Ý tưởng xây dựng bảo tàng Văn học Việt
Nam có từ Đại hội Nhà văn Việt
Nam lần thứ V - năm 1995. Trong quá trình xin ý kiến của các Ban, các Bộ cũng như việc duyệt đề án hoàn tất thì năm 2004 việc xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam mới bắt đầu.
Năm 2007, Bảo tàng về cơ bản hoàn thành phần xây dựng. Một năm sau, Bảo tàng được dự kiến sẽ khai trương vào tháng 6-2008 rồi lùi sang quý I hoặc quý II-2009. Khất hẹn đến đầu năm 2010. Đầu năm 2010, báo điện tử Tổ Quốc đến tìm hiểu bảo tàng thì nhận thêm một cái hẹn là tháng 8 tới sẽ khai trương - cùng dịp với Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII qua đi, trong khi Ban Chấp hành Hội Nhà văn khoá mới họp Hội nghị lần thứ 2 với các cơ quan cấp 2 của Hội Nhà văn (7/10/2010) thì nhà văn Cao Tiến Lê cho biết khả năng Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách vào cuối năm 2010. Nhưng chỉ sau cuộc họp Ban chấp hành vài hôm, phóng viên báo điện tử Tổ Quốc liên lạc lại với nhà văn Cao Tiến Lê thì ông khá dè dặt cung cấp thông tin cho báo chí là chưa có thời gian chính thức cụ thể về việc bảo tàng khai trương. Còn lý do mà Bảo tàng Văn học Việt Nam chưa thể mở cửa vào dịp Đại hội nhà văn lần thứ VIII là vì công việc quá cập rập, bảo tàng muốn sắp xếp lại chu đáo nên lùi thời gian lại.
Việc một Bảo tàng mang nặng yếu tố đặc thù của nghề nghiệp như Bảo tàng Văn học Việt Nam có vài mốc “dự kiến khai trương” chứng tỏ sức hút, sự mong chờ của công chúng quan tâm tới văn chương còn rất mạnh. Phần nào có thể thông cảm cho công sức của Hội Nhà văn - phải lấp đầy, thể hiện phần lõi sao cho tương xứng với phần vỏ là cả một tòa nhà 6 tầng khang trang rộng 3.600m2 đã hoàn thành từ năm 2007 là một khó khăn không nhỏ. Hơn nữa ngay từ trước khi thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhiều nhà văn lớn đã được gia đình, dòng họ xây dựng các khu di tích, khu tưởng niệm tại quê hương bản xứ như Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nam Cao… thì việc sưu tầm, tìm kiếm hiện vật để trưng bày trong Bảo tàng sẽ là một thách thức. Tuy nhiên, khi trao đổi vấn đề này, đại diện cho Bảo tàng Văn học, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Minh chia sẻ: Chúng tôi phải tìm hướng khai thác khác và hướng khai thác này đã có kết quả. Như trường hợp đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi về quê ngoại của ông ở Thái Bình để tìm kiếm và tìm thấy bàn viết của ông. Hoặc đã phục chế một số hiện vật khác.
Cũng theo thông tin từ phía Bảo tàng Văn học, hiện vật để trưng bày không thiếu, thậm chí một số còn phải “cất bớt” vào trong kho phục vụ công tác nghiên cứu và triển lãm mang tính lâu dài. Vì thế tất cả những gì được trưng bày tại Bảo tàng sẽ được chọn lọc rất kỹ. Mỗi nhà văn nổi tiếng dù được trưng bày giới thiệu với tư cách tác gia thì cũng chỉ được ấn định trong khoảng 4 mét vuông. Về điểm này, có thể nói đây là điều lý tưởng mà không phải bảo tàng nào cũng có được.
Ghi nhận những nỗ lực của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm qua để có một bảo tàng tương xứng. Thế nhưng trong các mốc thời gian khác nhau, trả lời trên báo chí về việc hé lộ phần “lõi” của Bảo tàng Văn học Việt Nam thì về cơ bản không thấy có sự sắp xếp thay đổi. Nghĩa là trong cấu trúc - cái sườn chính của bảo tàng như:Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Việt Nam sẽ bao gồm: Tác phẩm của nhà văn, đời sống của nhà văn, và quan hệ xã hội của nhà văn. Bảo tàng sẽ được chia làm 3 tầng. Tầng 1 trưng bày những tác phẩm văn học Việt Nam cổ - trung đại, từ khi bắt đầu có chữ viết đến khi chữ viết trở thành tác phẩm văn học. Không gian khánh tiết sẽ nằm hướng cửa vào. Chính giữa là biểu tượng tiêu biểu cho nền văn hoá Việt Nam. Hai bên tôn vinh 8 danh nhân văn hoá tiêu biểu: Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, cùng với các cụm văn hoá về chữ viết: Chữ viết của các dân tộc (Tày, Nùng, Chăm, Khơme…) chữ viết cổ, chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ. Tầng 2 là văn học cận đại và tầng 3 là văn học hiện đại. Tại đây văn học sẽ được chia theo các mốc thời gian theo giai đoạn như 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975… cùng với tổ hợp các giải thưởng lĩnh vực văn học nghệ thuật của các nhà văn đã đạt như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi… Ngoài ra còn trưng bày ngoài trời mảng văn học dân gian truyền miệng được thể hiện bằng các phù điêu gốm các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, truyện thần thoại của các dân tộc anh em: Tấm Cám, Thánh Gióng, Đẻ đất đẻ nước, Đăm San, Xinh Nhã...
Như vậy, toà nhà xây dựng bảo tàng đã toàn tất. Hiện vật trưng bày trong bảo tàng cũng không thiếu. Người trong và ngoài giới cũng đang háo hức đón chờ được tận mắt chứng kiến những kỷ vật liên quan đến cuộc sống và tác phẩm của nhà văn. Nhưng không rõ vì nguyên nhân nào mà Bảo tàng Văn học Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa thấy khai trương.
Nếu trong mỗi phần đã được ấn định sắp xếp, qua từng năm nếu tìm thêm hiện vật thuộc nhóm nào, tầng nào thì bổ sung… như cách làm thông thường của các bảo tàng khác. Như vậy thì mỗi năm bảo tàng sẽ có “cái mới” cho khách đến xem. Có lẽ căn cứ vào “mô hình” dự kiến ban đầu này mà ngay từ năm 2008 Bảo tàng Văn học Việt Nam đã rục rịch đưa tin mở cửa khai trương.
Vậy thì vấn đề mà Bảo tàng Văn học Việt Nam đang vướng mắc là gì để đến tận bây giờ lời hứa chưa thành hiện thực? Phải chăng với một lượng hiện vật quá lớn mà mỗi năm Hội Nhà văn tìm kiếm được lại phải sắp xếp khác đi so với dự kiến? Hoặc việc sắp xếp đó còn gây nhiều tranh cãi, phải đợi những chuyên gia vào cuộc? Sự thất hứa triền miên của Bảo tàng Văn học Việt Nam là một dấu hỏi lớn cho những ai quan tâm.
Đã đến lúc công chúng cần một câu trả lời từ phía Hội Nhà văn Việt Nam giải thích “sự cố” bảo tàng Văn học Việt Nam đã 6 năm xây dựng, 3 năm hoàn thành nhưng chưa thể đi vào hoạt động đón khách.