“Thoả nhãn” với Ngày thơ Việt Nam 2010

Chủ nhật - 28/02/2010 23:37 2.054 0

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đón ngọn lửa thiêng từ tay nhà thơ Hữu Thỉnh thắp lên đài lửa ở sân Thái

Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đón ngọn lửa thiêng từ tay nhà thơ Hữu Thỉnh thắp lên đài lửa ở sân Thái
Nô nức người thơ với khách thơ đến thưởng lãm Đại lễ hội thơ dưới mọi hình thức và góc độ tại Văn Miếu, Hà Nội trong buổi sáng ngày 28/2. Chưa khi nào, thơ Việt Nam được trình diễn phong phú, mới lạ và… “quái” đến thế!
Đại lễ hội thơ kỷ niệm1000 năm Thăng Long - Hà Nội được ủng hộ với thời tiết đẹp khá lý tưởng. 8 giờ 30, lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 mới bắt đầu nhưng từ 7 giờ 30 ngày Rằm tháng Giêng đã nườm nượp người xe đổ về Văn Miếu.
Khách thơ không chỉ là người có tuổi, người thân, sơ với các tác giả, nghệ sĩ như năm trước. Lượng bạn trẻ đến với thơ có vẻ mặn mà và háo hức hơn. Điều này được lý giải bởi sự chú trọng của Ban tổ chức khi “lôi kéo” sinh viên nhiều trường đại học cùng tham gia vào các hoạt động trước cũng như sau hội thơ. Thêm vào đó còn là sự ưu ái đặc biệt dành cho các gương mặt mới trên văn đàn thơ trẻ. Sức trẻ đã khuấy động phong trào và đem lại luồng gió mới cho ngày hội của ngôn từ.
Đông nghịt người đến xem tại sân Thái Miếu

Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh về qui mô hoành tráng, không lặp lại của Ngày thơ Việt Nam năm nay. Sự mới lạ của triển lãm thơ trên gốm sứ, triển lãm vườn thơ trăm miền, trình diễn thơ, thơ sắp đặt…đã đem lại cho khách thơ nhiều rung cảm…

Tại sân Thái Miếu, lễ rước lửa Đền Hùng lần đầu tiên diễn ra trong Đại lễ hội thơ thật sự trang nghiêm. Ngọn lửa thiêng được nhà thơ Hữu Thỉnh rước vào sân thơ chính và trao cho Bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị thắp lên đài lửa. Sau lễ rước lửa, nhà thơ Hữu Thỉnh đọc lời khai mạc trước sự chứng kiến của vài nghìn người, bắt đầu một ngày thơ đẹp nhiều ý nghĩa của năm 2010.
Dàn trống hoành tráng khai mạc Đại lễ hội thơ
Tiết mục đọc Chiếu dời đô do nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam thực hiện

Cũng như mọi năm, sân Nhà Thái Học luôn có sức hút với những ý tưởng thể hiện thơ trẻ không ngừng nghỉ. Nhà thơ Phan Huyền Thư xây dựng kịch bản như một phố thơ với góc thơ truyền thống, góc thơ trình diễn và góc thơ sắp đặt.

Trình bày, sắp đặt thơ là nét mới nhất của sân thơ trẻ dù lượng tác giả tham gia chỉ vỏn vẹn có 6 người: Lê Anh Hoài, Trần Nguyễn Anh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nhã Thuyên, Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Anh Vũ. Tại đây thơ được sắp đặt trên nút bấm của bàn phím máy tính với nhiều dây điện và con chuột máy tính chạy loằng ngoằng; thơ viết trên hộp gỗ đen, trên xe máy và cả… dưới đất.

Nhà thơ Lê Anh Hoài chiếm vị trí “trung tâm chú ý” với phần sắp đặt chiếc xe máy phủ sơn trắng, có dán thơ và… đôi cánh thiên thần, bị “nhốt” trong chiếc lồng sắt. “Con người có rất nhiều nhu cầu cũng như các mối quan hệ nhưng luôn bị trói buộc, cũng như ý nghĩa thơ luôn bị ngôn từ trói buộc. Hình ảnh chiếc xe máy đang bay  có thể tượng trưng cho con “chim thơ” muốn bay xa nhưng lại bị “lồng ngôn từ” cản trở…”, Lê Anh Hoài bộc bạch. Nhà thơ đầy ắp ý tưởng tâm sự, để thực hiện tác phẩm Nhu cầu anh đã bỏ ra 5 ngày trong xưởng rèn.
Nhà thơ Lê Anh Hoài bên tác phẩm thơ sắp đặt “Nhu cầu” của mình

Ngoài phần thơ sắp đặt, góc thơ trình diễn với sự góp mặt của các cây bút trẻ đến từ các trường đại học cũng được cổ vũ nhiệt liệt. Dù vẫn vắng bóng những cái tên “đình đám” một thời như Vi Thuỳ Linh, Dạ Thảo Phương, Phan Huyền Thư… trên sân khấu nhưng sân thơ trẻ vẫn giữ được “lửa” nhờ sự mới lạ trong cách trình diễn và được đầu tư tốt hơn.

“Mấy năm nay, Ban tổ chức chủ trương dành sân thơ trẻ để tìm kiếm những cây bút triển vọng vì thế các gương mặt mới đặc biệt ưu tiên”, Trưởng BTC sân thơ trẻ, nhà thơ Trần Quang Quý cho biết. Ông cũng điểm vài gương mặt mới nổi bật như Đồng Chuông Tử, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Phan Quế Mai…

Dù đâu đó vẫn còn những lời than vãn về sự rườm rà, chưa chuẩn bị thấu đáo trong khâu tổ chức Ngày thơ Việt Nam: vườn thơ trăm miền thể hiện quá đơn điệu, triển lãm thơ trên gốm sứ còn cập rập, cẩu thả về câu chữ; vẫn còn đó cảnh chen lấn, xô đẩy với những hình ảnh đứng ngồi chưa đẹp mắt… Tuy nhiên, trong khuôn khổ một lễ hội không thể tránh được thiếu sót. Với sự nỗ lực dành mọi tâm huyết thực hiện một đại lễ hội thơ nhiều dấu ấn như thế này cũng đáng được cổ vũ!
 
Một số hình ảnh trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8:
 
Ngoài thơ, dân ca các miền cũng được trưng bày tại Ngày thơ Việt Nam
 
Không chỉ người già “say” thơ...
  
Mà người trẻ cũng mê mải…
 
Thơ trên gốm sứ
Thơ trên xe máy
 
Và thơ… dưới đất!
 
Góc thơ trẻ với phần trình diễn đầy sáng tạo, biến hoá
  
Màn thả thơ bay bổng!

 

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây