Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh nói về Tố Hữu: “Trong nền văn học của chúng ta, không ai cất cao tiếng hát của lý tưởng cách mạng thấm thía, xúc động và hào sảng và đầy sức mạnh như Tổ Hữu. Lịch sử đi qua con người của Tố Hữu chính là lịch sử của dân tộc. Thơ Tố Hữu đem đến niềm tin cho cả một thế hệ chiến sĩ, làm nên cuộc kháng chiến vĩ đại giành độc lập”. Giữa những năm chống Mỹ, nhà thơ viết “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” mang âm hưởng “khái quát, hùng tráng khác thường”.
Giữa các nhà văn nhà thơ, câu chuyện tài năng hơn kém là một đề tài vô tận. Thước đo tin cậy nhất là phạm vi ảnh hưởng của họ đối với công chúng và ảnh hưởng đối với nền văn học đương đại. Về vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Sau Hồ Chí Minh, không một tác gia nào có lượng công chúng đông đảo, lượng tác phẩm xuất bản lớn như Tố Hữu”. Thơ ông được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận nồng nhiệt trong nước, được đánh giá cao và có tiếng vang lớn ngoài nước.
Cũng nhân dịp 90 năm ngày sinh Tố Hữu, hôm 2/10, Hội Nhà văn tổ chức đêm thơ “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Nhà nước và Hà Nội đã đến dự.
Hội thảo về thơ Tổ Hữu tại trụ sở Ban Tuyên giáo trung ương, Hà Nội sáng 4/10. |
Những bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu như Bầm ơi, Ê-mi-li con ơi, Bác ơi, Ta đi tới, Chào xuân 67, Việt Nam - máu và hoa... được ngâm trên nền nhạc, hợp xướng Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, Tổ quốc tôi, Mưa rơi, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng... Đêm thơ tái hiện khí thế của thời đại Hồ Chí Minh trong bối cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành (1920 - 2002), quê ở Thừa Thiên Huế. Ông là một tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam, là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng. Các tập thơ chính của ông gồm: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta. Tố Hữu đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (năm 1996).
Tác giả: Pham Mi Ly
Ý kiến bạn đọc