“Vết hằn” trên dung nhan làng văn

Chủ nhật - 30/05/2010 10:44 2.907 0

Lỗi sai morasse trên báo Văn Nghệ - Ảnh: L.Điền

Lỗi sai morasse trên báo Văn Nghệ - Ảnh: L.Điền
Ngay khi số 20 báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vừa in ra ngày 14-5, các bạn văn đã lên mạng kêu trời vì một lỗi morasse vô tiền khoáng hậu: ngay trên trang 1, tên truyện ngắn của nhà văn Ngô Phan Lưu được in là Làng quê thì mênh mônh (đúng ra phải là Làng quê thì mênh mông). Không những thế, trên trang 20 nơi in phần tiếp theo, tên truyện vẫn sai y như vậy: Làng quê thì mênh mônh.

Một sơ suất có thể cảm thông nhưng nhà văn Vũ Ngọc Tiến kể: “Tôi vẫn đặt mua Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ đều đặn vì đó là nhu cầu đọc của nhạc mẫu - một cụ bà năm nay đã 92 tuổi vẫn còn minh mẫn. Khổ nỗi, tuần nào tôi cũng phải nghe cụ cằn nhằn vì chất lượng nội dung, câu cú mắc lỗi chính tả hoặc kiến thức sơ đẳng của người viết lẫn người biên tập”.

Còn nữa, trên báo Văn Nghệ số 18 + 19 in đặc biệt kỷ niệm ngày 30-4 năm nay có đăng bài phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa, do Hà Nguyên Huyến thực hiện mang tên Những cột mốc sống. Ấy thế, nhưng khi số báo kỷ niệm trang trọng kia vừa ra, đích thân nhà thơ Trần Đăng Khoa đã phải cậy một website cá nhân kêu lên bằng một bài dài, chỉ ra các lỗi sai nghiêm trọng trong bài phỏng vấn ấy. Nhưng nghiêm trọng nhất là Trần Đăng Khoa sau khi đọc bài phỏng vấn mình đã phải đề nghị rằng: “Các bác nhà báo phỏng vấn Trần Đăng Khoa thì cũng phải để cho Trần Đăng Khoa tham gia với chứ. Làm báo thế này thì nguy cho người được phỏng vấn lắm”.

Một vết lỗi như thế ngay trong một bài có đề tài quan trọng trên số báo kỷ niệm quan trọng, nên báo Văn Nghệ đã phải đính chính. Nhưng sự việc khó lường, ngay trên bản đính chính bài viết của Hà Nguyên Huyến (cùng in trên số báo 20 ra ngày 14-5) cũng có lỗi sai. Đó là mặc dù Trần Đăng Khoa có nêu rõ tên tác giả của bài thơ Gặp lại các em là Nguyễn Đình Chiến (cùng đoạt giải A với Đợi mưa trên đảo Sinh Tồncủa Trần Đăng Khoa) trong bài viết chỉ ra các lỗi sai, thì trong bản đính chính báo Văn Nghệ in tên tác giả này là Nguyễn Việt Chiến (!).

Nhà văn Nguyễn Trí Huân - tổng biên tập báo Văn Nghệ: Những lỗi kỹ thuật trên báo Văn Nghệ thời gian qua chủ yếu do bộ phận morasse thiếu năng lực. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình, tổ chức lại bộ phận morasse để bảo đảm không còn các lỗi sai như thế. Chúng tôi cũng tính toán đến khâu đọc duyệt bản thảo cuối cùng phải kỹ hơn. Sắp tới Văn Nghệ có thể phải thuê một chuyên gia để đọc duyệt lại lần cuối trước khi in.

2. Những tin tức chấn động đến từ Hội Văn học nghệ thuật Đắk Nông lại càng làm cho dung nhan làng văn thêm xuống sắc.

Đó là chuyện bà Lê Thủy - trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung (Đắk Nông) - thản nhiên đạo văn của hàng loạt tác giả tên tuổi, thản nhiên ký tên mình và đăng trên tạp chí do mình làm trưởng ban biên tập. Theo phát hiện và thống kê của báo Tiền Phong, Lê Thủy đã “copy nguyên văn” và “copy có chỉnh sửa, xào xáo” tác phẩm của nhiều tác giả.

Làng văn càng choáng hơn khi báo chí loan tin: thủ phạm đạo văn ấy, trong bản tự kiểm gửi lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông, đã lý giải động cơ đạo văn là: “Em cũng muốn thử xem cả nước có ai đọc Nâm Nung không, hội trung ương có quan tâm tới hội địa phương không”.

3. Nếu nhìn xa hơn, dung nhan làng văn qua những cuộc thi văn chương ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây cũng đang kém sắc, gây nhiều tranh cãi về chất lượng. Gần nhất là cuộc thi bút ký đồng bằng sông Cửu Long lần 4 (2011) gặp nhiều sự cố.

Vướng víu với lối tư duy cục bộ (theo kiểu tỉnh nào tổ chức thì ban tổ chức muốn tác giả người tỉnh đó đoạt giải), năng lực ban giám khảo không ít lần khập khiễng, các cơ quan quản lý chưa sâu sát với đời sống nghệ thuật... đều ít nhiều góp phần làm nên sự thua kém như nhiều người đã thấy.

Những vết sẹo đã rộ lên với mật độ dày hẳn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa trong sự vận hành của một nền văn chương từng gặp phải những sự cố bất thường nhưng chưa được tháo gỡ.

Bệnh háo danh, khoảng cách giữa năng lực và nhiệm vụ, những thực trạng về đời sống văn nghệ sĩ, thậm chí cả việc chọn cách lập thân của một số người hôm nay... có thể đều ít nhiều tham gia vào làng văn như một phần của nguyên nhân dẫn đến các tệ trạng.

Kể cả lý do như ông Khúc Ngọc Vĩnh - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông - thổ lộ với báoTiền Phong hôm 9-4 vừa qua: “Tổ chức phân công thì phải làm, chứ tôi có bằng cấp gì đâu! Tôi trước ở bộ đội, sau về địa phương làm công tác Đảng. Đang ở bên đảng ủy khối các cơ quan tỉnh thì tổ chức điều qua hội làm chủ tịch. Sau đó đồng chí tổng biên tập cũ phải thôi vì văn hóa mới lớp 9, Cục Xuất bản yêu cầu tôi phải chịu trách nhiệm về tạp chí, tôi đành kiêm nhiệm!”, thì đó cũng chỉ là một phần nguyên do dẫn đến các “vết hằn” trên dung nhan làng văn.

Tác giả: Lam Điền

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây