Chàng “em-xi” chuyên dẫn dắt các “sô” văn chương

Thứ hai - 29/03/2010 19:46 2.183 0

Chàng “em-xi” chuyên dẫn dắt các “sô” văn chương

Là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và đang công tác ở Viện Văn, nhưng từ nhiều năm nay, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (bạn bè thân mật gọi Nguyên “đầu bạc”) với kiến văn sâu rộng và tài ăn nói “quảng bá” của mình, lại là một chàng “em-xi” rất có duyên với các “sô” văn chương đắt khách.

Tôi đã chứng kiến Phạm Xuân Nguyên dẫn dắt khá thành công nhiều buổi giới thiệu tác phẩm văn học của các nhà văn đã thành danh cũng như các cây bút trẻ ở Hà Nội. Lại nghe nói, anh còn thường xuyên được nhiều tỉnh, thành phố mời về nói chuyện văn chương và phải công nhận anh là một “em-xi” có hạng. Vì thế, có những tuần, Phạm Xuân Nguyên phải chạy “sô” vào Nam ra Bắc liên tục với vai trò của một “em-xi” văn chương với tay nghề khá điêu luyện và chuẩn mực.

Với chất giọng khoan thai, đĩnh đạc của một ông đồ Nghệ (Nguyên “đầu bạc” sinh năm 1956, quê Nghệ An) và lối dẫn chuyện khá dí dỏm, khôi hài, anh “bắt mạch” khá nhanh với các chủ đề của mỗi buổi giới thiệu văn học. Nguyên là một anh chàng rất thông minh và biết cách phản ứng mau lẹ, kịp thời trước các diễn biến đột xuất từ phía độc giả trong các buổi giao lưu như vậy. Những thời khắc ấy, trên khóe miệng của anh, luôn thường trực một “nụ thân thiện” ngay cả lúc bị “phản ứng” ngược chiều từ một số người nghe không có thiện cảm với tác phẩm văn chương mà anh đang giới thiệu. Và, đối với cả những người “quá khích” làm không khí các buổi giao lưu văn học “nóng ran” lên, Nguyên “đầu bạc” cũng tìm ra cách “hóa giải” nhẹ nhàng những cái đầu nóng ấy.

Nói về Phạm Xuân Nguyên, trước tiên phải nói tới việc, từ nhiều năm qua, anh là một cây bút phê bình lý luận văn học khá uyên thâm, sắc sảo và có uy tín, nhất là đối với văn học đương đại và văn học trẻ. Anh có các phẩm chất cần thiết của một cây bút phê bình lý luận văn học và có tài năng đích thực, có chính kiến và có tâm. Bởi thế, bạn bè văn chương luôn dành cho Nguyên “đầu bạc” những tình cảm tốt đẹp.

Tuy là một “em-xi” khá hấp dẫn với độc giả văn chương, được nhiều người quý mến, nể trọng nhưng cũng có lần, Nguyên “đầu bạc” rơi vào hoàn cảnh trớ trêu cũng do chính cái đầu tóc bạc xóa của anh. Chuyện xảy ra cách đây vài năm, trong một chuyến đi thực tế về vùng biển Hải Hậu của Hội Nhà văn Hà Nội. Tối hôm ấy, sau một ngày hội thảo mịt mùng, mệt lả vì văn chương, mấy anh em rủ nhau ra quán hát karaoke. Trong phòng hát, khi mọi người đã yên vị “chỗ ai, người nấy ngồi” thì có anh phát hiện thấy thiếu “em-xi” Phạm Xuân Nguyên, liền gọi điện thoại bảo anh ra, tiếp tục “dẫn chương trình” văn nghệ buổi tối cho xôm trò. Một lúc sau có tiếng gõ cửa, Nguyên “đầu bạc” xuất hiện trong khung cảnh mịt mù khói thuốc của phòng hát. Anh tủm tỉm cười, khiêm tốn ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cửa ra vào. Khi ấy, cửa phòng lại bật mở. Một nữ nhân viên phục vụ khá xinh đẹp của quán mang hoa quả và đồ uống vào phòng cho mọi người. Khi vừa đặt đồ uống lên bàn, chợt nhìn thấy Nguyên “đầu bạc” tủm tỉm cười một “nụ” thân thiện, cô này bỗng hét lên một tiếng thất thanh rồi lao ngay ra cửa, chạy mất dép, không thấy quay lại. Sau rồi, hỏi kỹ, cô này mới phụng phịu thưa: “Lần đầu tiên trong đời, em  gặp một anh trẻ trung, mặt rõ là đẹp giai mà tóc lại bạc trắng như cước, râu cũng trắng phau phau, cứ như người ngoài trái đất vừa xuất hiện, làm em vãi hết cả linh hồn…”.

Sau câu chuyện trên, Phạm Xuân Nguyên tủm tỉm cười, ý nhị nói với tôi “Không có lẽ nhà văn như mình lại có vẻ ngoài xấu xí như Thị Nở…?”. Tôi biết, Nguyên định nói tới cái tiểu luận “Nhà văn như Thị Nở” của anh viết cách đây hơn chục năm. Trong cái tiểu luận văn học xuất sắc này, Nguyên viết: “Trong xóm ngoài làng không ai dám gần Chí Phèo, ai cũng sợ hắn và tránh mặt hắn. Thị Nở thì không sợ Chí Phèo bởi lẽ trước hết Thị Nở có ba cái không sợ ai phạm đến: xấu xí, nghèo đói và ngẩn ngơ. Đó là chân dung vật chất và tinh thần của Thị Nở. Hình dung đó gợi tôi nhớ đến một vẻ mặt “nhàu nát và đau đớn” như chân dung khắc họa của một kiếp văn nhân. Có phải văn nhân là người như thế: không làm ai sợ và không sợ ai? Chỉ có như thế mới thấu hiểu và đồng cảm được với thế nhân cùng khốn, mới nâng đỡ và vực dậy được con người. Cuối cùng Chí Phèo chết, thế tất là vậy. Dân làng Vũ Đại chỉ thấy Chí Phèo chết mà không hiểu tường tận cái chết của hắn. May ra Thị Nở hiểu. Và thị vẫn không nghĩ về hắn khác hơn là một người hiền. Ngòi bút nhà văn nhân đạo cao cả “tẩy rửa” cho con người là ở chỗ này đây. Con người yếu đuối, bất lực và có thể độc ác nữa, nhưng một khi con người đã hướng thiện, một khi tính thiện đã trỗi dậy trong con người, văn học phải truyền giữ và phát huy tinh thần đó của con người, cho con người”.

Tác giả: Nguyễn Việt Chiến

Nguồn tin: Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây