Ngày thơ VN 2010: mọi nhà góp vui

Thứ ba - 23/02/2010 06:01 1.856 0

Nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật (1980), Tằng A Tài (1978) trên hình ảnh nền là phố cổ và phố cũ

Nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật (1980), Tằng A Tài (1978) trên hình ảnh nền là phố cổ và phố cũ
Không phải chỉ một mà ba ngày liên tiếp, từ 13 tháng giêng (26-2) đến Tết Nguyên tiêu (28-2), Ngày thơ VN năm 2010 hứa hẹn là ngày hội đông đủ sự góp mặt của các thành phần: địa phương, vùng miền, già trẻ...

Có khá nhiều nghi lễ lần lượt được tổ chức tại ngày thơ.

Lễ trọng

Ngày 14 tháng giêng (27-2) là lễ cầu siêu cho các nhà thơ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến và các nhà văn, nhà thơ vừa qua đời. Những vần thơ bất hủ của Thâm Tâm, Trần Mai Ninh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Phạm Tiến Duật sẽ một lần nữa được sống lại trong ký ức của những người đã yêu thơ bằng trái tim và kỷ niệm.

Sáng ngày rằm (28-2), lễ rước lửa từ đền Thượng trong khu di tích vua Hùng (Phú Thọ) sẽ được cử hành với sự tham gia của chủ tịch Hội Nhà văn VN. Ngọn lửa sẽ dừng chân tại Việt Trì, chân cầu Thăng Long, sau đó được rước về trung tâm của ngày thơ là Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cùng với lễ rước lửa là lễ rước chiếu dời đô của Thái Tổ Lý Công Uẩn như thường lệ.

Sau lễ rước lửa và rước chiếu dời đô, lễ khai mạc sẽ diễn ra với màn thả thơ ngoạn mục mà công chúng yêu thơ rất yêu thích qua nhiều năm.

Để thơ được nghe rõ nhất và nhiều nhất

Sớm nhất trong khuôn khổ ngày thơ là "Ngày tôn vinh thơ dịch" diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Nga từ ngày 13 tháng giêng (26-2). Các dịch giả thơ từ các ngôn ngữ khác nhau sẽ cùng trao đổi về kinh nghiệm dịch thơ, những bài thơ dịch nổi tiếng với người VN cũng sẽ được đọc tại ngày thơ dịch.

Tối 27-2, tại Cung văn hóa Hữu nghị là cuộc thi và trình diễn thơ của sinh viên bốn trường ÐH: ÐH Quốc gia, ÐH Văn hóa, ÐH Sư phạm và ÐH Thái Nguyên. Những bài thơ, những tiết mục trình diễn xuất sắc nhất sẽ được chọn tham gia trình diễn tại ngày hội chính thức.

Ðược chờ đợi nhiều nhất là cách sắp đặt và trình diễn tại sân thơ chính sáng ngày rằm (28-2). Năm nay, chủ đề của sân thơ chính là Vườn thơ trăm miền với 65 cây thơ của 63 tỉnh thành và hai cây thơ lớn nhất mang hai câu thơ nổi tiếng: Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Hoàng Cầm) - Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm (Chế Lan Viên).

Một góc sân thơ sẽ là nơi sắp đặt "thơ trên gốm sứ Bát Tràng" với những vần thơ tâm đắc được các nhà thơ lựa chọn và các nghệ nhân Bát Tràng thể hiện trên bát, đĩa, bình, bình phong... với chất liệu sành, gốm, sứ.

Khắc phục tình trạng mà nhiều nhà thơ phàn nàn các năm trước là có quá nhiều âm thanh điện tử của các hoạt động trình diễn che lấp mất tiếng đọc thơ, năm nay ban tổ chức đã bố trí để các hình thức đọc, ngâm, trình diễn thơ được thể hiện hợp lý, nhuần nhuyễn.

Tất cả thể loại thơ từ cổ thi, thơ dân gian, thơ Hồ Chí Minh, thơ hiện đại... đều được sắp xếp để được trình bày cho dễ nghe, dễ đọc nhất.

Sân thơ trẻ: mộc mạc nội dung, hiện đại hình thức

Diễn ra ngày 28-2 tại sân Thái học của Văn Miếu với chương trình mang tên Chuyển động của cảm giác, hình thức của sân thơ trẻ vẫn là bắt mắt nhất.

Các poster của sân thơ này vẫn do kiến trúc sư - nhà báo trẻ Nguyễn Trương Quý thể hiện như mọi năm. Mỗi poster của anh đều cố gắng phác những nét riêng nhất trong cá tính thơ của các bạn đồng nghiệp. Có bốn loại hình kiến trúc Hà Nội tiêu biểu được Trương Quý chọn làm nền cho các poster của mình (phục vụ chủ đề 1.000 năm Thăng Long của ngày thơ năm nay): phố cổ và phố cũ, phố Pháp, hồ Gươm và chung cư, khu đô thị mới.

Nội dung được lựa chọn trong sân thơ trẻ năm nay ngược lại khá mộc mạc và giản dị, các nhà thơ Ðồng Chuông Tử, Ðoàn Văn Mật, Tằng A Tài, Trương Trọng Nghĩa còn chưa kịp quen thuộc lắm với bạn đọc, trẻ nhất là cây bút học sinh Ðặng Chân Nhân (16 tuổi), vừa đi du học tại Anh.

Thơ thiếu nhi góp mặt

Từ Ngày thơ VN lần thứ 7 (2009), thơ thiếu nhi đã được góp mặt với hội thảo thơ với thiếu nhi hiện nay tổ chức tại nhà Thái học. Xuân năm nay, Hội Nhà văn VN cũng dành cho thiếu nhi tổ chức một sân thơ vào 14g ngày rằm Nguyên tiêu (28-2).

Lễ hội thơ thiếu nhi được mở đầu bằng lễ thả diều, cánh diều tuổi thơ VN sẽ bay lên cùng với câu thơ của nhà thơ Võ Quảng: Cả đất trời đang chờ đón (Ai dậy sớm). Các em học sinh Trường PTCS Thực nghiệm sẽ trình diễn những bài thơ hay cho thiếu nhi của các nhà thơ Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ...

Thơ thiếu nhi của nhà thơ Sergey Mikhalkov (với bản dịch của Thái Bá Tân) được các em rất mến mộ và thể hiện bằng những màn trình diễn sinh động. Bảy cây bút trẻ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội cùng nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý sẽ biểu diễn tặng thiếu nhi những bài thơ mới sáng tác.

Nhà thơ Trần Ðăng Khoa, "thần đồng" thơ, sẽ đọc chùm thơ về biển đảo được sáng tác khi anh là một chiến sĩ hải quân.

Nhà xuất bản Kim Ðồng đem đến lễ hội thơ món quà đẹp, đó là hai ấn phẩm đặc biệt tri ân hai nhà thơ viết cho thiếu nhi đã quá cố: nhà thơ Võ Quảng với tập thơ Anh Ðom Ðóm, nhà thơ Phạm Hổ với tập thơ Chú bò tìm bạn. Hai tập thơ này có phần minh họa là tranh vẽ của các em Câu lạc bộ nghệ thuật "Cốc, cốc, cốc".

VIỆT HOÀI

 

Ngày thơ TP.HCM hướng về Hà Nội

Chương trình Ngày thơ VN tại TP.HCM năm nay chiếm trọn không gian Nhà hát TP suốt cả ngày 24-2 (11 tháng giêng) với các sân chơi thơ trẻ (buổi sáng), thơ của các câu lạc bộ toàn thành (buổi chiều) và chương trình chính là đêm thơ Nguyên tiêu (buổi tối).

Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - dự và khai mạc chương trình đêm thơ Nguyên tiêu tại TP.HCM. Ðây cũng chính là lý do để TP.HCM tổ chức Ngày thơ VN lần thứ 8 sớm hơn thường lệ (Ngày thơ VN chính thức là 15 tháng giêng).

Với chủ đề Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long, đêm thơ tại TP.HCM khơi lại cảm hứng hào hùng từ bài thơ Nhớ Bắc của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tiết mục này sẽ được diễn ngâm kết hợp múa thơ - chương trình do Hội Múa TP.HCM dàn dựng.

Bên cạnh đó là chương trình giao lưu với các tác giả, tác phẩm được chọn theo mạch cảm hứng của những tứ thơ từ miền Nam nhớ về Thăng Long - Hà Nội, như Lê Giang và bài thơ Em vẫn đợi anh về, Thanh Tùng và bài Thời hoa đỏ, Hữu Thỉnh với bài Biển, nỗi nhớ và em. đặc biệt có tiết mục của đoàn văn nghệ Quân khu 7 biểu diễn tác phẩm Nỗi nhớ mùa đông, nhạc của Phú Quang, thơ của Thảo Phương - một người con Hà Nội sống giữa Sài Gòn từng quặn lòng khi trời Nam se lạnh...

Trước đó, chương trình buổi sáng được dành cho các nhà thơ trẻ với chủ đề Bước gió truyền kỳ do nhà thơ Phan Hoàng chủ xướng, quy tụ các nhà thơ trẻ như Ngô Liêm Khoan, Bùi Thanh Tuấn, Ðỗ Thanh Vân, Chiêu Anh Nguyễn, Song Phạm, Lê Thùy Vân, Phan Trung Thành, Phạm Phương Lan, Nguyệt Phạm, Ngô Thị Hạnh...

Chương trình thơ năm nay còn dành một khoảng thời gian từ 17g-19g cho sân thơ sinh viên, là những bạn yêu thơ, hưởng ứng Ngày thơ VN đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.

LAM ĐIỀN

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây