Alessandro Barrico: 'Sex là đề tài nguy hiểm'

Thứ sáu - 19/03/2010 21:27 2.190 0

Alessandro Barrico: 'Sex là đề tài nguy hiểm'

Sáng 19/3, tại buổi giao lưu 'Alessandro Barrico - Bậc thầy kể chuyện' ở TP HCM, tác giả cuốn 'Lụa' chia sẻ với độc giả Việt suy nghĩ về nghề viết, kể cả chuyện đưa tình dục vào văn học.

Mái tóc hoa râm bồng bềnh và lối nói chuyện hóm hỉnh của tác giả tiểu thuyết Lụa hớp hồn nhiều khán giả có mặt tại buổi giao lưu sáng 19/3 của ông tại TP HCM, một hoạt động do Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức, trong khuôn khổ Hội sách TP HCM lần 6.

Dưới đây là những câu hỏi giao lưu của độc giả dành cho nhà văn do eVan.Vnexpress.net ghi nhận:

- Tiểu thuyết "Lụa" được Cinema New Line chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ở Hollywood. Là cha đẻ cuốn sách, cảm nhận của ông như thế nào sau khi xem phim? 

- Bộ phim gợi cảm giác quá buồn, còn cuốn sách của tôi không buồn đến như thế.

Nhìn chung, phim đẹp, tinh tế, nhẹ nhàng nhưng thiếu hẳn chất gì đó tạm gọi là gợi lên nét đẹp của tính dục... Trong khi nét đẹp này chính là phần quan trọng trong cuốn sách nên tôi chưa hài lòng lắm với bộ phim.

Tôi là bạn bè thân với đạo diễn phim và tôi rất thông cảm với ông. Để chuyển Lụa sang điện ảnh là công việc quá sức khó khăn. Cuốn tiểu thuyết này ẩn giấu rất nhiều điều. Người đọc không biết nhiều về suy nghĩ, tư tưởng của nhân vật, không thể biết vì sao họ hành động như thế này hay thế khác. Những hình ảnh ta bắt gặp trong cuốn sách chỉ là một mảng, còn nhiều thứ bị giấu lẩn khuất đâu đó. Ví dụ, trong sách, nhân vật người vợ, Helene, gần như không xuất hiện mà bị giấu đi, hành động ít, nói rất ít. Nhưng trong vài trang cuối sách, câu chuyện được vén màn, người vợ lại trở thành nhân vật chính. Trên phim, Keira Knightley vào vai Helene. Cô ấy đóng phim rất hay, cô ấy đẹp quá sức, vì thế mà đạo diễn không thể nào giấu cô ấy đi đâu được. Ngay từ đầu khán giả đã biết cô ấy là nhân vật chính rồi.

Có những điều chỉ có văn học thể hiện được còn điện ảnh thì không thể nào.

dfgfdgdf
Nhà văn Italy lần đầu tiên đến Việt Nam. Ông sinh năm 1958 tại Italy, theo học triết học và âm nhạc. Tiểu thuyết "Lụa" của ông được dịch sang 30 thứ tiếng và được chuyển thành bộ phim cùng tên. Ảnh: Chi Mai

- Nhiều người cho rằng, khi mang sex vào tác phẩm văn học thì trang viết của mình dễ gây chú ý hơn, ông nghĩ sao?

- Trong một tác phẩm văn học, viết về sex là một điều rất khó khăn. Tạo được những pha sex thành công trên trang viết cũng là điều cực khó. Nếu câu chuyện thật sự cần sex thì tất nhiên người viết phải viết ra thôi. Nhưng tôi nghĩ đề tài tình dục luôn là mối nguy cho văn học nếu như người viết loại trừ tính nghệ thuật ra khỏi nó. Tôi không cho rằng chỉ viết về sex mà trang văn đó có thể được nhiều người thích.

- Ông được đánh giá là thành công với thể loại tiểu thuyết ngắn qua cuốn "Lụa". Ông có thể chia sẻ thêm về việc cuốn sách này?

- Lý do mà cuốn Lụa có cấu tứ ngắn, gọn, đơn giản là vì tôi chỉ muốn thật sự là một người làm công việc kể chuyện chứ hoàn toàn không thêm thắt, không bình luận.

Để có thể thực hiện cuốn sách như thế, tôi để cho bản thân nhân vật trong truyện không suy nghĩ, không ý kiến, quan điểm, không bình luận gì về chính cuộc đời của họ trừ hành động mà thôi. Và câu chuyện trong truyện diễn ra như nó phải diễn ra như thế.

Khi viết Lụa, nhiều lần tôi sống trong cảm giác tự tách mình ra khỏi câu chuyện, ngồi đó ngơ ngẩn mà chiêm ngưỡng những điều hấp dẫn, những cảm xúc tuyệt vời của câu chuyện mình đang kể. Có những cảm xúc quá mạnh về nội dung của cuốn sách thậm chí khiến tôi không thể viết ra được.

bvgfbvcb
Quang cảnh buổi gặp gỡ nhà văn Alessandro Baricco do công ty Nhã Nam tổ chức tại hội sách TP HCM lần 6. Ảnh: Chi Mai

- Vì sao ông nhất định phải viết cuốn sách theo một cách thức tinh giản như thế?

- Có nhiều lý do cá nhân. Tôi thích viết theo cách như thế vì tôi viết Lụa trước hết cho bản thân tôi. Có nhiều câu chuyện không thể nói ra nhưng tôi chỉ có thể nói Lụa còn là một cách để tôi cứu chữa cho chính bản thân tôi. Tôi nghĩ độc giả có thể không thích lối viết này nhưng tôi có nhu cầu phải viết ra như thế.

Khi mang bản thảo Lụa đến NXB, tôi cũng xin lỗi trước là cách viết của tôi có thể làm NXB không bán được sách. Tôi nói: "Cứ in giùm tôi cuốn này, cuốn sau tôi hứa sẽ bán được hơn". Sau đó, khi Lụa in ra nó được đón nhận ngoài sức tưởng tượng của tôi và còn được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong khi, về sau tôi viết bản thảo cuốn City, đó là một cuốn sách đẹp nhất mà tôi viết, thế nhưng khi in và bán ra thì lại rất ít người mua.

- Nước Nhật, bối cảnh trong cuốn "Lụa" đã ảnh hưởng lên trang viết của ông như thế nào?

- Với những người phương Tây như tôi, Nhật Bản là một giấc mơ, một đất nước của thần thoại và cổ tích. Trước khi viết Lụa, tôi chưa đặt chân đến Nhật mà chỉ biết xứ sở này qua những cuốn sách của các học giả phương Tây viết về phương Đông thế kỷ 19 và nhiều trang viết của họ chỉ là tưởng tượng.

Sau khi Lụa xuất bản tôi mới đến Nhật. Lúc mới đến tôi hơi hổ thẹn, sợ rằng độc giả Nhật buồn cười với những gì tôi viết ra hoặc họ sẽ thấy bị xúc phạm nếu tôi viết không đúng. Nhưng thực tế, họ rất thích cuốn sách của tôi.

Nhiều khi tôi nghĩ, hơn nửa phần đời của nhà văn luôn gặp phải những điều không tin nổi mà với tôi, sự kiện cuốn sách của mình được dịch sang một ngôn ngữ khác là điều quá kỳ diệu.

fgbfdgdf
Nhà văn chăm chú lắng nghe câu hỏi từ độc giả. Alessandro Baricco từng nhận nhiều giải thưởng danh giá của Italy và giải Médicis của Pháp. Ảnh: Chi Mai

- Theo ông, khi dịch một tác phẩm văn học sang một ngôn ngữ khác, người dịch có nên thay đổi văn phong của tác giả để giúp cuốn sách dễ đọc hơn với người bản xứ?

- Hoàn toàn không nên thay đổi văn phong tác giả. Người đọc nên tự làm cho mình phù hợp với người viết hơn là bắt người viết phải phù hợp với mình.

- Từ ý tưởng nào mà ông thành lập ngôi trường dạy viết văn tại thành phố Turin, Italy, lấy tên là trường Scuola Holden theo tên nhân vật Holden Caulfield của nhà văn Salinger?

- Ngôi trường này được tôi và 4 người bạn thành lập từ năm 1993. Chúng tôi đặt theo tên trường theo tên của cậu Holden Caulfield, nhân vật chính trong cuốn Bắt trẻ đồng xanh của Salinger từ ý tưởng: trong truyện, Caulfield bị mọi trường học từ chối nên chúng tôi muốn ngôi trường của mình nhận những sinh viên mà các trường khác từ chối.

Ở trường Scuola Holden, chúng tôi đào tạo cho sinh viên cách viết văn và cách làm thế nào để kể chuyện, viết kịch bản phim, sân khấu... Mỗi khóa học ở trường kéo dài 2 năm. Một nửa sinh viên ở đây khùng điên và một nửa giáo viên ở đây cũng điên khùng không kém nên đó là sự kết hợp hoàn hảo của một ngôi trường kỳ lạ. Học ở đây không có chấm điểm. Bài học đầu tiên mà các sinh viên nhận được là sinh viên và giáo sư có 3 ngày leo núi cùng nhau.

Chúng tôi cố gắng làm sao giúp sinh viên tìm ra được phong cách riêng, giọng điệu riêng của mình. Chúng tôi giúp họ tìm ra những quy tắc của chính họ chứ không dạy họ những quy tắc.

- Ngoài cuốn "Lụa", nhiều cuốn sách của ông như "Đại dương biển" đều có hình ảnh của biển cả, vì sao thế?

- Tôi sinh ra tại một vùng đồng bằng. Từ quê tôi có thể nhìn thấy những rặng núi. Vượt qua những ngọn núi rất đẹp, về phía cuối chân trời chính là biển. Nếu đi xe hơi từ chỗ tôi đến biển chỉ chừng 2 giờ, nhưng ngày bé, với tôi đó là quãng đường rất xa xôi. Tôi mơ đến biển với một miền đầy nắng, có những cô gái đẹp, tôm cá ngon lành... trái ngược hoàn toàn với miền quê mùa đông lạnh giá, tuyết rơi và xám xịt của tôi. Dù sao này khi lớn lên, được đi ra biển nhiều và nhận ra thực tế không phải như giấc mơ. Nhưng giấc mơ về biển vẫn chiếm lĩnh tâm trí tôi và có dịp là tuôn trào trên trang viết. 

- Tại sao ông lại chọn đặt cho cuốn tiểu thuyết của mình cái tên "Đại dương biển" trong khi hai từ này gần nghĩa với nhau?

- Oceano Mare (Đại dương biển như tên gọi tiếng Việt) là cái tên mà tôi thích vì nó gây cảm giác về mặt cảm âm, nghe du dương như nhạc, gợi lên sự mênh mông, bao la, mềm mại, nhẹ nhàng và ánh sáng...

Có một chuyện vui thế này. Khi tôi mang bản thảo Oceano Mare đến cho NXB họ nói tôi đổi tên sách đi vì tên như vậy rất khó bán sách nhưng tôi vẫn thích giữ nguyên. Hàng chục năm sau, một dịp tôi lái xe đi nghỉ, tôi dừng lại một quán ăn dọc đường và thấy trong hiệu bánh người ta bày rất nhiều loại bánh với nhiều tên gọi, có một món bánh hải sản họ đặt tên là Oceano Mare... Kể từ đó tôi ghét cái tên này (cười).

- Làm thế nào ông có thể vừa là nhà văn, triết gia, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc cùng một lúc?

- Trong những danh xưng nêu trên, có nhiều cái không phải là sự thật mà chỉ là do người khác gán cho tôi và do hiểu nhầm. Tôi không phải là một nhạc sĩ cũng không phải là triết gia. Tôi không đa tài mà là người làm nhiều việc thôi, và công việc tôi làm nhiều nhất trong cuộc sống là viết lách.

Tuy vậy, cuộc đời một con người mà cứ chăm chăm vào viết sách thì cũng dễ bị hóa điên. Chính vì phải bảo vệ việc viết sách mà tôi cần làm nhiều công việc khác nhau.

Cần phải khẳng định thông tin nào là thật, thông tin nào là sai trên Internet và từ điển mạng Wikipedia. Tôi và bạn bè trong giới thường có sở thích là lên mạng đọc những gì người ta viết về chúng tôi. Không ít thông tin cung cấp trên mạng là sai.

15h ngày 23/3, nhà văn Alessandro Baricco giao lưu với bạn đọc thủ đô Hà Nội tại Hội quán sáng tạo, số 36 Điện Biên Phủ, Hà Nội.

Tác giả: Chi Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây