Đến hội nghị, tôi đã gửi tập tư liệu trên cho Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo “Văn nghệ”; Dịch giả Thuý Toàn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam; Dịch giả Đào Kim Hoa, Phó trưởng ban Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, coi đây như một kênh thông tin tham khảo có cứ liệu hẳn hoi. Ngoài ra, còn thủ sẵn mấy tập để sẵn sàng nói có sách mách có chứng, khi phát biểu trong Hội thảo và trả lời phỏng vấn của các nhà báo trong và ngoài nước.
Không ngờ trong Hội nghị có nhà giáo trẻ Hoàng Hoa Hiến, đã từng làm chuyên gia cho Ban Trung văn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện nay là Giảng viên, Trợ lý chủ nhiệm Khoa tiếng Việt, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây còn “xin” một tập, để tham khảo trong giảng dậy. Đó là chưa kể ký giả văn hoá văn nghệ của nhiều cơ quan báo chí cũng “đòi” tập tài liệu tham khảo này. Không ngờ tập tài liệu “nội bộ” nhỏ nhoi lại hữu ích như vậy!
Không phải là người Trung Quốc không biết gì, hoặc biết rất ít ỏi về văn học Việt Nam đâu!
Văn học Việt Nam đã được giới thiệu trang trọng trong bộ sách công cụ tra cứu đồ sộ và quyền uy của Trung Quốc- Bộ sách “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư”, do Quốc vụ viện (Chính phủ Trung ương) nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định biên tập và xuất bản từ năm 1978, do Nhà xuất bản Trung Quốc đại bách khoa toàn thư phụ trách công tác lớn này. Bộ toàn thư tổng cộng có 80 quyển, mỗi quyển khoảng 12-15 triệu chữ Hán, dầy trung bình 700 trang khổ 19x26 cm (tương đương 2.100 trang dịch ra tiếng Việt).
Bộ môn Văn học chia làm 3 quyển (2 quyển văn học Trung Quốc, 1 quyển văn học nước ngoài).
Riêng phần “Văn học Việt Nam” trong quyển “Văn học nước ngoài” do bà Triệu Ngọc Lan, (Giáo sư giảng dậy Bộ môn tiếng Việt, Hệ Ngôn ngữ phương Đông, Học viện Ngoại ngữ, Trường Đại học Bắc Kinh) biên soạn.
Nữ giáo sư Triệu Ngọc Lan có thâm niên trên 30 năm giảng dậy tiếng Việt và đã độc lập hoặc tham gia biên soạn nhiều bộ sách quý về văn học Việt Nam, như bộ “Tuyển tập tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” gồm 3 tập, do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh ấn hành, năm 2004. Đây là bộ giáo trình bắt buộc đối với sinh viên khoa tiếng Việt của các trường đại học, cao đẳng ở Trung Quốc. Đặc biệt, bà biên soạn một cuốn sách nhan đề “Giáo trình phiên dịch Hán-Việt” có uy tín, do Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh ấn hành, tháng 1 năm 2002.
Giáo sư Triệu Ngọc Lan còn cùng giáo sư Lư Uý Thu (một trong hai người dịch tiếng Việt, được Trung Quốc xếp vào danh sách những nhà phiên dịch ưu tú của Trung Quốc từ xưa đến nay, bà đã dịch nhiều thi phẩm của nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong đó hai bài thơ của Lưu Trọng Lư được người đọc Trung Quốc ưa thích: “Tiếng thu”, “Mưa…mưa mãi”) giới thiệu “Văn học Việt Nam” trên tạp chí “Văn học nước ngoài” (song nguyệt san của Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh) số 1 năm 1980, với 7 trang tạp chí khổ lớn, tương đương 21 trang dịch ra tiếng Việt.
Nữ sĩ họ Triệu còn sáng lập và chủ biên những chương trình và giáo trình đại học và sau đại học về: “Cơ sở Việt Nam ngữ”, “Dịch nói tiếng Việt”, “Tiếng Việt”, v.v…Trên báo điện tử “Trung Quốc bách khoa”, bà Triệu Ngọc Lan còn công bố luận văn “Ngô Tất Tố và tiểu thuyết “Tắt đèn” của ông”.
Trong khi biên soạn điều mục “Văn học Việt Nam” in trong bộ sách “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư” quyển “Văn học nước ngoài”, giáo sư Triệu Ngọc Lan đã tham khảo nhiều cuốn sách quý của Việt Nam chúng ta, như: “Sơ thảo Lịch sử Văn học Việt Nam” của Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong (5 cuốn, Hà Nội, 1957); “Lược sử Văn học Việt Nam” của nhóm Lê Quý Thuần (3 cuốn, Hà Nội, 1957); “Văn học hiện đại Việt Nam (1945 – 1960)” và “Sơ thảo Lịch sử văn học Việt Nam (1930 – 1945)” của Hoàng Như Mai, v.v…
Nôi dung của điều mục “Văn học Việt Nam”, chia làm ba phần lớn: Văn học trước Cách mạng dân tộc dân chủ, Văn học thời kỳ Cách mạng dân tộc dân chủ, Văn học sau Cách mạng tháng Tám.
Mở đầu phần Văn học trước cách mạng dân tộc dân chủ, soạn giả viết: “Sau khi xây dựng vương triều năm 1009, đến năm 1010, Lý Công Uẩn đã hạ Chiếu dời đô đến Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Chiếu thư này là văn kiện lịch sử sớm nhất của Việt Nam, đến nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn, cũng là ngọn nguồn của văn học Việt Nam. Chiếu thư viết bằng Hán văn rất thành thục”.
Cuối phần Văn học sau cách mạng tháng Tám, sau khi giới thiệu tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu gây tranh luận sôi nổi trên văn đàn Việt Nam, giáo sư Triệu Ngọc Lan giới thiệu: “Tập thơ “Nhật ký trong tù” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng chữ Hán cũng được công bố trong dịp này.”
Điều mục “Văn học Việt Nam” trong bộ sách “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư”mở đầu nói đến trước tác lịch sử văn học “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, kết thúc bằng giới thiệu tập thơ “Nhật ký trong tù’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến chúng ta liên tưởng đến một sự kiện lớn đang tới gần trên đất nước Việt Nam chúng ta: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội!
Bên cạnh nội dung “Văn học Việt Nam”, sách báo Trung Quốc còn giới thiệu thân thế và sự nghiệp của những nhà văn, nhà thơ, những cây đa cây đề trên văn đàn Việt Nam, từ cổ chí kim, bằng song ngữ (Hán-Việt hoặc Hán-Anh), như: Nguyễn Trãi, Lê Tư Thành (Vua Lê Thánh Tôn), Đặng Trần Côn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Tú Xương, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tú Mỡ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Trọng Lư, Đồ Phồn, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Huy Cận, Tố Hữu, Tô Hoài, v.v…
Đặc biệt, tại các trường đại học, học viện ở Trung Quốc có nhiều luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ của các nghiên cứu sinh viết về “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du, Thơ Hồ Xuân Hương, về những tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”, v.v…
Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc lần thứ 60 (1949 – 2009), Tổng công ty Sách Trung Quốc đã tiến hành thống kê những sách văn học nước ngoài đã được dịch sang Trung văn và xuất bản ở Trung Quốc trong 60 năm qua, tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2006.
Tôi đã tìm được 150 đầu sách của Việt Nam đã được dịch và ấn hành tại đất nước diện tích rộng thứ nhì thế giới, đông dân nhất thế giới, hiện có trên 300 nhà xuất trung ương và địa phương này.
Phải chăng vì những nguyên nhân lịch sử, xã hội, văn hoá và thị hiếu khác nhau, mà nhiều người Trung Quốc cũng không nắm bắt được những thông tin này.
Ngay đến những đại biểu Trung Quốc có mặt tham dự Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học nước ngoài, như: Giáo sư-dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, gần nửa thế kỷ giảng dậy và nghiên cứu văn học Việt Nam, người đã dịch tiểu thuyết “Ông Cố Vấn” của nhà văn Hữu Mai sang Hán ngữ, đã tham gia biên soạn bộ giáo trình đồ sộ “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” gồm 3 tập; Giảng viên Hoàng Hoa Hiến, giảng dậy tiếng Việt ở Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cũng nhớ không nhiều những đầu sách Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc.
Chỉ có nữ sĩ Điền Tiểu Hoa, chuyên viên nghiên cứu của Sở Nghiên cứu Văn học nước ngoài thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc là có trong tay bản thống kê sách Việt Nam đã dịch và xuất bản ở Trung Quốc, giống như tư liệu của tôi thu thập được qua trang web của Tổng công ty Sách Trung Quốc.
Thực ra, số đầu sách văn học Việt Nam được dịch và xuất bản ở Trung Quốc không chỉ là con số 150. Bởi vì, nhiều bộ sách gồm nhiều tập như “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” (gồm 3 quyển), “Ông Cố vấn” của Hữu Mai (gồm 2 quyển), “Sao đổi ngôi” của Chu Văn (gồm 3 quyển), v.v… họ cũng chỉ tính là một đầu sách.
Trong số trên 150 đầu sách Việt Nam được dịch sang Trung văn và xuất bản ở Trung Quốc, tôi thấy đều là những tác phẩm nổi tiếng và được bạn đọc Việt Nam ưa thích, từ xưa đến nay, như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) nghe nói có trên mười bản dịch, “Thơ Hồ Xuân Hương”, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Những năm tháng không thẻ nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Can Lịch” của Hồ Phương, “Họ sống và chiến đấu như thế” của Nguyễn Khải, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, “Xung kích”, “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm, “Thời thơ ấu” của Phùng Quán (Bạn dịch là Thiếu niên du kích anh hùng), “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc , “Bài ca chim chơ rao” của Thu Bồn ,“Quán rượu người câm” (tập truyện ngắn, trong đó có truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Sáng), “Tranh tối tranh sáng” của Nguyễn Công Hoan, “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, “Thanh Hải” (tập thơ của Thanh Hải), “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên, “Đêm Tháp mười” (Tập truyện, trong đó có truyện cùng tên của Lê Văn Thảo), “Sống như anh” Phan Thị Quyên kể Trần Đình Vân ghi, Tập truyện ngắn “Cái hom giỏ” của Vũ thị Thường, Kịch bản văn học “Nghêu sò ốc hến” của Hoàng Châu Ký, Tập lý luận phê bình “Bảo vệ nguyên tắc tính đảng của văn học” của Hồng Chương, v.v…
Nhiều nhà văn có nhiều tác phẩm được dịch và xuất bản ở Trung Quốc, như nhà thơ Tố Hữu có “Người con gái Việt Nam”, “Gió lộng”, “Quê hương tôi”, “Việt Bắc” “Chào Trung Quốc”, “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “Tiếng hát đôi bờ”, “Miền Nam chiến đấu”, “Tố Hữu thi tập”, v.v…
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có 5 tác phẩm là “Truyện anh Lục”, “Ký sự Cao Lạng”, “Bốn năm sau”, “Tìm mẹ”, “Thằng Quấy”.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng có hai tác phẩm “Con trâu”, “Rừng U minh”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi có bốn đầu sách: Tập thơ “Chiến sĩ”, tiểu thuyết “Vỡ bờ”, “Xung kích”, “Mặt trận trên cao”.
Đó là chưa kể đến 57 tác phẩm được giới thiệu trong bộ giáo trình đại học ở Trung Quốc “Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam” gồm 3 tập.
Phạm trù tiểu thuyết của bạn, gia tộc tiểu thuyết gồm bốn thành viên: Truyện dài (trường thiên tiểu thuyết), Truyện vừa (trung thiên tiểu thuyết), Truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) và Truyện mini-Truyện cực ngắn (vi hình tiểu thuyết, tiểu tiểu thuyết).
Tập 1 Văn học Việt Nam từ 1930 đến năm 1945, giới thiệu những tác giả và tác phẩm: “Nửa chừng xuân” (Khái Hưng), “Đoạn Tuyệt” (Nhất Linh); “Kép Tư Bền”, “Tinh thần thể thao” (Nguyễn Công Hoan), “Cô Thoa” (Thế Lữ); “Giông Tố” (trích), “Cái ghen của đàn ông” (Vũ Trọng Phụng); “Lầm than” (trích của Lan Khai), “Nhà mẹ Lê” “Thạch Lam), “Một người mẹ Trung Quốc” (Nguyên Hồng), “Chữ của người tử tù” (Nguyễn Tuân); “Tắt đèn” (trích), “Nợ đời” (Ngô Tất Tố); “Chí Phèo” (Nam Cao), “Sống nhờ” (trích của Mạnh Phú Tư), “Sau hàng rào tre” của Trần Tiêu, v.v…
Tập 2 Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975, giới thiệu những tác giả và tác phẩm: “Một lần đến Thủ đô” (Trần Đăng), “Vợ nhặt” (Kim Lân), “Đôi mắt” (Nam Cao), “Xung Kích” (trích của Nguyễn Đinh Thi), “Con trâu” (trích của Nguyễn Văn Bổng), “Vợ chồng A Phủ” (trích của Tô Hoài), “Gặp gỡ” (Bùi Hiển), “Đất nước đứng lên” (trích của Nguyên Ngọc, bạn dịch là Tổ quốc đứng lên, rõ ràng không hay bằng nguyên tác); “Anh nuôi đại đội” (Lê Khánh), “Bốn năm sau” (trích của Nguyễn Huy Tưởng), “Đi bước nữa” (trích của Nguyễn Thế Phương, bạn dịch là Cải giá, rõ ràng không hay bằng nguyên tác), “Cỏ non” (Hồ Phương), “Một tấm áo mới” (Ngô Ngọc Bội), “Chiến sĩ và em bé” (Hải Hồ), “Mùa lạc” (trích của Nguyễn Khải, bạn dịch là Mùa thu hoạch lạc, rõ ràng không hay và cô đọng bằng nguyên tác); “Những bông hồng” (Nguyễn Thị Cẩm Thạnh), “Màn kịch của cô giáo” (Giang Nam), v.v…
Tập 3 Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến cuối thế kỷ 20, giới thiệu những tác giả và tác phẩm: “Khoảng cách còn lại” (trích của Nguyễn Mạnh Tuấn), “Thời gian” (Cao Duy Thảo), “Sao đổi ngôi” (trích của Chu Văn), “Mùa lá rụng trong vườn” (trích của Ma Văn Kháng), “Thời xa vắng” (trích của Lê Lựu), “Tướng về hưu” (Nguyễn Huy Thiệp), “Hai em bé sắp ra đi” (Tô Hoài), “Những ngày cuối năm” (Nguyễn Khải), “Bước qua lời nguyền” (Tạ Duy Anh), “Một chiều xa thành phố” (Lê Minh Khuê), “Lời hứa của thời gian” (Nguyễn Quang Thiều), “Gió vẫn thổi qua cánh đồng bên sông” (Võ Thị Xuân Hà), v.v…
Tại sao, một thời văn học Việt Nam đã được Trung Quốc dịch và xuất bản nhiều như vậy?
Trả lời câu hỏi ấy của nhà báo Dương Kim Thoa, biên tập viên chương trình Phát thanh Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã nói lên suy nghĩ bước đầu của mình:
Cuộc chiến đấu của Việt Nam chúng ta đã có thời là tâm xoáy của lịch sử, là lương tâm của thời đại, là lương tri của loài người. Những tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu ấy đương nhiên ít nhiều đều có tính thời đại, đều mang đậm dấu ấn của thời đại ấy.
Chúng ta còn nhớ, một thời Mao Trạch Đông đã từng nói Việt Nam đánh Mỹ là góp phần bảo vệ Trung Quốc. Có lẽ sự nghiệp chống Mỹ của chúng ta đã giải đáp được câu hỏi của thời đại: Một dân tộc người không đông, đất không rộng, tiềm lực kinh tế chưa mạnh, mà đánh thắng tên đế quốc siêu cường, nên giúp ích rất nhiều cho công tác xây dựng tư tưởng, ý chí chiến đấu cho nhân dân Trung Quốc để họ tán đồng với quan điểm “Đế quốc Mỹ là con hổ giấy” của Mao Trạch Đông. Cho nên các nhà văn, nhà xuất bản Trung Quốc đã tăng cường dịch và xuất bản những tác phẩm văn học của Việt Nam.
Theo nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, trong Lời giới thiệu tác phẩm dịch “Tỉnh uỷ bí mật” của Liên Xô, do Bác trực tiếp dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ nói đại ý: Sách dịch phải đáp ứng nhu cầu của người đọc và đúng lúc.
Tôi nghĩ: Văn học của chúng ta, nhà văn của chúng ta đã có thời viết ra những tác phẩm đáp ứng nhu cầu thời đại như thế! Phải chăng, đó là nguyên nhân “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, và được xuất bản rộng rãi toàn châu Mỹ La tinh. Rồi sau đó, anh hùng Núp trở thành thần tượng của toàn dân Cu Ba, được Lãnh tụ Phiđen mời và đón tiếp như một thượng khách trên đất nước Cu Ba?
Trong Đêm thơ quốc tế Hạ Long, tổ chức tại Tuần Châu, tối 8-1-2010, nằm trong lịch trình của Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam, theo chương trình đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị thông qua, thì bộ ba Dịch giả Vũ Phong Tạo (Việt Nam), Giáo sư - Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu, nữ sĩ Điền Tiểu Hoa - Nhà nghiên cứu văn học nước ngoài (Trung Quốc) đăng đàn đọc thơ song ngữ Hán - Việt ba thi phẩm Việt Nam đã được dịch sang Trung văn và được bạn đọc Trung Quốc ưa thích: “Trăng” của nhà thơ Xuân Diệu, “Tiếng thu” và “Mưa…mưa mãi” của nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Bộ ba chúng tôi muốn gửi một thông điệp nhỏ đến các nhà văn, dịch giả rằng: Các nhà văn, nhà thơ tiền bối của chúng ta không hề phải quảng bá rùm beng, mà tác phẩm của họ vẫn vượt qua không gian và thời gian, vượt qua biên giới quốc gia, dân tộc đến với nhân loại. Câu thành ngữ “hữu xạ tự nhiên hương” luôn luôn là một chân lý! Các bạn cứ viết hay đi, chúng tôi sẽ sẵn sàng tìm đến và chuyển ngữ, làm cho tác phẩm của các bạn bay cao, bay xa, vang xa hơn nữa trong thế giới văn chương không hề có biên giới này!
Tác giả: Vũ Phong Tạo
Nguồn tin: phongdiep.net
Ý kiến bạn đọc