“Điểm danh” văn học trẻ 2009

Thứ tư - 24/02/2010 18:00 1.788 0

“Điểm danh” văn học trẻ 2009

Sự lên ngôi của tiểu thuyết

Đúng như dự đoán  của nhiều người,  năm  2009, là năm được mùa của tiểu thuyết trẻ. Rôm rả từ đầu năm là Bóng giai nhân( Đặng Thiều Quang), Gọi con người (Hoà Bình), Trại hoa đỏ (Di Li), Nhiều cách sống (Nguyễn Quỳnh Trang). Nhiều tác giả trẻ khác cũng nô nức xuất bản tiểu thuyết: Nguyễn Thế Hùng (Họ vẫn chưa về), Tiến Đạt (Thể xác lưu lạc), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Quái vật), Nguyễn Đình Tú (Phiên bản). Một số gương mặt mới tự tin cũng trình làng tiểu thuyết như: Hồng Sakura (Susu đừng khóc), Lê Bích Phượng (Trò chơi), Nguyễn Văn Học (Bão người), Keng (Hồng gai), … Hàng loạt các cuốn tiểu thuyết xuất bản cách đây ít lâu cũng được tái bản: Chinatown (Thuận), 1981 (Nguyễn Quỳnh Trang), Chuyện tình mùa tạp kĩ (Lê Anh Hoài)…

Không khí này trái ngược hẳn với  đời sống văn học hơn mười  năm trở về trước. Khi đó một tác giả trẻ ra mắt cuốn tiểu thuyết có thể được coi là một sự kiện đặc biệt, “của hiếm” trong làng văn chương. Bởi tiểu thuyết vẫn bị coi là một lãnh địa không thực sự dành cho những người trẻ - những người được nhìn nhận là trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, chưa nhiều vốn sống trong khi thể loại tiểu thuyết được coi là loại hình “công nghiệp nặng” đối với người viết.

Sự “trỗi dậy” của tiểu thuyết trẻ khiến cho nhận định phổ biến trước đây rằng “các nhà văn trẻ giờ xem chừng “ngại” viết tiểu thuyết” đã trở nên lỗi thời. Tiểu thuyết rõ ràng đã  trở thành sự lựa chọn của nhiều tác giả.

Tiểu thuyết thành đối tượng săn tìm và “chào hàng” của nhiều đơn vị kinh doanh xuất bản sách - điều này trái ngược với sự nhận định của một số người rằng xu hướng của độc giả hiện nay là tìm đọc những truyện ngắn, thật ngắn, tốc độ nhanh, nhiều thông tin.

Một ghi nhận về “mùa tiểu thuyết 2009” đó là các tác giả đã có những nỗ lực “làm mới” bằng việc thể nghiệm những hình thức thể hiện mới: Phiên bản của Nguyễn Đình Tú trình  ra ba góc nhìn về một con người, Gọi con người của Hoà Bình thể hiện ý tưởng về những “cửa chữ”, Chuyện tình mùa tạp kĩ của Lê Anh Hoài dùng hình thức chương hồi

Dự đoán trong năm 2010, tiểu thuyết sẽ tiếp tục là thể loại được nhiều tác giả trẻ lựa chọn .

Văn học mạng : từ sân chơi nhỏ lẻ đến một diễn đàn chung

Năm 2009, một sự kiện gây xôn xao cư dân mạng đó là việc đóng cửa của Yahoo!360º. Điều này kéo theo nhiều địa chỉ blog  văn học mạng đình đám như  Trang Hạ,  Đặng Thiều Quang, Hà kin… bị xoá sổ. Mặc dù các tác giả đều nhanh chóng tìm cho mình địa chỉ blog mới như Yahoo!360 plus, Facebook, Mutiply, Wordpress, Blogspot… nhưng sự thay đổi này ít nhiều làm phân tán độc giả, chưa kể đến những tiện ích trên các trang mới tạo cảm giác khó thích nghi cho nhiều bạn đọc, bởi vậy không khí tranh luận, giao lưu văn học trên các blog các nhân có phần “hạ nhiệt”.

Trước tình hình đó, một trang văn học mạng chính thức được khai trương với địa chỉ vanhocmang.net

Theo nhà văn Trang Hạ, người sở hữu ý tưởng thành lập website, vanhocmang.net ra đời để đón nhận những sáng tác “100% mạng” từ các tác giả của Yahoo!360º chuyển sang, trước sự cố Yahoo!360º chính thức bị xóa sổ ngày 13-7.

Trang Hạ cho biết trong giai đoạn đầu tiên vanhocmang.net đơn giản mang tính chất một blog chung của những người viết văn học mạng, lưu trữ các sáng tác chuyển từ blog Yahoo!360º sang và tiếp tục công bố sáng tác mới. Qua giai đoạn hai, vanhocmang.net sẽ nâng cấp để cho phép bất kỳ một tác giả nào cũng có thể trực tiếp đăng tải sáng tác mới trên website này một cách bình đẳng và chịu sự biên tập của chính độc giả.

Tuy quy mô còn khiêm tốn, nhưng sự ra đời của vanhocmang.net cũng làm “mát lòng” nhiều bạn đọc đã gắn bó với Yahoo!360º và yêu thích các tác phẩm văn học mạng. Ở đây, họ gặp lại những gương mặt văn học mạng quen thuộc: Trang Hạ, Đặng Thiều Quang, Giao Chi, Doãn Dũng, Keng... và có lý do để chờ đợi sự phát triển của một dòng văn học mạng của VN.

Cho đến nay, sau nửa năm hoạt động, các tác giả xuất hiện trên vanhocmang.net chưa có thêm những gương mặt mới, ngoài những tên tuổi đều đã quen thuộc với bạn đọc như: Trang Hạ, Đặng Thiều Quang, Doãn Dũng, Keng, Dương Bình Nguyên

Có vẻ những tác giả mới vẫn muốn thiết lập những sân riêng của mình, thuận tiện cho việc  tự giới thiệu tác phẩm và đón nhận phản hồi từ độc giả một cách nhanh nhất bởi vậy họ vẫn không/ chưa tham gia nhiệt tình vào một sân chơi chung như vanhocmang.net.

Văn học dân tộc thiểu số: tự tin tiến về phía trước

Bùi Tuyết Mai, Hoàng Thanh Hương, Chu Minh Huệ, Tằng A Tài, Đồng Chuông Tử,Trà Vigia, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Nie Thanh Mai… đó là những cái tên đã dần khẳng định được vị trí của mình trong dòng văn học trẻ.

Từng có ý kiến cho tằng các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam chưa có tác phẩm sáng giá, bởi những nguyên nhân chính: 1. Nhà văn dân tộc thiểu số ít tiếp cận với cái mới, nên cứ viết theo lối cũ. 2. Thiếu sự dũng cảm cần thiết để dám đề cập đến các vấn đề trọng yếu đụng đến thân phận cộng đồng. 3. Nhà văn cũng chưa thật sự dấn thân vào cộng đồng để có thể hiểu cuộc sống thực của dân tộc, đôi khi còn khá quan cách. 4. Nhà văn chúng ta chưa biết và dám tư duy độc lập, mà cứ tư duy theo mô thức định sẵn, thì làm gì có khai phá, có sáng tạo? Và cuối cùng, nguyên nhân thứ 5: Vấn đề tài năng và sự đam mê nghề nghiệp.

Nhưng, theo nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua, đặc biệt hai năm trở lại đâu thì có thể nhận thấy văn học của các tác giả dân tộc thiểu số dần định hình được trong lòng công chúng và xác lập vị trí của mình trong đời sống văn học nước nhà.  Bên cạnh thành tích rất đáng nể của các nhà văn lớp trước như Cao Duy Sơn (Ngôi nhà xưa bên suối - giải thưởng Hội nhà văn 2008 và giải thưởng văn học ASEAN 2009), Inrasara (Lễ tẩy trần tháng tư - giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và Giải ASEAN 2004) , Y Phương (Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007).… thì thế hệ mới cũng đã định hình và phát triển không ngừng. Đó là Bùi Tuyết Mai, Tằng A Tài, Chu Thị Minh Huệ ở miền Bắc; Nie Thanh Mai,  Hoàng Thanh Hương ở Tây Nguyên. Đó  là  một loạt các tác giả Chăm xuất hiện qua Tuyển tập Tagalau, đã hình thành giọng điệu riêng. Đây là các khuôn mặt hoàn toàn mới, mang cảm thức mới, có lối viết rất khác và khác cả cách xuất hiện: họ không chọn cách in truyền thống mà đăng các sáng tác lên mạng . Hai tập thơ của Tuệ Nguyên (Những giấc mơ đa chiều) lẫn của Đồng Chuông Tử (Mùi hương của im lặng) đều lọt vào chung khảo Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009.

Rõ ràng, văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đang được tiếp sức bởi một đội ngũ các tác giả trẻ hung hậu và đang tự tin  tiến  bước về phía trước.

Đội ngũ phê bình văn học trẻ: đang dần lớn mạnh

Những cái tên như  Hoài Nam, Đoàn Ánh Dương, Nhã Thuyên, Đoàn Minh Tâm, Trần Thiện Khanh, Trần Văn Toàn… xuất hiện với tần suất khá dầy các bài phê bình trên báo chí, cũng như trên các diễn đàn văn học khác; thể hiện thái độ “nhập cuộc” và đồng hành  cùng văn học trẻ. Qua những gương mặt tiêu biểu này  đã phần nào cho chúng ta  thấy diện mạo về một thế hệ phê bình trẻ của ngày hôm nay .

Điểm chung của lực lượng phê bình trẻ hiện nay đó  là họ đều có  trình độ học vấn cao, có ý thức làm việc chuyên nghiệp và sự tâm huyết với văn chương.

PGS, TS Văn Giá bình luận: Thế hệ trước chúng tôi, trừ một vài gương mặt, còn đại đa số chịu ảnh hưởng khá nặng nề cái quan niệm phê bình “làm roi quất ngựa” một thời. Nên về tâm thế là tự cho mình đứng cao hơn người sáng tác, cho phép lên lớp, dạy dỗ người sáng tác . Thành ra, mối quan hệ giữa giới phê bình và sáng tác nhiều lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Thế hệ chúng tôi, về cơ bản đã có ý thức khắc phục, và trên thực tế đã khắc phục được tình trạng trên. Cái quan niệm “phê bình văn học cũng là văn học”, rồi nữa, phê bình chẳng qua là “trình bày một cách đọc văn bản nghệ thuật ngôn từ” trên một tinh thần đối thoại lành mạnh về cơ bản đã được quán triệt. Nhờ đó, phê bình thế hệ này đoạn tuyệt với vai trò “phán quan”, mà cố gắng hướng tới chia sẻ, hiểu được nông nỗi của người sáng tác, và không ngần ngại, thậm chí nhiệt thành trình bày con- người- phê bình với tất cả cái hay cái dở của mình ra trước bạn đọc. Phê bình văn học thực chất cũng là kiểu sáng tác đặc biệt. Những người cầm bút phê bình và những nguời sáng tác chẳng qua cũng là những kẻ “đồng bệnh”. Nhờ vậy, người làm phê bình cũng có một tư thế đàng hoàng giữa chốn trường văn trận bút. Tuy nhiên, chỉ trong vai trò hoà giải như thế hệ chúng tôi đã và đang làm, thực ra chưa đủ. Phê bình còn phải có khả năng nhận biết, gợi ý, thúc đẩy, khích lệ sáng tác, và thậm chí cao hơn, có khả năng tổ chức đời sống văn học theo một cách nào đó.  Chưa một thế hệ nào làm được đến nơi đến chốn vai trò sáng giá này. Văn học mỗi thời có phê bình của chính nó.

Nhà phê bình Văn Giá kỳ vọng: Tôi nghĩ, với một tâm thế đồng hành, phê bình thế hệ hôm nay sẽ có một thái độ ứng xử mới, một tâm thế tiếp cận mới vào đời sống văn học đương đại.

Năm “sung sức” của Ban công tác nhà văn trẻ

Có thể nói năm 2009 là năm “được mùa” của Ban công tác nhà văn trẻ Hội nhà văn Việt Nam. Trong vòng một năm, hàng loạt các hoạt động có ý nghĩa đã được tổ chức và tạo được dư luận.

Mở đầu năm mới, Sân thơ trẻ 2009 với chủ đề “Thơ trẻ 360 °”  đã giới thiệu được 8 tác giả trẻ đến từ nhiều miền đất nước  mà tên tuổi có phần còn  mới lạ với công chúng : Nguyễn Anh Vũ, Phạm Thị Điệp Giang,Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Quang Hưng  (Hà Nội), Huyền Minh (Hà Giang), Lệ Bình Quan (Quảng Bình), Thuỵ Anh (từ Nga về), Lữ Thị Mai (Thanh Hoá). Thiếu  vắng  những  “ngôi sao”, có người đã lo ngại rằng sức hấp dẫn của Sân thơ trẻ 2009 vì thế mà sẽ kém sự hấp dẫn. Song cần phải nhìn nhận một điều, sự hấp dẫn của văn chương là ở chính tác phẩm chứ không phải những sự ồn ào của một cái tên- dù nó đã thành danh. Và sẽ thật nhàm chán nếu mỗi năm qua đi chúng ta chỉ gặp mãi những gương mặt quen thuộc trong khi có rất nhiều tác giả mới đang xuất hiện và rất cần những cơ hội để được xuất hiện trước công chúng. Việc tạo những cơ hội cho họ sẽ có tác dụng động viên khích lệ họ rất nhiều trong những bước đầu dấn thân vào con đường văn chương.

"Thơ trẻ dù rằng có nhiều người chỉ sáng tác để thỏa mãn cảm xúc của riêng mình, nhưng tôi vẫn tìm thấy ở sân thơ trẻ năm nay nhiều bài thơ đáng đọc, đáng nhớ" - nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.

Sau sân thơ trẻ 2009, 8 gương mặt thơ vẫn tiếp tục khẳng định mình trước công chúng. Họ cũng đã cùng ra chung một tập thơ có nhan đề “Thơ trẻ 360 °”  - được nhiều nhà thơ lớp trước như Vũ Quần Phương, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quang Quý… đánh giá cao.

Cũng trong năm 2009, Ban công tác nhà văn trẻ đã tổ chức được 4 cuộc toạ đàm văn học, thuy hút được sự quan tâm của đông đảo người viết, các nhà phê bình và báo giới. Đó là Toạ đàm tác phẩm của các tác giả: Di Li, Phong Điệp, Đặng Thiều Quang và Nguyễn Quỳnh Trang

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà – Phó trưởng ban thường trực chia sẻ : Đến một thời gian nhất định, chúng tôi nhận thấy mọi sự quan tâm của Ban văn trẻ đối với các tác giả âm thầm sáng tác là chưa đủ và cũng đã đến lúc cần giới thiệu các cây bút đó. Việc này không đơn thuần cứ làm đều đặn mỗi tháng hoặc theo kiểu phong trào trong khoảng thời gian nhất định “đến hẹn lại lên” đã là tốt. Nó cũng giống như sáng tác, có khi cả khoảng thời gian dài không viết chữ nào, một ngày đẹp trời, thấy mình vô cùng muốn viết.Năm nay, chúng tôi quyết tâm giới thiệu với độc giả và giới báo chí truyền thông, một cách có chủ đích về những tác giả (không lấy tiêu chí tiêu biểu), để nhằm động viên khuyến khích sáng tạo cá nhân, đồng thời qua dư luận, muốn đưa ra những thử nghiệm hoặc phong cách của các tác giả trẻ để họ được quan tâm hơn.

Những hoạt động tích cực của Ban công tác nhà văn trẻ nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2009 đã thực sự khích lệ, động viên kịp thời đối với các tác giả mới bắt đầu dấn bước trên con đường văn chương nhiều chông gai.

*Khái niệm “trẻ”  dùng trên đây được phân chia một cách tương đối, căn cứ vào độ tuổi của đối tượng khảo sát. 

Tác giả: Phong Điệp

Nguồn tin: phongdiep.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây