"Chuyện tình Hai sắc hoa ti gôn" chỉ "thơ" lúc ban đầu!

Thứ năm - 13/05/2010 19:41 1.882 0

Bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam yêu thích. Ảnh: Internet.

Bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" được nhiều thế hệ trẻ Việt Nam yêu thích. Ảnh: Internet.
Bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" và bút danh T.T.Kh đến nay vẫn là bí ẩn trong hàng chục năm qua. Do đó, việc chuyển thể hiện tượng thơ này thành kịch bản phim "Chuyện tình hai sắc hoa ti gôn" gây được sự chú ý.
Kịch bản phim do nhà báo Trần Đình Thu viết.

Chuyện tình chỉ "thơ" lúc ban đầu

* Xuất phát từ đâu anh lại có ý tưởng viết kịch bản phim "Chuyện tình hai sắc hoa ti gôn"? Có phải do anh từng viết cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh, lúc "giải mã" anh đã thu nhặt được một "chuyện tình" hấp dẫn?

- Nhà báo Trần Đình Thu: Chuyện tình cờ chứ không phải tôi cố tình viết thành phim. Tôi có dịp gặp nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân ở Hãng phim Giải phóng. Người bạn đi cùng giới thiệu với anh Nhân tôi là người viết cuốn sách về T.T.Kh. Anh Nhân thấy thú vị nên đề nghị tôi bắt tay viết thử đề cương. Xem xong đề cương, anh Nhân khuyên tôi viết luôn kịch bản.

Đúng là nhờ cuốn sách, tôi "thu nhặt" được một chuyện tình. Nhưng chuyện tình trong sách đơn giản lắm. Chỉ có ba nhân vật là T.T.Kh tức là Trần Thị Vân Nương, người yêu T.T.Kh là nhà văn Thanh Châu, và người chồng quyền thế của Trần Thị Vân Nương với vài tình tiết câu chuyện mờ nhạt. Ngoài ra, không có gì hết. Thế nên lâu nay tôi đâu có nghĩ đến chuyện viết thành phim.

Cũng xin nói thêm cho rõ, Trần Thị Vân Nương cũng như T.T.Kh là một trong các bút danh của Trần Thị Vân Chung.

* Vậy anh đã hư cấu như thế nào trong bối cảnh năm 1937 để thấy được rằng tình yêu thời điểm đó rất... thơ?

- Hư cấu nhiều lắm. Cái cốt là T.T.Kh không đến được với người mình yêu do bị gia đình ép buộc mà phải đi lấy chồng, sau đó đau khổ làm ra mấy bài thơ, nhưng chỉ xoay quanh mỗi cái cốt đó thì không thể níu kéo khán giả ngồi gần hai tiếng đồng hồ trong rạp để xem phim. Tôi phải vật vã trong gần hai tháng ngồi lì trong phòng không ra ngoài. Anh Phạm Thùy Nhân thì tỉ mỉ đọc, góp ý, sửa chữa nhiều lần. Viết xong lần đầu, tôi hầu như phải xóa đi viết lại toàn bộ vì anh Nhân không chịu cách xử lý của tôi.

Nói về cái sự "thơ" của tình yêu trong câu chuyện này, nó chỉ "thơ" khi hai người đến với nhau ban đầu thôi. Còn về sau nó rất dữ dội, dữ dội đến nghẹt thở. Vì rằng T.T.Kh bị gia đình ép gả, cả hai đau đớn tột cùng. Đau đớn lắm nên nàng mới thốt lên "Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi! Người ấy có buồn không/ Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ/ Tựa trái tim phai tựa máu hồng?".

Không chỉ "giải mã" T.T.Kh

* Cố nhà văn Thanh Châu - tác giả truyện ngắn "Hoa ti gôn" in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy - tạo nên chất xúc tác để bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" ra đời ký tên T.T.Kh. Vai trò của nhà văn Thanh Châu trong phim này sẽ như thế nào?

- Nhà văn Thanh Châu trong phim chuyển thành nhà thơ kiêm ký giả tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Đây là người yêu của nhân vật chính. Họ gặp nhau trên chuyến tàu từ Hà Nội về Thanh Hóa (đoạn này giống như những chi tiết trong cuốn biên khảo của tôi). Từ đây xuất hiện mối tình nghệ sĩ như trong bài Bài thơ thứ nhất: "Thuở trước hồn tôi phơi phới quá/ Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương/ Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại/ Êm ái trao tôi một vết thương".

Song song đó, một công tử con nhà giàu, cháu quan Tổng đốc Thanh Hóa, tốt nghiệp cử nhân luật ở Pháp về cũng theo đuổi nàng. Từ đây bắt đầu chuyện tình tay ba, để đến giữa phim, chàng nghệ sĩ thua cuộc, T.T.Kh lên xe hoa về nhà chồng, khớp với câu thơ "Người xa xăm quá, tôi buồn lắm/ Trong một ngày vui pháo nhuộm đường".

* Được biết, kịch bản sẽ được làm phim nhựa, vậy trong một bộ phim dài khoảng 120 phút, khán giả sẽ được đón nhận một chuyện tình đẹp hay được giải tỏa sự tò mò lâu nay: "T.T.Kh nàng là ai?"

- Tôi và anh Phạm Thùy Nhân bàn bạc rất kỹ khi xây dựng kịch bản này. Xin nhắc lại, anh Nhân là một nhà biên kịch rất chuyên nghiệp, làm biên tập cho tôi nên tôi có lợi thế lớn. Chúng tôi không chỉ "giải mã" T.T.Kh bằng phim. Cũng không chỉ là một chuyện tình đẹp như... thơ.

Ngoài việc cho thấy lý do dẫn đến sự ra đời của ba bài thơ từng xôn xao một thời ký tên T.T.Kh, khán giả sẽ được tiếp cận với một bức tranh văn hóa xã hội thời kỳ 1936-1940. Đấy là lúc tư tưởng tự do của chủ nghĩa lãng mạn Pháp bắt đầu thâm nhập vào một tầng lớp thanh niên Việt Nam. Tình yêu nam nữ được đề cao trong văn học và cả trong đời sống hằng ngày. Nhân vật người yêu của T.T.Kh phải chọn lựa giữa tình yêu và danh dự để nhận một trong hai thôi. Và hẳn nhiên cuối cùng, là bi kịch tình yêu.

* Anh có sự so sánh nào về tình yêu thời T.T.Kh và hiện nay?

- Mỗi thời mỗi khác, vì tình yêu không thể tách lìa hoàn cảnh văn hóa xã hội mà tình yêu đó đang tồn tại. Nhưng tôi thấy có một điểm chung giữa tình yêu xưa và nay, đó là người phụ nữ bao giờ cũng yêu "quyết liệt", say đắm hơn nam giới.

Người phụ nữ trong "Chuyện tình hai sắc hoa ti gôn" yêu bằng tất cả trái tim mình, điều này cũng lý giải vì sao nhân vật T.T.Kh có những bài thơ để đời đến hôm nay.

* Bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" và bút danh T.T.Kh đến nay vẫn là một ẩn số khiến tốn kém rất nhiều giấy mực để giải mã, Trần Đình Thu là một trong những người khá tâm huyết "vác bút" theo lý giải hiện tượng thơ này. Một bộ phim về T.T.Kh qua "Hai sắc hoa ti gôn" sẽ là "khám phá" cuối cùng của anh hay còn nữa?

- Câu chuyện này khá thú vị, có lẽ "mua vui cũng được một vài trống canh," nếu có điều kiện và có duyên thì tôi sẽ tiếp tục.

* Xin cảm ơn anh! Chúc bộ phim mau chóng hoàn thành.

Mang bí mật bút danh T.T.Kh về cõi vĩnh hằng

 

Ngày 8.5.2007, nhà văn Thanh Châu - người được xem có quan hệ "bí mật" với T.T.Kh đã từ trần - hưởng thọ 96 tuổi.

Từ lúc các cuộc tranh luận về T.T.Kh và "Hai sắc hoa ti gôn" nổ ra sôi nổi vào khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, nhà văn Thanh Châu vẫn một mực im lặng cho đến lúc mang theo "bí mật" đó về cõi vĩnh hằng.

Tác giả: H.A

Nguồn tin: TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây