Vài lời trao đổi với tác giả Cấm Sơn về bài viết “Thấy gì từ 2 cuộc thi thơ gần đây ở ĐBSCL?"

Thứ bảy - 27/02/2010 13:49 2.020 0

Vài lời trao đổi với tác giả Cấm Sơn về bài viết “Thấy gì từ 2 cuộc thi thơ gần đây ở ĐBSCL?"

Trước hết tôi rất hoan nghênh tác gỉa Cấm Sơn về sự quan tâm đến các cuộc thi thơ văn của khu vực ĐBSCL những năm qua ở bài viết “Thấy gì từ hai cuộc thi thơ gần đây ở ĐBSCL?” đăng trên website Thotre.com ngày 26- 2- 2010. Những trăn trở của bạn rất đáng mừng, vì sự mong muốn chính đáng cho văn học ĐBSCL được cất cánh, được nhìn nhận, đánh giá đúng với tầm vóc hiện có của nó.

Theo tôi, nếu sau một cuộc thi không có một aiquan tâm đến nữa thì là chuyện đáng buồn. Còn từ xưa tới nay hầu như sau mọi cuộc thi văn chương đều có những “dư âm” tốt có, xấu có. Nó không bao giờ làm thỏa mãn mọi sở trường, sở đoản của bạn đọc và cả những người được vinh dự lĩnh giải. Vì thế ở một số cuộc thi đã có những tác giả đoạt giải từ chối nhận thưởng với những lý do tế nhị không nói ra. Hoặc có cuộc thi đã trao giải rồi, nhưng sau đó Ban tổ chức, Ban giám khảo thấy có chỗ sai đã rút lại. Tôi cho tất cả những việc đó đều là bình thường. Chỉ sợ khi thấy sai mà người ta không sửa, hoặc ai đó không thấy được chức năng của văn chương cũng như tiêu chí của cuộc thi nên nhìn nhận cuộc thi méo mó theo lăng kính chủ quan.

Song, tôi cũng xin trao đổi lại với bạn Cấm Sơn về bốn ý của bạn đưa ra, có thể làm bạn đọc “ngộ nhận”, hiểu nhầm:

- Một là: Bạn cho những bài thơ như “Lỡ có xa đồng bằng”“Quán rượu của người tên V” của Cao Thoại Châu (Long An) - đạt giải Nhất cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ III, do Hội VHNT Long An đăng cai, tổ chức năm 2006, và bài “Sương hồ” của tác giả Lê Thanh My (An Giang) - giải Nhì cuộc thi Thơ ĐBSCL lần thứ IV do Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ đăng cai, tổ chức năm 2009 là những bài thơ tình, sai với đề tài, chủ đề cuộc thi thơ ĐBSCL. Đúng, cả ba bài thơ trên đều là thơ tình. Nhưng ở đây bạn chưa có cái nhìn “mở” xét trong mối quan hệ tương tác đa chiều giữa đề tài, chủ đề cũng như tâm trạng của “nhân vật trữ tình” được bộc lộ qua mỗi hình tượng thơ. Nội dung, đề tài của hai cuộc thi Thơ ĐBSCL đều  gần giống nhau: Nhằm ca ngợi mảnh đất và con người ĐBSCL trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập. Từ khi cha ông ta “mở cõi” qua chiến đấu với thiên nhiên ác nghiệt và giặc ngoại xâm đến xây dựng hòa bình hôm nay, con người trên mảnh đất này lẽ nào chỉ biết cần cù, lam lũ trong sản xuất và chiến đấu, lẽ nào không có tình yêu quê hương đất nước, không có tình yêu trai gái? Như Các-mác đã nói: “Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”. Nghĩa là con người có ăn, ở, lao động, chiến đấu, tình yêu… với bao cung bậc ái, ố, hỉ, nộ… trong mỗi hoàn cảnh, tình huống khác nhau trong mối quan hệ xã hội ở mọi thời đại, lịch sử. Vậy thì lẽ nào bạn lại tách tình yêu ra khỏi tổng thể của nhân vật trữ tình? Đề tài tình yêu là đề tài vĩnh cửu xuyên suốt mọi thời, xuyên quốc gia. Chính nhờ có tình yêu đó mà biết bao con người ĐBSCL thêm lạc quan yêu đời để sống và chiến đấu cũng như trong xây dựng cuộc sống mới hôm nay. Tôi cho rằng nếu tách một bài thơ ra khỏi đề tài, chủ đề chung của cuộc thi để xét ở một khía cạnh thuần túy là “tình yêu trai gái” như bạn thì chưa ổn. Đó là cách nhìn phiến diện kiểu “thầy bói xem voi”.

- Hai là: Bạn cho rằng nơi nào đăng cai tổ chức thi thì nơi đó thường đoạt giải Nhất, như Long An, Bến Tre, Cần Thơ?... Nó thể hiện “sự không cần hoặc không thèm biết tới quy chế cuộc thi nói chung và quy chế, đề tài trong cuộc thi nói riêng của những người lãnh  nhiệm vụ đăng cai, tổ chức lẫn tham gia cầm bút đỏ chấm điểm cho cuộc thi thơ”. Theo tôi, những điều bạn đưa ra chỉ là võ đoán, nghi ngờ, nói lấy được. Đó là quyền của bạn, nó chưa đủ bằng chứng để người đọc “tâm phục, khẩu phuc”. Nói như vậy là xúc phạm đến danh dự của Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi. Theo tôi được biết, Ban giám khảo là những nhà văn, nhà thơ có uy tín, đầy bản lĩnh. Trưởng ban tổ chức là Chủ tịch các Hội VHNT nơi đăng cai. Lẽ nào vì “danh dự hảo” mà cố tình lái Ban giám khảo để địa phương mình đoạt giải Nhất? Các bài đoạt giải Nhất đều được Ban giám khảo và Ban tổ chức cân nhắc rất kỹ lưỡng, đối chiếu với các tiêu chí cuộc thi, và có tổng số điểm của ban Chung khảo cao nhất. Hiện tượng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi, không có ai “lái” để tác giả nơi đơn vị đăng cai tổ chức đoạt giải Nhất. Vì rồi đây, khi công bố, dư luận xã hội sẽ phán xét có xứng giải Nhất hay không? Tôi cũng không ngoại trừ ở một số cuộc thi nào đó đã có sự móc ngoặc, tiêu cực để tác giả tỉnh mình đoạt giải cao. Nhưng với các cuộc thi Thơ, Văn, Bút ký hàng chục năm trở lại đây của ĐBSCL mà tôi theo dõi thì chưa hề có hiện tượng này.

- Ba là: Bạn nói nhà thơ Trịnh Bửu Hoài vừa là Trưởng ban Sơ khảo vừa là thành viên Ban chung khảo “xin được như vậy hay là phải chịu sự bố trí phân công như vậy? hoặc là ngẫu nhiên có cả hai?” nên có điều kiện để ưu ái cho địa phương mình được 3/11 giải. Nói như vậy là võ đoán, không có căn cứ, tôi không muốn nói đây là còn là sự làm mất uy tín nhà thơ Trịnh Bửu Hoài? Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài được Ban tổ chức cuộc thi mời làm Trưởng ban sơ khảo. Và xét thấy trong Ban Chung khảo cần có một người đã nằm trong ban Sơ khảo để xem xét các bài thơ có lý có tình hơn, có thể trình bày lại các ý kiến của Ban sơ khảo vì sao lại đưa 60  bài này vào Chung khảo, nên Ban tổ chức tiếp tục mời nhà thơ Trịnh Bửu Hoài làm thành viên ban Ching khảo, chứ không hề có việc “xin xỏ” nào cả.

- Bốn là: Bạn nói “Nhà văn Lê Văn Thảo vốn có sở trường chính về truyện ngắn chớ không phải thơ và trước cũng như ngay lúc đó ông không có tên trong Ban tổ chức lẫn Ban giám khảo đã được công bố”. Theo tôi, bạn nói như vậy là xúc phạm nhà văn Lê Văn Thảo - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh. Nhà văn Lê Văn Thảo được Ban tổ chức mời làm thành viên danh dự để chứng kiến cuộc thi từ đầu đến cuối. Nhà văn đại diện cho Hội nhà văn VN theo dõi cuộc thi, tài trợ giải Nhất. Mặt khác, Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh lại là Hội kết nghĩa với Hội nhà văn TP Cần Thơ, nên việc Ban tổ chức mời nhà văn Lê Văn Thảo tham dự hai phiên họp đầu và cuối là có lý, hợp lẽ. Nhà văn không hề phát biểu can thiệp gì vào chuyện chấm điểm, xét giải của Ban giám khảo và Ban tổ chức mà chỉ như một “giám sát viên”. Chính sự có mặt của nhà văn Lê Văn Thảo càng làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm cho mỗi thành viên Ban giám khảo và Ban tổ chức. Ông luôn nhắc nhở các thành viên làm việc cẩn trọng, vô tư, khách quan hơn. Còn nhà văn có sở trường về truyện ngắn, tuy không sáng tác thơ lẽ nào lại không thẩm định đươc thơ? Biết bao nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng có thể thẩm định thơ, văn, kịch, thậm chí phê bình cả họa, nhạc… mà họ chưa hề sáng tác thơ thì bạn bảo sao? Và ngược lại, nhiều nhà thơ tuy không viết được truyện nhưng cũng thẩm định được truyện ngắn, tiểu thuyết hay nữa chứ. Cứ phải nhà thơ mới thẩm định được thơ hay sao? Thật là một ý kiến  áp đặt, vô nghĩa lý. Dĩ nhiên mỗi nhà thơ, nhà văn đều có thế mạnh của mình.

Tóm lại, chúng tôi thấy việc làm của Ban giám khảo và Ban tổ chức của hai cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ III và lần thứ IV không có gì là “dấu hiệu bất thường” như tác giả Cấm Sơn nói. Tôi hoan nghênh trang website Thotre.com kịp thời đưa thông tin để bạn đọc rộng đường bàn luận đúng sai…

Tác giả: Thọ Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây