Những cuộc phiêu lưu vào cõi miền không có thật

Thứ bảy - 11/09/2010 00:53 1.686 0

Nhà văn Mạc Can

Nhà văn Mạc Can
Dù chỉ mới bước vào công việc viết lách được khoảng 10 năm, nhưngnhà văn Mạc Can đã là tác giả của 9 đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, truyện ngắn và tạp bút. Mới đây, cuốn sách thứ 10 của Mạc Can đã được NXB Thanh niên và Công ty sách Liên Việt ấn hành. Đó là “Tuyển tập Mạc Can” dày 680 trang. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Mạc Can với những tâm sự phía sau những trang viết của ông.

…Một lần có việc ngang qua Sài Gòn, Nguyễn Thanh Bình (biên tập viên NXB Thanh Niên) bỗng nói với tôi, là anh có ý muốn thực hiện một tuyển tập Mạc Can. Bất ngờ quá. Điều nầy làm cho tôi ái ngại và không giấu nổi ngạc nhiên. Vì sao? Vì lúc nào tôi cũng tự cho mình không xứng tầm. Luôn luôn nghĩ rằng mình chỉ là con số không, trong mọi chuyện. Nhất là trong chuyện văn chương. Không thể nói khác, tôi mới chỉ là Cây Bút Trẻ. 62 tuổi đầu mà chỉ có vài năm gõ máy vi tính, viết vài cái truyện.

Nguyễn Thanh Bình cố gắng động viên tôi, anh vừa có vẻ hài hước lại vừa thuyết phục tôi… Tôi ngã lòng... và đã tham lam thực hiện điều đó. Cũng có lý do dễ tha thứ hơn. Bởi sau khi biết được cảm giác vui khó tả ở lần in sách đầu tiên, tôi gần như đâm ra nghiện cảm giác lạ thường nầy. Một cảm giác tuyệt cú mèo, mà có khi tiền cũng không mua được. Nếu là người viết chân chính…

Giờ thì. Sau bao nhiêu năm mọi chuyện đã yên ả. Xin cho phép tôi tiết lộ. Nhiều độc giả cũng như các nhà văn đều có ý hỏi tôi. Các câu hỏi khá giống nhau. Hỏi: Câu chuyện và nhân vật trong tiểu thuyết nói trên có thật bao nhiêu phần trăm?

Ngược lại, cũng không ít độc giả và nhà phê bình, nhà báo nhận định “Tấm ván phóng dao” là một câu chuyện hoàn toàn thật. Vì vậy nó mới hay. Tôi là nhân vật chính, thằng bé dốt nát, tội nghiệp trên các trang sách. Và ngoài đời khá hơn một chút, tôi chỉ học tới lớp ba. Tiểu sử của tác giả kỳ bí xa vắng và nhân vật trong truyện miênh mang huyền ảo gần giống nhau, gắn chặt các tuyến chuyện. Giúp cho hoàn cảnh, tâm lý, xung đột sống động. Ai cũng nói tôi viết lạ, biết sử dụng phép gián cách và phân cảnh theo điện ảnh. Thật ra... lúc đầu tôi ngỡ ngàng khi nghe nói phương pháp đó. Sau đó tôi vừa chạy vừa xếp hàng tìm đọc các sách nói về cách viết tiểu thuyết. Tôi đọc cho biết nhưng không theo kiểu viết nào. Thậm chí tôi quên cả cái gì là hậu hiện đại, là gián cách. Tôi chỉ có một phương pháp, viết tất cả trải ra một lần, sau đó thì còn nhiều việc phải làm.

Câu chuyện tôi trở thành Cây Bút Trẻ hôm nay diễn ra vào một ngày khá là lạ kỳ, tự nhiên tôi bỏ tất cả mọi việc cơm áo gạo tiền. Ngồi thừ lừ một chỗ bất động như hồn lìa khỏi xác. Ngày đó cách đây hơn 10 năm. Khi tôi bắt đầu manh nha những suy nghĩ về đề cương cuốn tiểu thuyết, thì nó chưa có tên. Kể cả lúc tôi trôi dạt theo các đoàn hát xuôi ngược khắp miền Tây Nam bộ sau ngày Giải phóng. Tôi mới chợt nhớ những nơi nầy mình đã đi qua thời thơ ấu. Tôi nhớ có một mảnh ván phiêu bạt trên dòng sông. Và tôi ghi những chữ đầu tiên của cuốn tiểu thuyết trên cuốn tập học trò nhàu nát.

Nhưng tôi đã đánh mất nó. Bản thứ hai khá hơn, sau nầy được đánh máy cơ, cái máy đánh chữ khổ nạn mà tôi mượn tiền của anh bạn kịch tác gia. Mua ở chợ trời lề đường. Lần nầy số trang nhiều hơn và nhiều chi tiết hơn. Chính ra sau khi Phương chết, câu chuyện Tấm ván phóng dao còn kéo dài nhiều năm sau đó, với nhiều trắc ẩn khác, trong một đoàn hát thời quá độ, bao cấp quan liêu.

Như vậy là cuốn “Tấm ván phóng dao” mà bạn đọc trong “Tuyển tập” nầy chỉ là đoạn đầu của một cuốn tiểu thuyết trường thiên dài hơi. Hiện tôi còn giữ bản thảo chính của “Tấm ván phóng dao”, bản đánh máy cơ khoảng hơn một ngàn trang. Tôi không biết là có nên triển khai nó không. Không phải tập hai mà là những điều chưa nói hết của câu chuyện. Và tôi nghĩ tốt nhất là... chờ cho chín mùi đã nào.

Tôi viết cuốn tiểu thuyết nầy như thế nào, cảm xúc và hoàn cảnh viết nó ra sao là chuyện khá nhiều độc giả biên thư về hỏi tôi. Tôi đã viết trong một hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất điều kiện sống và tinh thần. Vì tôi không thèm làm việc gì khác hơn là cắm đầu viết dù cho là đói. Viết trong đói kém vô vọng. Mà nhiều lúc, khi tôi viết trong cả vô thức, tôi say chuyện liền bị nhân vật cuốn đi theo dòng chuyện. Tôi viết liền một mạch từ A tới Z có đầu có đũa, và sau cùng tôi cương quyết chơi bạo. Băm xé nhỏ ra. Phân đoạn nhiều kiểu cách phần bụng đưa lên đầu và nhiều hồi ức mượn các nhận vật khác thể hiện tuy cũng cùng là một chuyện. Viết xáo lên như vậy. Cũng có nghĩa là tôi viết lại hoàn toàn, cho tới lần thứ hai và thứ ba, vẫn trong vô vọng. Tôi viết cho tôi đọc và khóc một mình, không hề có ý tưởng nó được in. Bản thảo đó rối bời như mớ bòng bong. Nhưng tôi có cảm giác những nhân vật trong truyện muốn nhảy ra ngoài các trang giấy vì quá bức bối khi còn ở trong đó. Ngay cả chính tôi cũng nôn nao.

Bây giờ sau nhiều năm, khi nào có dịp đọc lại cuốn "tiểu thuyết" của mình, thì chính tôi cũng lại khóc. Nhiều bạn đọc gặp tôi và gởi thư cho tôi cho biết cả anh chị cũng khóc. Câu chuyện đã động tới lòng người. Tôi đã vô tình viết đúng những gì mà người ta muốn đọc. Những nhân quả và lòng vị tha.

 

Tất cả việc đó đối với một người viết mới như tôi thật ra là một cuộc phiêu lưu vào những cõi miền không có thật. Hay là gần như không còn có thật.

Tôi nghĩ rằng các bạn sẽ lo cho tôi, và không kém ngạc nhiên khi tôi tiết lộ, một cách khinh xuất và nhiều khi hạ thấp mình như thế. Chính vì nó không thể khác. Và bởi vì ngay bây giờ là phút tôi nói thật.

Sau đây có thể diễn ra cuộc tranh luận chăng. Rằng: Có cách nào mà hư cấu và tưởng tượng lại "thành công" đến như vậy. Vì người ta sẽ không tin. Rằng: Nó làm cho các chi tiết, và con người trở nên hết sức thật. Trong các câu chuyện kể lại bằng chữ về những câu chuyện đã thất tung và khó minh chứng.

Việc đó chỉ có mình tôi biết. Vì trong đêm trường thao thức với chữ nghĩa, tôi ngồi cặm cụi thêu ra những... bức tranh đó. Một điều chính tôi cũng ngạc nhiên (dù cho) tôi không gặp phải khó khăn gì khi hàn gắn lại nhiều chi tiết "không có thật" đối với tôi. Nó không phải là xảo ngôn hay dối trá. Mà chính loại hình nầy cần phải như thế.

Tôi buộc mình rằng: Nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết như tôi là làm cho câu chuyện và trang viết, các bé chữ trở nên có ý nghĩa, hấp dẫn, thuyết phục, hợp lý trong khi số vốn chỉ vỏn vẹn có 24 chữ cái.

Nghiệm ra khi tôi viết truyện hay tiểu thuyết thì chính là tôi đang phiêu lưu. Thật tình là viết một tiểu thuyết nào cũng là một phiêu lưu chữ nghĩa, để bước ngược về một thời gian đã mất.

Tấm ván phóng dao là một cuộc phiêu lưu lớn với bản thân tôi trong mê cung của chữ và nghĩa. (Cũng có vài đoạn thô sơ cố ý. Viết sai chính tả và ngữ pháp văn bản thông thường nhưng câu văn lạ và đẹp. Nếu viết lại? Tôi sẽ không viết. Vẫn để nguyên những đọan mà chính tôi cũng chưa hài lòng. Người ta chỉ rút kinh nghiệm về các cuộc phiêu lưu chứ không sửa chữa nó được).

Cái tựa “Tấm ván phóng dao” - người trong nghề nói là quá mộc mạc - chỉ sau khi viết xong cuốn sách tôi mới lúng túng ghi vào trang đầu, vì không biết phải đề tựa cho cuốn sách bằng gì. Nhưng sau đó có phải là ngẫu nhiên không, Tấm Ván hình như tự nó "nhân cách hoá" trở thành một "nhân vật" đi chung với "Tôi" cho tới giờ cuối cùng khi cả hai ngã xuống. Tấm ván phóng dao là một "nhân vật" vừa ngộ nghĩnh vừa bi thương, để lại nuối tiếc cho người đọc.

Người viết tiểu thuyết cũng có thể pha chế các nhân vật. Toàn bộ chương "Tôi" và "Anh Tôi" ngồi trên cầu tàu câu cá và cảnh "Tôi" nằm mơ thấy con chó đối với tôi hiện nay là một vùng hay một cõi miền xa xăm trong những giấc mơ tôi thường tìm về. Nhưng cả trong mơ và đời thường với tôi, khổ nỗi, nhiều chuyện không thật. Cứ nói hoài viết mãi, người đọc và cả tác giả nữa lần hồi tin là có thật. Cũng có nhiều chuyện thật đã quá lâu. Lâu tới nỗi người ta không còn tin là thật nữa. Nhà văn hay là "Tôi" cũng không thoát khỏi Những Cõi Miền Không hay là Vùng Không Còn Có Thật.

Với tiểu thuyết, có thật hay không thì không hề là mục đích của nó. Chuyến đò ngang qua bên kia sông chính là tưởng tượng. Miền đất mà ai trên cõi đời nầy sẽ đặt chân lên sau đó mới là quan trọng. Trong tất cả truyện ngắn bây giờ và sau nầy của tôi, bạn hỏi có truyện nào của mình mà làm cho tôi ngạc nhiên. Xin thưa là có, trong số các truyện có “Hè muộn”. Nhà văn Hồ Anh Thái điện cho tôi "Anh có truyện nào mới không gởi cho em" . Khi đó trên máy vi tính bèo của tôi có một file tôi có ghi cái tít nhỏ Hè muộn. Ngoài ra nó không có một chữ nào. Rồi tôi bắt đầu nhớ: Một lần đi đi theo một gánh hát cải lương nghèo. Qua miền Trung du tôi ngước nhìn làn khói trắng sau đuôi chiếc máy bay tiêm kích. Tôi nghe tiếng nổ trầm. Một lần khác tôi thấy một người đi trên mặt sông qua bên kia núi. Và một lần tôi lại trông thấy một người bị cột trói vào thân cây dừa ngã nghiêng cụt đầu cháy sém. Đó là chiến tranh ở vùng cát trắng phau mà tôi viết bằng hồi ức của mình tên truyện là Hè muộn. Sau đó tôi gởi cho anh Thái. Nhà văn Hồ Anh Thái nhắn tin cho tôi "Em thích truyện này" và rồi anh Thái gởi in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Xin hãy tha thứ cho tôi khi tôi trở thành Cây Bút Trẻ nói chuyện văn chương. Một kẻ hèn mọn ngu dốt. Buổi sáng ngồi buồn uống một ly trà đá chay. "Tôi" kẻ nghèo nàn, lại xa xỉ hoang tàn. Vì sao mà viết những mẩu truyện theo trường phái sám hối? Vì tôi thương người và tôi cũng thương tôi.

Nguồn tin: Mạc Can

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây