50 năm ra đời tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng": Nửa thế kỷ vẫn bay...

Thứ hai - 31/05/2010 16:54 4.434 0

50 năm ra đời tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng": Nửa thế kỷ vẫn bay...

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời ngày 25-7-1960, hơn hai tháng trước khi tác phẩm cuối cùng của ông – truyện lịch sử cho thiếu nhi Lá cờ thêu sau chữ vàng được xuất bản. Ông cũng chỉ kịp hoàn thành tác phẩm của mình ít bữa trước ngày nhập viện, để rồi không quay trở lại với đời nữa. Theo hồi ức của bà Trịnh Thị Uyên, người bạn đời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hôm vào bệnh viện Việt - Xô, trên đường đi ông đã tạt qua Nhà xuất bản Kim Đồng bấy giờ đóng ở phố Phạm Đình Hồ để giao bản thảo. Còn nhà thơ Phạm Hổ thì cho biết, nằm trên giường bệnh những ngày cuối đời, Nguyễn Huy Tưởng còn tự tay sửa bản in thử Lá cờ thêu sáu chữ vàng mà ông yêu cầu Nhà xuất bản đưa vào cho ông. Đây có thể coi là những bút tích cuối cùng trong cuộc đời gần ba mươi năm cầm bút của ông. Ngay ở câu mở đầu tác phẩm đã thấy dấu ấn việc sửa chữa của tác giả. Ở bản thảo, ông viết: “Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vừa có một giấc mơ ly kỳ, thú vị”. Ở tư thế nằm ngửa trên giường bệnh, Nguyễn Huy Tưởng đã gạch bỏ đi hai chữ “ly kỳ”, để đến lúc sách in ra, câu văn ấy được hiện hình như thế này, gọn hơn và cũng tự nhiên hơn: “Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vừa có một giấc mơ thú vị”…

Lá cờ thêu sáu chữ vàng kể câu chuyện về người anh hùng nhỏ tuổi đời Trần Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Gặp buổi rợ Mông lăm le sang cướp nước Nam, Trần Quốc Toản mới 16 tuổi đã đứng ra chiêu mộ binh mã được sáu trăm người, cùng họ kết làm anh em đi đánh giặc. Viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nguyễn Huy Tưởng chỉ có thể dựa được vào rất ít sử liệu, như sự tích chàng bóp nát quả cam theo dã sử, câu thơ “Hoài Văn tuổi trẻ chí cao / Cờ đề sáu chữ quyết vào lập công” trong Quốc sử diễn ca, một số ý chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, có nhắc đến tên Quốc Toản… Với phương châm “cái gì sử sách không nói, ta có quyền nói, miễn là không mâu thuẫn với sử” (theo hồi ức của Hoàng Nguyên Cát, người biên tập cuốn sách), tác giả đã xây dựng Trần Quốc Toản thành một nhân vật tiểu thuyết, với hàng loạt chi tiết về ngoại hình, hành tung, sự tích… Theo đó, Hoài Văn Hầu còn có mẹ già phải phụng dưỡng, nhưng chí làm trai nhất quyết rũ áo ra đi đánh giặc. Chàng may mắn có được người tướng già từng theo hầu cha chàng khi xưa, nay lại giúp chàng chỉ huy đội quân được chiêu mộ, và trong một trận huyết chiến, đã lấy thân che nhát kiếm của Toa Đô bổ xuống chàng. Chàng cũng may gặp được người anh hùng sơn cước Thế Lộc, một người lầm lì ít nói mà chứa chan tình cảm, đã cùng chàng kề vai sát cánh đánh giặc với biết bao kỷ niệm khó quên…

*

Bằng tài năng và tâm huyết, chỉ với khoảng một trăm trang in, Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên một bức tranh có quy mô rộng mở về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai của quân dân nhà Trần. Tác phẩm dẫn dắt bạn đọc lần lượt trải qua nhiều sự kiện của cuộc kháng chiến, từ hội nghị của vua tôi nhà Trần ở bến Bình Than quyết định đánh hay hàng, đến trận Hàm Tử Quan với sự tham gia của đại quân do đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng… Vẫn với phương châm “cái gì sử sách không nói, ta có quyền nói”, Nguyễn Huy Tưởng đã để cho Trần Quốc Toản, dù chưa đến tuổi dự bàn việc nước, dám liều chết xông xuống bến Bình Than xin quan gia chủ chiến, và để cho đích thân Trần Nhân Tông sai thị vệ ban cam quý cho chàng; trái cam mà trong dã sử có kể về Trần Quốc Toản, chính là trái cam được vua ban trong sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, mà trong lúc phẫn khích, chàng trẻ tuổi đã bóp nát lúc nào không biết…


Viết Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Nguyễn Huy Tưởng tập trung vào nhân vật chính Trần Quốc Toản, nhưng đồng thời cũng dựng nên hàng loạt nhân vật sống động khác. Trong đó, ông dành nhiều trang để nói về cặp chú cháu Hoài Văn Hầu - Chiêu Thành Vương. Nhân vật này, mà Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi là cùng Trần Quốc Toản đánh trận Hàm Tử, đã được tác giả hư cấu thành người chú ruột của Hoài Văn Hầu, người đã dạy cháu phải luyện tập cho thành tài thì mới đi đánh giặc được... Những trang tả hai chú cháu vật nhau trên bãi tập trước sự chứng kiến của trai tráng trong thôn, có thể nói, là những trang giàu hình ảnh và màu sắc nhất của tác phẩm.


Cũng cần phải nói đến một yếu tố nữa đã góp phần không nhỏ làm nên thành công của Nguyễn Huy Tưởng. Ông viết tác phẩm này khi tài năng đã đến độ chín, lại là kết quả của biết bao chiêm nghiệm về đời Trần, một thời đại mà ông đặc biệt sùng kính. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã từng say sưa: “Ta đây tuổi còn trẻ, tính còn ngây thơ, đọc sử Bình Nguyên mà lòng yêu quí non sông phơi phới, trong lúc thán phục các vị anh hùng, muốn nêu các vị vào khúc anh hùng ca để truyền về hậu thế, cho muôn nghìn đời soi vào…” (nhật ký 12-10-1933) Đến cuối những năm 50, mong muốn “nêu các vị vào khúc anh hùng ca” của ông đã được toại nguyện, khi ông được Nhà xuất bản Kim Đồng đặt viết về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản. Không chỉ chú trọng phần nội dung giáo dục truyền thống, giáo dục lịch sử cho các em, với tác phẩm này, Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt dụng công về phương diện nghệ thuật. Ông viết đi viết lại, trau chuốt từng câu từng lời; với những chữ cổ cần thiết phải đưa vào để tạo không khí lịch sử, ông đều có chú giải kỹ lưỡng. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét về mảng sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Huy Tưởng: “Ông viết kỹ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn dắt các cháu đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc, con người” – một nhận xét thật không thể xác đáng hơn đối với một tác phẩm như Lá cờ thêu sáu chữ vàng!

*

Ngay khi ra đời, Lá cờ thêu sáu chữ vàng đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh đón nhận. Nhiều người đọc Lá cờ thêu sáu chữ vàng khi còn là thiếu nhi, sau này vẫn còn nhớ mãi ấn tượng đặc biệt mà tác phẩm đã gây cho mình. Ra đời vào năm 1960, thời gian cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, có thể nói, là cuốn sách gối đầu giường của các thế hệ thiếu niên lớn lên và trưởng thành trong thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, lớp này nối tiếp lứa kia lên đường ra trận, mang theo trong mình hình ảnh chàng thiếu niên đời Trần “tuổi trẻ chí cao”, dám đấu nhau với tướng giặc Toa Đô và đã đá văng quả chùy đáng sợ của hắn…


Song, như thực tiễn văn học đã chỉ ra, một tác phẩm dù viết cho đối tượng thiếu nhi, nhưng khi đã đạt đến mức nghệ thuật, rung cảm được lòng người, thì sẽ là tác phẩm chung cho cả người lớn. Nhà văn Thiều Quang đã không giấu cảm xúc của một “người lớn” khi viết giới thiệu tác phẩm mới ra của Nguyễn Huy Tưởng: “Đọc mê mải cuốn truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, tôi có cảm khoái say sưa như lâu ngày được hưởng một “món ăn lạ miệng”… (tạp chí Văn nghệ, 1961). Còn nhà văn Vũ Ngọc Bình thì bày tỏ nỗi tiếc thương tác giả Lá cờ thêu sáu chữ vàng, đồng thời khẳng định sự đóng góp khó có thể thay thế được của Nguyễn Huy Tưởng đối với thể loại truyện lịch sử trong nền văn học thiếu nhi còn non trẻ: “Nhà văn mất đi, đem theo cả một chương trình sáng tác cho thiếu nhi khá phong phú, đặc biệt về truyện lịch sử dân tộc, một loại truyện còn hiếm người viết vì nó đòi hỏi một vốn hiểu biết dồi dào và một nghệ thuật viết điêu luyện…” (báo Thiếu niên tiền phong, 1960).

*

Nửa thế kỷ tồn tại của Lá cờ thêu sáu chữ vàng cũng là khoảng thời gian đủ để sàng lọc bất cứ một tác phẩm văn học nào. Lá cờ thêu sáu chữ vàng, với tất cả giá trị về nội dung tư tưởng, về tác dụng giáo dục truyền thống, sự đóng góp về thể tài lịch sử… sẽ không thể vượt qua được thử thách của thời gian nếu không bảo đảm được một yếu tố tiên quyết: “giá trị nghệ thuật”. Thực tế đã cho thấy, suốt năm chục năm qua, Lá cờ thêu sáu chữ vàng luôn có mặt trên thị trường sách đang ngày một đa dạng và phong phú. Tác phẩm được thể hiện dưới nhiều hình thức, do các nhà xuất bản trung ương và địa phương, trong Nam và ngoài Bắc… xuất bản. Năm 2010 – nhân 50 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cũng vừa tròn 50 năm ngày ra đời tác phẩm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt bạn đọc một phiên bản mới Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Ấn phẩm do họa sĩ Tạ Huy Long, người từng được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế vẽ minh họa, được in màu trên nền giấy vàng, khổ lớn, tất cả toát lên vẻ cổ kính, trang nghiêm, sang trọng. Họa sĩ Tạ Huy Long đã bỏ ra hơn nửa năm trời vẽ và trình bày cuốn sách. Anh tâm sự: Càng vẽ anh càng có hứng, và bức tranh anh thích nhất là bức cuối cùng, vẽ mẹ già của Trần Quốc Toản cố theo bà con ra bên sông nhìn theo đoàn quân sáu trăm gã hào kiệt đang đi xa dần xa dần… Ở tiền cảnh, những ngọn cỏ xanh mướt được gió nồm nam thổi lộng, và xa xa, theo hướng nhìn của người lớn và hướng chỉ trỏ của trẻ con, những ngọn tinh kỳ của đoàn quân vẫn phất phới bay, dù đã mất hút chỉ còn là những đốm đỏ được nắng chiều chiếu rọi…

Tác giả: Nguyễn Huy Thắng

Nguồn tin: Sách Hay

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây