Vài trao đổi với tác giả Thọ Hải xung quanh bài viết “Thấy gì từ hai cuộc thi thơ ĐBSCL gần đây”

Thứ ba - 02/03/2010 22:59 2.222 0

Vài trao đổi với tác giả Thọ Hải xung quanh bài viết “Thấy gì từ hai cuộc thi thơ ĐBSCL gần đây”

Sau khi bài viết “Vài lời trao đổi với tác giả Cấm Sơn về bài viết Thấy gì từ 2 cuộc thi thơ gần đây ở ĐBSCL? " đăng trên thotre.com ngày 28.02.2010, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trao đổi của bạn đọc. Trong số ấy có bài viết “Giải thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần IV và những điều đáng nói!” của tác giả Phong Vũ với nhiều nhận định và ý kiến khá gay gắt về cuộc thi. Tuy nhiên, bài viết có nhiều chi tiết thiếu căn cứ nên sau khi cân nhắc kỹ thotre.com rất tiếc không thể đăng tải bài viết này. Hôm nay, 3.3, thotre.com lại tiếp tục nhận được bài trao đổi của tác giả Cấm Sơn trao đổi về cuộc thi. Trong vai trò là nhịp cầu nối giữa các độc giả, trên tinh thần trao đổi, tranh luận thẳng thắn, thotre.com xin giới thiệu bài trao đổi của tác giả Cấm Sơn để tất cả bạn đọc cùng có ý kiến.
>> Thấy gì từ 2 cuộc thi thơ gần đây ở ĐBSCL?
>> Vài lời trao đổi với tác giả Cấm Sơn về bài viết Thấy gì từ 2 cuộc thi thơ gần đây ở ĐBSCL?

Lời đầu tiên, tôi cũng rất hoan nghinh sự hoan nghinh của bạn trước bài viết “Thấy gì từ hai cuộc thi thơ ĐBSCL gần đây” của tôi đã đăng trên Thotre.com cách đây vài hôm. Và vì có sự hoan nghinh đó, hôm nay tôi tiếp tục tìm thêm sự hoan nghinh tương tự từ bạn, cũng như từ những người có liên quan khác bằng cách có vài ý kiến trao đổi lại như sau:

1/ Trước tiên, giống như bạn, tôi vẫn luôn cho bài thơ “Lỡ có xa đồng bằng”,“Quán của người tên V”của tác giả Cao Thoại Châu (Giải nhất cuộc thi thơ ĐB lần III) cùng bài “Sương Hồ” của tác giả Lê Thanh My (Vừa được công bố giải nhì bậc 1 trong cuộc thi thơ ĐBSCL lần IV đang bàn hiện nay), nhất là bài Sương Hồ, rõ ràng là những bài thơ tình (trai gái ) thuần túy. Tuy nhiên, tôi rất buồn cười khi nghe bạn cho rằng những bài thơ tình thuần túy kia vẫn phù hợp quy chế đề tài cuộc thi vốn đều có chung đề tài như sau: “Viết về đất nước và người ĐBSCL hôm qua và hôm nay, xuyên qua quá trình từ khi khai phá vùng đất phương Nam trải qua thời kỳ chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Khuyến khích những tác phẩm giới thiệu những hình tượng điển hình trong lao động sản xuất, chiến đấu của con người ĐBSCL trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, phù hợp với xu thế thời đại: Hội nhập - phát triển”. Buồn cười hơn nữa khi bạn biện luận như sau: “Từ khi cha ông ta “mở cõi” qua chiến đấu với thiên nhiên ác nghiệt và giặc ngoại xâm đến xây dựng hòa bình hôm nay, con người trên mảnh đất này lẽ nào chỉ biết cần cù, lam lũ trong sản xuất và chiến đấu, lẽ nào không có tình yêu quê hương đất nước, không có tình yêu trai gái?”.Nếu nói như bạn, lập luận như bạn thì trong hai cuộc thi này người ta vẫn có thể gởi tới những bài thơ viết về sự khoái lạc nhục thể thuần túy từ hành vi giao hoan dị giới hay đồng giới hay sự đau đớn thuần túy trong thời khắc sinh nở nơi một phụ nữ nào đó mà vẫn không sợ lạc quy chế đề tài và Ban giám khảo lẫn Ban tổ chức vẫn có thể chấm điểm cao để sau đó là trao giải thưởng cho những tác giả của nó vì rằng “lẽ nào” trong quá trình khai mở, xây dựng, chiến đấu, bảo vệ và phát triển khu vực vùng đất ĐBSCL của bao lớp người đã và đang sống bên trên nó từ xưa cho đến nay lại không từng có những điều này xảy ra?!

Rõ ràng, qua biện luận trên của bạn, tôi rất ngạc nhiên cũng như sửng sốt khi thấy bạn có vẻ có đọc nhưng không hiểu đầy đủ nội dung ý nghĩa đoạn quy chế đề tài trên hoặc đã hiểu đầy đủ song lại không thấu hiểu vấn đề đề tài trong mọi cuộc thi nói chung và trong hai cuộc thi thơ ĐB vừa qua nói riêng, nếu bạn thực sự không có động cơ lấp liếm cho vấn đề nơi lòng bạn khi viết ra những điều mà bạn vừa viết.

Bạn nên biết rằng đề tài của mọi cuộc thi là sự trừu xuất, khu biệt hiện thực (bằng cách tách bỏ ra bớt một phần hiện thực khác), thậm chí có cả sự trừu xuất, khu biệt thuộc tính, từng mặt thuộc tính, hay cả chiều sâu hay cạn của một hay nhiều mặt thuộc tính đã được, trừu xuất, khu biệt trước đó ngay nơi mỗi hiện thực tương ứng xuất phát từ nhu cầu, ý chí chủ quan của người phát động. Điều này dẫn tới việc sẽ có sự trừu xuất, khu biệt tương ứng nơi tri giác, hoài niệm, ảnh tượng, liên tưởng, xúc cảm, khát vọng, ý tưởng, dự phóng nơi người tham gia dù hiện thực tổng thể cùng những tri giác, hoài niệm, ảnh tượng, xúc cảm, ý tưởng, dự phóng kia nơi mỗi người tham gia vốn không bao giờ ở trong trạng thái biệt lập,đứng yên cùng độc nhất có bên trong họ…

Trở lại hai cuộc thi vừa qua. Nếu bạn cho rằng người ta có thể thông qua một quan hệ tình yêu trai gái như thế nào đó như một phương thức nghệ thuật biểu hiện về đề tài thì tôi rất gật đầu cùng bạn. (Giống như bài Đôi bờ của tác giả Ngô Thị Thu Vân - Bến Tre trong cuộc thi lần IV này). Nhưng nếu bạn cho rằng những bài thơ tình gái trai thuần túy, mang tính mô tả vỏn vẹn hay giải bày trực tiếp mà lại phù hợp quy chế đề tài hai cuộc thi nói trên, để lấy đó biện hộ sai trật hay sai lầm cho những vị đã cũng như vừa đang chấm giải cho nó thì, như trên đã nói, bạn quả thật cần nghiên cứu lại vấn đề này rất nhiều từ sách vở hay đồng nghiệp của bạn.

2/Sang vấn đề liên tục trong ba cuộc tổ chức thi thơ cấp toàn khu vực ĐBSCL vừa qua có hiện tượng địa phương đăng cai “bao giờ” cũng có người đạt giải nhất và bạn có phân bua rằng đấy chỉ là “điều trùng hợp ngẫu nhiên”. Theo tôi, trên đời này, khó có một tỷ lệ xác suất ngẫu nhiên tương ứng theo trật tự thời gian hay không gian nào đạt tới mức hoàn hảo, tới mức 100% như vậy. Nó rõ ràng là dấu hiệu giống nhau về bản chất của một sự bất thường và bất tường nơi những người có thẩm quyền quyết định tối cao nơi từng cuộc thi, cụ thể ở đây là vị trưởng Ban tổ chức cuộc thi.

Trong bài viết của mình, bạn có trích ra một câu nói của ông Mác (mà có vẻ bạn đã hiểu lệch đi nội dung lẫn ý nghĩa của nó), đó là: “Con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”. Nghĩa là nền tảng, động cơ ý chí cùng hành vi của con người luôn làmột tổng hòa tất định của một hoàn cảnh quan hệ xã hội nhất định mà hắn ta đang tồn tại bên trong. Như vậy, khi bạn vừa là Chủ tịch hội VN ở địa phương bạn, vừa là trưởng ban tổ chức cuộc thi do chính cơ quan VN của bạn đăng cai, lại vừa là người đứng ra chọn lựa, “bổ nhiệm” cùng chi trả tiền thù lao như thế nào đó cho các giám khảo nghệ thuật cuộc thi, thậm chí cho cả người làm nhiệm vụ gọi là giám sát cuộc thi, trong một tình thế độc vãng độc lai, chẳng có ai giám sát thực sự cùng sẳn sàng “chế tài” bạn từ trước lẫn trong lúc cuộc thi đang diễn ra, ngoại trừ cái phần lương tâm công vụ cùng cái phần uy tín đầy tính chất “siêu hình” của bạn, thì ý chí cùng hành vi của bạn có dễ dàng “bị tất định” theo hướng sẽ phải biến tất cả thành “tư liệu sản xuất” cho mục đích lợi nhuận thành tích cùng những mục đích lợi nhuận quan hệ xã hội khác cho cá nhân cùng địa phương của bạn không? Ở đây, nếu bạn nói rằng không thì nội dung, ý nghĩa câu nói của ông Mác ở trên là sai; còn nếu bạn bảo ông Mác nói không sai thì có nghĩa là tôi đã “nghi ngờ” cùng “võ đoán” đúng, nhất là khi căn bệnh hám thành tích cục bộ địa phương bằng mọi giá trong xã hội ta hiện nay đã trở thành căn bệnh chung của mọi ngành nghề…

Tất nhiên, theo tôi, con người không hẳn là một tất định luận trong cuộc sống xã hội như ông Mác nói. Có nhiều người đói lâu ngày, lâu năm nên khi gặp cơm thịt trước mắt thì vồ vập bóc hốt ăn ngay, bằng mọi mánh khóe và thủ đoạn, bất kể lời chê tiếng cười xung quanh hay sau đó; nhưng, song song đó, vẫn còn có người không thể ăn, không chịu ăn dù lòng luôn đang bị quyến rũ… Ở đây, tôi muốn nói rằng: không phải tất cả 4 cuộc thi thơ vừa qua ở ĐBSCL đều là kết quả của những toan tính sắp xếp đen tối từ bên trong lẫn với bên ngoài nơi một nhúm người “đói” hay cần thành tích có liên quan (để ghi vào bảng báo cáo tổng kết cuối năm của cơ quan hay để ghi vào lý lịch sáng tác văn học họăc lý lịch nhà văn của mình). Nhưng, có thể nói rằng, ở những cuộc thi nào mà có những tác phẩm vừa sai đề tài, vừa dở đến độ có thể nhận thấy bằng “mắt thường” so với tiêu chuẩn độc lập của bộ môn nghệ thuật thi ca hay so với nhiều tác phẩm còn lại khác trong cuộc thi song vẫn được trao giải cao nhất hay cao nhì, như cuộc thi lần III và lần IV hiện nay, thì không thể gọi đó là bình thường, không có vấn đề gì xảy ra nơi Ban chung khảo cùng Ban tổ chức của nó…

3/ Theo tôi nắm rõ, ba cuộc thi thơ ĐBSCL vừa qua, là do các hội VHNT cấp tỉnh luân phiên đứng ra tổ chức từ giao kèo ủy nhiệm nhân sự và kinh phí nơi các hội VHNT còn lại trong khu vực và nó đã cũng như vừa được chỉ huy, điều hành bởi các cán bộ nhà nước tương ứng. Chiếu theo chương I, điều 2 Pháp lệnh công chức hiện hành thì “Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công tác được giao”. Ngoài ra, chiếu theo điều 8 của Hiến Pháp Nước CHXHCN Việt Nam hiện nay thì “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặc chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”. Như vậy, tôi có thể nói rằng, những ý kiến của tôi trong bài viết vừa qua, cũng như nhiều ý kiến đang có và sẽ có khác về những dấu hiệu gọi là “bất thường” trong ba cuộc thi thơ vừa qua, nhất là cuộc thi thơ lần IV hiện nay, bạn không thể cho đó là sự “xúc phạm uy tín” của ai được, nhất là khi những ý kiến ấy chưa hề vượt qua khuôn khổ luật pháp và đạo đức xã hội hiện hành. Chẳng những vậy mà có khi còn là điều ngược lại với công chúng thi ca nói riêng, và nhân dân ĐBSCL nói chung, trong đó hẳn nhiên có tôi, khi các vị trên,vì tính chất của động cơ và mục đích riêng tư như thế nào đó, đã góp phần ít nhiều vào việc “sáng tác” ra một khuôn mặt sinh hoạt thi ca của người ĐBSCL hiện nay hết sức không nên có.

4/Trong bài trao đổi vừa qua, bạn có viết rằng: “…có cuộc thi đã trao giải rồi, nhưng sau đó Ban tổ chức, Ban giám khảo thấy có chỗ sai đã rút lại. Tôi cho tất cả những việc đó đều là bình thường. Chỉ sợ khi thấy sai mà người ta không sửa…”. Đọc đoạn này, quy chiếu vào bài viết trước đó của tôi, tôi hiểu bạn đang đề cập xa gần tới một cuộc thi bút ký mà lại trao giải nhất cho một tác phẩm truyện ngắn thuần túy để sau đó phải phân công người đi đòi lại giải thưởng mà tôi có kể ra… Bạn bảo đó là điều bình thường?

Vâng, rất bình thường, nếu sau cuộc thi này Ban tổ chức hoặc Ban Giám khảo phát hiện người dự thi đã vi phạm quy chế bằng cách đem dự thi tác phẩm của người khác hay tác phẩm này tuy là của họ nhưng đã công bố rồi, chẳng hạn…

Ở đây, rất tiếc, trong cuộc thi nói trên, vấn đề không xuất phát hẳn nơi người dự thi mà lại nằm chủ yếu và hoàn toàn nơi lãnh vực trình độ, kiến thức nền tảng của các “thầy chấm giải” ở hai cấp sơ và chung khảo: Các vị chức sắc về chuyên môn này, vào năm ấy, đã đầy “uy tín” và “bản lĩnh” đến đâu mà ngay từ đầu đã không phân biệt nỗi tác phẩm dự thi kia chỉ “là” một truyện ngắn chứ không phải “là” một bài bút ký đến độ gây ra sự vụ độc nhất vô nhị trong lịch sử sinh hoạt văn học khu vực ĐBSCL, thậm chí là cả nước, như vậy?

Cái gì nằm đằng sau sự việc này?

 Ban Tổ chức cùng Ban giám khảo cuộc thi văn chương thuộc Hội VN Cần Thơ dạo ấy,cách nay chưa lâu, “đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, đối chiếu với các tiêu chí cuộc thi”như thế nào,như lời “xác nhận” của anh, mà tất cả đều cùng trao giải nhất cuộc thi bút ký cho một tác phẩm truyện ngắn như vậy?

Với tôi, một điều như vậy là sự dị thường. Bảo đó là điều bình thường là bạn còn khả năng tái diễn lại nó trong tương lai. Chẳng những thế, bạn còn đang ra sức huyên truyền, cổ vũ những điều dị thường trở thành điều bình thường trong cuộc sống! Bạn nên nhớ rằng, lúc bạn đang học nghề… thì sự sẵn sàng sai và sửa sai là điều cần nên nâng lên thành phương châm cuộc sống một cách đầy kiêu hãnh cho bạn lúc đó; nhưng khi bạn đã đang hành nghề ăn tiền (lương) từ người khác, từ xã hội thì cái phương châm sống đời: sẵn sàng chấp nhận sai và sửa sai một cách đầy kiêu hãnh ngày nào của bạn là không thể còn chấp nhận được. Bạn phải bị phản ứng như thế nào đó bởi thế nhân chung quanh lẫn ngay nơi đã tiếp nhận sự hành nghề gây hậu quả tai hại của bạn. Vì một đạo lý rất đơn giản sau đây: Những hy vọng và bao tình cảm buồn vui chính đáng của bao con người khác không thể là vật tập sự, vật học khôn dành riêng cho cá nhân của bạn được.

5/ Bạn có nói với tôi cùng bạn đọc trang mạng Thotre.com rằng: “Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài được Ban tổ chức cuộc thi mời làm Trưởng ban sơ khảo. Và xét thấy trong Ban Chung khảo cần có một người đã nằm trong ban Sơ khảo để xem xét các bài thơ có lý có tình hơn, có thể trình bày lại các ý kiến của Ban sơ khảo vì sao lại đưa 60 bài này vào Chung khảo, nên Ban tổ chức tiếp tục mời nhà thơ Trịnh Bửu Hoài làm thành viên ban Chung khảo, chứ không hề có việc “xin xỏ” nào cả”.

Lần nữa, rất hoan nghinh sự giải thích thật lòng này của bạn. Vì nó cho mọi người thấy được nhiều điều. Một, sau khi vòng sơ khảo, do TBH làm trưởng Ban, đã quyết định được sản phẩm đưa lên vòng chung khảo xong thì TBH được phép có mặt nơi vòng chung khảo để làm nhiệm vụ giải thích, thuyết phục, “chạy hàng” cho những quyết định trước đó của mình cùng hai người còn lại trong Ban chung khảo. Hai, cuộc thi được Ban tổ chức cho thêm yếu tố (cần phải) “Có tình có lý hơn” vào tiêu chí chấm chọn giải thưởng ở công đoạn chung khảo mà người lãnh sứ mạng “giải thích,thuyết phục” cùng Ban chung khảo chính là TBH. Ba, ngoài nhiệm vụ làm người lobby Ban chung khảo về những quyết định sơ khảo trước đó của mình, TBH còn có quyền chấm điểm chung khảo trên các quyết định sơ khảo trước đó của mình song song với hai vị vừa bị/được lobby còn lại nữa. Bốn, gia tăng vào tiêu chí chọn giải yếu tố (cần phải ) “có lý có tình hơn” thì yếu tố nghệ thuật trong chọn lựa ắt hẳn phải bị đẩy lùi ra xa một cách tương ứng, thậm chí là bất cần. Năm, ở công đoạn chung khảo thơ mà có người phải làm nhiệm vụ, sứ mệnh thuyết minh “vì sao” đối tượng được đưa vào chung khảo thì rõ ràng “người ta” đã công khai thay mặt bài thơ (nào đó) thuyết phục giám khảo, dẫn đến trường hợp có khả năng người ta sẽ “vị” người ta chứ không phải là “vị thơ” khi chấm chọn giải thưởng trên các đối tượng của mình.

6/ Xin nói về những lời bạn giải thích về “dấu hiệu” hiện diện của “nhà tài trợ” Lê Văn Thảo trong cuộc thi ĐBSCL lần IV này. Bạn nói rằng “Nhà văn không hề phát biểu can thiệp gì vào chuyện chấm điểm, xét giải của Ban giám khảo và Ban tổ chức mà chỉ như một “giám sát viên”. Nhưng để làm một “giám sát viên” thì sẽ giám sát như thế nào mọi diễn biến nơi các công đoạn sơ khảo và chung khảo khi từng thành viên giám khảo một chỉ ngồi chấm điểm tại nhà riêng của họ và có thể bị /được lobby bằng điện thoại? Dĩ nhiên, với nhà văn LVT, tôi vẫn đang luôn kính trọng ông. Tôi chỉ thắc mắc ở chỗ không thấy có tên trong Ban tổ chức hay trong hai Ban giám khảo trong các rao báo trước đó nhưng lại thấy có mặt ông “cùng tham dự” nơi một cuộc họp quan trọng thì không thể không “tò mò thắc mắc”, nhất là khi sau đó lại xảy ra trường hợp có bài thơ vừa lạc đề tài lại vừa rất dở nhưng lại đạt giải cao như đã nói trên…

Điều cuối cùng tôi muốn nói đó là băn khoẳn: Có phải nhân dân ĐBSCL, thông qua Hội VHNT các nơi còn lại trong khu vực, đã vừa phí tiền mua lấy kết quả một cuộc tuyển trạch thơ ca “gạo cội”? Lớp thơ ca trẻ ĐBSCL hiện nghĩ gì khi nhìn thấy lớp cha chú đáng kính vừa “viết về quê hương ĐBSCL” của mình bằng một tác phẩm tổ chức thi thơ đáng …mếu như vậy?

Tác giả: Cấm Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây