Văn học nữ quyền: Phủ nhận tất cả để chỉ đề cao mình?

Chủ nhật - 10/10/2010 05:21 1.766 0

Văn học nữ quyền: Phủ nhận tất cả để chỉ đề cao mình?

Không phải chỉ đến với Y Ban người ta mới nghe được câu nói thống thiết I am đàn bà. Thực ra những tác phẩm văn học đòi quyền lợi người phụ nữ, gắn với quyền sống của người phụ nữ, hay gắn với thế giới quan của người phụ nữ, đi sâu vào thế giới phức tạp của người phụ nữ xưa nay, cả Đông lẫn Tây không hiếm. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ muốn đặt ra câu hỏi thực ra có cần thiết phải khẳng định thêm/ khẳng định lại: Tôi là đàn bà?
Có thể nói văn học thế giới , ngay từ thế kỷ XIX đầu thế kỉ XX, một làn sóng văn học nữ quyền ở Anh và Mĩ đã xuất hiện. Năm 1929, Virginia Woolf  đã cho ra mắt tiểu luận "Một căn phòng cho riêng mình". Đây được coi là "sách vỡ lòng" của phê bình nữ quyền. Nhờ Woolf mà các tác giả nữ ngày nay có những khái niệm gợi mở về cách suy nghĩ lùi thông qua người mẹ, về ý kiến của đàn bà, và về tinh thần song giới (dung hoà cả hai giới tính).

Làn sóng  tiếp theo tương ứng với cao trào nữ quyền ở các nước phương Tây, với những xu hướng như xu hướng trung hoà hay phổ quát mà đại diện là Simone de Beauvoir với tác phẩm Giới thứ hai (1949). Cuốn sách được coi là bản tuyên ngôn nữ quyền và là một công trình lý luận triết học về phụ nữ, xuất phát từ quan điểm nam nữ bình quyền. Cuốn sách xoay quanh vấn đề: Phụ nữ bị kẹt trong tình trạng bị áp bức lâu dài qua sự loại bỏ mình nên trở thành giới ít quan trọng hơn (giới thứ hai) trong mối quan hệ với nam giới. Ngoài ra trong làn sóng thứ hai này còn có những xu hướng khác biệt với những tư tưởng của Melanie Klein về sự tồn tại của hai giới, hay Carol Gilligan với tác phẩm “Một giọng khác” (1982).

Làn sóng thứ 3 bắt đầu từ thập niên thứ 9 của thế kỉ XX đến nay đã diễn ra trên phạm vi toàn thế giới với những lí thuyết hậu hiện đại và một vài tư tưởng lí luận phái sinh từ lí thuyết Derrida.

ở Việt Nam, bạn đọc chúng ta đã được đọc rất nhiều tác phẩm của dòng văn học này. Tác phẩm “Tình ơi là tình” của Elfriede Jelinek ngay từ khi được dịch và xuất bản đã làm xôn xao bởi một câu chuyện đơn giản kể về hai cô gái mới lớn mơ có được tấm chồng để được ấm thân. Một cô yêu phải gã béo ích kỉ và một cô vớ phải một thằng đần độn còn ích kỉ hơn. Cô may mắn lấy được kẻ đã ngủ với mình làm chồng, cô kém may mắn hơn phải đứng đường để lấy tiền nuôi con. Và cuộc sống cứ thế tiếp diễn với đầy đủ những cung bậc, những bất hạnh dồn dập ập lên người phụ nữ. Hay Marguerite Duras tác giả người Pháp với tác phẩm "Người tình" đã để lại những ấn tượng sốc đối với độc giả.

 Làn sóng văn học này dần lan sang các nước châu á, điển hình là ở Trung Quốc như Vệ Tuệ với “Điên cuồng như Vệ Tuệ”, “Baby Thượng Hải”, Cửu Đan với tác phẩm “Qụa đen”... và còn nhiều nhiều tác giả khác nữa trong đó phải kể đến sự bùng phát của dòng văn học Linglei mà các tác giả nữ như Vệ Tuệ, Xuân Thụ, Cửu Đan, Miên Miên, An Ni Bảo Bối, là những cái tên luôn nóng, luôn được chờ đợi  v.v...

ở Việt Nam với sự xuất hiện tên tuổi nhiều nhà văn nữ, nhiều cây bút nữ, nhóm văn học nữ, tất cả đem lại cho người đọc cảm giác văn học nữ quyền đang lên ngôi. Nào là Phạm Thị Hoài (Năm ngày), Võ Thị Hảo (Người sót lại của rừng Cười), Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè) và sau này là một số sáng tác của các cây bút 8X, và ngay cả 9X hiện nay... Có thể nói so với các nền văn học khác, văn học nữ quyền ở Việt Nam chưa  thực sự được xem trọng hay thực sự Việt Nam chưa có dòng văn hoc nữ quyền? Câu hỏi này chắc hẳn không ít lần được đặt ra trong những người sáng tác và nghiên cứu hay ở các hội thảo, cinema hay hoạt động nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành văn học. Có thể dấu ấn nữ quyền trong văn học Việt Nam đang còn nhẹ nhàng, đơn giản như sự thể nghiệm, sự tự bộc lộ bản thân mình. Nhưng chắc chắn là có. Nếu như trước đây trong đời sống cũng như trong văn học vai trò của người đàn ông luôn được đặt lên một vị trí cao hơn hẳn, và thực sự họ đã giữ thế thượng phong. Thời chiến người phụ nữ vò võ ngồi chờ đàn ông ra trận, chức năng và vai trò của người phụ nữ là chiều chồng, chờ chồng và nuôi con. Những người đàn ông, khi đánh giá họ không quan tâm đến xấu xí, xù xì mà thực sự từ trong tiềm thức họ đã trở thành một điểm tựa cho phụ nữ. Đến nay, hình ảnh người đàn ông cũng đã thay đổi, đã nữ tính dần hơn, có nghĩa họ cũng phải làm đẹp, thậm chí là khoe khoang phần đẹp của cơ thể mình. Nói điều đó để cho thấy xu hướng nữ, và dấu ấn nữ quyền là một xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại.

Riêng trong văn học trước đây chỉ cần đọc những dòng thơ của Hồ Xuân Hương người đọc đã hiểu được khát khao mong muốn của người phụ nữ. Nhưng những khát khao đó cũng chỉ dừng ở mức: “Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào nguyên suối chửa thông” (Thiếu nữ ngủ ngày). Ngày nay với sự thay đổi về thẩm mỹ, với sự phóng túng của những quan niệm sống, người phụ nữ tưởng như mình cũng đang có sự thay đổi. Quan niệm bất bình đẳng/ bình đẳng gây tranh cãi và đến nay vẫn chưa dừng. Và để chứng tỏ vai trò của mình và những lợi thế của mình thì văn hoc nữ quyền tập trung khai thác ở khía cạnh giới tính. Sự khác biệt giữa giới tính nam và nữ dựa vào năm yếu tố chính: sinh lí, kinh nghiệm, vô thức, các điều kiện kinh tế, xã hội và diễn ngôn. Trong đó yếu tố sinh lí được các nhà văn, nhà thơ khai thác triệt để. Lí do vì thông qua cơ thể, sinh lí, giới tính nam và nữ trở nên khác biệt. Và sự hấp dẫn, sự tò mò, sự ham muốn và sự chờ đợi là điểm chính mà phái nữ luôn muốn người khác giới quan tâm. Văn học cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, nhiều nhà văn nữ xuất hiện, giới tính nữ và việc phô bày thân thể , tình cảm, sex, tình dục, sinh sản ngày càng nhiều trên các ấn bản. Chính vì lí do đó mà đề tài sex hot nhất trong những năm gần đây. Tất nhiên, người phụ nữ muốn bày tỏ họ theo một cách riêng, đối chọi với nam giới, và cách họ lựa chọn là yêu cơ thể mình, muốn khoe cơ thể mình để từ đó muốn được đòi hỏi, và khát khao hạnh phúc. Công thức này không phải là mới nhưng văn học nữ quyền đã khai thác nó triệt để. Và khuynh hướng nổi loạn trở thành bình thường trong hầu hết các truyện. Các nhà văn Y Ban, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo đều thông qua những nhân vật nữ để thể hiện điều này. Rồi từ tập Truyện ngắn 8X (Nxb Hội Nhà văn, 2006), người đọc nhận ra từ sự cô đơn, từ những khát khao riêng của thế hệ mình, những người phụ nữ thực sự muốn thể hiện mình, thể hiện thẩm mĩ cũng như những day dứt của mình.

Đương nhiên văn học nữ quyền cũng cho người đọc một hướng nhìn khác, một cách nghĩ suy khác, những đề tài tưởng như nhàm chán trong những không gian cực kì chật chội tù túng, quanh quẩn tình yêu, con cái, hôn nhân và gia đình, những mối tình tay ba, tay tư không còn được kể giản đơn nữa, mà đằng sau mỗi câu chuyện là những góc khuất, là những ám ảnh, chiêm nghiệm theo cách riêng của người phụ  nữ. Đơn giản họ muốn họ khác với nam giới, và cần có một vị trí xứng đáng với họ. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Lý Lan muốn góp ý với Y Ban về “I am đàn bà”: Phụ nữ viết văn rất khác nam giới. Nhưng là giới nào viết văn đi nữa thì cũng đều muốn tác phẩm của mình đạt đến chữ Người nói chung. Vì vậy, tôi luôn tự hỏi, tại sao khi một nhà văn nam viết một tác phẩm về người đàn ông thì mọi người có thể hình dung, khái quát lên thành thân phận con người. Nhưng thường khi người phụ nữ viết về một người phụ nữ, người ta chỉ nghĩ “à, đó là một nhân vật nữ”… “Khi tôi đọc truyện ngắn I am đàn bà của nhà văn Y Ban tôi rất thích. Chị ấy là một nhà văn rất có tài, có tâm. Nhưng đến cái đoạn gần kết, khi người đàn bà trong truyện đứng trước toà nói “I am đàn bà” đề biện hộ cho hành vi của mình tôi thấy hẫng. Nếu là tôi, tôi sẽ nói: I’m Người”. “I am đàn bà” mang lại cảm giác kêu gọi lòng thương hại hay van xin. Mà việc gì phải thế! Nếu một người đàn ông rơi vào hoàn cảnh trong truyện thì anh ta cũng hành xử như người đàn bà kia thôi”. Từ một vai phụ, nhân vật phụ trong các tác phẩm văn học , người phụ nữ ngày nay đã thực sự khẳng định vai trò của mình, và thực sự họ là một nửa của thế giới, điều này không thể khác được.

Mải mê chống lại thế giới đàn ông, quá đề cao chính mình, nhiều khi họ phủ nhận sạch trơn vai trò của đàn ông, đàn ông chỉ là công cụ, là trò chơi để họ xoay vần; và ca ngợi tình yêu đồng tính, đã dẫn đến những nhược điểm của dòng văn học nữ quyền. Lessing – nhà văn đạt giải nobel văn học năm 2007- đã từng trả lời phỏng vấn về cuốn sách The Golden Notebook, đã khước từ dấu ấn đây là “tác phẩm tiên phong của phong trào nữ quyền”: “Tôi luôn bối rối khi The Golden Notebook được coi là cuốn kinh thánh của phong trào nữ quyền, bởi vì tôi không muốn viết một tiểu luận về chủ nghĩa nữ quyền, mà là viết về cuộc đời của những người phụ nữ. Mọi người vẫn còn luôn tin rằng đó là một tuyên ngôn chính trị. Nhưng không phải thế... Tôi không thích chủ nghĩa nữ quyền của những năm 1960-1970, và đến nay vẫn vậy. Tôi chưa bao giờ thích cái khía cạnh thù nghịch đàn ông của những người phụ nữ trẻ quá tả, những người tỏ ra khinh thường đàn ông, hôn nhân và những đứa con. Thật tồi tệ và trước hết là lãng phí thời gian. Lẽ ra người ta phải tiếp cận những vấn đề này một cách khác...”.

Đọc, rồi ngẫm ngợi rõ ràng thấy ở thời đại nào, lối suy nghĩ, hành động, hay đấu tranh kiểu gì, cũng vì nữ giới muốn thoát ra khỏi kiểu tư duy ấn định họ phải yêu chồng, thương con, vun vén vì hạnh phúc gia đình. Chán ngán cái cách nghĩ đó, sự định vị đó mà họ cần và đòi hỏi được giải phóng. Rồi dẫu có cựa quậy, dẫu có nổi loạn thì cuối cùng họ là vẫn trở về với mái ấm của mình, vẫn khát khao có một hạnh phúc gia đình, có một bờ vai thật vững để tựa vào. Vậy văn học nữ quyền có cần phải phủ nhận tất cả để chỉ đề cao mình không? Câu trả lời thuộc về những người sáng  tác, điều người đọc cần tìm là những gì nhân bản của cuộc sống này, những cách hiểu, cách cảm, những suy tư dằn vặt không chỉ của một người mà của nhiều người, của xã hội này, xã hội chúng ta đang sống.

Tác giả: Nhật Nguyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây