Cú đúp giải thưởng có trở thành một hiện tượng thơ trẻ

Chủ nhật - 17/10/2010 10:46 1.630 0

Nguyễn Phan Quế Mai trong đêm trao giải cuộc thi Thơ về Hà Nội (15/10/2010)

Nguyễn Phan Quế Mai trong đêm trao giải cuộc thi Thơ về Hà Nội (15/10/2010)
Năm 2010, một cái tên còn khá mới lạ xuất hiện trên văn đàn - Nguyễn Phan Quế Mai giành một lúc hai giải thưởng thơ: Giải năm 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội và cuộc thi Thơ về Hà Nội (do báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội tổ chức). Vậy liệu cái tên Nguyễn Phan Quế Mai có được dư luận chú ý và ghi nhận như một hiện tượng thơ trẻ?
Vài năm gần đây các giải thưởng thơ được dư luận chú ý, trong đó có các giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội thường bị rơi vào tình trạng bỏ trống ngôi vị cao nhất. Đã có nhiều cuộc tranh luận thẳng thắn và không kém phần gay gắt giữa quan điểm “Thơ mất mùa” và “Mỗi mùa có gì thì gặt lấy”, không nên đưa ra so sánh chất lượng giữa năm này với năm khác để trao giải thường niên…

Năm 2010, một cái tên xuất hiện trên văn đàn: Nguyễn Phan Quế Mai, giành một lúc hai giải thưởng thơ: Giải của Hội Nhà văn Hà Nội và Giải nhất cuộc thi Thơ về Hà Nội (do báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà Nội tổ chức). Câu hỏi đặt ra là, liệu cái tên Nguyễn Phan Quế Mai có được dư luận chú ý và ghi nhận như một hiện tượng thơ trẻ không?

Tập thơ Cởi gió của Nguyễn Phan Quế Mai được hội đồng chung khảo của Hội Nhà văn Hà Nội nhận xét: “Được chú ý giữa những giọng thơ trẻ. Một giọng thơ biết tiết chế để khi chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào bé nhỏ, vụn vặt. Tình cảm với đất nước quê hương của người xa xứ, hoặc đang sống ngay giữa lòng đất nước, thật tha thiết mà không lạm dụng cảm xúc. Tác giả cũng chứng tỏ một bản lĩnh thơ trẻ, không chấp nhận cách cấu tứ quen tay, không sa vào ngôn từ dễ dãi, cũng không gây choáng bằng hình thức cầu kỳ, phù phiếm”. Còn Nhà thơ Vũ Quần Phương, phát biểu trong buổi trao giải cuộc thi Thơ về Hà Nội đánh giá thơ của Nguyễn Phan Quế Mai là có tìm tòi về thể hiện, tạo được một giọng điệu riêng, lạ, nhưng dễ hiểu và dễ được chấp nhận. 

Trong khi thơ trẻ đã và đang rơi vào sự cầu kỳ khó hiểu, thơ với cách viết cũ thì không còn là lựa chọn của số đông những người cầm bút trẻ thì Nguyễn Phan Quế Mai là người biết dung hoà giữa cái cũ và cái mới của thơ một cách nhuần nhị. Tuy nhiên, dù dung hoà trong xu thế thơ trẻ và thơ với cách viết cũ thì Nguyễn Phan Quế Mai vẫn thiên nhiều về hướng “cũ” hơn. Trong các bài thơ của chị, dường như mọi sự “bùng nổ” và làm chìa khoá cảm thụ khách quan đều nằm ở phần kết - gói trong 1,2 câu hoặc một khổ ngắn cuối bài, ví dụ như trong bài Cởi gió là: Một ngày gió nâng tôi lên cao/ Gió trao tôi đôi cánh/ Và bảo tôi hãy cởi gió ra và bay lên trên ý nghĩ" , trong bài Hà Nội: “Tôi không được sinh ra và lớn lên trong Hà Nội/ Hà Nội tự sinh và tự lớn trong tôi”.

Còn lại là những dẫn dắt, những suy tư mang hơi hướng của kể, tả. Hơi hướng của hoài niệm, cảm xúc, suy tư nhiều hơn sự chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, day dứt. Câu chữ không lên gân, trúc trắc, không bị “già” trước tuổi - như nhiều cây bút trẻ. Thơ Nguyễn Phan Quế Mai đi vào lòng độc giả bằng con đường “trực diện”. Những gì muốn diễn đạt, những gì muốn truyền tải đều hiển hiện ở ngay con chữ, vì thế thơ chị dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ nhận được sự đồng cảm: “Mình gọi tên nhau năm tháng dài thêm/ ngày rớt nắng mùa lên hương/ có cớ vui buồn và sóng lên từ âm thanh giản dị/ đan vào nhau sóng sánh nhau dan díu nhau/ quyện vào nhau những thương buồn trìu mến” hay “ Chạm môi vào tháng Tư/ giật mình nghe môi tháng Tư là nụ hoa gạo đỏ”…“Tháng Tư nở hoa/ bằng những đôi-môi-hoa-gạo-đỏ” “Những ngôi sao của tôi/ Gánh trên vai mình hẩm hiu số phận/ Vô danh giữa đời thường/ Dẫu đôi lúc đặt vào mắt tôi bao tia nhìn mang hình dấu hỏi”.…Đó có thể được coi là ưu thế của thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Tuy nhiên, với tâm thế của độc giả khó tính, biết đâu đó lại là rào cản cho cảm thụ nội dung cũng như nghệ thuật ở khía cạnh đa tầng và có chiều sâu.

Thực ra “tạng” thơ kiểu Nguyễn Phan Quế Mai không mới, và không khó tìm trên báo, trên các tạp chí văn học. Thậm chí đó từng là “bước đệm”, là ranh giới cho sự chuyển tiếp từ cái cũ sang cái mới. Có người chưa thể bước qua ranh giới ấy, hoặc thử bước qua mà không hợp nên vẫn giữ cho mình một khoảng cách “an toàn” bằng nền móng của thơ truyền thống. Hay như nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét chung thì các bài thơ tham gia cuộc thi thơ về Hà Nội lần này không có bài nào vượt qua được các áng thơ văn viết về Hà Nội của các nhà thơ trước đó.

Từ giải thưởng này, suy nghĩ về sự chuyển động của thơ trẻ hôm nay thấy rằng, dường như những nỗ lực của thơ trẻ mấy năm qua chỉ mang đến đời sống văn học một làn gió lạ. Bất chợt thổi đến và gây lên những xôn xao, chứ chưa được ghi nhận trên phương diện nghệ thuật. Có thể đây là điều mà các cây bút trẻ trên con đường sáng tạo của mình cần phải dừng lại, quan sát và lắng nghe. Bởi lâu nay, trước những đổi mới có phần táo bạo và mạnh mẽ của thơ ca thì hình như “gu” thẩm mỹ thơ của công chúng và của giới chuyên môn vẫn chưa thay đổi nhiều. Thơ dễ hiểu, biết tiết chế… vẫn được đón nhận và đánh giá cao.

Đã có những người cầm bút vừa xuất hiện đã tạo được sự chú ý của dư luận bao gồm cả tính hai mặt - hoặc là được trông chờ, hoặc là khó tiếp nhận. Phải có một quá trình và thời gian thì câu trả lời mới được giải đáp họ có trở thành “hiện tượng” tạo nên trào lưu, phong cách, thể thức, dòng văn học mới hay không. Nhưng điều kiện ít nhất, gần như tiên quyết cần phải có để tạo sự chú ý là cái “mới”, cái “khác lạ”, cái “không giống ai” có ý nghĩa và giá trị nghệ thuật xuất hiện. Không thể phủ nhận bằng cách nói: Công chúng không quan tâm người cầm bút viết theo thể thức nào, cũ hay mới, miễn là hay. Tuy nhiên cách thức thể hiện nghệ thuật mới hay cũ, mới đến đâu, cũ ở mức độ nào nó thể hiện lịch sử, thời đại, và cấp độ nhận thức chính người cầm bút và môi trường, xã hội người cầm bút đang tồn tại.

Quay trở lại trường hợp thơ Nguyễn Phan Quế Mai với hai giải thưởng khá danh giá gần đây, có thể làm “hài lòng” số đông những người đã quen thích nghi với thơ cũ, nhưng khó có thể trở thành một hiện tượng thơ trẻ được chú ý, ít nhất trong thời điểm này. Vì thế, giải thưởng khép lại phần nào tạo ra độ “hẫng” với những cây bút trẻ. Ngay cả với ban chung khảo giải thưởng 2010 của Hội Nhà văn Hà Nội (dù đã quyết định trao giải thưởng cho Cởi gió) sau khi dành những lời khen ngợi cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Trao giải cho tập thơ của Nguyễn Phan Quế Mai, Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định sự thành công bước đầu của một giọng thơ trẻ, đồng thời cũng mong chờ sự bứt phá của tác giả trong thời gian tới, trên cơ sở gia tăng độ mỹ cảm cho ngôn ngữ, nghiêm khắc hơn trong kỹ thuật và nghệ thuật thơ”.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây