Thanh Thảo: Thách nhà thơ 36 tuổi viết được như Metro

Chủ nhật - 06/09/2009 16:10 2.352 0

Nhà thơ Thanh Thảo (phải) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Nhà thơ Thanh Thảo (phải) và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Thanh Thảo vừa có trường ca mới "Metro". Dịp này, chúng tôi trò chuyện với ông về thơ và về vấn đề các hội văn nghệ địa phương, cũng như hội đồng chấm giải thưởng văn học mà ông thường tham gia chấm.

Không đến nỗi nào

Trường ca Metro của ông công bố hồi tháng Tư, dường như rơi vào tình trạng no comment trong văn giới và độc giả. Ông giải thích ra sao, khi từng được nhà phê bình Chu Văn Sơn phong vương ở thể loại trường ca?

Cũng không đến nỗi im hơi lặng tiếng thế đâu. Cứ vào google, cũng có bài viết đấy. Tôi có đọc một bài phê bình trường ca này, nhan đề Metro đã khởi hành, của một thạc sĩ văn học thế hệ 8X. Một bài viết hay, suy nghĩ khá sâu sắc, theo tôi. Thế cũng là được rồi.

Tôi vốn ưa tĩnh và bình tĩnh. Cái gì đến rồi từ từ nó đến thôi. Còn ông Chu Văn Sơn có phong vương hay phong tướng cho tôi thì ai cũng biết ông ấy nói cho vui.

Có những nhà phê bình thỉnh thoảng bốc như thế, dù có nói quá một tí cũng được, sinh động không khí văn học, chứ ai cũng chỉn chu ríu rít rào trước đón sau cả thì chán và nhạt lắm lắm. 

Ông là người mải tàu (mượn chữ của Lê Đạt : “Đời tốc hành một ga xanh sót lại/ Một góc tuổi mải tàu/thơ dại mãi/Tìm nhà quên mất số lớn khôn”). Đã tưởng Tàu sắp vào ga - tên một tập thơ của ông, giờ ở tuổi 63 ông lại khởi hành với Metro hiện đại khi cửa Metro đóng mở tự động/ anh chỉ được quyền yêu những ga chính. Ga đến của thơ ông sẽ là gì ? Ông có nghĩ đến một lúc sẽ phải thốt lên  “Ga ni ga mô ri ?”?.

Thì tôi thốt ra rồi đấy thôi, trong trường ca Metro mà anh vừa trích đó:Ga ni ga mô ri. Câu đó cũng dành cho cả tôi nữa, chứ không phải chỉ dành cho những ai khác. Nhiều người cứ tưởng tôi động rồ hay sao mà đã 63 tuổi còn viết trường ca. Nhưng tôi thích, thì sao? Và tôi viết còn được, viết còn hơi bị hay, thì sao?

Tôi thách một bác nhà thơ 36 tuổi (ngược với 63) ở xứ ta mà viết được như Metro đấy. Không có tiền để thách tới năm triệu USD như bác gì vừa thách Vietnam Airlines về đường bay vàng. Chứ thách cỡ năm triệu đồng thì được. Dám chơi không?   

Ông từng nói thơ phải mang tính dự báo. Ông có thể dự báo ngắn gọn về tính dự báo của thi ca hiện nay?

Đúng là tính dự báo trong thơ Việt đương đại hơi bị yếu. Kiếm được một nhà thơ trẻ thật thà nhạy cảm như Tế Hanh cũng không có, dù thơ bây giờ cầu kỳ và rắc rối hơn thơ Tế Hanh rất nhiều.

Tôi vẫn cho Tế Hanh nhiều hàm lượng dự báo hơn thơ hiện đại hay hậu hiện đại bây giờ. Xin nhớ, sự cầu kỳ và phức hợp trong thơ chưa chắc đã song hành với độ mờ (fuzzy) trong thơ. Mà độ mờ mới hàm chứa không gian cho dự báo. 

Lệ thì lệ mà phang thì phang

Ông từng than “Nên giải tán các hội đồng là vừa” khi nhòm vào danh sách các “cửu phẩm văn giai” (hội viên) được Hội Nhà văn VN kết nạp năm 2007. Là Phó chủ tịch Hội đồng thơ VN, có chân trong hội đồng này ba khóa liên tiếp, ông được mời tham góp mỗi khi có điểm nóng văn chương và đều phát ra những ý kiến thẳng. Ông thấy quyền hành của “ông hội đồng” văn chương bây giờ ra sao, hay chỉ là chiếu lệ?

Khối ông bây giờ to hơn ông hội đồng văn chương nhiều mà vẫn chiếu lệ, nói chi mấy ông phỗng sành chúng tôi. Nhưng lệ thì lệ mà chiếu cứ chiếu. Ngày nào còn các hội đồng chiếu lệ ấy, và ngày nào tôi còn được ngồi trong đó, chắc chắn “lệ thì lệ mà phang thì phang”. 

Ông có theo dõi vụ Hội VHNT Bình Định khai trừ hội viên Lê Hoài Lương?

Trong 26 năm (1983-2009) công tác ở hai hội văn nghệ Nghĩa Bình và Quảng Ngãi, tôi chưa từng thấy, cũng chưa nhúng tay vào vụ khai trừ hội viên nào, nên chưa có kinh nghiệm về chuyện này.

Hội Bình Định khai trừ Lê Hoài Lương là chuyện nội bộ Bình Định nên cũng không dám nói gì. Nhưng khai trừ bất cứ thành viên nào khỏi đoàn thể là chuyện hệ trọng, phải cân nhắc, trừ phi thành viên ấy vi phạm pháp luật ở mức nặng và rõ ràng, vi phạm đạo đức công dân hay xã hội cũng nặng và rõ ràng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng nặng và rõ ràng.

Riêng vi phạm đạo đức nghề nghiệp (như đạo văn) thì, cho tới nay, cũng chưa thấy ở ta có vụ khai trừ thành viên nào khỏi các hội nghề nghiệp của họ. 

Hội VHNT Bình Định khai trừ chi hội trưởng Văn học Lê Hoài Lương mà không kiểm điểm từ cơ sở, lãnh đạo hội không có hình thức họp kiểm điểm nhắc nhở nào trước đó, vì cho rằng “điều lệ không yêu cầu”, và “Hội đã xử hội viên, không phải cơ quan nhà nước đối với cán bộ công chức”. Theo ông, việc lập ra các chi hội liệu có chức năng và tác dụng gì? 

Nói khai trừ không cần tổ chức kiểm điểm từ cơ sở (chi hội) vì điều lệ không yêu cầu hay “Hội đã xử hội viên” là không được. Hội văn nghệ là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, không phải một tổ chức hành xử theo kiểu muốn xử ai thì xử, muốn cho sống cho chết là tùy các đại ca.

Ông nghĩ gì về cơ chế hoạt động các hội VHNT địa phương hiện nay?

Nói thật nhé, khi còn đương chức chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ngãi, tôi đã tán thành dự án của Chính phủ tiến tới xã hội hóa các hội văn nghệ. Một khi còn bám vào ngân sách nhà nước thì những vụ việc như ở Bình Định có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào khác.

Còn khi Hội Văn nghệ trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo cơ chế tự nguyện đồng thuận và phi chính phủ, sẽ không còn chuyện như thế nữa. 

Tác giả: Trần Tuấn

Nguồn tin: Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây