Bìa sách và sự...phản cảm

Thứ năm - 10/12/2009 17:18 1.983 0

Bìa sách và sự...phản cảm

Họa sĩ có thể phóng tay với những cái tên sách chung chung, chứ một tập sách tên là "Tuyết trên đỉnh núi" mà nhà họa sĩ lại vẽ cảnh chiếc phao bơi dập dềnh trên biển thì thật là buồn cười, khó ai có thể chấp nhận nổi!
1. Còn nhớ, cách đây ít năm, dư luận đã một phen xôn xao khi NXB Hội Nhà văn phải ra công văn yêu cầu Công ty Văn hóa và Truyền thông V.T. (xin được viết tắt) - đơn vị liên kết xuất bản cuốn tiểu thuyết "Cọng rêu dưới đáy ao" phải thu hồi cuốn sách vì trong quá trình in ấn, phía đối tác đã "vi phạm những quy định về xuất bản". Làm việc với nhà văn Nguyễn Phan Hách, Giám đốc NXB Hội Nhà văn khi ấy, chúng tôi được biết "những quy định về xuất bản" nói tới đây chính là việc Công ty V.T. cho in lời giới thiệu, quảng cáo ngoài bìa sách một cách thái quá, gây ảnh hưởng không tốt về chính trị và cũng không có lợi cho chính tác giả cuốn tiếu thuyết nói trên. Điều cơ bản là lời quảng cáo lợi bất cập hại này do phía đối tác tự biên tự diễn, không hề được lãnh đạo NXB Hội Nhà văn thông qua.

Không rõ những điều ông Nguyễn Phan Hách nêu chính xác đến đâu, nhưng có một thực tế đập ngay vào mắt người đọc khi tiếp xúc với cuốn tiểu thuyết này là: ở góc dưới cùng bìa một, chỗ vốn vẫn dành để in tên đơn vị xuất bản, thay vì dòng chữ Nhà xuất bản Hội Nhà văn lại là một dải... băng đen. Nghĩa là, nhìn bìa một của cuốn sách, người ta có thể ngộ nhận đây là sách in lậu, vì không ghi tên đơn vị xuất bản.

Tại sao lại có hiện tượng trớ trêu vậy? Dải băng đen kia nói nên điều gì? Nhà văn Nguyễn Phan Hách tiết lộ: "Đấy là do trước đó "nó" (tức công ty V.T.) xin giấy phép ở bên Văn học, tưởng bên ấy cho tới nơi, mới đưa in bìa trước với dòng nhãn mác Nhà xuất bản Văn học. Có ngờ đâu "tay" Nguyễn Cừ - Giám đốc bên ấy - cũng là một tay "tinh quái", không duyệt, nên mới xảy tình trạng ruột đề một nơi, bìa ghi một nẻo. Dòng kẻ bôi đen kia chỉ là một cách chữa cháy của Công ty V.T., chẳng phải là một cái "điềm" gì đó với đơn vị chúng tôi như người này người kia suy diễn".

Trao đổi với ông Nguyễn Cừ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, chúng tôi được xác nhận điều ông Hách vừa nêu là sự thật.

Ở đây, tôi xin phép không đi sâu phân tích những lợi - hại từ việc cho ấn hành những cuốn sách nói trên. Điều tôi băn khoăn là tại sao ngày càng phổ biến hiện tượng "tiền trảm hậu tấu" trong khâu in ấn, phát hành sách. Dạo quanh thị trường xuất bản, đây đó độc giả lại bắt gặp những cuốn trang bìa thì in tên nhà xuất bản này, nhưng ở trang ruột lại in tên nhà xuất bản kia.

Ví như cuốn "Kho tàng truyện cổ Grim" do dịch giả Vũ Bội Tuyền dịch, dày hơn ngàn trang, ấn hành cách đây mấy năm, bìa thì mang "nhãn" Nhà xuất bản Văn học, ruột đề tên người chịu trách nhiệm xuất bản lại là ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Hay như bộ tiểu thuyết "Đất vỡ hoang" của văn hào Nga M.Sôlôkhốp cũng mang nhãn Nhà xuất bản Văn học, nhưng ruột lại ghi tên một nhà xuất bản khác... Có thể nói, hiện tượng các đối tác đưa duyệt nội dung sách song phần bìa thì qua mặt các nhà xuất bản là một hiện tượng phổ biến.

Phải chăng vì lãnh đạo các đơn vị xuất bản bị qua mặt như vậy nên bạn đọc mới có thể thoải mái được tiếp xúc với những bìa sách thuộc dạng quái chiêu. Ví như: Thay vì nói những cái hay, cái đẹp của nội dung sách hoặc cái tốt, cái tài của tác giả, người ta lại quay ra "vạch áo cho người xem lưng", thi nhau "nói xấu" hoặc "phô" cho bạn đọc thấy những điểm thực chất là không đáng khuyến khích của cả tác giả lẫn tác phẩm, khiến bạn đọc không khỏi thắc mắc đặt câu hỏi: Nếu cứ như vậy thì họ xuất bản các cuốn sách ấy làm gì nhỉ?

Chẳng hạn, ở bìa cuối cuốn "Phải lấy người như anh" của tác giả Trần Thu Trang (NXB Lao Động ấn hành quý I-2007), người ta đọc thấy những dòng nhận xét bi hài về cuốn sách: "Cốt truyện không có gì nổi bật và hấp dẫn, tình yêu được khắc họa hời hợt, sơ sài, thiên về hình thức và xác thịt".

Cuốn "Tình ơi là tình" của nữ văn sĩ người áo Elfriede Jelinek (NXB Đà Nẵng ấn hành cuối năm 2006), ngoài việc ở bìa 1 in bức ảnh một khoảnh… mông trần của phụ nữ, thì ở phần gấp mép bìa 4 là đôi dòng quảng bá: "Bằng lối viết đầy khiêu khích không hề đứng về phía con người, nữ tác giả không đếm xỉa đến ma quỷ thánh thần đã trả lời câu hỏi đó với "sự mỉa mai hoan lạc" và nỗi bi quan tàn khốc vẫn thường thấy ở bà". Không rõ thực hư bên trong của cuốn tiểu thuyết thế nào? Có đúng như những lời nhận định nói trên? Nhưng như vậy, chẳng lẽ trên đời lại có một nhà văn không hề đứng về phía con người để đứng về phía… con vật hay sao?

Dẫu sao những lời giới thiệu, quảng bá lạ đời nói trên vẫn mới chỉ tập trung xoay quanh chất lượng nghệ thuật cũng như chủ đề, khuynh hướng của tác phẩm. Cuốn "Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê" của hai tác giả Trung Quốc Vương Sóc, Lão Hiệp do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2002 mới là cuốn có cách giới thiệu tác giả chẳng giống ai. Nói chẳng giống ai là vì, ở phần bìa 4, các nhà làm sách cho in lời tự sự của Vương Sóc: "Tớ là kẻ bất lương, việc gì tớ phải sợ ai". Kế đó là lời nhận định của một đồng nghiệp về ông: "Sách của Vương bán rất chạy, chính vì vậy rất nhiều cây bút căm thù ông đến cùng cực. Họ bảo Vương đích thực là một kẻ bất lương. Họ chỉ trích ông càn quấy, là điếm nhục của văn chương Trung Quốc".

Thiết nghĩ, nếu đúng là có ai đó từng nhận xét về nhà văn họ Vương như vậy, trong khi thực tế không phải vậy, thì các nhà làm sách cần có lời phản biện. Còn nếu ông đúng là "điếm nhục của văn chương Trung Quốc" thì ta tổ chức dịch, quảng bá cuốn sách với bạn đọc Việt Nam làm gì?

Tất nhiên, đọc những lời giới thiệu kiểu trên cũng có không ít người cho rằng đó là mẹo làm sách, một thứ quảng cáo dựa trên sự… khiêu khích độc giả. Chao ôi, nếu vậy, chẳng lẽ có một bộ phận độc giả của chúng ta lại xuống cấp đến thế sao?  

Ngoài cách gây "sốc" bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ... kể trên, lại có một số cuốn sách được thiết kế bìa nhằm "giải tỏa" một nỗi niềm gì đó thuộc về lĩnh vực tâm linh. Như có nhà thơ đã cho in ở bìa 4 hình ảnh một cậu bé chừng vài tháng tuổi, ở truồng, nằm chổng "cần câu" trong tư thế chuẩn bị... tè. Bên dưới là dòng tên tác giả và năm sinh của anh. Thoạt đầu, mọi người ngỡ tác giả vì quá yêu con nên thay vì in ảnh mình, đã quyết in ảnh con mình, song hỏi ra mới biết đó chính là ảnh... tác giả chụp cách đấy hơn bốn chục năm. Lại hỏi, tại sao anh cho in ảnh trên, thì được tác giả trả lời: Vì trong tập thơ có nhiều bài nói về cái chết, nên nếu không muốn để nó "ứng nghiệm" vào đời tác giả thì - theo lời khuyên của một ông thầy số "cao tay"- cần phải in ảnh trẻ con, và cái "cần câu" kia là biểu tượng cho... sự sinh. Tóm lại, đó là một cách để... giải hạn(?!).

Gần đây nhất, dư luận cũng không khỏi có ý kiến trước việc tác giả trẻ C.V.K. đã cho xuất hiện ở bìa cuốn sách mới xuất bản của mình tấm hình cô đang cởi (hay là cài lại?) khuy áo ở khu vực khá nhạy cảm. Hẳn không phải ngẫu nhiên tác giả chọn bức ảnh này để trưng ra trước bàn dân thiên hạ, bởi ngay cái tên sách cũng được nhiều người cho là một cách "mồi" trai...

Suy cho cùng, những điều chướng tai gai mắt nói trên chỉ làm giảm lòng yêu mến của những người đọc đích thực đối với tác giả các tập sách đó mà thôi.

2. Trong báo Văn nghệ Công an, ở bài viết "Đạo tranh đạo ảnh ở các nhà xuất bản: Một hiện tượng dễ được cho qua?", tôi có nêu hiện tượng nhiều họa sĩ Việt Nam khi dùng các họa phẩm của các tác giả nước ngoài để thiết kế bìa, song trong ruột sách lại ghi là mình "vẽ bìa", như vậy là vô tình biến mình thành kẻ... đạo tranh. Trong bài viết này, tôi xin nói thêm về một hiện tượng nữa: Đó là hiện tượng chọn tranh, chọn ảnh để thiết kế bìa song không mấy đoái hoài tới sự phù hợp hay không của nội dung, thậm chí là ngay với tên sách.

Ai đó từng coi cái bìa của một quyển sách như cái áo của nó. Thiển nghĩ, việc làm đẹp một cái bìa còn có phần khó hơn là việc may nên một cái áo đẹp. Và đó không phải là cái đẹp tự thân mà phải phù hợp với nội dung. Họa sĩ có thể phóng tay với những cái tên sách chung chung, chứ một tập sách tên là "Tuyết trên đỉnh núi" mà nhà họa sĩ lại vẽ cảnh chiếc phao bơi dập dềnh trên biển thì thật là buồn cười, khó ai có thể chấp nhận nổi!

Họa sĩ Văn Sáng - một trong những chuyên gia hàng đầu về việc trình bày bìa sách ở Việt Nam hiện nay cũng tán thành quan điểm này của chúng tôi khi trong một bài trả lời phỏng vấn Báo Thể thao & Văn hóa, đã nêu một số dẫn chứng mà anh xem là khó có thể chấp nhận được, ấy là việc nội dung sách một đằng, bìa làm một nẻo.

Ví như, ở bìa bộ "Kim Bình Mai" (tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc), đáng lý ra phải vẽ những cô gái với trang phục thời trước, họa sĩ lại vẽ họ vận trang phục quá... mốt, quá hiện đại, thậm chí gương mặt một cô trong đó lại còn rất... Tây nữa.

Tôi rất tán thành vấn đề Văn Sáng đặt ra và nhận thấy, hiện tượng "ông chẳng bà chuộc" - tên sách (hoặc rộng hơn, là nội dung sách) một đằng, tranh vẽ (hoặc ảnh chọn) một nẻo, là hiện tượng không phải ít gặp ở nhiều ấn phẩm văn nghệ hiện nay.

Xin nêu một số ví dụ:

Ở mặt tiền của cuốn "Rembrandt bán xác" (tập truyện ngắn Hungary) do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2002 cũng có cách minh họa rất không ổn, nếu đối chiếu với nội dung. Nhiều người đã biết, thời danh họa Hà Lan Rembrandt sống, nước Mỹ chưa hình thành. Vậy mà người làm bìa lại cho in chình ình ở mặt ngoài cuốn sách hình ảnh một bàn tay đang xòe ra những tờ đôla có in hình các vị Tổng thống Mỹ, những người so với Rembrandt thuộc diện hậu thế. Người không biết chuyện không nói làm gì, chứ biết thì thấy việc minh họa nội dung cuốn sách bằng một hình ảnh như thế quả là... hài hước.

"Bức họa Maja khỏa thân" là tên một cuốn tiểu thuyết trứ danh của nhà văn Mỹ Samuel Edwards, viết về cuộc đời sôi động, đầy bão lửa của danh họa Tây Ban Nha Francisco de Goya, tác giả bức tranh "Maja khỏa  thân" tuyệt tác. Từ nhiều năm trước, cuốn tiểu thuyết đã được dịch in ở ta và năm 2002, NXB Thanh niên cũng đã cho tái bản cuốn sách này dưới dạng tóm lược.

Điều mà ai tiếp xúc cũng phải lấy làm ngạc nhiên là trên bìa, thay vì bức hình nàng Maja khỏa thân (như tên sách gọi ra), người trình bày bìa lại cho in hình một cô gái với tấm voan mỏng, hai tay quàng sau gáy và trong một tư thế hoàn toàn khác (nửa ngồi nửa quỳ). Phải vì người làm bìa không biết tới bức "Maja khỏa thân"? Hoặc vì biết nhưng muốn dùng một hình ảnh khác cho "kín đáo" hơn?

Nếu vậy thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao không thay thế bức "Maja khỏa thân" bằng bức "Maja vận trang phục" (cũng là một tác phẩm nổi tiếng của Goya)? Chứ sách có tên gọi "người thực, việc thực" mà lại cho bố trí ngoài bìa hình ảnh một cô nàng... lạ hoắc thế này thì thực là vô lý.

Với cuốn hồi ký văn chương "Maiakovski và mối tình câm" của nữ văn sĩ Pháp Elsa Triolet (NXB Tổng hợp Đồng Nai ấn hành năm 2004), nhà làm bìa - thay vì sử dụng các bức ảnh (rất sẵn) về Maiakovski và những người bạn gái của ông, kể cả ảnh ông với Elsa Triolet, đã "phóng khoáng" cho in bức tranh của một họa sĩ trong nước, vẽ chân dung một nhân vật nào đó - cũng người trong nước. Bởi vậy, thoạt nhìn bìa sách, ai cũng ngỡ đây là tập truyện sáng tác, chứ không phải sách "người thật việc thật", và của tác giả ngoại quốc.

Tất nhiên, không ai đòi hỏi các hình trên bìa sách phải đúng i sì như tên sách, nhưng nó cũng không được "đá" nhau quá. Bởi một khi ta đã coi tấm bìa là sự minh họa cho tên sách, hoặc nội dung sách, thì nó phải tuân thủ một số qui ước tối thiểu. Nếu không như vậy, tự thân nó sẽ tạo cho người đọc một sự phản cảm ngay từ khi mới tiếp xúc với cuốn sách ở mặt hình thức.

Tác giả: Tường Duy

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây