Thầy giáo chạy thận viết văn để 'trả nợ cuộc đời'

Chủ nhật - 10/10/2010 06:12 1.638 0

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn dốc những sức lực còn lại để “vác tù và hàng tổng”.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn dốc những sức lực còn lại để “vác tù và hàng tổng”.
Nguyễn Ngọc Sơn đã gắn bó cuộc đời mình với cỗ máy chạy thận gần 5 năm và là tác giả hai cuốn sách "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" và "Không là gió thoảng qua".

Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1979, tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội và Học viện báo chí tuyên truyền. Anh gắn bó cuộc đời mình với cỗ máy chạy thận gần 5 năm và là tác giả hai cuốn sách: "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" (nhật kí, NXB CAND 2008), "Không là gió thoảng qua" (tản văn, NXB CAND, 2009). Nội dung hai cuốn sách là những câu chuyện cảm động về tình thương yêu của đứa con mắc căn bệnh hiểm nghèo và nghị lực phi thường của một người bệnh đang đứng trước lằn ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Tôi muốn là người "vác tù và hàng tổng" suốt cuộc đời này

Một chiều cuối thu, tôi có một cuộc trò chuyện bất ngờ với anh khi tìm đường lên khu tập thể Trường Cao đẳng công nghiệp quốc phòng (thuộc khu 3, xã Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) nơi anh đang sinh sống và chiến đấu với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Sơn không có nhà, anh đang đi dạy học, chỉ có bố mẹ anh đang cặm cụi làm cỏ sau vườn nhà. Theo sự chỉ dẫn của mẹ anh, tôi lại lần theo lối nhỏ để được nhìn cận cảnh một trong những công việc hằng ngày mà con người "phi thường" ấy vẫn đang làm.

Lớp học của thầy Sơn là một căn nhà nhỏ được dùng làm nhà văn hóa của khu, ẩn dưới những hàng tràm xanh ngắt. Từ xa tôi đã nghe thấy giọng nói ấm áp của anh đang say sưa giảng bài. Không muốn làm anh mất hứng, và cũng bởi tò mò nên tôi cứ đứng vậy hồi lâu. Những câu chuyện lịch sử, những bài học về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Hà Nội đang ào ào chảy ra từ trái tim, khối óc của một con người mà sự sống chỉ tính tháng, tính ngày đã thuyết phục tôi ngay từ giây phút ấy.

Không xã giao, không khoảng cách, Sơn chủ động cởi mở trên con đường từ lớp học về nhà anh. Và một lần nữa Sơn lại làm tôi bất ngờ khi anh cho biết đây là lớp ôn thi đại học hoàn toàn miễn phí do anh tự mở để dạy cho các em học sinh nghèo hiếu học… Đó là cách để Sơn "trả ơn" cuộc đời tươi đẹp đã cho Sơn còn sống đến ngày hôm nay và đó cũng là cách để ôn lại kiến thức và thấy mỗi ngày qua đi thêm ý nghĩa. Anh chỉ tiếc vì điều kiện không cho phép (phòng học chật chội, ẩm thấp, bàn ghế xiêu vẹo, bảng không có phải dựng tạm một chiếc bàn lên để thay bảng) nên không nhận được nhiều em hơn. Nhưng mà thôi… anh tần ngần rồi bảo, được các bác, các chú tạo điều kiện cho mượn miễn phí để có chỗ cho thầy trò là tốt lắm rồi! Suy cho cùng thì phương tiện chỉ là điều kiện khách quan còn yếu tố chủ quan mới là điều quyết định.

Không chỉ dạy ôn thi miễn phí, Sơn còn thường xuyên nhận lời đi hướng dẫn cho các em thiếu niên, học sinh trong các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, cuộc thi về nghiệp vụ đoàn, đội, các buổi giao lưu với các đơn vị quân đội… Tất cả, anh đều giúp nhiệt tình, hiệu quả và chưa bao giờ nhận một đồng tiền công. Mấy năm qua Sơn còn trở thành chuyên gia tâm lý "bất đắc dĩ" cả ngày lẫn đêm cho những người bệnh như anh, bệnh nhân ung thư và cả những người đang gặp rắc rối trong tình yêu…

Sau khi hai cuốn sách ra đời Sơn còn dành một phần lớn tiền nhuận bút làm quà và mua lại sách để tặng các em học sinh nghèo, những bệnh nhân mắc trọng bệnh, những mái trường vùng sâu, vùng xa và các chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc.

Ngoài ra anh đang ấp ủ dự định xây dựng một website để làm nơi chia sẻ kinh nghiệm của những người chạy thận, cũng như hiện nay anh đang âm thầm thực hiện một đề tài nho nhỏ để tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh, cuộc đời, chất lượng sống của những người chạy thận xung quanh mình.Không ít lần, người ta bảo anh là hâm, là "sỹ diện hão", anh chỉ lặng im, không một lời đôi co bởi anh tin tất cả những việc anh làm đã có độc giả và học trò hiểu cho anh, chỉ có trái tim mới đến được trái tim, chỉ có những tấm lòng hướng thiện mới đến được với nhau.

Ánh mắt cảm phục và nụ cười nhân hậu của bao thế hệ học trò của anh đã chứng minh cho điều đó. Anh bảo chỉ cần ông trời còn cho anh được sống, anh sẽ thực hiện thật nhiều, thật nhiều những dự định tốt đẹp của mình để trả nghĩa cuộc đời tươi đẹp này!

Yêu thương gửi lại cuộc đời

Vậy mà… khó ai có thể nhận ra con người nghị lực và lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói ấy lại có lúc bi quan đến độ muốn rời bỏ cuộc sống này: "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi!/ Giờ phút ly biệt… tới rồi… con đi!/ Anh em, bầu bạn, chú dì/ Từ đây nhờ cậy… những khi mẹ buồn./ Con biết là… lệ sẽ tuôn/ Nhưng mà… con muốn… mẹ luôn mỉm cười./ Mẹ ơi! Ly rượu tình người/ Cho con được cạn, được mời mẹ yêu/ Đời con như một cánh diều/ Bỗng đâu bão nổi giữa chiều… mùa đông…" (Trích thơ Nguyễn Ngọc Sơn).

Những câu thơ đó là một trong những bài thơ về mẹ nằm trong 21 bài thơ mà Sơn gọi là "thơ di chúc" anh viết trong đêm đầu tiên khi biết tin mình bị căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Sơn kể, cái ngày định mệnh, ngày 23 tháng 7 năm 2006 đó nghe bác sỹ thông báo thời gian sống chỉ còn tính từng giây mà đất dưới chân như sụp xuống. Hai mẹ con anh kêu gào thảm thiết xen lẫn tiếng chuông điện thoại đổ hồi của cha. Thế là hết, hết tất cả, bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hoài bão giờ thành dang dở… bao nhiêu công sức vượt lên bệnh tật suốt 12 năm trời giờ đổ sông, đổ bể.

Trong con người Sơn lúc ấy có hai nỗi đau cào xé con tim. Nỗi đau thứ nhất là nỗi đau bệnh tật, rồi đây "kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh", nỗi đau thứ 2 là nỗi đau của một người trí thức bao năm đèn sách mà giờ thành vô dụng, nó giống như nhìn thấy kẻ gian thò tay vào túi lấy đi thứ quý giá nhất của mình mà đành bất lực, và đó mới là nỗi đau lớn nhất!

Đã hơn một lần dù đã hứa với mẹ sẽ không bao giờ khóc nữa, vậy mà Sơn vẫn trốn mẹ ra ban công lộng gió của tầng năm (Khu Việt Nhật - BV Bạch Mai) ấy nhờ những hàng sấu già cất giùm anh những chùm nước mắt. Nước mắt ngày ấy ngập đầy cả gối chăn, nước mắt nhiều đến độ mỗi bát cơm cũng võng vãnh toàn lệ đắng!Tự truyện "Xin đừng khóc nữa mẹ ơi" ra mắt độc giả vào đầu năm 2008, anh đã tự mình vừa là thủ quỹ, thống kê, maketing, nhân viên bưu điện và vừa làm cả… cửu vạn, xe ôm để tự đi giới thiệu và bán sách.

Cũng giống như khi đi lọc máu đi đâu Sơn cũng chỉ dùng xe máy, dẫu đó là Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai hay Yên Bái… Sơn bảo biết là nguy hiểm nhưng như thế tiện hơn và quan trọng là có thể tiết kiệm được từng đồng để dành tiền mua thuốc. Sơn bảo bệnh nhân thận nhân tạo vẫn có câu cửa miệng bệnh này nay sống mai chết, chả biết thế nào, trời cho được đến lúc nào thì biết lúc ấy, có khi vừa cười đấy, nói đấy mà phút sau đã cách xa nhau cả hai thế giới rồi.

Từ chính cuộc đời mình Sơn nghiệm ra một điều khi mình biết tiếc, biết nâng niu những hạnh phúc tưởng chừng như rất đỗi bình thường - diễn ra hằng ngày thì cũng là lúc nó mãi mãi vuột khỏi tầm tay của mình. Chẳng ai biết khi mình chết thì sẽ như thế nào nhưng chắc chắn một điều: Lúc người ta đau đớn nhất, lúc ở gần cái chết là lúc người ta nhận ra sức mạnh thật sự của bản thân, là lúc người ta sống thật nhất với mình và thấy cuộc đời ngắn ngủi mà vô giá biết chừng nào!

Nguồn tin: Pháp luật xã hội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây