Hàng chục NXB và đại diện các đại lý phân phối sách bày tỏ bức xúc về vấn đề này trong Hội nghị chống sách lậu, diễn ra ngày 10/6 tại NXB Giáo dục, TP HCM. Theo báo cáo, trong thời gian gần đây, NXB Giáo Dục có 34 đầu sách (chủ yếu là sách bài tập), NXB Trẻ có 900 đầu sách, NXB Tổng hợp TP HCM có gần 400 đầu sách bị in lậu.
Với kỹ thuật in ngày càng tinh vi, sách lậu hiện nay đang gần như giống với sách thật về hình thức, khiến độc giả khó nhận biết. Tuy nhiên, nội dung không được cập nhật, chế bản cẩu thả, nhiều sai sót...
"Trong khi các nhà xuất bản phải bỏ ra rất nhiều công sức để biên tập và trả hàng nghìn đôla để mua bản quyền những cuốn sách hay của các tác giả nước ngoài mà chỉ được in với số lượng có hạn, thì sách lậu lại in tràn lan bán với giá cả vô tội vạ, làm náo loạn thị trường. Thậm chí chúng tôi còn phải đứng trước nguy cơ bị đưa ra tòa án quốc tế vì vi phạm bản quyền", ông Phạm Sĩ Sáu nói.
Ông Sáu cho biết thêm, trên Internet còn có những mẩu quảng cáo "nhận mua bán sách giả" với địa chỉ và người cung cấp rõ ràng. Biết có người bán sách giả, làm sách giả mà các nhà xuất bản bất lực, không thể làm gì được. Việc kêu gọi chống sách lậu năm nào cũng được tuyên truyền, song tình trạng vẫn không có gì biến chuyển. "Chống mãi không được, cuối cùng chúng tôi phải chấp nhận sống chung với nạn sách giả, vì chi phí cho việc chống sách lậu còn tốn kém hơn cả việc đầu tư cho việc phát triển một cuốn sách mới", ông nói.
Sách giả bán với giá cao hơn sách thật khiến NXB khốn đốn. Ảnh: L. Phương. |
Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Ngô Trần Ái cho biết nhiều loại sách tài liệu, khoa học cũng được in giả. Có những cuốn sách Toán in mờ, thiếu dấu lũy thừa, dấu cộng, trừ... Còn đối với sách Văn, việc thiếu hay sai một dấu chấm, dấu phẩy cũng đã làm thay đổi rất nhiều ý nghĩa. Việc làm ăn thiếu trách nhiệm như vậy sẽ trở nên nguy hiểm bởi ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải coi việc in và sử dụng sách giả như một hành động ăn cắp trí tuệ và sự sáng tạo của người khác. Người sử dụng sách lậu cũng góp một phần vào việc gia tăng tệ nạn làm sách lậu.
"Sách là sản phẩm của tri thức. Tôi nghĩ chỉ có hàng giả, hàng lậu chứ không thể chấp nhận được chuyện có sách giả, sách lậu chẳng khác nào là tri thức lậu. Dường như chỉ có ở Việt Nam sách lậu mới nhiều đến thế. Một cuốn sách đã bị làm giả tức là nội dung sẽ bị bóp méo. Điều đó rất nguy hiểm", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty sách Thái Hà Books, ái ngại.
Ông Hùng cũng mang đến hội nghị nhiều cuốn sách giả với kích thước, giá cả, chất lượng khác xa sách thật. Thậm chí, tên cuốn sách còn bị in thiếu. Ví dụ như cuốn sách "Sống như Tiểu Cường" được in lậu thành "Sống Tiểu Cường". Nhiều cuốn sách giả khác đề giá bìa cao gấp nhiều lần so với sách thật sau đó lại chiết khấu, giảm đến 40 - 50% để đánh lừa người tiêu dùng.
Sách giả được làm tinh vi, giống về mọi chi tiết với sách thật nhưng giá bán cao hơn. Ảnh: Hải Duyên. |
Theo các đại biểu, tâm lý dễ dãi của độc giả trong việc thích mua sách rẻ, chế tài xử phạt chưa đủ nặng và lực lượng chức năng còn mỏng là những lý do khiến tình trạng in lậu sách vẫn tồn tại và phát triển.
Cục trưởng Cục xuất bản Nguyễn Kiểm thừa nhận tình trạng này một phần là do sự lỏng lẽo của các cơ quan chức năng trong việc quản lý. Ông cũng đề nghị, cần phải sửa đổi luật xuất bản, tăng mức phạt đối với những đơn vị vi phạm đến mức không còn khả năng in sách giả thì mới chấm dứt được tình trạng này.
Còn các nhà xuất bản cho rằng, trước mắt phải áp dụng công nghệ in tiên tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng nhiều màu in trong sách để làm giảm tình trạng in lậu. Họ kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép thành lập hiệp hội chống sách giả, sách lậu. Đồng thời, hoạt động tuyên truyền chống sách giả phải được đưa vào trường học để học sinh, sinh viên hưởng ứng dùng sách thật.
Tác giả: Hải Duyên
Ý kiến bạn đọc