Bốn gương mặt trẻ qua một cuộc thi

Thứ tư - 02/12/2009 22:10 2.256 0

Cây bút trẻ Nguyễn Anh Vũ

Cây bút trẻ Nguyễn Anh Vũ
Cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2008 – 2009 đã vào giai đoạn nước rút. Độc giả đang hồi hộp đặt câu hỏi ai sẽ là người giành ngôi quán quân truyện ngắn lần này? Câu trả lời chính xác còn phải đợi hơn một tháng nữa, bởi ngày 31 – 12 – 2009 mới là hạn chót nhận tác phẩm dự thi. Mà các cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội luôn ẩn chứa những bất ngờ. Đã nhiều lần tác phẩm đoạt giải Nhất lại xuất hiện vào “phút thứ 89”.
Thống kê từ hơn một trăm truyện ngắn (được chọn lọc khắt khe từ gần 2000 bản thảo gửi dự thi) in trên Văn nghệ Quân đội hai năm qua nhận thấy, cuộc thi này đã thu hút được đông đảo các cây bút tham gia. Từ những tác giả quen tên như  Ngô Phan Lưu, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Đức Thiện, Xuân Đức, Lê Nguyên Ngữ… cho đến những người “mới tinh” chọn Văn nghệ Quân đội làm nơi xuất phát cho văn nghiệp của mình. Bài viết này xin điểm danh họ, một lớp tác giả trẻ đầy hăm hở đam mê với thể loại truyện ngắn.

      1. Thụy Anh, sinh năm 1974. Năm 2007, trong thời gian làm luận án tiến sĩ ngôn ngữ học tại Cộng hoà Liên bang Nga, chị đã xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội lần đầu rất ấn tượng với truyện ngắn Cái bóng, một truyện viết về tình yêuthời hiện đại. Trong cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội lần này, Thụy Anh có chùm 3 truyện ngắn Nắng chiều, Gió trắng Phòng chờ. Là một cây bút được sống thời gian dài ở nước ngoài, tiếp cận với nhiều vùng văn hoá, ngoại ngữ giỏi, Thụy anh viết rất đa năng: làm thơ, dịch thuật, viết phê bình… Thụy Anh đang là cái tên hot của nhiều tờ báo cả trong và ngoài nước. Ở thể loại truyện ngắn, Thụy Anh viết chưa nhiều, nhưng truyện nào của chị cũng hấp dẫn bằng văn phong đằm thắm của người phụ nữ Việt cộng sự đôn hậu của tính cách Nga. Độc giả hẳn còn nhớ truyện ngắn Vĩnh biệt Lusia, top ten truyện ngắn báo Văn nghệ 2008, một truyện viết về những công dân Việt tha phương trên xứ người. Tiếp nối mạch cảm hứng ấy, Phòng chờ của Thụy Anh vẫn lấy những thân phận người Việt nơi đất khách làm đối tượng khai thác. Nhưng Phòng chờ bề bộn hơn, đủ thành phần từ chuyên gia, sinh viên, buôn lậu, cho đến những người làm nghề cửu vạn… Họ, những người Việt yếm thế, bơ vơ nơi đất khách vật lộn với cuộc mưu sinh bằng những thứ công việc khác nhau nhưng giống nhau ở một điểm: Cùng nằm trong một “phòng chờ”, cùng khát cháy nỗi niềm hồi hương, cho dù họ chỉ còn là... những lọ tro hài cốt! Ở truyện này, Thụy Anh đã thể hiện một bút pháp già dặn, sử dụng  nhiều thủ pháp nghệ thuật huyền ảo, tâm linh… khiến câu chuyện được phủ một lớp sương liêu trai bảng lảng. Đọc Phòng chờ thấy ám ảnh xót thương nhưng lại dậy lên trong lòng những tình cảm lớn: Tình nghĩa đồng bào, tình quê hương đất nước.

      Ngoài hai truyện ngắn Phòng chờGió trắng lấy bối cảnh nước Nga, truyện Nắng chiều của Thụy Anh lại khai thác đề tài hậu chiến ở Việt Nam với tình huống truyện độc đáo: Một ngôi mộ liệt sĩ nhưng có tới hai bà mẹ nhận. Ai cũng có lý để nghĩ đó là con mình. Tình huống éo le này nếu non tay xử lý sẽ rất đẩy câu chuyện theo hướng “trinh thám” với những tình tiết chứng minh như thử AND, truy cứu hồ sơ, nhân chứng… để tìm ra kết quả đúng. Nhưng Thụy Anh đã khéo léo kết thúc câu chuyện một cách tự nhiên đầy nhân văn đúng như bản tính con người Việt Nam, bao dung, nhân hậu. Thịt xương nào không do máu thịt sinh ra. Cả hai bà mẹ đồng lòng coi liệt sĩ là con của mình.

      2. Uông Triều, bút danh được ghép từ hai địa danh Uông Bí và Đông Triều của một thầy giáo vùng than Đông Bắc. Cũng như Thụy Anh, Uông Triều giỏi ngoại ngữ, đã từng có truyện dịch in trên Văn nghệ Quân đội từ năm 2006. Nhờ giỏi ngoại ngữ anh được chọn làm đại biểu dự chương trình Chuyến tàu thanh niên Đông Nam Á năm 2007. Trong hành trình, như một cơ duyên, anh gặp một sinh viên người Nhật có ông nội tham chiến ở Việt Nam, và câu chuyện giữa hai người đã gợi hứng cho Uông Triều viết truyện ngắn Đôi mắt Đông Hoàng, một câu chuyện viết về lối hành xử nhân văn của những người dân vùng Đông Bắc đối với những tên phát xít đã gây tai hoạ cho người dân Việt Nam. Đôi mắt Đông Hoàng tạo được dư ba, được đà Uông Triều viết tiếp Nước mắt sông Cầm,  và Đêm cuối cùng ở Ngoạ Vân. Cả ba truyện của Uông Triều đều được gợi hứng từ lịch sử và truyền thuyết. Mà lịch sử và truyền thuyết đã nhiều người biết. Nếu không có sáng tạo gì hơn thì tác giả chỉ là người “tô tranh cổ” mà thôi. Thật mừng là Uông Triều đã có một lối kể chuyện rất riêng. Lối kể với những câu văn ngắn, xuống dòng liên tục, như những “xen” điện ảnh đổi cảnh linh hoạt, gợi hứng cho người đọc liên tưởng và cùng tham gia câu chuyện.

         “Đông Hoàng. 
          Những người đàn ông, đàn bà gày gò, môi thâm tái. 
          Bọn trẻ con mặc áo bông xám cũ, mũi đỏ như mèo. 
         Ngoài chợ Cột bán những mẹt thịt trâu chết rét. Thịt thâm sì. 
         Lũ quạ đen không được chào đón như ở Nhật.”

hoặc:

      “Sương mờ trên những cánh đồng không. 
         Hoa ngô tím phơi trên bờ ruộng. 
         Mạ héo vàng. 
         Đay, thầu dầu. 
         Đay, thầu dầu. Nếu ai đó làm thế với nước Nhật?”…

      Kiểu viết tiếp thu có chọn lọc từ dòng văn học hậu hiện đại này không chấp nhận lối “đọc lười” chỉ nhìn vào văn bản. Nó đòi hỏi độc giả phải có vốn văn hoá, lịch sử và một khối lượng sách đã đọc đủ để “thế chấp” cho một hành trình liên văn bản cùng tác giả.

      3. Nguyễn Anh Vũ, sinh năm 1974, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng Hà Nội, một người đa tài vừa làm thơ, vẽ tranh, thiết kế bìa sách và viết truyện ngắn. Vũ gây chú ý với độc giả ngay từ truyện đầu tiên mang cái tên rất hội hoạ: Ngủ giữa hoa sen. Truyện viết về chiến tranh nhưng mềm mại như một bài thơ. Vũ muốn đưa thơ vào văn xuôi nên nhiều câu văn bổng trầm ngân nga; Vũ muốn truyện mình phải “thật mới” nên vận dụng đủ các thủ pháp cắt dán, phân mảnh, mộng mị, ảo huyền…  khiến những độc giả khó tính bắt bẻ, cho là Vũ “làm văn”, bởi câu chuyện không cần phải dùng đến nhiều ngón nghề như thế. Phải đến truyện thứ hai, truyện Cửa Bắc thì Vũ mới chinh phục được nhiều độc giả văn chương. Cũng như Ngủ giữa hoa sen, văn của Vũ vẫn nhiều hình ảnh, nhiều màu sắc và cũng không ít âm thanh nhờ vốn từ vựng phong phú được chọn lọc kĩ lưỡng và chau chuốt: Mống mắt mọng như trăm năm lệ đọng...Mái đầu vung xoáy. Dải lụa thiên thanh xoay cuồng xoắn lốc. Dùi quất muốn cháy mặt thưngNhững búp đa tháng Ba, nõn rói đỏ như vạn ngòi bút lông ngậm đẫm mực son…

Trong thời buổi mọi sự vận động đến chóng mặt, nhiều tác giả trẻ chú trọng tốc độ sáng tác nhiều hơn chất lượng tác phẩm, văn tuôn ra từ bàn phím ào ạt đến bỏ qua cả yêu cầu văn phạm thì việc một tác giả trẻ với ước mơ vươn tới sự hoàn hảo, viết kĩ đến từng chữ là một điều đáng trân trọng. Đáng trân trọng hơn là ở Cửa Bắc Nguyễn Anh Vũ không chỉ dùng ngôn ngữ để tái hiện không khí bi tráng của cuộc chiến giữ thành Hà Nội với gương tuẫn tiết lẫm liệt của Tổng đốc Hoàng Diệu, mà anh đã biết tiết chế để dành chỗ cho sự suy ngẫm về lịch sử: “Còn nhỏ, nhà ngay gần Cửa Bắc, Q. vẫn thường cùng đám bạn ra chơi, Q. đã thuộc đến từng viên gạch. Lớn lên một chút mới biết: vọng lâu trên cổng có chỗ thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Có lần đi với bà ngoại qua đây, bà nói gì đó hay hay, giờ chỉ còn láng máng. Hình như rằng “bể Đông, dậu Bắc rào chắn cẩn thận chẳng bao giờ thừa”. Lúc đó, Q. nhìn vào lỗ hoắm đại bác trên tường thành, chưa hiểu gì…”. 

      4. Tác giả trẻ nhất cuộc thi lần này là Nguyễn Phú, một sĩ quan biên phòng sinh năm 1981. Truyện ngắn đầu tay của anh đẫm hơi sương phả ra từ cao nguyên đá Đồng Văn. Hoa pằng nẳng rơi rơi, cái tên truyện đã gợi âm điệu buồn buồn, đều đều, nhẫn nại như số phận những người đàn bà truyền đời bị núi cao vây bọc. Vây bọc bởi địa lý, bởi lịch sử, khiến cho những người đàn bà vùng cao nhiều thế hệ giống như những cánh hoa pằng nẳng, rực rỡ, khát khao nhưng rồi phải rơi tàn trong đơn điệu. Điều ngạc nhiên là Phú, một chàng trai sinh ta từ vùng chiêm trũng Hà Tây, lên với Hà Giang mới vài năm, vậy mà những trang viết của anh về miền núi không hề “giả”. Ngoài Hoa pằng nẳng rơi rơi, Nguyễn Phú còn có Rau cay, Đồi lau sau hoa tímTrăng non treo đỉnh núi. Cả 4 truyện này đều bắt rễ từ vùng đất với những con người nhọc nhằn nơi địa đầu đất nước. Văn của Phú không bóng bẩy nhưng chan chứa tình cảm. Thứ  tình cảm chân thành đôi khi còn vụng dại rất được lòng những bạn đọc trọng sự tự nhiên và yêu vẻ đẹp nguyên sơ: Chiếc giường nhỏ tí, một người ngủ thì vừa, hai người nằm thì chật. Mẹ bảo ông bà ngoại lấy nhau thì đóng cái giường này. Phong tục người Mông thế. Vợ chồng phải ngủ chung trên một cái giường chật không phải vì thiếu tre, thiếu gỗ mà để khi ngủ phải ôm nhau, nếu không ôm nhau thì sẽ rơi xuống đất. Vợ chồng giận nhau vẫn phải ôm nhau mà ngủ. Cái giường làm cho cái giận hờn mau qua, vợ chồng mau làm lành…”. Nếu không hoà mình vào cuộc sống của người dân vùng cao thì thật khó có thể viết được những đoạn văn như thế. 

      *

      *    * 

      Đã có không ít người lo lắng về văn học trẻ với những lời báo động về sự xa rời cuộc sống, tránh né những đề tài khó, chạy theo những thị hiếu tầm thường của độc giả đám đông với những chiêu thức câu khách thị trường... Sự lo lắng ấy có phần thái quá, bởi vẫn có nhiều tác giả trẻ lặng lẽ lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, say mê. Trong khi phần đông tác giả cùng lứa còn quẩn quanh với những câu chuyện vụn vặt “của tôi” với những đau khổ tưởng tượng thì họ đã vượt thoát ra cái “tôi” vị kỉ để đến với cuộc đời rộng lớn. Họ có học vấn, đọc nhiều, nhưng dám đằm mình vào cuộc sống, giúp trang viết tránh được bệnh salon nhợt nhạt. Họ có thế mạnh về ngoại ngữ, tin học để tiếp cận với những trào lưu văn học thế giới nhưng biết dựa vào những giá trị truyền thống. Họ sáng tạo hết mình nhưng luôn ý thức về trách nhiệm công dân của nhà văn với vận mệnh dân tộc, đất nước, cộng đồng. Bốn tác giả trên đây chỉ là những đại diện trong cuộc thi văn chương của một tạp chí, nhưng nhìn cách tiếp cận cuộc sống và sự rung động của họ trước những vấn đề lớn, có thể tự tin rằng dòng chảy văn học Việt Nam không bao giờ cạn nguồn kế cận. 

Tác giả: Đỗ Tiến Thụy

Nguồn tin: Văn nghệ trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây