Xuất bản “Toàn tập” của các tác giả: Sao cho vẹn cả đôi đường?

Thứ hai - 31/05/2010 17:00 1.823 0

Bìa một số bộ sách “Toàn tập” của các nhà văn tên tuổi.

Bìa một số bộ sách “Toàn tập” của các nhà văn tên tuổi.
Vừa rồi, gặp ông Nguyễn Cừ, Giám đốc NXB Văn học tại lễ tang nhà thơ Hoàng Cầm, tôi được ông hồ hởi thông báo, phần văn xuôi (gồm bút ký, ghi chép, phê bình tiểu luận...) của nhà thơ Chế Lan Viên trong bộ "Toàn tập Chế Lan Viên" đã ra mắt bạn đọc.

Như vậy là phải tới gần chục năm, kể từ ngày phần thơ (gồm 2 tập, dày 1.400 trang) trong bộ "Toàn tập Chế Lan Viên" được ấn hành, đến nay, bộ "Toàn tập Chế Lan Viên" mới được hoàn tất. Lý do chắc chắn không phải vì "đầu ra" (bộ sách nằm trong kế hoạch được Nhà nước tài trợ). Càng không phải vì người sưu tầm, biên soạn không "nhiệt tình", bởi người sưu tầm, biên soạn bộ sách không ai khác mà chính là nhà văn Vũ Thị Thường, người bạn đời tận tụy của tác giả.

Cái "vướng" - theo ông Nguyễn Cừ, là trong việc xuất bản "Toàn tập Chế Lan Viên", ông rất không yên lòng nếu cho in lại những bài nghị luận, tạp bút của nhà thơ  về một số nhân vật cũng như tình hình chính trị, xã hội của một quốc gia trong khu vực.

Đó cũng là "vướng mắc" giữa nhà xuất bản và đại diện gia đình nhà thơ Chế Lan Viên - người giữ bản quyền tác phẩm của ông. Điều này khiến cho "Toàn tập Chế Lan Viên" mới ra mắt được phần thơ vào năm 2002, còn phần văn bị "kẹt", đến nay mới được khơi thông.

Hiện nay, trên thị trường sách, ta thấy xuất hiện nhiều bộ toàn tập tác phẩm của các tác giả đã thở thành cổ điển, "khuôn vàng thước ngọc" của nền văn học hiện đại Việt Nam. Đó là những bộ sách "Toàn tập" của Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh, Nam Cao, Tố Hữu... Một phần của các bộ sách này dán nhãn mác NXB Văn học, phần khác là của các NXB  Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà văn, Giáo dục...

Điều đáng nói là đa số các bộ "Toàn tập" này được thực hiện khi các tác giả đã giã từ dương thế. Bởi vậy, không ai dám khẳng định là số lượng tác phẩm được in đã đầy đủ  100%, xứng với tên gọi "Toàn tập" chưa? Và nếu còn sống, các tác giả có đồng ý in như vậy không? Điều tôi có thể chắc chắn rằng, việc in "Toàn tập" như thế, ở một số trường hợp là "lợi bất cập hại".

Thứ nhất, về mặt nghệ thuật, ai cũng biết là hành trình sáng tạo trong đời mỗi người không phải bao giờ cũng là một đường thẳng, lúc nào cũng sung mãn, và các tác phẩm được in ra, bên cạnh những bài hay, kiệt tác, không phải không có những bài dở, thậm chí ngô nghê, non kém khiến tác giả phải đỏ mặt khi nhắc lại.

Thứ hai, về mặt chính trị, xã hội, đời các văn nghệ sĩ không phải ai cũng trọn vẹn vinh quang, không có lúc va vấp, lầm lạc trong nhận thức được thể hiện ở bài viết này, cuốn sách nọ. Bởi vậy, việc xuất bản "toàn tập" tác phẩm của họ có thể làm cho độc giả, nhất là những độc giả vốn quen nhìn họ ở những góc độ quen thuộc trước đây cảm thấy ngỡ ngàng, thậm chí hẫng hụt, thất vọng.

Sẽ khó mà đảm bảo rằng, tình cảm của độc giả không bị "suy suyển" khi họ đọc thấy trong bộ "Toàn tập" của một nhà thơ lớn nọ một bài viết "chửi" một nhạc sĩ lớn kia với nhiều suy diễn, áp đặt quá đáng.

Nhà thơ  Xuân Diệu, trong một bài viết về sự nghiệp văn thơ của Tản Đà cũng có ý phàn nàn rằng "muốn nhắc đến hạn chế thì phải tốn công đào bới, lập lại hồ sơ, chỉ có ai "nghiên cứu" theo một hướng nào đó thì mới cò kè, kì cõm" và khẳng định "bản thân công chúng thì cũng chả muốn theo dõi công trình những ai nghiên cứu ấy, bởi công chúng muốn hưởng thụ cái hay cái đẹp mà thời gian đã lọc hộ cho mình...".

Nhà văn Từ Sơn, người sưu tầm, biên soạn bộ "Toàn tập Hoài Thanh" (NXB Văn học, 1999, gồm 4 tập) cũng đã nhắc lại lời dặn của cha mình (tức nhà văn Hoài Thanh) ở lời phi lộ "Cùng bạn đọc" như sau: "Nếu muốn đưa in cần cân nhắc kỹ". Vì vậy, theo Từ Sơn "Một số bài, một số đoạn viết của Hoài Thanh chúng tôi không đưa vào Toàn tập nếu xét thấy không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể hiện nay - dù trước đây các bài, đoạn viết ấy đã được in trên sách, báo".

Tất nhiên, quan điểm này có thể khiến một số nhà nghiên cứu, người làm văn học sử chưa hẳn đã hài lòng, nhưng điều đáng trân trọng ở Từ Sơn là, với quan điểm "tôn trọng toàn bộ những trang viết của Hoài Thanh đã in sách, đăng trên báo hoặc còn ở dạng di cảo", ông không sửa chữa câu chữ của thân phụ mình mà chỉ bỏ bài, hoặc bỏ đoạn, và trong những trường hợp này, ông đều "có chú thích bài nào, đoạn nào đã lược đi" để tiện cho người tra cứu.

Tại sao tôi lại nói cách làm này là đáng trân trọng? Về lý thuyết thì tất cả các bộ sách "Toàn tập" đều phải in lại tất cả những gì các tác giả đó viết nên, song điều này, trong thực tế chỉ xảy ra với một số rất ít tác giả. Ngay ở một số nước vẫn luôn xem mình là "tự do", "dân chủ" nhất thế giới, thì vẫn có những cuốn sách được đánh giá là tuyệt tác nhưng phải nhiều năm sau mới được xuất bản đầy đủ.

Ví như cuốn tiểu thuyết trứ danh "Ulysses" của James Joyce (1822-1941) đã được các tạp chí Egoist của Anh và Little Review của Mỹ đăng tải một số chương, nhưng khi in thành sách ở Pháp, Anh thì ở Mỹ, nó lại bị tịch thu, tiêu hủy và phải hơn chục năm sau, nước Mỹ mới bỏ lệnh cấm xuất bản tiểu thuyết này. Bởi vậy, tình hình chung là, để xuất bản được một cuốn "Toàn tập" nào đó tương đối... đầy đủ, các đơn vị xuất bản thường áp dụng biện pháp cắt gọt.

Người có lòng "trân trọng" tiền nhân thì có thể bỏ bài, cắt đoạn chứ không sửa chữ, nhưng không hiếm trường hợp, để bài viết "qua được", họ thẳng tay sửa chữa chữ nghĩa của tác giả, hoặc cắt phăng cả đoạn mà không có chú giải. Bởi vậy mà cách làm như của nhà phê bình Từ Sơn dẫu sao cũng là một cách làm khả dĩ hơn cả. 

Trở lại với phần văn xuôi trong "Toàn tập Chế Lan Viên", mặc dù chưa được tận mắt trông thấy bộ sách, song tôi tin chắc rằng một số bài nhà thơ viết trong những giai đoạn lịch sử có nhiều biến chuyển phức tạp trước đây không có mặt trong bộ sách. Ngay như "Toàn tập Tố Hữu" (do NXB Văn học ấn hành) mà vẫn khuyết một số bài từng một thời là chủ đề bàn ra tán vào của không ít người.

Điều này, như tôi đã nói, là việc dễ hiểu. Bản thân nhà thơ Chế Lan Viên, trong Lời giới thiệu "Tuyển tập Hàn Mặc Tử"  (NXB Văn học, 1987) cũng từng có ý rằng: Phải chấp nhận những bài bị cắt, hoặc bị gác lại, bởi có những bài cộng sản không in thì tư bản in, nhưng ngược lại cũng có những bài cộng sản in, nhưng tư bản sẽ không in.

Thậm chí, ông còn viết một cách hóm hỉnh rằng: Giáo hội mà có in cho Hàn Mặc Tử thì chắc sẽ lấy "Thượng thanh khí, nguồn tinh khí", nhưng "Nghi ngờ tới cái tiết trinh em" (một câu thơ của Hàn Mặc Tử - PTC) thì... đừng có hòng!

Có thể, cũng có người cho rằng việc xuất bản các bộ "Toàn tập" là cần thiết cho các nhà nghiên cứu văn học trẻ. Hãy coi những bộ sách đó là một thứ "tài liệu tham khảo trong diện hẹp". Nhưng làm sao có thể gọi là "tài liệu tham khảo trong diện hẹp" khi mà các bộ "Toàn tập" của các nhà văn, nhà thơ vẫn được bày bán ê hề tại các quầy sách báo lớn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như hiện nay?

Trao đổi với nhà văn Nguyễn Phan Hách, nguyên Giám đốc NXB Hội Nhà văn, chúng tôi được biết: Mặc dù là địa chỉ thân thiết của các văn nghệ sĩ, song thời ông làm Giám đốc, ông rất ngại khi duyệt in "Toàn tập" của một tác giả nào đó. Ông đưa cho chúng tôi xem bản thảo bộ sưu tập tác phẩm của Phan Khôi (thời kỳ trước cách mạng) - một bản thảo mà ông phải "cắm đầu cắm cổ đọc, không dám bỏ sót một chữ" và bảo: "Làm lãnh đạo phải có "lim". Như bài "Cây cờ đỏ nghĩa là gì?", nói cộng sản thế này mà in được à?".

Trao đổi với ông Nguyễn Cừ, Giám đốc NXB Văn học, chúng tôi cũng được biết: Trong việc xuất bản các bộ toàn tập tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, ông Cừ cũng rất chú ý tới việc những tác phẩm đó nếu in lại có ý nghĩa thế nào trong tâm lý tiếp nhận của độc giả hôm nay. Theo quan niệm của ông "Việc làm "Toàn tập" tác giả là cần thiết. Song toàn tập không có nghĩa là in tất cả. Vẫn có những bài cần phải bỏ". 

Tôi tán thành quan điểm cũng như cách làm của các ông Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Cừ đã nêu trên. Chỉ xin bổ sung: Tuy vẫn cần duy trì tốt việc tổ chức sưu tầm, tập hợp bản thảo cho các bộ "Toàn tập" của các tác giả lớn, nhưng trong trường hợp không đừng được, phải bỏ bớt bài thì cũng nên đổi tên sách. Không nên chỉ vì muốn gây sự tò mò ở độc giả bởi hai chữ "Toàn tập" mà vẫn giữ nguyên tên sách trong khi phần ruột thì không phải vậy.

Đặc biệt, khi đã cắt đoạn, hoặc gác bài nào đó, trong một tập sách nào đó thì phải chú thích cẩn thận. Những chỗ tác giả sửa lại sau này cũng cần phải ghi chú cho độc giả biết. Đó là một việc làm công phu, chính vì thế mà ở nhiều nước tiên tiến, có những bộ sách "Toàn tập" của một nhà văn, nhà thơ nào đó được thực hiện trong hàng trăm năm.

Tác giả: Phạm Thành Chung

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây