Văn chương trẻ cần được ghi nhận

Thứ hai - 28/06/2010 18:23 2.012 0

Văn chương trẻ cần được ghi nhận

Để đánh giá đúng văn học trẻ, thì phải hiểu hoàn cảnh họ sáng tác, phải hiểu tác phẩm họ, phải công tâm thì mới công bằng. Nên cổ vũ những người viết trẻ dám dấn thân, tìm tòi và trong cuộc mưu sinh, vẫn ra sách đều, vẫn quan tâm đến bạn đọc và cảm thấy đó là trách nhiệm của mình.

Mấy năm qua, không khí sáng tác văn học trong giới trẻ trở nên sôi động, nhiều tác phẩm đánh dấu những nỗ lực trong sáng tác của họ. Những nỗ lực đó thể hiện ở sự tìm tòi, đổi mới trong hàng loạt cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết và hơn nữa ở đó còn là thái độ nghiêm túc trong sáng tác của nhiều người. Từ đầu năm 2010 đến nay, hàng chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết của người viết trẻ ra đời. Thế nhưng, việc đánh giá của một số nhà phê bình đối với văn học trẻ vẫn chưa thực sự công bằng.

1. Đầu năm 2010, nhà văn trẻ Trang Hạ hoàn thành tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Hoa, đăng dài kỳ trên mạng xã hội của Đài Loan, mang tên "Lộ đăng hạ cố sự". Bản tiếng Việt "Chuyện kể dưới ngọn đèn đường" được NXB Phụ nữ và Công ty Sách Đinh Tị ra mắt tại Hà Nội vào đầu năm 2010, bản tiếng Hoa song ngữ ra mắt tại Đài Bắc vào giữa năm 2010, và bản tiếng Hoa có nhiều tình tiết khác biệt với bản tiếng Việt. Tiểu thuyết cũng đã được in dài kỳ trên báo Tiền phong trong thời gian qua.

Trang Hạ cũng từng trả lời trên báo chí, trong năm nay, chị sẽ thực hiện khoảng 20 đầu sách văn học dịch, trong đó có hàng loạt tác phẩm của Đài Loan. Chị cũng vừa ra mắt cuốn tạp bút "Đàn bà ba mươi", giống như một món quà Trang Hạ dành tặng riêng cho những người phụ nữ hiện đại, đã khẳng định được cái tôi đầy màu sắc của chính mình.

Cây bút đầy cá tính Thủy Anna cũng vừa ra mắt tiểu thuyết "Thoát y dưới trăng" - là tác phẩm thứ hai của chị, từng gây xôn xao với tiểu thuyết "Lạc giới". Cũng như lần trước, Thủy Anna đi sâu vào đề tài nóng của xã hội, khắc sâu vào xã hội thân phận đặc biệt của con người. "Thoát y dưới trăng" là câu chuyện nói về một cô gái bất hạnh tên Di. Di phải sống một cuộc sống buồn khổ từ khi cha cô mất và mẹ cô trở thành gái bán hoa. "Thoát y dưới trăng" là bức tranh thân phận quằn quại của một cô gái có cá tính, đầy bất hạnh nhưng quyết vượt khó đi lên.

Nữ tác giả Dương Thụy, từ một người đến với văn chương đầy tính bản năng, đã trở thành nhà văn trẻ hàng best-seller, kể từ khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay "Oxford thương yêu" và sau đó là tập truyện ngắn "Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình". Mới đây nhất, chị có tiểu thuyết "Nhắm mắt thấy Paris" là "một thiên tình ái" vừa lãng đãng mơ màng với những nhân vật đẹp như trong mộng, vừa mang hơi thở rạo rực của cuộc sống đô thị hiện đại. Độc giả sẽ được du ngoạn qua nhiều thành phố châu Á và châu Âu, mà tâm điểm sẽ là một "Paris của rạng đông" đầy đủ các cung bậc cảm xúc.

Dương Thụy là người đơn giản, vui vẻ và hóm hỉnh, hệt như truyện ngắn của cô. Rất ít khác biệt hay mâu thuẫn nào giữa tác giả và tác phẩm. Từ khi cô cầm bút viết truyện ngắn đầu tiên (thời học trò) cho đến bây giờ (đang là giám đốc truyền thông - đối ngoại của một tập đoàn dược phẩm), sự nhất quán ấy là không thay đổi.

Cây bút nữ viết khỏe Di Li vừa ra mắt tập truyện ngắn "Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng". Tập truyện dày 214 trang, số lượng bản in 5.000 cuốn, bao gồm 11 truyện ngắn. Di Li từng được xem là hiện tượng của văn học phía Bắc khi rất thành công với các tiểu thuyết trinh thám kinh dị như "Trại Hoa Đỏ", "Đảo Thiên Đường", "7 ngày trên sa mạc", "Tầng thứ nhất"… và nhiều đầu sách dịch.

Thành công với truyện ngắn ở TP Hồ Chí Minh nhưng vài năm trở lại đây, Vũ Đình Giang dành thời gian cho thể loại tiểu thuyết. Anh nói vui, chắc tại vì mỗi thời điểm chỉ có thể quan tâm được một thứ.

Vũ Đình Giang cũng thổ lộ, anh thật sự muốn dấn thân vào thể loại nhiều thử thách này, muốn tìm ra một kỹ thuật, một nghệ thuật diễn đạt khác, mà trước đó anh tự nhận thấy mình chưa đủ độ chín để chạm tới. Anh đã có hai tiểu thuyết "Song song" và "Bờ xám".

Một cây bút rất nổi của văn đàn phía Nam cũng mới ra mắt "Giữa dòng chảy lạc" là cuốn tiểu thuyết thứ ba của anh. Tiểu thuyết không có cốt truyện, ly kỳ với những nhân vật không có tên riêng (anh, cô, ông). Nhà văn Dạ Ngân nhận xét: "Không có cốt truyện để xoay quanh mà nhân vật vẫn xoay được, không nhân vật có tên nhưng người đọc vẫn nhìn thấy dung mạo xã hội và chất người cùng chất con của họ, quả thật Nguyễn Danh Lam đã rất lên tay và đã làm tốt điều mình định làm".

Nguyễn Danh Lam, 38 tuổi, hiện công tác tại báo Mực tím TP Hồ Chí Minh. Trước đó, anh đã xuất bản tiểu thuyết: "Bến vô thường", "Giữa vòng vây trần gian". Anh được đồng nghiệp đánh giá là một nhà văn trẻ chịu đọc, chịu học và chịu viết trong dòng chảy cơm áo của người trẻ hiện nay.

Ở phía Bắc, Nguyễn Đình Tú cũng nổi đình nổi đám với các tiểu thuyết "Nháp", "Phiên bản". Nguyễn Đình Tú đã phát biểu đó là những cuốn nằm trong kế hoạch "Mỗi năm một tiểu thuyết" của anh. Hiện tại, anh đang hoàn thành những chương cuối của tiểu thuyết "Kín" để... trả nợ bạn đọc.

Những người trẻ tuổi hơn như Nguyễn Quỳnh Trang đang cần mẫn viết để năm 2011 ra một tiểu thuyết mới, Nguyễn Văn Học dự định năm 2010 ra hai tập truyện ngắn và một tiểu thuyết vào năm 2011.

2. Tôi không thể điểm hết những cuốn sách, những gương mặt ra sách thường xuyên trong một bài báo nhỏ. Những tinh túy của văn học trẻ sẽ được gạn lọc, công nhận và thấu hiểu theo thời gian. Trong khoảng chục năm trở lại đây, không khí sáng tác văn học trẻ rất sôi nổi. Nhiều người đã tự tạo áp lực, gắn với trách nhiệm cho mình để vừa kiếm sống, vừa sáng tác. Năm 2009 và đầu năm 2010, nhiều tiểu thuyết của các cây bút trẻ đã lần lượt ra đời.

Có người bảo lớp trẻ chưa sống đã viết và viết hời hợt; người tâm huyết thì cho rằng, nhiệt tình sáng tạo của người viết trẻ, với những dấn thân, sự ham học hỏi của họ nhất định sẽ làm nên tác phẩm khá, hay. Chỉ có điều, cần phải có thời gian để người viết trẻ nhìn lại mình, tích lũy thêm và nuôi ý chí sáng tạo. Họ cũng cần có sự chăm chút của các bậc cha chú.

Rất nhiều cây bút đã dám dấn thân vào nghiệp viết bằng những tìm tòi, thể nghiệm, bằng tất cả sự nhiệt tình của những tâm hồn yêu văn chương. Ngay cả những người như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Dương Bình Nguyên, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Đình Tú... trong vài năm nay họ mới nổi và dần hoàn thiện sự nghiệp văn chương của mình bằng cá tính sáng tạo, lối viết riêng, sự làm việc nghiêm túc, miệt mài. Họ hoàn toàn là những người viết trẻ và sau họ có những người kế cận, đủ nhiệt tình để làm nên những mùa văn học.

Trước cuộc sống khó khăn, gánh nặng trên vai người viết trẻ, không chỉ có nỗi lo cuộc sống mà còn có những áp lực từ chính đời sống văn chương nước nhà. Đành rằng, có người vội vàng, ăn xổi, chạy theo mốt đã sinh ra tác phẩm nhạt nhẽo, kém sức sống. Nhưng không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn thành tựu của văn học trẻ.

Nhiều nhà văn đã bày tỏ cùng tôi rằng: "Để đánh giá đúng văn học trẻ, thì phải hiểu hoàn cảnh họ sáng tác, phải hiểu tác phẩm họ, phải công tâm thì mới công bằng. Nên cổ vũ những người viết trẻ dám dấn thân, tìm tòi và trong cuộc mưu sinh, vẫn ra sách đều, vẫn quan tâm đến bạn đọc và cảm thấy đó là trách nhiệm của mình".

Nhà văn Vương Tâm cũng có chung một ý tưởng, ông bảo: "Không phải ai cũng có độ nhiệt tình mà sáng tác trong thời gian dài. Người cần mẫn viết được và ra sách thường cũng đâu có nhiều. Các cây bút trẻ, trong những năm gần đây đã có được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, ở ngoài kia, người ta đang tất bật mưu sinh, kiếm tiền. Các cây bút trẻ vẫn phải lo mưu sinh, phải lo sáng tác. Họ phải được hiểu và ghi nhận...".

Dù có nói thế nào thì văn học trẻ vẫn sẽ sôi nổi, phát triển và làm nóng nền văn học nước nhà. Bởi vì nhiều cây bút trẻ vẫn cần mẫn viết với sự nhiệt tình của mình, kết hợp với những lợi thế của công nghệ thông tin, sự ham học hỏi của mỗi người viết. Tôi cũng biết rằng, người sáng tác trẻ đang ngầm có một cuộc đua về cá tính sáng tạo, dù chưa ai công nhận một cách công khai. Những cuộc đua ngầm đã và đang tạo ra các trào lưu sáng tạo. Để văn học trẻ phát triển, rất cần sự ghi nhận, đánh giá đúng đắn của các nhà phê bình, các bậc nhà văn đàn anh.

Tác giả trẻ Di Li:

Nhiều người đọc kỹ tác phẩm, nhưng khi nhận xét, đánh giá còn chủ quan, còn chưa đúng trọng tâm tác phẩm, thậm chí còn chưa biết tác phẩm nói gì, huống hồ chưa đọc mà đã đánh giá.

Một năm có cả trăm đầu sách của người viết trẻ được xuất bản. Tôi nghĩ, để đánh giá văn học trẻ, phải đọc kỹ họ và hiểu họ. Đằng này, có một số người, đến tên tác giả, tác phẩm còn viết sai, thế thì đánh giá đúng làm sao được.

Cây bút thơ Hoàng Chiến Thắng:

 

Dù việc phê bình tài tử hay hàn lâm đi nữa, thì việc quan trọng đối với những người viết phê bình nên đọc tác phẩm và đọc có hệ thống. Trẻ không có nghĩa là họ viết hời hợt, đành rằng có những tác phẩm họ chủ đích nghiêng nhiều về tính giải trí.

Hiện nay, trào lưu văn học trẻ có nhiều và họ có những đối tượng đọc của riêng mình. Người viết chỉ cần có người đọc, thế đã là một thành công. Người viết văn trẻ, với những sáng tác trẻ, không có nghĩa là họ hời hợt. Chúng ta không nên lấy "cái uy" của thế hệ đi trước mà áp đặt cho thế hệ sau. Đành rằng, thế hệ trẻ vẫn phải cố gắng, phải sáng tạo.

Tác giả trẻ Thủy Anna:

Những người viết trẻ hiện nay, đâu phải ai cũng "dễ dãi" với đề tài, với trang viết của họ. "Thoát y dưới trăng" tôi viết được in tới 2.000 bản cho lần xuất bản đầu tiên. Nhưng để viết được tôi mất hơn một năm trời. Nhuận bút của cuốn tiểu thuyết đó không bằng nửa thu nhập một tháng của tôi hiện tại và không bằng một tập kịch bản phim viết trong ba ngày.

Làm phép so sánh như vậy, để mọi người hiểu rằng, viết tiểu thuyết là công việc quá khó nhọc và mất nhiều thời gian. Tôi rất trân trọng những tác phẩm của đồng nghiệp và trân trọng sức lao động của họ, khi họ ra sách thường xuyên.

Đừng lấy Lê Kiều Như và "Sợi xích" để so sánh với chúng tôi, chúng tôi coi văn chương là nghiệp, không phải cuộc chơi, không phải tạo scandal để câu khách. Chúng tôi dám lấy danh dự của mình để bảo vệ tác phẩm của mình và mãi theo đuổi văn chương đến cùng.

 

Xuất hiện ngày càng nhiều tác giả trẻ. Tác phẩm của họ thể hiện rất rõ hơi thở, giọng điệu của đời sống ngày hôm nay. Họ có ý thức nói lên mối quan tâm của một thế hệ trước một hiện thực bộn bề đang khai mở. Họ năng nổ đi tìm cách biểu cảm mới phóng khoáng, tự nhiên và rất mừng là từ trong đội ngũ đông đảo đã xuất hiện những cây bút thực sự có tài.

(Dự thảo báo cáo Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII - 2010 - 2015).

Tác giả: Ngô Hải Miên

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây