Truyện ngắn 8X PLUS và sắc thái nữ quyền

Chủ nhật - 10/10/2010 05:56 1.721 0

Truyện ngắn 8X PLUS và sắc thái nữ quyền

Hiện nay người ta vẫn thường nói về “Văn chương mang tính nữ”, ngụ ý chỉ những sáng tác trong đó nhà văn cất cao tiếng nói nghệ thuật để đứng về phía nữ giới, bảo vệ nữ giới và thể hiện những khát khao hạnh phúc của “phái yếu” mà họ chính là một nửa của đàn ông, hơn thế là một phần quan trọng của nhân loại. Gần hơn cả và dễ nhìn thấy là những sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam từ những năm cuối thập kỉ 80, thế kỉ XX tới nay như Lê Minh Khuê, Dạ Ngân, Trần Thùy Mai, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Trầm Hương, Phan Thị Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Nguyễn Ngọc Tư... Bạn đọc còn nhớ những truyện ngắn  xuất sắc như Bức thư gửi mẹ Âu CơChuyện một ngườiđàn bà của Y Ban đoạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn năm 1989 - 1990 của Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Hồi đó cách viết của nhà văn này được đánh giá là mới mẻ, táo bạo và quyết liệt “Mẹ Âu Cơ sinh được năm mươi người con trai, năm mươi người con gái. Con trai của mẹ thì thành anh hùng, thi sĩ, con gái của mẹ thì trở thành những bà mẹ. Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên, nên mẹ quan tâm đến những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không chú ý đến những cô gái dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi mẹ. Nhưng bây giờ thì con đòi hỏi. Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, bà mẹ. Mẹ kính yêu ơi! Xin mẹ hãy tha thứ cho con” (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ). Có thể nói, đó như là một ví dụ sinh động thể hiện cái sắc thái nữ quyền - tiếng nói đòi quyền sống bình đẳng - trong văn chương đương đại Việt Nam mà các nhà văn nữ là những người đi tiên phong.

Truyện ngắn 8X plus (Nxb Phụ nữ, 2010), là một cuốn sách “ bắt mắt” trong cơ chế thị trường hiện nay. Hai mươi lăm truyện ngắn của mười chín tác giả sinh sau năm 1980 như một vườn hoa nhiều hương sắc: tác giả “già” nhất  của thế hệ 8X là Vân Lam (sinh năm 1980) và tác giả trẻ nhất là Nguyễn Thị Yến Linh( sinh năm 1989); có 12 tác giả nữ và 7 tác giả nam. Truyện của họ đủ mọi cung bậc tham - sân - si; ái - ố - hỉ - nộ của đời sống.

Tôi muốn trước hết nhấn mạnh một vấn đề - theo quan điểm riêng - khi tiếp nhận sắc thái nữquyền trong văn chương nói chung và trong tập truyện ngắn này nói riêng là: không có sự phân biệt tuyệt đối giữa người viết nam hay người viết nữ nếu như  họ toàn tâm toàn ý phụng sự cho tinh thần nữ quyền trong sáng tác. Chính vì thế tôi rất thích truyện  Mối tình thứ tư của tác giả Lê Minh Nhựt (1982). Truyện có một cái cấu tứ khá độc đáo tại sao không? Truyện mở đầu rất nhẹ nhàng “Tại sao lại để vai trần? Mùa này gió bấc đang về, không lạnh ư? Lại còn váy ngắn nữa, phong phanh quá chừng!

- Gió bấc thì gió bấc, lạnh thì lạnh nhưng tại sao không thể vai trần, váy ngắn?

-Tại sao không?”.

Cái cô bé 16 tuổi làm thuê trong một quán cà phê tầm tầm, tính tình rất ương bướng, dĩ nhiên là trong con mắt bà chủ ở vào cữ tuổi sắp bước qua ngưỡng băm. Rồi đến một ngày cô bé 16 tuổi phải tạm rời quán về quê, lúc đó cô chủ mới cảm thấy như vừa chia tay với mối tình thứ tư (ba mối tình trước đó là ba mối tình với ba người đàn ông) - mối tình giữa hai người cô đơn (cô bé 16 tuổi đi làm thuê và bà chủ quán). Một hôm chắc quá buồn, cô chủ quán tuổi sắp vượt ngưỡng băm, đứng trước gương tự ngắm mình trong bộ váy áo ngắn, cô cảm thấy mình đẹp ác liệt không thua con bé làm thuê, vì cô cũng mặc áo vai trần và váy ngắn. Cô ta độc thoại “Gió bấc thì gió bấc, lạnh thì lạnh nhưng tại sao không thể vai trần, váy ngắn? ừ nhỉ, tại sao không?”.

Tại sao không?, tôi nghĩ, giống như một điệp khúc vừa run rẩy, vừa sung sướng một cách ngấm ngầm, thấm đượm và lan tỏa qua từng câu chữ trong nhiều truyện ngắn trong tập sách này.  Đồng thời, Tại sao không? vừa như một câu hỏi vừa như một câu trả lời về cái quyền được tự do - bình đẳng - bác ái của phái nữ, được cất lên bằng tiếng nói nghệ thuật của một chủ thể sáng tác là nữ nhưng cũng có thể là nam.

 Trong một chừng mực nào đó, các cây bút thế hệ 8X đã ít nhiều chạm tới được cái gọi là ngẫu hứngsiêu cá nhân như cách lí giải của R. Assagioli trong sách Sự phát triển siêu cá nhân (Nxb Khoa học Xã hội, 1997). Tác giả có nói về dấu hiệucủa thời đại.

Người ta có thể nhận thấy, một bên, là ham muốn cuồng nhiệt và tìm kiếm đứt hơi để có những sự chiếm hữu vật chất, những khoái lạc nhục cảm, sự thống trị đối với tự nhiên và những người khác, với tất cả những hậu quả từ đó sinh ra: tình trạng phóng đãng và tự khẳng định trong tất cả các lĩnh vực, tính gây hấn và bạo lực cá nhân cũng như tập thể. Một bên khác, tương đối rõ ràng, là một sự bất mãn công khai, nhất là ở lớp trẻ, cũng như một sự tìm kiếm - có ý thức hay không - những giá trị và những sự thỏa mãn khác nhau, cao hơn, một ước muốn có những gì nói chung được gọi là tâm linh hay tôn giáo”.

Nhiều nhân vật nữ trong Truyện ngắn 8X plus, rõ ràng đã thể hiện sự bất mãn công khai với cuộc sống. Nhân vật Nàng trong truyện Hành trình di trú của Nguyễn Thị Yến Linh (1989) đã rất chủ động khi“Chính nàng đã bỏ rơi cái gia đình không ít người mơ ước bởi tấm áo khoác hạnh phúc diêm dúa giả tạo của nó. Nàng đã bước ra khỏi ngôi nhà ấy, ra khỏi trách nhiệm làm người vợ ngoan hiền, làm cái bóng thầm lặng bên người đàn ông thành đạt trong xã hội nhưng không hề biết đến nghệ thuật làm chồng. Rồi người ta sẽ gọi nàng là người đàn bà bỏ chồng chứ không phải người đàn bà bị chồng bỏ. Lòng tự trọng của nàng sẽ được nâng lên. Vậy thì nàng hãy ngẩng cao đầu mà bước đi. Đừng luyến tiếc bất cứ cái gì”. Nhân vật này cũng như các cô gái trong truyện Giữa trùng khơi của Phương Trinh (1982), giống nhau ở cái tâm thế lo sợ bị cuộc sống  nhàm chán thường nhật khác nào như một thứ axit có thể ăn mòn, phá hủy cái sự vui sống, ham sống của con người. Năm cô gái trong một chuyến đi nghỉ ở biển đều có chung cái cảm giác “Chúng tôi đã vất vào ngọn lửa này tất cả, tiền bạc, ý thức, thời gian, những nguyên tắc của xã hội”. Phải chăng đó là tinh thần nổi loạn của con người hiện đại nói chung và phái nữ nói riêng? Và nếu có thì đó chính là ý thức chống lại cái cũ trì níu; chống lại tất cả những gì cản trở sự đi tới của đời sống, cản trở sự phát triển tự do của cá nhân.

Nhưng dẫu sao phụ nữ thì muôn đời vẫn là phụ nữ - nghĩa là họ sở hữu nhiều hơn nam giới cái khả năng biết thuần hóa nỗi đau của mình, hay nói cách khác họ biết cách tự chữa trị vết thương lòng của mình. Tôi rất thích nhân vật Huyên trong truyện Sinh nhật của Chu Thùy Anh (1985), người đã tự tổ chức một buổi sinh nhật cho mình mà người ngoài vẫn tưởng là, bởi lí do khách quan nên bạn trai hoặc người yêu của cô đành lỡ hẹn. Cô đã chọn một  nhà hàng tương đối nổi tiếng, ở trên một con thuyền, gần trung tâm thành phố và có thể coi là chốn xa xỉ. Cô gọi món rồi ngồi chờ bạn tình. Nhưng thực ra là cô không có bạn tình nào cả. Để lấp đầy nỗi cô đơn có thật, cô giả vờ thỉnh thoảng lại gọi điện cho ai đó mà người ngoài những tưởng là tình nhân của cô. Cuối cùng, vì lí do bạn tình (trong tưởng tượng) của cô kẹt xe nên cô đành phải ngồi ăn một mình! Kết thúc truyện rất nhẹ nhàng nhưng cũng đầy  cái dư vị buồn khi “Huyên nhắm mắt, hít một cái thật sâu, rồi lẩm bẩm “Chúc mừng sinh nhật Huyên!”. Rồi chính cô lại tự trả lời “Huyên cảm ơn!”. Như cách mà người ta vẫn hay nói với nhau hiện nay thì đó là kĩ năng sống của con người hiện đại - đấy có thể gọi là khả năng tự điều chỉnh của con người. Cuộc sống hiên đại rất cần đến năng lực tự điều chỉnh của mỗi cá nhân và khoa học đã chứng minh rằng cấu trúc sinh học của nữ giới gặp gỡ  và phù hợp với nhịp sống hiện đại. Vì thế không có gì lạ khi nữ giới có nhiều khả năng giải toả stress tốt hơn nam giới.

Nhân vật nữ trong truyện Con gái tuổi Dần của Văn Thành Lê  (1986), có thể nói là tip người hiện đại, xông xáo giữa đời sống vốn rất nhiều bất ngờ và cả những cạm bẫy nhưng đã hết sức bình tĩnh “Tôi tự tin với cái đai đen Teakwondo của mình, cộng với một lô một lốc kinh nghiệm xem phim hành động Mỹ”. Người ta nói đó là tinh thần dấn thân của người trẻ tuổi , ở thời trước thường là nam nhi nhưng thời nay thì nữ nhi thườngtình cũng chẳng kém gì nam giới: chấp nhận gian khổ, thử thách và nỗ lực vượt qua. Tinh thần đó đã thấm nhuần trong hành động của ba con người nhỏ bé trong truyện Chòng chành con thuyền đá của Nguyễn Thị Như Khanh (1981). Ba mẹ con tự xây lấy nhà để ở “Nhà tôi xây bằng gạch đỏ quạch, tựa lưng vào vách núi. Nền nhà cao tới sáu bậc, lót bằng đá tảng. Tất cả những đá tảng đó, mẹ tôi, em tôi và tôi khiêng từ trên núi xuống. Để làm xong việc này, chúng tôi đã mất bao nhiêu thời gian, một tháng, ba tháng, hay một năm, không làm sao nhớ được”. Phải chăng đó là tinh thần trụ vững giữa cuộc đời của những con người không được số phận ưu ái, nhất lại là phụ nữ?

ấn tượng về sắc thái nữ quyền trong tập Truyện ngắn 8X plus chính là cái tâm thế tự tin, thậm chí rất tự tin khi lựa chọn ngôi kể và giọng kể chuyện. Nhiều cây bút nữ đã chọn ngôi kể thứ nhất (xưng Tôi): Chòng chành con thuyền đá của Nguyễn Thị Như Khanh (1981); Chầmchậm cũ kĩ của Phạm Thị Điệp Giang (1981); Giữa trùng khơi của Phương Trinh (1982); Ba mươi giây của Đỗ Thanh Vân (1985); Chết một lần của Chu Thùy Anh (1985); Có một tình yêu của Khiêm Nhu (1987)... Khi một người xưng Tôi, đứng ra kể chuyện mình là lúc người ấy đã đủ tự tin đồng thời muốn người khác tin vào câu chuyện của mình kể. Giọng điệu kể chuyện của các cây bút trẻ , đặc biệt là các cây bút nữ, đượm vẻ nghi ngờ và nhiều day dứt trăn trở với đời sống; có lẽ vì thế nên câu văn rất nhiều dấu hỏi như trong truyện Làm vợ của Vân Lam (1986): “Hônnhân thành công là thế nào? là cuộc hôn nhân mà vợ chồng gắn bó với nhau đến suốt đời? Là một ngôi nhà xinh xắn và những đứa con được nuôi nấng chu đáo? Là một gia đình mà người ngoài nhìn vào ai cũng tấm tắc gia đìnhhạnh phúc? và còn gì nữa? ai sẽ cho tôi câu trả lời xác đáng đây?”. Không phải như ai đó nói quá lên rằng, nghi ngờ là bản tính của phụ nữ. Thiết nghĩ, những dấu hỏi được gieo xuống trong trường hợp này nó giống như một triết lí “Chỉ nên tin một nửa” - nó thể hiện tinh thần dân chủ và cởi mở trong các quan hệ đời sống hiện nay.

Có thể còn điều gì đó trong tập truyện này làm người đọc chưa thật bằng lòng, thỏa mãn. Nhưng đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Chúng ta hãy có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Đó mới đúng là tinh thần của người đứng về phía nữ giới.

Tác giả: Bùi Việt Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây