Một chiều Hà Nội với nhà văn Đỗ Chu

Thứ sáu - 18/09/2009 12:22 2.228 0

Một chiều Hà Nội với nhà văn Đỗ Chu

Tôi gõ cửa và gặp ông ở ban công tầng năm nhà tập thể. Ông đang thanh thản hút thuốc. Ông hút tẩu, bởi, ông giải thích, có khi cả buổi sáng chỉ phải châm lửa có một lần, đỡ rách việc. Ông nguyên là Trưởng Ban văn học trẻ, vì thế, câu chuyện mở đầu của tôi với ông là công vụ của ông.

PV: Thưa ông, tôi thấy có mấy vấn đề bức xúc, nhiều đồng nghiệp của chúng ta thường bàn với nhau, là hiện nay chưa có sự quan tâm đầy đủ đến các cây bút trẻ. Nhiều năm về trước, nền văn học của chúng ta đã có những Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… từng nồng nhiệt giới thiệu Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy… và sau đó không lâu thì họ đã thành những tác giả chững chạc. Ông có thấy rằng, hiện văn học ta khan hiếm những người có thể đứng ra nhận xét, giới thiệu tác giả trẻ…

Nhà văn Đỗ Chu: Văn học cách mạng thực sự nở rộ và trở thành một lực lượng lớn, có đủ tư cách đảm đương một phần việc hệ trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế hệ chúng tôi may mắn lớn lên vào đúng mùa. Được đón nhận và nhào nặn. Chẳng cứ gì các anh Duật, anh Duy hay Thanh Thảo mới được khen ngợi. Trần Đăng Khoa bảy-tám tuổi đầu cũng đã được cả nước xôn xo chào đón. Dạo đó hầu như năm nào cũng có một vài cây bút đầy triển vọng được kể ra. Bây giờ ngồi đây nhớ lại những khuôn mặt trẻ ở thời điểm lịch sử đó, thì muốn hay không, mỗi người đều phải thấy nên hàm ơn nhiều cuộc sống.

Cứ như tôi, tài năng có là bao, đóng góp cũng có là bao, chẳng qua cũng là theo anh theo em mà đi viết. Giữa một cuộc chiến tranh khổng lồ, bề bộn, ngổn ngang, rất nhiều hy sinh, rất nhiều đói rét, ấy vậy mà mình lại được phân công làm một công việc cầm bút, muốn sao cũng vẫn được xem là nhàn nhã. Tất nhiên việc gì chả có những gian nan riêng của nó, có điều cái góc cô đơn kia cần phải được ôm kín trong lòng, nuốt nó vào lòng. Những lời khen của các bậc đi trước là nguồn động viên rất quý, nhưng bản thân chuyện đó trước sau vẫn chỉ là động viên mà thôi. Các nhà văn, người cầm bút trở thành vững chãi đều phải qua một giai đoạn từng trải dài, vừa học hỏi vừa sáng tạo một cách công phu, ai tính chuyện đi tắt, mưu mẹo vặt, toan bỏ qua chuyện đó thì trước sau gì đều cũng sẽ lụi. Cụ Đỗ Phủ đời Đường từng nói: “Vinh hoa địch huân nghiệp/ Tuế mộ hữu nghiêm sương” có nghĩa là, anh hưởng cái vinh hoa quá đáng so với những công lao đóng góp thì rồi khi về già ắt sẽ phải chịu nhiều sương giá. Cho nên, anh em trẻ bây giờ cũng chả nên chờ đợi lắm, hát được thì cứ hát lên, hoa đến kỳ nở thì cứ tỏa hương, nó có chờ ai khen nó?

PV: Với tư cách, nguyên là Trưởng Ban văn học trẻ, đương nhiên ông có nhiều gắn bó với anh em trẻ và hẳn ông phải có những nghĩ ngợi về văn chương của họ…

- Quả là tôi có nghĩ ngợi và hầu như tất cả chúng ta ở mọi khu vực xã hội cũng đều nghĩ ngợi, đặc biệt văn học trẻ và đổi mới. Suy cho cùng, đổi mới là quá trình tìm kiếm chính bản thân mình, trở về với chính mình. Đây là một đòi hỏi có ý nghĩa quyết định. Một cuộc lên đường tìm kiếm đòi hỏi nhiều dũng khí, nhiều trung thực và sẽ không bao giờ dễ dàng. Nó là công việc của tài năng và trí tuệ, ở đây mọi nông nổi khéo mồm chỉ làm nhiễu thêm tình hình mà thôi. Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn tiên phong trong những năm đầu đổi mới. Những truyện ngắn của anh kịp để lại trước lúc qua đời đáng được xem là niềm kiêu hãnh của văn học nước nhà. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Vàng Anh, Nguyễn Quang Lập và rất nhiều người nữa đều đã có những đóng góp đáng kể, tôi hy vọng sự chững lại của họ mấy năm gần đây chỉ là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để có những bước vạm vỡ trong thời gian tới.

Một đời cầm bút của ai cũng vậy, rất nên có những khoảng lặng. Khoảng mươi năm trở lại đây, trong đời sống văn học ta đã có một sự xuất hiện không dễ thấy, đấy là trường hợp Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau). Xưa nay hình như vẫn thế, các giá trị lớn đều biết tìm cho mình một cách xuất hiện thật giản dị, hoàn mỹ và thuyết phục. Rất nhiều các cây bút trẻ, giờ đây vẫn đang tiếp tục tìm tòi để có thêm nhiều tác phẩm mới, tất nhiên cũng nên thành thật với nhau, vẫn biết trẻ là hiện thân của cái mới, ấy vậy mà nhiều khi tưởng mới hóa ra mới đấy mà vẫn cũ đấy. Trên vai họ, những năm tháng này đang gánh trọng trách cho tương lai của văn học đất nước. Đây là một đòi hỏi lớn, thách thức lớn.

Có thể họ còn vụng dại, nhưng trong các trang sách của mình nếu tầm nhìn hạn hẹp, cái tâm lại không sáng, thiếu cân bằng, thì biên độ dao động của con lắc sáng tạo rất khó đạt đến rộng lớn. Sự ra đời của các tác phẩm non yếu cho dù ồn ào đến bao nhiêu cũng sẽ sớm bị quên lãng. Bởi một nhẽ dễ hiểu, vì nó nhạt. Nhạt là căn bệnh khó chữa nhất của văn học.

Nhìn lại sáng tác của nhiều bạn trẻ, không biết tại làm sao khi anh em học những cái hay, cái lạ, hoặc cả cái tồi tệ của thiên hạ thì nhanh thế, mà đến khi cần học những cái tốt đẹp của văn hóa dân tộc thì thờ ơ, không chu đáo. Đó là cái lỗi cần nhắc nhở với bạn trẻ.

PV: Gần đây chúng ta đã bước vào chuẩn bị cho Hội nghị dịch thuật quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, trong đó có việc làm các tuyển tập truyện ngắn và thơ. Xin ông cho một ý kiến chung về việc này?

- Những công việc ấy là của Chủ tịch Hội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, các Hội đồng văn xuôi và thơ, sau cùng là các vị Ban chấp hành. Tôi cho rằng nước ta thống nhất đã trên ba chục năm, Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập vậy mà đến tận hôm nay, ta mới có cơ hội tiến tới các tuyển tập truyện ngắn và thơ Việt Nam thế kỷ XX là một sáng kiến đáng vui mừng. Vui mừng vì nó là một việc trước sau gì rồi cũng phải làm.

Có thể hình dung văn học Việt Nam nói chung, ở thế kỷ này bao gồm ba dòng chính. Một là văn học trước 1945, hai là văn học cách mạng, ba là văn học vùng tạm bị chiếm kể cả chống Pháp và chống Mỹ. Có nhiều cách làm tuyển văn học Việt Nam của thế kỷ này, nói nhiều vì nó có nhiều cách nhìn nhận khác nhau, ở đây cần nói luôn cho rõ ràng: Chúng ta làm các tuyển tập này theo cách nhìn của Hội Nhà văn Việt Nam ở những thế kỷ XXI; lấy dòng văn học cách mạng làm nòng cốt, trong khi vẫn thấy cần phải dành cho hai dòng kia một vị trí không thể thiếu, bởi vì nếu thiếu những đại diện xứng đáng của nó thì muốn sao cũng chưa thể xem đấy là một tuyển tập truyện ngắn, một tuyển tập thơ Việt Nam một thế kỷ. Trên những cánh đồng văn học của dân tộc chắc chắn phải có những mảnh tinh thần thuần Việt, những mảnh hồn văn học Việt Nam cao quý không được bỏ quên.

Thế kỷ XX là một thế kỷ mà nước nhà đã phải trải qua những chặng đường nhiều gian nan, bi tráng, đã chi phối đến sự hình thành và phát triển của các dòng văn học. Giờ đây làm tuyển tập chúng ta cần phải nhìn lại và đánh giá đúng những giá trị trong mỗi dòng văn học đó với một cách nhìn biện chứng với lịch sử, với trí tuệ sáng suốt và tình yêu dân tộc chân thật sâu sắc.

Hình như để có một tuyển tập truyện ngắn và thơ thật chững chạc như chúng ta hằng mong mỏi thì vẫn phải chờ có thêm thời gian, xem thế đủ thấy đây quả là một công việc hệ trọng, một mơ ước không thể vội vàng và chẳng dễ dàng chút nào. Nhưng cũng chính vì thế mà mỗi nhà văn Việt Nam giờ đây đều cảm thấy ấm lòng khi được biết trong không khí hội nhập và phát triển chung, đã đến lúc chúng ta bắt tay vào khởi đầu cho một công việc nhiều ý nghĩa, đó là các tuyển tập thơ và truyện ngắn của thế kỷ XX. Việc này nếu làm chu đáo thì có thể được xem là một cuộc gọi hồn cho văn học nước nhà.

Lâu nay, ông ở trên phố nhưng hồn vía thì vẫn ở quê. Có khi ông về quê cả tháng, tự lo cơm nước để viết về người quê, với những cô du kích thuở nào, những anh bộ đội phục viên xốc vác việc đồng áng, những bà bán nước đầu ngõ, những ông giáo làng… Tôi đã đọc những trang viết của ông, bắt gặp một cơn gió làng mát rượi, thổi qua những ngọn ngô và bờ đất, mang cái trong trẻo mà tràn vào phố, làm cho người ở phố chợt tỉnh khi nhận được ngọn gió lâu nay họ đã vô tình lãng quên.

Nguồn tin: Hồn Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây