NXB xấu hổ vì nhầm ảnh Lê Quý Đôn với Nguyễn Trãi

Thứ bảy - 23/03/2013 01:34 4.038 0
Không chỉ dùng hình Nguyễn Trãi trong sách nói về Lê Quý Đôn, NXB Trẻ còn in sai họ của dịch giả bộ Kiến văn tiểu lục. Tập thể NXB xin lỗi bạn đọc cả nước.

Chiều 22/3, Giám đốc NXB Trẻ ông Nguyễn Minh Nhựt gửi thư xin lỗi đến các cơ quan truyền thông. Nội dung bức thư bày tỏ về lỗi sai trong bộ sách Kiến văn tiểu lục - Lê Quý Đôn.

Cuốn Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn do NXB Trẻ và NXB Hồng Bàng ấn hành, được nộp lưu chiểu ngày 22/2. Sau khi nộp lưu chiểu, NXB Trẻ đã phát hiện lỗi sai ở ảnh bìa cánh quyển sách. Thay vì ảnh của Lê Quý Đôn, độc giả lại thấy ở trang bìa này bức chân dung quen thuộc của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

sach-to-2-jpg-1364002433_500x0.jpg

Bức hình in ở bìa sách (khoanh đỏ) là chân dung của Nguyễn Trãi chứ không phải Lê Quý Đôn.

"Chúng tôi đã thu hồi gần như toàn bộ sách để chỉnh sửa. Thật đáng tiếc, có một số ít ấn phẩm đã lọt ra thị trường (khoảng 40 cuốn)", ông Minh Nhựt viết trong thư.

Nhưng đến ngày 22/3, bạn đọc tiếp tục phát hiện sai tên dịch giả trên bìa sách của bộ Kiến văn tiểu lục. Người dịch được ghi ở bìa 1 cuốn sách là Nguyễn Trọng Điềm thuộc Viện sử học. Nhưng ở phần Lời giới thiệu của Viện sử học, đề tháng 12/1961 lại ghi rõ: “Người được giao trách nhiệm dịch Kiến văn tiểu lục là đồng chí Phạm Trọng Điềm. Đồng chí Phạm Trọng Điềm đã để ra nhiều công phu để dịch Kiến văn tiểu lục cho thật sát nghĩa”.

Ông Nguyễn Minh Nhựt thừa nhận đây là những lỗi sai nghiêm trọng đối với một NXB. "Chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc", ông bày tỏ trong thư.

Hiện tại, NXB đã lập tức thu hồi và chỉnh sửa những ấn phẩm bị lỗi. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tiến độ sửa chữa, phát hành của bộ sách. Chúng tôi xin hứa đưa ra thị trường bộ Kiến Văn Tiểu Lục sửa chữa ở mức hoàn chỉnh nhất", ông Nhựt khẳng định.

Độc giả nào mua ấn phẩm tbị sai có thể gửi địa chỉ đến NXB Trẻ để được gửi sách mới (đã được hoàn thiện) hoặc được trả lại tiền.

"Kiến văn tiểu lục" (Chép vặt những điều nghe thấy) là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Sách được nhà bác học Lê Quý Đôn biên soạn năm 1777  Trong tác phẩm này, tác giả đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, như: thành quách núi sông, đường sá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở. Đây là tập sử liệu có giá trị nhiều mặt về nền văn hoá Việt Nam trước thế kỷ 18.

Từ ngày 23/3, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức sự kiện sách chủ đề "32 ngày sách Trẻ" trên các hệ thống phát hành toàn quốc. Chương trình kéo dài đến ngày 23/4, giới thiệu đến độc giả các đầu sách mới. Dịp này, các ấn phẩm của nhà xuất bản được giảm giá ở các nhà sách cả nước với mức từ 20% đến  40%. Có 320 đầu sách được phát hành trong 32 ngày. Trong đó có 64 sách mới, 256 cuốn tái bản.

Bên cạnh đó, đơn vị này dự định tổ chức các hội thảo về sách, đặc biệt dành tặng 32 tủ sách (mỗi tủ khoảng 5 triệu đồng) cho biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa…

Điểm nhấn của sự kiện văn hóa đọc này còn là "Tủ sách Biển đảo" của NXB với nhiều ấn phẩm.

Cuốn Hoàng Sa - Trường Sa: Những sự kiện lịch sử - pháp lý chính (tác giả: Nguyễn Việt Long). Đây là biên niên sự kiện lịch sử pháp lý chính diễn ra trên hai quần đảo. Tư liệu được trình bày nguyên văn, không phân tích, không đánh giá chủ quan hay phản ánh lập trường các bên, dựa trên những tài liệu đã được các bên công bố, lưu trữ trong các thư viện, lưu trữ quốc gia tự do tiếp cận, được khảo cứu về tính xác thực.

Cuốn Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa do tác giả Lê Văn Chương, đại úy bộ đội biên phòng thực hiện. Trong suốt hơn 15 năm làm công tác trinh sát biên phòng, tác giả thường xuyên tiếp xúc và làm việc với ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đi đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt giữ, phạt tiền. Tác giả đã viết nhiều bài ký sự đăng trên các báo để phản ảnh vấn đề trên. Hoặc các cuốn như Mưu sinh ở Hoàng Sa viết về các hoạt động mưu sinh đa dạng của ngư dân Quảng Ngãi tại Hoàng Sa như: chài lưới, lặn biển, tìm hải sâm, hái rau câu, săn cá mập, sáng chế đèn để lặn đêm. Cuốn Người hùng trên biển viết về các tấm gương hào hiệp của các ngư dân, thuyền trưởng, bộ đội biên phòng... giúp các trường hợp gặp tai nạn trên biển.

Ngoài ra còn có rất nhiều đầu sách văn học, chính trị, sách thiếu nhi được giới thiệu dịp này.

Chương trình nhằm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 32 của Trẻ đồng thời hướng tới Ngày sách và bản quyền thế giới 2013.


Tác giả: Thoại Hà

Nguồn tin: VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây