Tọa đàm văn học nữ quyền - chuyện cũ nói lại

Thứ sáu - 10/09/2010 23:35 1.897 0

Simone de Beauvoir - tác giả nổi tiếng của văn chương nữ quyền ở Pháp.

Simone de Beauvoir - tác giả nổi tiếng của văn chương nữ quyền ở Pháp.
Cuộc thảo luận tại Viện Văn học VN, Hà Nội, sáng 9/9 đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh văn học nữ quyền và sáng tác của các nhà văn nữ - chủ đề vốn không còn mới trong nghiên cứu, phê bình văn học xưa nay.

Với nội dung bàn về văn học nữ quyền, buổi tọa đàm có sự tham gia của 3 diễn giả chính là các nhà nghiên cứu trẻ của Viện văn, gồm Hoàng Tố Mai, Nguyễn Giáng Hương và Nguyễn Văn Nguyên. Văn học nữ quyền đã được xới xáo ở nhiều phương diện, từ lịch sử hình thành, quá trình phát triển đến những biểu hiện của nó trong văn học phương Đông, phương Tây đến những tranh cãi về việc có hay không ý thức của các nhà văn khi sản sinh ra những tác phẩm đậm tính nữ quyền...

Thạc sĩ Nguyễn Giáng Hương phân biệt khá rõ sự khác nhau giữa văn học nữ và văn học nữ quyền. Theo chị: "Văn học nữ quyền xuất hiện như một dòng văn học phản kháng, văn học dấn thân. Dòng văn học này chỉ được viết bởi phụ nữ... Văn học nữ quyền không tồn tại tách biệt với văn học nữ, nó nằm bên trong mảng văn học nữ với một ý đồ đấu tranh bình đẳng giới rõ rệt hơn. Văn học nữ quyền cùng với phong trào bình đẳng giới là điều kiện để văn học nữ nói chung phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng".

Luận điểm này được chị minh họa bằng những trào lưu, tác giả, tác phẩm cụ thể của nền văn học ở Mỹ và phương Tây như Virginia Woolf, Elizabeth Sarah, Simone de Beauvoir...

Trong khi đó, ở một nghiên cứu khác về văn học Trung Quốc đương đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên lại không muốn sử dụng khái nhiệm "văn học nữ quyền". Anh dùng thuật ngữ "văn học nữ tính". Theo anh, nữ quyền gắn liền với những tư tưởng văn học liên quan đến các vấn đề chính trị, xã hội. Trong khi đó, các nhà văn nữ trẻ của Trung Quốc lại "ly khai" với đời sống chính trị, họ chỉ thể hiện "sự cuồng hoang trong tình yêu tự do, đòi hỏi ngang bằng với nam giới trong chuyện tình dục". Từ việc khảo sát văn học Linglei, anh còn nhắc đến khái niệm "thân thể sáng tác" được sử dung khá phổ biến tại Trung Quốc khi bàn về dòng văn học "lạc loài". Anh viết: "Tiểu thuyết thân thể sáng tác là việc tìm kiếm sự tồn tại của xác thịt nữ tính, 'nữ tính hóa' một cách cực đoan để đùa bỡn, nhằm đập phá thế giới thẩm mỹ nam tính vốn thống trị từ lâu".

Từ văn học phương Tây sang văn học phương Đông, buổi thảo luận cũng đặt ra vấn đề, liệu có thể gọi tên một trào lưu nữ quyền trong văn học Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hoàng Tố Mai cho biết, chị không thích sử dụng khái niệm "chủ nghĩa nữ quyền", nhưng có thể nhắc đến "sắc thái nữ quyền", biểu hiện trong tác phẩm của những nhà văn như Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu. Ngoài các tác giả nữ thì một số nhà văn nam, điển hình là Nguyễn Huy Thiệp, cũng có cái nhìn rất ưu ái khi viết về phụ nữ. Vì vậy, tác phẩm của ông giàu thiên tính nữ.

Tuy đặt ra nhiều vấn đề thảo luận, buổi tọa đàm cũng thừa nhận rằng, văn học nữ quyền, chủ nghĩa nữ quyền hay tính nữ trong văn học... thực ra chỉ là mối quan tâm lớn của các nhà phê bình, nghiên cứu. Còn phần lớn các nhà văn không ý thức quá rõ ràng, không đặt ra mục đích tối cao về việc chuyển tải tư tưởng nữ quyền trong sáng tác của mình. Hoàng Tố Mai nhận định: "Các nhà văn tự tin không quan tâm đến việc họ được gọi là gì, được dán mác ra sao. Với họ văn học là văn học, văn học không phân biệt giới tính".

Dù đã gợi mở nhiều tranh cãi thú vị, với phạm vi thảo luận quá rộng, buổi tọa đàm về văn học nữ quyền còn diễn ra khá lan man, chưa đưa ra được những kiến giải tập trung hoặc những nhận định mới, hệ thống cho một chủ đề đã cũ.

Tác giả: Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây