Nguyễn Phan Quế Mai với vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt

Chủ nhật - 06/09/2009 17:40 2.433 0

Nguyễn Phan Quế Mai với vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt

Một người băn khoăn kiếm tìm cho mình một mạch thơ khác với những nẻo đến quen thuộc của các cây bút viết trước mình hoặc cùng thời với mình, chắc hẳn phải có một quan niệm riêng về nó. Với niềm tin rằng đại sứ cao nhất của văn hoá Việt và tâm hồn Việt chính là thơ ca, người đàn bà đó làm thơ và qua thơ, chị đang học những bài học vỡ lòng về vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt.

* Chị có thể chia sẻ với độc giả quan niệm của chị về thơ, về những sự cám dỗ cùng hệ luỵ thường thấy của thơ?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Gần nửa đời mình, tôi phải sống xa Tổ quốc. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều bản sắc văn hóa, tôi càng ý thức được sự lung linh của ngôn ngữ Việt. Những ngày ở xa, chính thơ ca và âm nhạc Việt neo tôi về nguồn cội. Tôi tin rằng đại sứ cao nhất của văn hóa Việt và tâm hồn Việt chính là thơ ca. Tôi làm thơ như một sự thôi thúc quán tính, mà không đặt ra cho mình một mục tiêu nào cả. Qua thơ ca, tôi đang học những bài học vỡ lòng về vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt.

Hiện nay, thơ ca đang tồn tại ở nhiều hình, nhiều vẻ. Tôi đang dần mở ngưỡng cảm nhận của mình để có thể cảm được tốt hơn những tìm tòi sáng tạo của các cây bút thơ. Tôi trân trọng những lựa chọn và cách thể hiện của họ, kể cả sự cách tân táo bạo trong thơ ca gần đây. Tuy nhiên, tôi chia sẻ được nhiều hơn với lối viết trong sáng, giản dị, không sử dụng ngôn từ rắc rối, khó hiểu. Nhiều người đọc tìm đến thơ như tìm đến một khoảng lặng trong cuộc sống vội vã và bận rộn của họ. Vì thế, tôi mong muốn giữ được sự trong lành trong những bài thơ mình viết.

Tôi tin rằng trong mỗi hồn Việt, tình yêu thơ ca luôn dâng chảy. Tuy nhiên, dòng chảy thơ ca hiện nay nghẽn mạch khi đứng trước bữa tiệc buffet thơ ca có quá nhiều đầu bếp. Ai cũng có thể trở thành đầu bếp của bữa tiệc ấy, bằng cách tự xuất bản và tự phân phối thơ mình, mà hầu như chẳng có sự thẩm định chất lượng nào cả. Những đầu bút nghiêm túc chẳng biết bày biện tác phẩm của mình như thế nào trên bàn tiệc nhộn nhạo kia. Và nhiều người trong số họ phải kiêm luôn cả chân chạy bàn, tự đưa thơ mình đến cùng bạn đọc. Đó là một nghịch lý làm tôi phải suy nghĩ và trăn trở.

* Hêghen từng đánh giá rất cao những cái đẹp được tạo ra từ kỹ xảo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nhưng một số nghệ sĩ lại tuyên bố không có bất kỳ một quy tắc nào để một người có thể trở thành nhà thơ, hoặc để người đó viết nổi một câu thơ; chẳng hạn, Erenbua khẳng định: mỗi nhà văn làm việc theo một kiểu riêng, không có những cẩm nang chung. Còn chị, chị có cho rằng trong lao động thơ, lao động chữ - người viết cần phải học tập một thứ kĩ thuật, kĩ xảo gì không?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Để viết được một câu thơ hay, điều cần nhất là cảm xúc. Nhà thơ là một nghệ sĩ, không thể sáng tạo được nếu không có được chất xúc tác là cảm xúc.

Tôi chưa biết có kỹ xảo hoặc quy tắc nào mà người làm thơ có thể sử dụng. Tôi chưa bố trí được thời gian để học một khóa đào tạo nào về nghiệp viết văn, hoặc tham gia một trại sáng tác nào. Có thể tôi sẽ trả lời bạn khác đi trong 5, 10 năm nữa.

Nhưng bây giờ, tôi chỉ có thể nói rằng, làm thơ là một quá trình lao động ý thức và vô thức, trong đó bao hàm sự tìm tòi về ngôn ngữ, sự học hỏi trao dồi kiến thức, sự khám khá các cung bậc cảm xúc, sự thẩm thấu đời sống và sự chắt lọc suy tư.

Nếu cứ làm thơ theo nguyên tắc và biện pháp, có thể các nhà thơ sẽ là những chú gà đẻ tì tì ra các bài thơ công nghiệp. Thơ cần sự ngẫu hứng, uyển chuyển. Hãy để mỗi trái tim người viết tự do hát lên nhạc điệu của mình.

* Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh chẳng hạn trước khi làm thơ đều định ra cho mình một cái đề cương, một dàn ý khái quát. Hiện thời, mỗi khi ngồi vào bàn viết, chị có cần một bản để cương vạch sẵn bố cục  và các ý tứ sẽ triển khai không?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi viết theo cảm hứng. Đôi khi cả tháng chẳng nghĩ đến thơ, đôi khi một ngày ngồi xuống viết không thể dừng lại được.

Nhiều bài thơ trong tập thơ đầu tay Trái Cấm, tôi viết trong đầu vào buổi sáng trên đường đến công sở, khi đi qua Hồ Tây, lộng gió, ảo mờ sương phủ. Có bài thơ tôi viết trên máy bay trong chuyến hành trình vội vã, chẳng có sổ tay, nên đành ghi vội lên giấy ăn.

Tôi nghĩ những nhà thơ lớn như Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh đều muốn chuyển tải một thông điệp đặc biệt qua mỗi bài thơ. Mỗi người viết nghiêm túc đều có ý định như thế. Tôi cũng vậy, trước khi viết, thường phác thảo trong ý nghĩ của mình tứ thơ, và thông điệp muốn chuyển tải qua bài thơ. Nhưng tôi không bao giờ có một bản đề cương, bố cục. Khi có tứ thơ và cảm hứng, tôi sẽ đặt bút xuống, và để cảm xúc và con chữ dẫn dắt mình. Tất cả các bài thơ tôi ưng ý đều được viết liền mạch cảm xúc. Bài thơ nào không thể hoàn thành một mạch, tôi sẽ mạnh dạn bỏ đi, vì tôi biết cảm xúc chưa đủ chín.

* Một số nhà văn, nhà thơ tâm sự với tôi rằng, họ đã bỏ ra rất nhiều thời gian để sửa chữa tác phẩm của mình, với khao khát tạo được các lời văn có sức biểu hiện ở mức độ mạnh nhất và có nhạc tính cao nhất. Chị thì sao?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi không thể làm một bài thơ trong mấy tháng trời hoặc mấy năm trời. Có thể quay trở lại chỉnh sửa câu chữ, nhưng nhất thiết một bài thơ được của tôi phải được viết liền một mạch. Tôi nghĩ nếu cứ mổ xẻ, phân tích từng chữ một để sao cho nó có sức biểu hiện mạnh nhất họăc nhạc tính cao nhất, bài thơ có thể trở thành một tổ hợp của những ngôn từ lộng lẫy, chưa hẳn dễ đi vào lòng người.

* Hiện giờ chị đang phụ trách truyền thông khu vực châu Á cho một tổ chức phi chính phủ, đồng thời làm trưởng nhóm tình nguyện Chắp cánh ước mơ, gồm trên 100 thành viên. Vậy, chị dành thời gian cho thơ ra sao trong cuộc sống bận rộn của mình.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Nếu không có thơ, có lẽ tôi chỉ là một cái máy vận hành hết công suất. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 6h30 sáng và ít khi nào kết thúc trước nửa đêm. Trong những chuyến hành trình hối hả của mình, thơ là khoảng lặng cho tôi tìm về sự bình yên trong tâm hồn, để tôi có dịp nạp năng lượng và tiếp tục làm việc. Trong những công việc khác, áp lực và trách nhiệm cao đòi hỏi tôi rất nguyên tắc và chỉn chu. Đến với thơ, tôi không có nguyên tắc nào cả. Thơ cho tôi sự tự do và sáng tạo. Trong thời gian biểu của mình, thơ không được xếp lịch, nhưng nó tự len lỏi vào lúc nào tôi cũng chẳng biết nữa.

Tôi rất tâm đắc với tham luận Thông điệp về Cái đẹp và Tự do mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trình bày trong Hội thảo “Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa”: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng. Chỉ có giấc mơ thiêng liêng và lộng lẫy mới giúp con người đi qua được bóng tối của dục vọng và tội lỗi và tìm đến đồng loại để chia sẻ và dâng hiến những vẻ đẹp và những khát vọng sống cho mọi con người”.

* Sau "Trái cấm", sắp tới chị sẽ công bố một tập thơ mới của mình. Chị có thể chia sẻ điều gì về tập thơ mới đó?

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Là người mới bước chân vào làng văn, tôi rất may mắn và hạnh phúc nhận được sự động viên của bạn đọc và những người đi trước như Trần Quang Quý, Nguyễn Thụy Kha, Lê Minh Quốc, Chu Văn Sơn, Văn Giá… Đôi lúc tôi đã nghĩ rằng mình không đủ thời gian và lòng dũng cảm để đi tiếp trên con đường văn chương, vì nó quá vất vả và khốc liệt. Nhưng có lẽ tình yêu thơ ca và tình yêu ngôn ngữ Việt chẳng thể ngủ yên trong tôi.

Hy vọng trong năm 2009, tập thơ riêng thứ hai của tôi, Chạm tóc ban mai sẽ ra mắt bạn đọc. Tập thơ có những cung bậc được viết từ Hà Nội, Sài Gòn, Paris, Angkor, Amsterdam, đỉnh Himalaya… Hy vọng nó sẽ là món quà với những âm hưởng trong lành dành tặng bạn đọc.

* Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai về cuộc trao đổi này.

Tác giả: An Sanh

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây