Tìm đời sống cho thơ

Thứ tư - 24/02/2010 08:50 1.894 0

Không còn chiếu thơ như năm ngoái, năm nay các bạn thơ trẻ sẽ chọn sân khấu làm nơi biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Không còn chiếu thơ như năm ngoái, năm nay các bạn thơ trẻ sẽ chọn sân khấu làm nơi biểu diễn. Ảnh: AN DUNG
Ngày thơ Việt Nam đã dần trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc của những người làm thơ và yêu thơ. Nhưng để thơ có được một đời sống trong lòng công chúng hôm nay là điều không dễ.
Năm nay là năm thứ tám Ngày thơ Việt Nam (28-2) được tổ chức.
 
Ngày thơ Việt Nam năm nay, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sẽ là một đại lễ hội thơ ca với những hoạt động độc đáo chưa từng có nhằm tôn vinh thơ và bày tỏ lòng yêu thơ của người Việt.

Cảm thơ phải bằng âm điệu, ngôn từ

Đại lễ hội thơ ca lần này được tổ chức trong một không gian rộng lớn, mở màn là Ngày thơ tại Hưng Yên (đã diễn ra vào mùng 6 tháng giêng), sau đó đến các tỉnh, thành: Quảng Ngãi, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Thọ, Phú Yên...

Điểm nhấn quan trọng của ngày thơ theo ban tổ chức sẽ là những hoạt động độc đáo diễn ra tại 3 TP lớn: TPHCM, Huế và Hà Nội.

Được tổ chức sớm hơn mọi năm, triển lãm thơ diễn ra trong 3 ngày, từ 26 đến 28-2 (13 đến 15 tháng giêng) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mở màn là Sân thơ quốc tế với sự  tham dự của các nhà thơ quốc tế, các dịch giả nước ngoài.

Chiều 27-2, những người yêu thơ sẽ được chứng kiến màn rước lửa thiêng từ Đền Thượng (Đền Hùng) để thắp lửa tại Văn  Miếu vào sáng 28-2, cùng lễ rước Chiếu dời đô.

Bên cạnh các hoạt động đọc thơ, ngâm thơ và nhiều màn trình diễn của Sân thơ trẻ, khách thơ cũng được thưởng thức một không gian đặc biệt, trưng bày những câu thơ đã được nung qua lửa, khắc trên các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng.

Lần đầu tiên, trong khuôn viên Văn Miếu – Quốc Tử Giám, 550 bình gốm, đĩa gốm, lọ gốm khắc những câu thơ được bày chật kín khu vực hồ Thiền Quang trước cổng nhà Thái Miếu.

Sản phẩm được coi là kỳ công không kém cũng sẽ trưng bày trong ngày thơ là 15 chiếc bình gốm cao 75 cm khắc 15 bài thơ thời Nguyễn với nguyên bản chữ Hán, phần dịch ra tiếng Việt và phần dịch thơ tiếng Anh.

Cuộc trưng bày công phu này do nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai và một nhà thơ Mỹ dịch miệt mài suốt trong dịp Tết vừa qua.

Được chờ đợi nhiều nhất là sân thơ chính với chủ đề Vườn thơ trăm miền có sự hội tụ của 65 cây thơ từ 63 tỉnh, thành đặt dọc lối vào khu Văn Miếu...

Nhà thơ Trần Kim Hoa cho rằng thơ là thứ muôn đời để đọc bằng mắt, nghe bằng tai chứ không phải xem bằng mắt. Cảm nhận thơ phải bằng âm điệu, ngôn từ chứ không thể thay thế bằng những “trang phục” khác được.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có chung quan điểm này khi cho rằng trình diễn thơ cũng là một hình thức đưa thơ đến với khán giả nhưng bản chất của thơ ca là phải đọc một cách lặng lẽ trong không gian yên tĩnh để những vần điệu đẹp có thể vang lên trong tâm hồn người nghe.

Theo ông, quan niệm trình diễn thơ để đem đến sự sống còn cho nghệ thuật này của nhiều nhà thơ trẻ là rất sai lầm. Ở nước ngoài, các nhà thơ rất ít trình diễn, đặc biệt là trình diễn với quá nhiều đạo cụ.


Chương trình Thơ trẻ trong ngày thơ Việt Nam 2010 tại TPHCM không có sức thu hút, chỉ duy nhất  bài thơ khá hùng hồn Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng được diễn minh họa. Ảnh: T.Quyên

Còn lại gì sau ngày thơ?

Tổ chức hoành tráng, hàng ngàn khách thơ đủ cả gái trai, già trẻ chen chân thưởng ngoạn những màn trình diễn, những vần thơ hay. Thế nhưng, sau ngày Tết Nguyên tiêu sôi nổi, thơ lại trở về trạng thái trầm lặng của mình. Có thể là quá kỳ vọng nhưng những người yêu thơ mong muốn ngày hội thơ có tác động tích cực đến đời sống của thơ.

Hiện nay, vẫn có hàng trăm tập thơ của các nhà thơ tên tuổi và người làm thơ được xuất bản mỗi năm nhưng công chúng vẫn thờ ơ với thơ. Trước đây, thơ có điều kiện đi vào đời sống xã hội nhiều, thông qua những tác phẩm âm nhạc nhưng nay ca khúc phổ thơ cũng trở nên quá hiếm hoi. Hình như thơ ngày càng không tìm được tiếng nói chung với âm nhạc, không tìm được sự chia sẻ của công chúng?

Nhà thơ Trần Kim Hoa cho rằng việc làm thay đổi thái độ đối với thơ ca của công chúng là chuyện lâu dài chứ không phải một sớm một chiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lạc quan cho rằng thơ ca là một trong những mạch chảy của biển cả văn hóa. Có thể đời sống văn hóa Việt Nam đang chạy theo chủ nghĩa hình thức nhưng khi người ta sống đúng với đời sống tinh thần của mình thì hành xử với văn hóa nói chung, thơ ca nói riêng sẽ trở về đúng giá trị.

Yến Anh

Chưa có không gian phù hợp cho thơ

Tổ chức sớm vào ngày hôm qua (24-2) (nhằm ngày 11 tháng giêng) và không đúng vào ngày cuối tuần, Ngày thơ Việt Nam với chủ đề Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long, do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tại Nhà hát TP, đã không thu hút được công chúng tham dự. Khán giả của chương trình thơ trẻ ban ngày hầu hết là hội viên Hội Nhà văn và những người “được phân công” lên sân khấu đọc thơ.

Ngày thơ VN năm nay được tổ chức trong không gian sang trọng nhưng thiếu vắng khách thơ và cả những câu chuyện, những bài thơ mới. Chương trình thơ trẻ cũng chỉ là sự góp mặt của những gương mặt cũ, đọc những bài thơ cũ – trích từ những tập thơ vốn đã có mặt trong ngày thơ những năm trước. Tiết mục đọc thơ cũng đơn điệu, mỗi người theo thứ tự lên sân khấu đọc một bài thơ, đôi lời chia sẻ nên chương trình cứ nhạt dần.

Nhà thơ Trương Nam Hương,  người đã sát cánh với công tác tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong suốt 7 năm qua, cũng bày tỏ sự thất vọng trước hội thơ lần này. Trong hội thơ sinh viên vào buổi chiều, Nhà hát TP có chộn rộn hơn khi Ban Tổ chức xe đưa rước 200 sinh viên từ câu lạc bộ thơ ở các trường đại học và một số quận, huyện đến tham dự, nhưng rồi cũng chỉ các câu lạc bộ giao lưu với nhau.

Ai cũng hiểu rằng công chúng bây giờ không còn mặn mà với thơ như trước, nhưng không gian thơ tại Thảo Cầm Viên, Công viên Bách Tùng Diệp của ngày thơ những năm trước vẫn có khách thơ ghé thăm. Và bè bạn thơ cũng có một không gian là những bàn trà, chiếu trà để hàn huyên – một nét đẹp văn hóa rất nên có trong ngày hội thơ. Vậy mà năm nay, khách đến với ngày hội thơ cũng chỉ có thể ngồi bó hẹp trong sân khấu nghe...  đọc thơ mà không có được một không gian để thưởng lãm thơ, trò chuyện cùng nhau.

Tiểu Quyên

Nguồn: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây