
(Hội chùa Hương)
Có khi chỉ là tả thật, nhưng cái hồn, cái hứng của người viết rất bay, cái thật tưởng như có gì hoá hư ảo kỳ diệu lên:
Chiều chiều đánh võng bồng con hát
Nắng biếc su su quả trĩu giàn
(Chị Phái)
Mắt nhìn cau đứng đẹp như tranh
Bò vàng lớp lớp đi bên gốc
Mây trắng ngập ngừng trên tán xanh
(Rừng cao Sơn Lãnh)
Sức bay trong các ý thơ trên sinh ra từ lòng yêu đời, từ sự hài lòng trước những đổi thay trên miền Bắc những năm sáu mươi. Cảm hứng Anh Thơ thường cất lên trực tiếp, theo thế thuận. Thơ chị không đi vào những trầm tư, day dứt, những cái không vừa lòng, những hiện thực không ưng ý. Âu cũng là cái tạng cảm xúc của từng người. Cũng đừng nghĩ vì thế mà thơ không sâu. Chính Anh Thơ có những bài thơ mà khi đọc thấy cấu tứ rất cheo leo, thậm chí biểu tượng nữa nhưng thực tế, chị viết nó rất thoải mái, hồn nhiên, có vẻ dễ nữa, vì nó là đời sống. Bản thân hiện thực ấy ở ngoài đời đã mang tính biểu tượng, không phải tác giả cố tạo ra. Cống hiến của tác giả là ở chỗ nhìn ra nó và diễn tả đầy tính thơ để ai đọc cũng thấy. Bài Phép thiêng, ngôi chùa Việt Nam cổ xưa nhốt hai thân máy bay hiện đại của Mỹ. Với đề tài này, một cây bút thiên về trí tuệ chắc có nhiều ý thơ chính luận về các mối tương quan: Cổ xưa - hiện đại, chùa - vũ khí, tĩnh - động, Việt Nam - Mĩ. Anh Thơ cứ theo cách nhìn của mình, bám lấy sự thật. Câu thơ có vẻ kể lể, thiếu cái hàm súc trí tuệ nhưng được cái sầm uất đời sống:
…nhìn ra lạch Trào sóng nổi
Những con thuyền tung lưới ra khơi
Nhìn ruộng lê vàng bông rủ bờ tươi
Nhìn hao giao thông nối liền xóm bể
Nhìn trận địa dưới hàng dương rủ rỉ
Nhìn nữ dân quân đeo súng quay tơ
Nhìn núi khoai lang cao ngất ngập bờ.
Toàn động tác nhìn. Nhìn ra (xung quanh) nên thực tế vào nhiều. Anh Thơ hơi ít những bài nhìn vào (tâm hồn mình) lắng nghe, lắng nghe những rung động nhân bản nhất, riêng tư nhất nhưng cũng người nhất. Tôi nói hơi ít vì không phải là chị không có. Có đấy và hay nữa, nhưng không được phát huy thành sở trường. Bài Tiếng chim tu hú, viết 1954 đến nay vẫn là bài thơ hay của chị. Một bài thơ nội tâm, tâm sự một niềm riêng, buồn, nhưng đúng là thơ (theo định nghĩa muôn đời của thể loại này), nó nối được các trái tim vào nhau:
Cha già thêm tóc bạc
Chống gậy bước lên đồi
Thương một mùa vải đỏ
Má hồng con đang tươi
Rồi khói lửa ngút trời, “Con đi dài thương nhớ! Mười năm chưa về quê”, mọi sự thành dang dở… Bài thơ mang nỗi niềm riêng của người viết nhưng đã nói hộ bao nhiêu nỗi lòng. Ở đây trí tuệ của thơ nằm ở trái tim người viết, khái quát bằng cái thật của lòng mình. Nếu tập thơ Quê chồng sau này cũng được viết với bút pháp Tiếng chim tu hú, chị Anh Thơ sẽ có một tập thơ hay về cái cảnh ngộ đất nước cắt chia.
Tôi nói hơi dài quanh phẩm chất thật của Anh Thơ. Với thơ, thật vừa là ưu điểm vừa kéo theo nhược điểm. Không giả dối là ưu điểm, nhưng nói một chỉ để biết một là nhược điểm, chỉ tả những cái gì thấy, có thật, cũng là nhược điểm. Thơ phải nói cả những cái không thấy (bằng mắt) thậm chí không có trong đời mà thật:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi
(Ca dao)
Con sông ấy không thể có, cái cầu ấy không thể thật, nhưng tình ý câu thơ thì chân thật, rất chân thật. Cái phía này Anh Thơ ít chú ý đến. Do vậy mà cái hư ảo óng ánh trong thơ chị không nhiều.
Vừa rồi tôi có đọc tập hồi kí Từ bến Sông Thương của chị. Cách kể thật thà của tác giả có thể làm phật lòng vài người trong cuộc (sự đời, nói thật dễ mất lòng, nhất là những chuyện riêng tư) nhưng đã cung cấp được khá nhiều chi tiết về một thời kỳ mà không phải ai cũng dám thẳng thắn nhận xét. Chị Anh Thơ cứ lấy cái thật lòng của mình mà kể, yêu ghét thế nào cứ xin nói thật. Đã là chuyện yêu ghét thì không thể ai cũng giống ai. Huống chi một nửa thế kỷ đã qua, cách đánh giá của người đời đã bao lần thay đổi. Và nói như I.Êrenbua: “Mọi người đều biết, giữa cá nhân cùng mục kích một sự kiện nào đó, câu chuyện mà họ kể lại thường rất khác nhau (…). Đôi khi sự khác nhau của các bằng chứng rút lại, là do sự không giống nhau của các tư tưởng, cảm xúc. Cũng đôi khi nó liên quan đến tính hay quên mà thông thường ai cũng có”. Vì lẽ đó, những ý kiến nhận định khác về vài sự kiện trong hồi ký Anh Thơ theo ý tôi không có gì đáng phải bận tâm quá. Anh Thơ thật thà đến mức có những suy nghĩ của chị (hồi ấy) quả là lạc hậu (với bây giờ) nhưng chị cũng kể lại vì nó đã có, nó đã là quá khứ của mình rồi. như đoạn trò chuyện với chị Vân Đài về việc ra báo. Cái cách nghĩ hơn bốn mươi năm trước ấy, phê lạc hậu dễ lắm, nhưng dám bộc lộ cái lạc hậu của quá khứ mình ra không dễ, đọc hồi ký nên biết khen chỗ đó.
(…) chị Anh Thơ về sống ở thành phố Hồ Chí Minh, quê chồng. Căn nhà hai tầng nhỏ nhắn trong một hẻm sâu quận Phú Nhuận, không xa trung tâm thành phố lắm nhưng lại có cái yên tĩnh rất xóm làng. Con đường sắt chạy qua đây để xuyên ra Bắc cũng có vệt cỏ may hung hung đỏ giữa lòng tà vẹt, giữa thị thành mà vẫn gợi cái không khí thiên lí của những dặm đường, những chuyến đi. Không biết đêm nghe tiếng còi tầu, chị có nhớ tiếng còi tàu ngoài thị xã Bắc Giang, nơi lặng lẽ một con sông Thương và bóng tre, bóng mít những vùng làng Kinh Bắc, nơi chị bắt đầu đến với thơ để rồi ở lại với thơ mãi mãi.
Lần nào vào Sài Gòn, tôi cũng tới thăm chị. Chị rất vui khi gặp khách Hà Nội. Vừa làm bếp chị vừa hỏi đủ chuyện. Tôi biết chị nhớ xứ Bắc. Trong phòng khách của chị vài bức ảnh nghệ thuật lưu giữ những hình ảnh xa xưa của đất Bắc: một con đường quê mấy người về chợ; một ông đồ viết câu đối trên vỉa hè Hàng Bồ áp Tết và còn đây trong hộp kính cạnh bàn, tập thơ in trên giấy dó 1941 lưu giữ được cả cái hương của thời gian: Bức tranh quê.
Những thi sĩ lớp 1930-1945 đã có những cống hiến đặc biệt vào thơ hiện đại Việt
Tác giả: Vũ Quần Phương
Nguồn tin: 30 tác giả văn chương
Ý kiến bạn đọc