Nhà văn Lê Lựu: Kể chuyện “đi sứ” văn học đến Mỹ

Thứ hai - 31/05/2010 13:02 1.917 0

Nhà văn Lê Lựu (phải) đã khóc khi kể lại những kỷ niệm đi Mỹ, bên trái là Bruce Weigl, Kevin Bowen

Nhà văn Lê Lựu (phải) đã khóc khi kể lại những kỷ niệm đi Mỹ, bên trái là Bruce Weigl, Kevin Bowen
Trong khuôn khổ Hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh (diễn ra từ ngày 28/5 đến 3/6), một nhân vật được cho là một trong những “sứ giả văn học đầu tiên” đưa văn học Việt sang Mỹ là nhà văn Lê Lựu không có mặt do sức khỏe không tốt.

Chiều muộn hôm qua, 30/5, đoàn nhà văn cựu binh Mỹ thuộc Trung tâm William Joiner (WJC) đã đến thăm nhà văn Lê Lựu tại nhà riêng vừa để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên, vừa để mời Lê Lựu đi Hòa Bình tham dự Hội thảo sẽ khai mạc vào sáng ngày 2/6 tới…

“Cứ liều mà đi”

Bắt đầu từ năm 1987, nhà thơ Kevin Bowen, Giám đốc Giám đốc Trung tâm William Joiner (WJC) đã chủ trương mời nhà văn Việt Nam sang và giới thiệu và giao lưu với Trung tâm.  

 

Thời gian làm người lính của tôi ở VN đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trước hết, nó đưa tôi ra khỏi cái vỏ mà tôi đã lớn lên giữa những người thuộc tầng lớp công nhân là gia đình tôi và các bạn bè tôi, nó buộc tôi phải làm quen với những nền văn hóa khác, và kiểu người khác, tất cả những điều đó khiến một người trở nên mạnh mẽ hơn và có lòng trắc ẩn hơn. Tôi không phải kiểu người điển hình để trở thành nhà văn. Đất nước VN, dân tộc VN và những trải nghiệm của tôi đã góp phần định hình nên con người tôi bây giờ. Tôi cảm thấy tôi là một người mạnh mẽ hơn và tốt hơn nhờ những trải nghiệm này và tôi cảm giác rằng VN luôn là 1 trong 2 đất nước của trái tim tôi (Nhà văn Bruce Weigl)

Trước đó, ông ta đã từng sang Việt Nam, thăm lại chiến trường và thăm lại những nơi ông đã từng đến ở. Lúc đó, Kevin Bowen chưa hiểu nhiều về Việt Nam, nên những năm 1986 -1987, đạo diễn Hồ Quang Minh, sống ở Thụy Sỹ, đã được Kevin nhờ tìm và giới thiệu cho một số nhà văn cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. Lúc đó, Hồ Quang Minh đang làm phim với Lê Lựu và cũng có những giao lưu với Ngụy Ngữ. Cuối cùng Hồ Quang Minh đã giới thiệu hai người này.

Đây là hai người đầu tiên mở đường cho việc các nhà văn Việt sang Mỹ. Ngày đó, theo Kevin Bowen cho biết thì do những trục trặc trong việc cấp visa hạng công dân đầu tiên đã khiến cho hai nhà văn Việt Nam phải chờ ở Bangkok 3 tuần. Kevin đã rất nhiệt tình và mất rất nhiều công sức liên lạc với chính quyền Mỹ để việc làm thủ tục được thuận lợi và cuối cùng chỉ có Lê Lựu là có thể tiếp tục cuộc hành trình tới Mỹ.

Nhà văn Lê Lựu kể lại: “Tôi không dự định gì cả mà cứ liều mà đi. Tiếng Anh tôi không biết, vé máy bay tôi không có. Khi có vé rồi, lên máy bay thì nó bay đi đâu, hạ sân bay nào mình cũng chả biết luôn. Anh Lê Mai mách nước cho tôi: “Bí quá thì ông cứ nói “help me!” (giúp tôi) thể nào cũng có người giúp!”. Tôi nghe lời anh Lê Mai cứ cầm vé nói “help me! help me!”... Khi máy bay hạ cánh, gặp một nhân viên của hãng hàng không Boeing tôi lại “help me!”. Người nhân viên này giúp tôi gọi điện cho anh Kevin sau đó anh ta bảo tôi cứ ngồi chờ rồi có người đến đón. Được hồi lâu, có một anh tên là Minh, người Việt Nam gọi điện lại hỏi tôi có phải là Lê Lựu không? Tôi được một người bạn bảo anh đi Mỹ chơi và tôi có nhiệm vụ phải hướng dẫn cho anh khi đi lại ở Mỹ. Thế rồi anh ta hướng dẫn tôi về Boston bằng cách bảo tôi ra cửa số 2 ngồi chờ chuyến bay tiếp theo để về Boston. Lúc đó mới 8 giờ sáng và tôi cứ hết đứng lên ngồi xuống, hết ăn bánh mì lại uống nước khoáng, vạ vật chờ đến 9 giờ tối để lên máy bay.

Những “kẻ thù xưa” dần thay đổi thái độ

Đến Boston, nhà văn Lê Lựu được Nguyễn Bá Chung, Kevin Bowen và một số người khác trong WJC ra đón và đưa về WJC. Trong một tháng tá túc ở WJC, nhà văn Lê Lựu đã làm... “tiêu hao kinh tế” của Trung tâm bằng việc đêm nào cũng gọi điện thoại đường dài về Thái Lan cho bạn bè, thời gian mỗi cuộc nhẩm ra cứ phải trên dưới một tiếng đồng hồ chứ chẳng vừa. Sau đó, biết Trung tâm còn nghèo vì chưa có nguồn tài trợ nhưng vẫn im lặng trả tiền điện thoại cho ông thì đâm ra áy náy lắm.

Bên cạnh kỷ niệm vui đó, nhà văn Lê Lựu còn có những kỷ niệm không thể nào quên mà mỗi khi nhắc lại ông không cầm nổi nước mắt. Ấy là trong một hội thảo về văn học do WJC tổ chức lần ấy có khoảng 50 người và theo như nhà văn Lê Lựu “điểm mặt” thì nhận ra trong số họ có “nhiều người là kẻ thù”. Suốt buổi diễn ra Hội thảo, ông bị “vây hãm” bằng những câu hỏi hằn học, giễu cợt rất khó chịu. Nhà văn Lê Lựu kể: “Có những câu hỏi tôi cho là rất châm chọc như: “Có muốn quan hệ với Mỹ không? Nếu muốn thì ông sang Mỹ để xin cái gì? Chúng tôi còn 41 xác người Mỹ nữa các anh để ở đâu? Nếu trả hết số xác lính Mỹ ấy thì đổi lại chúng tôi sẽ cho ông thóc”?!...


Chụp ảnh lưu niệm phía trước nhà Lê Lựu trước khi giã biệt

Thuật lại những câu giễu cợt này, nhà văn Lê Lựu lại úp tay lên mặt khóc. Nhà văn Bruce Weigl ngồi kế bên ôm Lê Lựu an ủi với một thái độ như là sự hối lỗi thay cho những người đã “xúc phạm ông” cách đây hơn 20 năm. Dừng hồi lâu, Lê Lựu lại kể: “Tôi đã trả lời rằng: Sao các anh nỡ xem thường người dân Việt Nam thế? Sao các anh ác thế? Sao lại đổi gạo để lấy xác đồng đội thế...?”.

Sau lần ấy, thái độ của một số người đã dần thay đổi. Các nhà văn của WJC liên hệ với các trung tâm văn hóa, các trường học xin cho Lê Lựu đến nói chuyện về văn học chiến tranh ở Việt Nam và hầu như không nơi nào từ chối. Kevin Bowen cho biết: “Ngày ấy, Lê Lựu mỗi ngày phải đi nói chuyện 3 ca mỗi ngày và thường mỗi ca khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Tôi thấy Lê Lựu rất mệt nhưng nói chuyện thì hăng và rất nhiệt tình. Ông ấy làm chúng tôi mệt lây và tôi đã nói với ông ấy rằng: Ông đã thấy nỗi khổ của người nổi tiếng chưa? Ông đã thấy người Mỹ quý mến ông như thế nào chưa?

Khai thác tâm hồn con người Việt Nam sau chiến tranh

Đánh giá về vai trò của trung tâm WJC trong việc truyền bá văn học Việt Nam đến Mỹ trong suốt mấy chục năm qua nhằm tăng cường sự hiểu biết của công chúng Mỹ với con người và đất nước Việt Nam, nhà văn Lê Lựu bày tỏ: Sự bền bỉ của WJC, trong việc hàng năm vẫn tổ chức các cuộc hội thảo về văn học, văn hóa giữa các nhà văn, nhà thơ, các nhà làm văn hóa của hai nước đã giúp phần nào hóa giải những hận thù giữa hai dân tộc tiến tới một tương lai tốt đẹp.

Một việc làm của WJC khiến tôi rất xúc động là mặc dù văn học Việt Nam ở Mỹ được dịch rất ít nhưng bù lại WJC đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học (dù ít ỏi) của Việt Nam vào các trường ĐH ở Mỹ. Tôi cho WJC đang tiến hành “khai thác tâm hồn con người Việt Nam sau chiến tranh” và văn học chính là cái cớ để họ từng ngày nỗ lực thực hiện mục đích cao cả ấy”!

“Tôi tin chắc rồi đây, văn chương VN sẽ xuất hiện ngày càng nhiều với độc giả Mỹ thông qua những bản dịch và sự quảng bá nhiệt tình của WJC. Tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy ảnh hưởng của những tác phẩm đó với công chúng Mỹ về Việt Nam qua góc nhìn của người Việt. Qua đó, họ có thể mở rộng góc nhìn văn hóa của mình bằng cách học về một đất nước xa xôi mà từ trước cho đến nay và sau này nữa đã được gắn kết với nhau càng trở nên vững chắc” - nhà văn Lê Lựu khẳng định.

Tác giả: Huy Thông

Nguồn tin: TT&VH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây