Mouzakarat Randa al-Trans (Hồi ký của Randa chuyển giới) là những ghi chép thật đến trần trụi về sự đối mặt của Randa với những định kiến của gia đình, xã hội, đất nước và tôn giáo. Đồng tác giả của cuốn sách là nhà báo người Libăng - Hazem Saghieh. Chỉ dày 144 trang nhưng sự xuất hiện của cuốn sách tại Beirut - thủ đô Libăng - đã trở thành một cú sốc với cộng đồng mà đạo Hồi là tôn giáo thống trị tinh thần.
"Có những lúc, tôi đã để 2 chai thuốc trong tủ áo và nghĩ rằng mình sẽ có lựa chọn cho cuộc đời", Randa, tên khai sinh là Fuad chia sẻ với AFP. "Hoặc tôi sẽ chết ngay bằng cách uống hết chai thuốc ngủ hoặc sẽ bắt đầu một cuộc sống mới bằng cách uống chai chứa các loại thuốc kích thích hormone nữ giới".
Randa quê gốc ở Algeria nhưng ở quê hương mình, cô bị đánh đuổi và dọa giết vì lỡ để lộ thân phận. Với một chiếc hộ chiếu vào châu Âu đã hết hạn và một bên là một ít bạn bè ở Libăng, cô đã chọn Beirut để sinh sống.
"Tôi nhận được những lời dọa giết và thường xuyên bị dọa dẫm bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tháng 4/2009, tôi nhận được tối hậu thư: hoặc phải bỏ đi biệt xứ hoặc sẽ bị giết chết".
Gầy, tóc đen dài và có giọng nói nhỏ nhẹ, Randa bây giờ sống với thân phận một phụ nữ tại Beirut. Cô đang chuẩn bị thực hiện cuộc phẫu thuật cuối cùng để trở thành nữ giới hoàn toàn. Randa chỉ cười trước câu hỏi về tuổi tác. Cô cố tình né tránh bằng câu trả lời ước lượng: "khoảng độ 30 gì đó".
Trong khi luật pháp Libăng khép hành vi tình dục đồng giới là tội ác thì nước này không cấm các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chính vì thế, quốc gia này là nơi đón nhận hàng nghìn người đồng tính đổ về đây để thực hiện các cuộc phẫu thuật.
"Người ta sẽ hỏi bạn, tại sao bạn lại từ bỏ đặc quyền sinh ra đã được làm đàn ông để trở thành loại người còn thấp kém hơn cả phụ nữ thực thụ. Nhưng chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, việc chuyển giới không chỉ là sự thay đổi về giới tính, để thỏa mãn dục vọng mà là khát khao được trở về với nhân dạng thực của mình", Randa giãi bày.
Được trở lại với bản năng của mình, nhưng Randa mất rất nhiều thứ. Gia đình không chịu thừa nhận đứa con nghịch loài của họ.
"Ngay cả đến bây giờ, tôi không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần nhấc điện thoại gọi cho các chị gái. Nhưng chỉ khi chuông điện thoại vừa đổ, tôi đã dập máy. Tôi không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ", Randa giàn dụa nước mắt. "Tôi đã mất mọi thứ rồi, không còn gì để mất nữa".
Libăng ngày nay là nơi đóng đô của Helem - tổ chức lớn nhất thế giới Ảrập đấu tranh cho quyền lợi của người đồng giới và chuyển giới. Thông qua Helem, Randa muốn tìm cách nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc chấp nhận những người chuyển đổi giới tính.
"Đôi khi, tôi muốn từ bỏ và ra đi. Nhưng tôi biết, ra đi rồi tôi sẽ lại phải trở về. Tự do không bao giờ tự tìm đến với bạn. Bạn phải đấu tranh, thậm chí phải liều lĩnh để giành giật nó", cô nói.
Tác giả: Thanh Huyền
Ý kiến bạn đọc