Chúng ta đồng ý rằng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm văn học lớn nhất cả nước. Dù trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội nên một số hoạt động, mang tính sự kiện văn chương được diễn ra nhiều hơn. Nhưng bản chất của văn chương không phải là những hoạt động bề nổi nếu không muốn nói là lặng lẽ âm thầm. Thực tế cũng chứng minh, số lượng tác phẩm của các nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cũng không hề nhỏ và đội ngũ các cây bút trẻ sôi động, nhiều tiềm năng.
Để kiểm chứng phần nào nhận định về giải thưởng văn chương ở hai thành phố lớn, xin làm cuộc lướt web nhỏ xem lại kết quả một số giải thưởng văn chương vài năm gần đây.
Ở đây xin lưu ý là chỉ xem lại các giải thưởng mà đối tượng tham gia không phân biệt tính vùng miền như thể lệ đã nêu, và chủ yếu ở thể loại văn xuôi.
Bắt đầu từ giải văn học thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2012 có năm tác phẩm được giải thưởng thì chia cho miền Bắc và miền Trung (Nguyễn Thị Thu Huệ, Văn Chinh, Trần Quang Quý, Thanh Thảo, Phạm Đương). Tác giả ở thành phố Hồ Chí Minh không có giải, chỉ có một tặng thưởng thơ dành cho nhà thơ Phan Hoàng.
Năm 2011 đội ngũ cầm bút của thành phố mang tên Bác không có giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, phần lớn là tác phẩm của tác giả miền Bắc như Nguyễn Xuân Khánh (Hà Nội), Hoàng Ngọc Hiến (Hà Nội), Đình Kính (Hải Phòng), Đỗ Doãn Phương (Hà Nội)…
Cũng tương tự, giải tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn kéo dài từ 2006 - 2009 các tác giả ở miền Bắc và miền Trung cũng áp đảo giải thưởng, miền Nam có hai giải C, trong tổng số 14 tác giả đoạt giải là Nguyễn Một và Trầm Hương. Nhưng nhà văn Nguyễn Một ở Đồng Nai và chỉ có nhà văn Trầm Hương mới đúng là ở Sài Gòn.
Hai giải thưởng cuộc thi truyện ngắn gần đây nhất của báo Văn Nghệ năm 2003 - 2004 và 2006 - 2007 các tác giả miền Bắc và miền trung đều dành giải cao như: Phạm Duy Nghĩa (Lào Cai), Bão Vũ (Hải Phòng), Hà Thị Cẩm Anh (Thanh Hoá), Ngô Phan Lưu (Phú Yên), Hồ Thị Ngọc Hoài (Nghệ An). Thành phố Hồ Chí Minh có giải nhì của Nguyễn Danh Lam và tác giả trẻ Yến Linh được nhắc đến là cây bút triển vọng.
Tư liệu trên Văn nghệ Quân đội, các cuộc thi truyện ngắn và ký của tạp chí từ năm 1992- 2006 lần lượt các giải nhất, hoặc các giải cao nhất (tính những năm không có giải nhất, chỉ có giải nhì) như sau: Nguyễn Thị Thu Hụê (Hà Nội), giải năm 1992 - 1994, Trần Thanh Hà (Hà Nội) giải năm 1996, Đỗ Bích Thuý (Hà Giang) giải năm 1998 - 1999, Thuỳ Linh (Hà Nội), Dương Tử Giang, Nguyễn Văn Thọ (Hà Nội) giải năm 2001 - 2002, Lương Ngọc An (Hà Nội) giải năm 2002 - 2004 và Vũ Xuân Tửu (Tuyên Quang) giải năm 2005 - 2006… một lần nữa cho thấy sự thiếu vắng của các cây bút thành phố phương Nam!
Phần liệt kê ở trên có một ngoại lệ, đó là giải thưởng thường niên năm 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam, trong số 4 giải, thì có 3 tác giả ở miền Nam là Trần Đức Tiến, Nguyễn Danh Lam và Từ Quốc Hoài. Nếu để gọi là tác giả của thành phố Hồ Chí Minh thì lại chỉ có hai, là: Nguyễn Danh Lam và Từ Quốc Hoài. Tuy nhiên, vì đây là năm mà cùng một lúc Hội Nhà văn công bố giải thưởng của hai năm liền, nên với mười một giải thưởng thì hai nhà văn ở Thành phố Hồ Chí Minh là con số dễ bị áp đảo. Và nếu nhìn lại từ toàn cuộc thống kê ở trên thì rõ ràng các tác giả phía nam mà cụ thể ở Thành phố Hồ Chí Minh thực sự quá ít được vinh danh trong các giải thưởng văn chương.
Ngược lại, ở những cuộc thi văn chương được tổ chức tại Sài Gòn thì dường như cũng có tình trạng tương tự. Tại giải Văn học tuổi 20 được coi là một trong những cuộc thi có uy tín ở phía nam thì lần gần đây, lần thứ 4 và lần thứ 3, các giải lớn đều dành cho các cây bút trẻ miền Nam như: Trương Anh Quốc, Võ Diệu Thanh, Trần Thị Hồng Hạnh… Mới đây nhất, cuộc thi truyện ngắn với chủ đề: Con người và cuộc sống của báo Sài Gòn giải phóng phối hợp với Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cũng trao giải cao nhất - giải nhì cho hai tác giả phía Nam là Trần Kim Trắc và Trương Anh Quốc.
Kể thêm, tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 tổ chức tại Tuyên Quang năm 2011, thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ có 10 đại biểu được Ban nhà văn trẻ lựa chọn, một con số khá khiêm tốn so với lực lượng đông đảo của thành phố.
Các giải thưởng kể trên, trong thể lệ không khoanh vùng tác giả sinh sống, vậy nhưng từ cuộc điểm danh lại nhiều câu hỏi được đặt ra. Bởi nếu mang tính địa phương thì đã có giải thưởng thường niên của Hội văn học nghệ thuật tỉnh đó. Hoặc như ở Đồng bằng Sông Cửu Long, các hội văn học nghệ thuật liên kết tổ chức một số cuộc thi văn, thơ, bút ký, truyện ngắn nhưng giới hạn là viết về con người và cuộc sống của Đồng bằng Sông Cửu Long thì đương nhiên giải thưởng cho tác giả bản địa là chuyện không lạ.
Mỗi một giải thưởng khi công bố kết quả có thể coi cũng là một công bố về gu thẩm mĩ nghệ thuật của những thành viên ban giám khảo chứ không hẳn đã là một tiêu chí toàn diện có thể bao quát toàn bộ tình hình văn chương thời điểm đó. Chất lượng của giải thưởng đến đâu chứng tỏ sự bao quát nghệ thuật của ban giám khảo.
Trong vai trò ban giám khảo cuộc thi văn chương, một số nhà văn cho biết, các bài dự thi cũng được bảo mật tên tác giả giống như việc chấm thi đại học. Chỉ khi nào điểm số, thứ hạng xong hết thì tên tác giả mới được ghép vào. Trừ giải thường niên và tiểu thuyết của Hội Nhà văn - tức là những giải thưởng căn cứ vào tác phẩm đã xuất bản, không thể quản lý theo cách thức bí mật, còn lại các cuộc thi đều có khâu bảo mật. (Xét giải các tác phẩm công khai đều có tranh luận nghệ thuật của một hội đồng nghệ thuật riêng). Thậm chí, bí mật kết quả đến tận lúc trao giải mới công bố. Thế nên nói có sự thiên vị vùng miền giữa tác giả với ban giám khảo là khó. Hay cho rằng, tại vì tác phẩm dự thi “tự khai” quê quán của tác giả với ban giám khảo cũng là một giả thiết chưa thật thuyết phục… Hay các tác phẩm ở miền Nam không cùng gu với ban giám khảo và một sự thật là (có thể) là… kém các miền khác?
Việc giải thưởng văn chương không tuân theo quy luật chia đều cho hai thành phố được coi là trung tâm văn học của cả nước có thể có người cho rằng, đó là một quy luật mà sự đa nghĩa, đa tầng của văn chương tự thân nó đã có. Nhưng có thể cũng có người cho rằng, đó là việc hơi bất thường và cần tìm một vài lý giải. Lý giải để đi đến ngọn ngành là một điều khó, e rằng nó chỉ thoả mãn phần nào.
Tác giả: Hiền Nguyễn
Nguồn tin: Văn học quê nhà
Ý kiến bạn đọc