Nhà thơ Lê Huy Mậu: Tương lai văn học nằm ở thế hệ trẻ

Thứ tư - 02/12/2009 22:24 3.774 0

Nhà thơ Lê Huy Mậu

Nhà thơ Lê Huy Mậu
Gõ bốn chữ "Khúc hát sông quê" vào Google, chỉ trong nửa giây đã được 167.000 kết quả - một con số thống kê đáng kể. Đấy là ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả lời thơ được phổ nhạc.

Nhà thơ Lê Huy Mậu sinh năm 1949 tại Thanh Chương, Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội Nhà báo VN. Hiện ông là chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiêm tổng biên tập tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Bà Rịa - Vũng Tàu.

* Xin được bắt đầu với Khúc hát sông quê. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc Áo Trắng, thơ Lê Huy Mậu và nhạc Nguyễn Trọng Tạo gặp nhau trong hoàn cảnh nào để có một ca khúc mang âm hưởng dân ca đi vào lòng công chúng từ bấy tới giờ?

- Nhà thơ Lê Huy Mậu: Năm 2002, tại nhà sáng tác Vũng Tàu, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có đọc chùm thơ của tôi gửi ông về đăng tạp chí Thơ của HNV Việt Nam. Khi đọc bài thơ Khúc hát sông quê, ông bỗng gặp chính mình với hình ảnh người mẹ, với dòng sông quê hương. Và theo ông nói, chỉ trong vòng có 30 phút vào sáng sớm 2-9, ông đã viết xong ca khúc Khúc hát sông quê. Tôi là người đầu tiên được ông hát cho nghe ca khúc đó.

Thật không thể tin nổi, từ bài thơ khá dài, ông chỉ “nhặt” lấy một số câu, số ý trong đó, vậy mà tôi vẫn thấy đó là thơ mình, đúng hơn đó là linh hồn bài thơ của mình. Xin cảm ơn ông! Dù biết nói vậy là khách khí với tình cảm của tôi và ông. Nhưng cũng không thể nói điều gì hơn thế!

* Với Khúc hát sông quê, giới văn nghệ đồn ông có rất nhiều kỷ niệm với bạn nghe nhạc và bạn nghe thơ, ông có thể nói thêm về chuyện này?

- Sau khi bài hát được ca sĩ Anh Thơ trình bày hết sức thành công trên sóng VTV1, Nguyễn Trọng Tạo và tôi nhận được nhiều tình cảm nồng hậu của người yêu nhạc và yêu thơ trong cả nước. Nhiều kỷ niệm thật xúc động và vui và cả “khổ” nữa. Sau tết Kỷ Sửu vừa rồi, tôi về quê, được lãnh đạo huyện nhà cho đi thăm cửa khẩu mới mở với nước bạn Lào. Ở nơi biên giới xa xôi, khi nghe ca sĩ Anh Thơ hát Khúc hát sông quê từ chiếc điện thoại di động của một đồng chí bộ đội biên phòng, không hiểu sao tự dưng tôi ngân ngấn lệ...

* Với năm tập thơ đã in (Đêm trăng non, 1990;  Thiếu nữ và mùa đông, 1997; Những bước chân, 1999; Cảm ơn mưa phùn, 2001; Cỏ thiêng, 2005) và một tập truyện ngắn (Gió người, 2002), phải nói rằng ông viết khá đều. Vậy ông có nhận định gì về văn học trẻ hiện nay?

- Mỗi nhà văn đều đứng trước một giới hạn nào đó. Giới hạn thời gian và giới hạn văn hóa. Bởi vậy, không nghi ngờ gì khi nói: tương lai văn học nằm ở thế hệ trẻ. Tuy nhiên, những người viết trẻ cũng cần biết đã gần 300 năm rồi mà có nhà thơ nào được như Nguyễn Du đâu. Tôi có đọc, có tìm hiểu về lực lượng sáng tác trẻ. Đã có lúc thấy lấp ló một tài năng trẻ nào đó, nhưng rồi anh ta cũng không thể bứt tốp vượt lên được.

Tôi không quá lạc quan cũng không bi quan, văn học trẻ nước ta đang từng bước thay thế các đàn anh một cách chững chạc. Nhưng xin nói thêm văn học trẻ nói đây không cụ thể là thế hệ nào, 8x hay 9x... Với văn học, anh vừa mới được coi là hiện tượng sáng tác trẻ hôm qua thì hôm sau đã thành “già” trước một tài năng mới tinh khôi hơn!

* Là chủ tịch Hội VHNT, ông thấy lực lượng các cây viết trong tỉnh như thế nào, đặc biệt là các cây viết trẻ?

- Bà Rịa - Vũng Tàu là một địa phương có đặc điểm lịch sử và địa lý riêng, trẻ trung hơn, nhưng cũng vì thế mà bề dày về văn học không được như nhiều tỉnh khác. Tuyệt đại đa số người viết đều từ các nơi khác đến. Và nói chung lực lượng này cũng đã cao tuổi. Các cây bút trẻ cũng có nhưng ít. Có nhiều em học sinh có năng khiếu nhưng rồi bỏ theo những ngành nghề khác hấp dẫn hơn.

Vừa qua, Hội VHNT tỉnh có tổ chức một trại viết cho các em lứa tuổi học sinh trung học phổ thông. Tôi hi vọng bằng cách mở các trại viết trẻ, tổ chức tốt việc đọc, in và giới thiệu các tác phẩm của các cây viết trẻ, sẽ khơi dậy được niềm đam mê của các em, có như thế mới có thể phát hiện, bồi dưỡng những người viết trẻ trong tỉnh.

* Ông nghĩ sao nếu có một GĐAT Vũng Tàu hay một CLB Sáng tác trẻ ở Vũng Tàu được thành lập?

- Rất hay! Với cương vị chủ tịch hội tôi ủng hộ. Đây chính là điều chúng tôi hướng tới để phát hiện, củng cố lực lượng trẻ. Tạm thời các bạn học sinh sinh viên, bạn viết trẻ có bài vở hay có nhu cầu sinh hoạt có thể liên lạc với Lê Văn Thành, email: vtle04@gmail.com. ĐT: 0985844597. Từ đây sẽ thành lập GĐAT Vũng Tàu hay một CLB Sáng tác trẻ ở Vũng Tàu. 

* Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Văn Thành Lê

Nguồn tin: Áo Trắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây