Cuộc thi Văn học tuổi 20 năm nay, một dấu hiệu mừng

Thứ bảy - 04/09/2010 01:36 1.683 0
Một trong những điều thú vị đối với những người được giao chấm giải Văn học tuổi 20 là chỉ được đọc và chọn trao thưởng cho những tác phẩm mà mình không hề biết tên tác giả, chỉ biết một mã số bí ẩn cho đến trước khi giải được chính thức công bố mấy ngày.

Và lần này riêng đối với tôi điều thú vị và niềm vui đó càng được nhân lên: tôi gặp rất nhiều người chưa hề quen biết, chưa hề nghe tên và đọc được gì của họ. Còn gì vui hơn được gặp những tài năng mới, mà lại gặp rất bất ngờ!

Chẳng hạn khi đọc những truyện ngắn trong tập Cô con gái ngỗ ngược, nhất là truyện Đứa trôi sông, tưởng như nghe thức dậy đến cay nồng cái sức sống rất thô, rất mộc, rất xù xì, cay đắng mà đầy yêu thương, thật dữ mà thật đằm, rất đặc trưng của người và đất miền Tây Nam bộ, tôi cứ đoán mò hẳn phải là một cây bút nam từng trải và mạnh mẽ, cái kiểu những anh chàng cầm bút tôi từng biết dưới ấy, có thể chẳng cần chút mồi nào vẫn ngồi nhậu được suốt đêm và kể cho ta nghe bất tận những chuyện kỳ lạ chỉ dưới ấy mới có được...

Hóa ra tôi nhầm. Tác giả là một người viết nữ, mà tôi và chắc phần lớn người đọc chưa từng nghe tên, và thú thật lần này tôi mong được gặp quá. Không dễ gì có được một văn phong và một tâm hồn mãnh liệt mà đằm sâu đến thế. Thật bản lĩnh.

Vâng, cuộc thi lần này ta lại vui mừng có được những phát hiện như vậy. Và phát hiện nào cũng đáng chú ý, đều có sắc thái riêng, tất nhiên ở những mức độ khác nhau, có người đã lộ khá rõ diện mạo, có người còn manh nha nhưng trong văn học và nghệ thuật vẫn vậy, có khi chính cái manh nha lại càng hứa hẹn và khiến ta muốn chăm chú theo dõi. Manh nha như ở Giảng đường yêu dấu, Tạm trú, Những giao diện ẩn, Những chuyển điệu, Giấc mơ bên gốc vú sữa...

Đã khá chắc tay như tác giả tập Visa, sắc sảo, có lúc đến đáo để - và là sự đáo để đúng khi cần thiết phải thế, đồng thời lại cho thấy khả năng của một cây bút có thể biến hóa phong phú, một tác giả có thể tự hóa thân trong nhiều tư cách và tâm trạng khác nhau, đồng thời vẫn có sự quán xuyến và dấu ấn riêng của mình. Có cảm giác một tác giả đã hình thành khá rõ. Và vậy thì thật mừng.

Cũng chính qua Visa, ta nhận ra một nét rất đáng chú ý được thể hiện qua cuộc thi này: có lẽ chúng ta đã bắt đầu có được, mà là có được tương đối rõ, một lớp, hay là dấu hiệu của một thế hệ những người viết mới để nói về những người trẻ của xã hội chúng ta hôm nay, của thời hội nhập, của hiện đại hóa, của toàn cầu hóa. Cái thời buộc thế hệ này phải phơi mình ra trước những thách thức, trong đó có những thách thức dữ dội về văn hóa, về lối sống, về những chiều sâu nhất của con người để khẳng định mình, tồn tại và phát triển - bởi vì muốn nói gì thì nói, chính họ sẽ và phải làm chủ cuộc sống này, xã hội này, đất nước này - chứ không phải chúng tôi, những người đã “cũ”! Truyện Visa được viết như một cuộc tranh luận văn hóa mới mẻ và độc đáo, cởi mở và ráo riết mà thời những người “cũ”chúng tôi chưa có, chưa thể có. Có phải đang hình thành văn học của ngày hôm nay mà chúng ta vẫn chờ?

Tiểu thuyết Biển là một kiểu độc đáo khác. Mới thoáng đọc cứ ngỡ là một bút ký hơi hững hờ của một người lẩn thẩn kể hết chuyện này qua chuyện khác về những cuộc hành trình hơi lạ của một nghề hơi lạ: nghề làm thủy thủ thuê trên các con tàu viễn dương nước ngoài. Nhưng rồi dần dần ta nhận ra: hóa ra tác giả đã biết dùng cái không gian hết sức chật chội, bức bối của một con tàu lang thang cô độc trên những đại dương mênh mông hoang vắng, đến như biệt lập khỏi thế giới, để nhốt vào cả một xã hội với bao nhiêu số phận, bao nhiêu tính cách, bao nhiêu ước mơ ngây thơ hay hão huyền và tham vọng xảo trá, xấu và tốt, thiện và ác, thật và giả, hạnh phúc và đau khổ, đáng cảm thương và đáng buồn cười hay cả căm phẫn... của con người.

Đây là một người viết rất biết tự kiềm chế, không hề, không cần to tiếng, nghĩa là một người biết rất nhiều, rất từng trải để có thể nói rất ít, rất vắn, và nhiều khi với một nụ cười nhẹ nhàng, nhân hậu, pha chút mỉa mai. Nhân đây nên nhớ giọng điệu mỉa mai là một trong những đặc trưng của tư duy tiểu thuyết hiện đại. Thật vui là cuộc thi Văn học tuổi 20 lần này của chúng ta đã có được một hiện tượng quý như vậy...

Có lẽ tôi đã “tiết lộ” hơi nhiều về kết quả cuộc thi năm nay, nói sớm nhiều nữa có thể sẽ làm giảm hứng thú của người đọc. Chỉ xin nói một cảm giác cuối: Vậy là vẫn có thể hi vọng vào nền văn học hôm nay của chúng ta. Có thể tin những người cầm bút “tuổi 20” đang và sẽ làm nên thời văn học xứng đáng của họ, ở bên ngoài cái ồn ã vô bổ của các hội hè.

Thật mừng.

NGUYÊN NGỌC (thành viên ban chung khảo)

 

9 tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 4

Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác “Văn học tuổi 20” do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức sẽ diễn ra vào 9g ngày 5-9-2010 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Năm nay, ban tổ chức quyết định giữ kín kết quả chung cuộc cho đến tận lễ trao giải, chỉ công bố danh sách chín tác phẩm - tác giả đoạt giải, gồm: các tập truyện ngắn Thuê bao quý khách (Hương Thị), Cô con gái ngỗ ngược (Võ Diệu Thanh), Tạm trú (Đỗ Duy), Visa (Hải Miên) và các tiểu thuyết: Giảng đường yêu dấu (Mai Anh Tuấn), Biển (Trương Anh Quốc), Những chuyển điệu (Nguyễn Thiên Ngân), Giấc mơ bên gốc vú sữa (Nguyễn Thị Mạnh Hà), Những giao diện ẩn (Trịnh Thị Mỹ Ngọc - bút danh Thiên Di)...

Có 23/197 bản thảo dự thi được chọn vào vòng chung khảo 1, và vòng chung khảo 2 đã chọn lại 12 bản thảo. Chín tác phẩm đoạt giải cùng ba tác phẩm khác vào chung khảo vòng 2 đã được in sách và sẽ phát hành từ ngày 5-9.

L.TH.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây