Đào tạo nhà văn từ xa

Thứ hai - 21/06/2010 23:35 1.894 0

Tại buổi bế giảng lớp học sáng 18/6/2010

Tại buổi bế giảng lớp học sáng 18/6/2010
Đào tạo từ xa cho nhà văn là một hình thức đào tạo mới mà có thể Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thực hiện trong các khoá học tới tại Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du. Theo đó, tất cả các học viên tham dự lớp học sẽ được trang bị tài liệu, thông tin, các kiến thức mới được cập nhật hàng ngày, hàng giờ qua hình thức chuyển phát nhanh bưu điện hoặc qua mạng Internet.

Như vậy mọi khoảng cách về tuổi tác, địa lý và cả thời gian tham gia khoá học sẽ không còn là trở ngại của tất cả những ai yêu thích văn chương. Bởi đến với văn chương không bao giờ là quá sớm và quá muộn cả. Hội Nhà văn luôn tạo cơ chế mở để đón nhận tài năng.

Cùng chung ý tưởng mở rộng hình thức đào tạo, tạo cơ hội học tập, giao lưu cho các nhà văn Việt Nam, nhà văn Ông Văn Tùng mong muốn các nhà văn nên tập trung thành các nhóm sáng tác với nhau. Nhà văn Tùng bật mí, hiện đang có một số tranh ông vẽ có thể bán được với số tiền lớn trong thời gian tới. Khi nào việc bán tranh hoàn tất sẽ dùng toàn bộ số tiền ấy trang trải phí cho bất kỳ ai có nhu cầu viết lách văn chương về nhà của mình cách thành phố Vinh 15 km.

Có thể khẳng định, lễ bế giảng khoá 4 của Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du năm nay là một lễ bế giảng đặc biệt. Bởi các học viên đều là những người từng học với nhau ở 3 khoá trước, đều từng tham dự ít nhất hai lần “bế giảng” với nhau, hai lần được nhận chứng chỉ tốt nghiệp... Mọi sự bịn rịn mong ngày trở lại, được gặp lại của các học viên không giống như các khoá trước. Ai cũng nghĩ rằng, nếu cùng chung con đường viết văn thì họ tất yếu sẽ được gặp lại nhau. Và chỉ có ở lớp học của trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du nhiều người hai thứ tóc mới được ngồi trên ghế nhà trường sống lại quãng đời học sinh tưởng chừng đã mãi mãi đi qua, hồi tưởng lại những năm tháng tuổi thơ của mình như lời phát biểu xúc động mà chân thành của học viên Lê Quang Định. Chứng kiến buổi bế giảng, còn một hình ảnh hiếm thấy khiến không ít người bùi ngùi nhớ lại những trang lưu bút chuyền tay nhau của một học viên xin được lưu lại tên tuổi, địa chỉ những người bạn đồng môn thậm chí chưa kịp quen trong thời gian ngắn ngủi.

Qua 4 khoá học, một lần nữa lớp học khẳng định là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp, tạo thêm niềm tin cho những cây bút khắp mọi miền đất nước. Muốn trở thành nhà văn, nhất thiết người cầm bút phải có tri thức, phải được trang bị tri thức. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh thì tài năng văn chương là cái có thể không hiểu được, không cắt nghĩa được. Tri thức quan trọng hơn nhưng không quan trọng bằng mở rộng không gian suy tưởng, không bằng khám phá ra chính bản thân mình để vượt qua cái vô biên mà giác ngộ. Chưa phát hiện ra bản thân mình, chưa thể trở thành nhà văn dù anh có 50 đầu sách. Phát hiện bản thân mình chính là khả năng không lặp lại ở người khác. Và chỉ có không lặp lại người khác mới “chữa” được căn bệnh “trầm kha” của văn học Việt Nam hiện nay là tác phẩm của nhà văn không có cá tính, không độc đáo… giống nhau đến tệ hại.

Tác giả: Hiền Nguyễn

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây